“Các sự cố nghiêm trọng” trên Biển Đông là không thể phủ nhận

DANH ĐỨC 08/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Những phát biểu và thái độ tại Thượng đỉnh ASEAN Bangkok tháng 11-2019 cũng như nội dung Tuyên bố của Chủ tịch Thượng đỉnh năm nay cho thấy ASEAN đang như thế nào với nhau và với các thế lực bên ngoài.

Cả ASEAN ở chung trên một con thuyền hòa bình. Ảnh: The Straits Times
Cả ASEAN ở chung trên một con thuyền hòa bình. Ảnh: The Straits Times

Quả thật, không khó để thấy ASEAN “nặng” bao nhiêu trong mắt của một đối tác lớn bên ngoài là Hoa Kỳ. Sự vắng mặt lần thứ hai liên tiếp của ông chủ Nhà Trắng tại một Thượng đỉnh ASEAN là dấu hiệu không khó thấy của một thái độ mang tính “chọn lọc”.

Muốn hay không, sự vắng mặt đó đã tạo phản ứng: Lãnh đạo bảy nước ASEAN, trừ Thủ tướng Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã không tham dự một hội nghị với Mỹ hôm 4-11, mà chỉ cử bộ trưởng ngoại giao thay thế, theo Philstar 4-11.

Cần biết thêm, Thái Lan đang đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp quản vị trí đó sau hội nghị lần này, còn Lào đang là nước chịu trách nhiệm điều phối quan hệ ASEAN - Mỹ.

Thiệt ra, chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump năm nay tiếp tục không dự thượng đỉnh ASEAN không hẳn là do ông coi nhẹ ASEAN. Là một người rất thực tế, ông vẫn thường cư xử “mắt đối mắt, răng đối răng”. Cảm nhận của ông về ASEAN có lẽ đã định hình sau khi dự Thượng đỉnh ASEAN Manila, bất chấp những ca hát bông đùa cá nhân với tổng thống chủ nhà Rodrigo Duterte.

Trong diễn văn đọc hôm 13-11-2017 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Manila, ông Trump nhấn mạnh điều ông muốn từ các nước trong khu vực: “Chúng tôi muốn các đối tác của chúng tôi mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng, kiểm soát được định mệnh của mình và không là vệ tinh cho bất cứ ai”.

Nôm na mà nói, vấn đề không phải là phải ngả theo Mỹ, mà là đừng tự buông số phận của mình và đừng tự nguyện là vệ tinh của thiên hạ. Qua năm sau, một Singapore chao đảo khiến ông Trump chán ngán không buồn qua, từ đó dẫn đến quyết định vắng mặt năm nay, điều càng dễ hiểu khi bản thân ông Trump đang ngập trong rắc rối với tình hình quốc nội, đến nỗi Bloomberg 30-10 đã gọi tháng 10 là “tháng tệ nhất của ông Trump” từ ngày vào Nhà Trắng.

Có dàn xếp được bất đồng?

ASEAN cũng đã có những trục trặc không thể tránh khỏi trong quá trình tìm kiếm sự đồng thuận với vấn đề gai góc nhất có lẽ vẫn là Biển Đông. Trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm nay, đã không xuất hiện cụm từ “các sự cố nghiêm trọng gần đây” trên Biển Đông.

Thông tấn AP 1-11 tường thuật: “Hai nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với AP rằng Việt Nam muốn đưa vào một cụm từ phản ánh sự xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển mà Việt Nam có độc quyền khai thác tài nguyên.

Trung Quốc, thông qua Campuchia, đã phản đối bất kỳ động thái nào như vậy. Các nhà ngoại giao Việt Nam đặt câu hỏi về sự tiến bộ về COC một khi Trung Quốc cứ tiếp tục xâm nhập vùng biển của họ”.

Những khó khăn trong nội bộ ASEAN thật ra đã bắt đầu ít ra là từ năm 2012. Tại Thượng đỉnh ASEAN Phnom Penh năm đó, Philippines là nước bực dọc việc Trung Quốc uy hiếp rạn san hô Scarborough, lúc đó vẫn do họ kiểm soát, và muốn nêu vụ này ra bàn họp thượng đỉnh.

Song quan chức bộ ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn phát biểu "né": “Các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định họ sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông kể từ bây giờ”, theo Reuters 19-12-2012.

Ngoại trưởng Nhật Bản, chứng kiến những bất đồng khi đó, cảnh báo rằng tranh cãi trong ASEAN về Biển Đông có thể gây tổn hại cho hòa bình và ổn định ở châu Á, rằng Trung Quốc đang ra sức trì hoãn kế hoạch giảm căng thẳng và bất đồng.

Từ Thượng đỉnh ASEAN Phnom Penh 2012, hầu như mỗi năm vấn đề đồng thuận này đều trở thành khúc mắc, mỗi Thượng đỉnh ASEAN đều đặt ra vấn đề bàn hay không bàn chuyện Biển Đông và nhắc tới những gì. Và gần như năm nào cũng thế, xu thế “không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” - dù của thiểu số - tiếp tục dai dẳng, nhân danh sự “đồng thuận”.

Dẫu sao lần này Tuyên bố của nước chủ nhà, tuy cũng “tránh voi”, vẫn không đến nỗi “xấu mặt nào” với một đánh giá tình hình ngay từ đoạn 2: “Chúng tôi nhận ra bối cảnh địa chiến lược đã thay đổi nhanh chóng” , và thừa nhận “việc hiện thực hóa các mục tiêu và nguyện vọng của ASEAN hội nhập đòi hỏi phải có sự hợp tác mạnh mẽ với các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài khác”, theo đoạn 3, tức ASEAN muốn yên ổn hội nhập phải được nước khác “hợp tác”.

Tất cả những nhập đề lung khởi cuối cùng dẫn đến tái khẳng định yêu cầu “giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bao gồm sự tôn trọng hoàn toàn các quy trình pháp lý và ngoại giao mà không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, theo các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS )” (đoạn 4).

Và cụ thể hơn là “sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm” (đoạn 50).

Nhấn mạnh “không sử dụng vũ lực” và “phải duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC” nhất định không phải là sáo ngữ trong bối cảnh những màn bắt nạt vẫn không có dấu hiệu dừng lại trên Biển Đông, nhất là ở khu vực bãi Tư Chính suốt từ tháng 7 đến nay.

Đằng sau những thông cáo huê mỹ

Thông cáo của nước chủ nhà về Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22 hôm 3-11 rất đúng bài bản: “Hội nghị được chủ trì bởi Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, tướng Prayut Chan-o-cha, và có sự tham dự của tất cả các nguyên thủ quốc gia/lãnh đạo chính phủ ASEAN cùng ngài Lý Khắc Cường...”.

Thông cáo đúc kết cuộc họp rất hữu nghị, nhắc tới Biển Đông với nhiều nhận định tích cực hơn là một vấn đề: “Chúng tôi nồng nhiệt hoan nghênh sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc và được khuyến khích bởi tiến trình đàm phán thực chất hướng tới kết thúc sớm Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất ở Biển Đông (COC) theo thời gian hai bên đã thống nhất.

Chúng tôi khen ngợi việc hoàn thành lần đọc thứ nhất dự thảo văn bản đàm phán COC như đã được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với Trung Quốc (PMC 10+1) vào ngày 31-7-2019 tại Bangkok, hoan nghênh việc bắt đầu quá trình đọc lần thứ hai, và giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng và quan chức cao cấp của chúng tôi tiếp tục thúc đẩy để sớm hoàn tất một COC hiệu quả và thực chất. Chúng tôi hoan nghênh tham vọng hoàn tất COC trong thời hạn ba năm hoặc trước đó theo đề xuất của Trung Quốc...”.

Tuy nhiên, báo chí đã tỏ ra bám sát thực tế hơn, cung cấp những thông tin bổ sung cho các thông cáo ngoại giao. Có thể lấy ví dụ bài “Các nhà lãnh đạo ASEAN nỗ lực loại bỏ bất ổn ở Biển Đông” của Thông tấn xã Philippines News Agency đăng hôm 4-11.

Bài báo đưa ra cái nhìn chi tiết về hội nghị ASEAN - Trung Quốc, rằng cuộc họp đã không hề “toàn tâm, toàn ý” hay ít ra là “tĩnh lặng” như trong thông cáo, qua lời Bộ trưởng Tài chính Philippines Cameron Dominguez III.

Có thể thấy một lần nữa thái độ và lập trường của Philippines: Dù tổng thống nước này thường xuyên bày tỏ sự ngả nghiêng bất định trong quan hệ với Trung Quốc, nhiều thành viên nội các của ông có vẻ vẫn “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Sau các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, lần này là Bộ trưởng Tài chánh. Ông Dominguez nói rằng COC là một tài liệu quan trọng mà tất cả các bên phải đồng ý để chấm dứt những lo lắng cho quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, và loại bỏ bất ổn nhất định là mục tiêu chính hiện nay.

Quan trọng nhất, ông nêu lên thực trạng: “Thế nhưng làm sao để đạt được điều đó, liệu chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết, đề cập đến các sự cố cụ thể hay không, thực sự là chủ đề cần thảo luận giữa tất cả các bên”.

Có thể hiểu suy nghĩ của phía Philippines qua phát biểu của Bộ trưởng Dominguez: Các nước liên quan đến Biển Đông cảm thấy bất an vì những bất ổn không thể biết trước. Tỉ như ngư dân Philippines đánh cá ở khu vực Scarborough mà nay Trung Quốc đã “cấm chỉ”, hay ngư dân Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.

Nghiêm trọng hơn, tàu hải giám và các tàu khảo sát hải dương Trung Quốc từ tháng 7 đã xem vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chẳng khác gì “ao nhà”, cậy số đông mà vừa bắt nạt các tàu chấp pháp Việt Nam, vừa bắc loa la lối đuổi đi.

Chính vì thế, ông Dominguez kết luận rằng những sự cố đã làm tăng bất ổn ở Biển Đông, một kết luận mà ai biết suy nghĩ thì đều phải thừa nhận.

Từ đó ông Dominguez đề xuất nêu các sự cố đó trong COC đang đàm phán: “Tôi nghĩ rằng việc phải đề cập các sự cố trong quá khứ là điều rất quan trọng. Chưa rõ các chi tiết đó, nếu được đề cập, sẽ nằm trong văn bản thỏa thuận COC hay trong phụ lục, nhưng chắc chắn đó là các ví dụ về cách mà những bất ổn và sự không chắc chắn đã gia tăng, cần được xem xét”.

Đề xuất này cùng từ ngữ “những bất ổn và sự không chắc chắn” của ông Dominguez hoàn toàn khớp với cụm từ “các sự cố nghiêm trọng gần đây” mà Việt Nam muốn đưa vào Tuyên bố của Chủ tịch Thượng đỉnh ASEAN Bangkok. Câu hỏi là liệu chúng sẽ có mặt trong văn bản COC chung cuộc hay không? ■

Tại Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định: “Trung Quốc đã là đối tác đối thoại đầu tiên tham gia Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á... Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và từ đó đã thúc đẩy việc thực thi đầy đủ và hiệu quả”.

Ông Lý quên rằng đã 17 năm trôi qua từ khi DOC được ký kết. Trung Quốc từ chỗ chưa trưng ra cái gọi là “đường chín đoạn”, thì nay đã thản nhiên cho tàu vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN khác, và còn ngang ngược quả quyết vùng biển đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận