Camera giám sát: Làm đúng, dân sẽ ủng hộ

HOA KIM 15/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Một hệ thống camera giám sát (closed-circuit television - CCTV) tập trung ở quy mô thành phố sẽ mang lại lợi ích trong phòng chống tội phạm và ứng phó khẩn cấp lớn hơn rất nhiều so với phương pháp quản lý truyền thống.

CCTV sẽ giúp cảnh sát có thêm
CCTV sẽ giúp cảnh sát có thêm "tai mắt" phát hiện tội phạm. Ảnh: v-360.co.uk

Viễn cảnh một thành phố được bao phủ bởi hệ thống CCTV rộng khắp và len lỏi đến từng ngóc ngách có thể khiến nhiều người hoài nghi về sự bảo đảm các quyền riêng tư, cũng như khả năng chúng bị lạm dụng cho việc giám sát công dân bên ngoài khuôn khổ luật pháp. Những ví dụ quan sát được từ hệ thống CCTV ở một số quốc gia cho thấy sẽ không công bằng nếu đánh giá CCTV với góc nhìn kém thân thiện như thế.

Phát huy hiệu quả

Năm 2014 nhà mạng lớn nhất Kenya là Safaricom bắt tay với hãng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei lắp đặt hệ thống camera giám sát phủ khắp thủ đô Nairobi và thành phố Mombasa cùng hạ tầng mạng 4G cho phép truyền dữ liệu ghi hình thời gian thực từ tất cả các camera tới các đồn cảnh sát ở cả hai thành phố.

Hệ thống này được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn những loại tội phạm vặt nhưng phổ biến như phá hoại hay trộm cắp, “tương tự như khi có sự hiện diện của cảnh sát trên đường phố” - Koh Hong Eng, giám đốc nghiên cứu an toàn công cộng toàn cầu của Huawei, nhận xét trong bài xã luận đăng trên South China Morning Post.

Theo Koh, thông qua thuật toán, CCTV còn có khả năng nhận biết và cảnh báo sớm những hành vi đáng ngờ, như việc nhiều xe được ghi hình ở những địa điểm khác nhau lại có dấu hiệu di chuyển có tổ chức, hoặc một người có hành động che mặt khi thấy camera. Những cảnh báo này được gửi về trung tâm điều khiển, giúp rút ngắn thời gian phản ứng của các lực lượng chức năng khi cần thiết.

Tháng 6-2019, chính quyền New Delhi cũng bắt đầu lắp đặt 140.000 CCTV ở những khu vực công cộng của thành phố trong chiến dịch đẩy lùi các loại tội phạm, đặc biệt là những vụ tấn công tình dục nhằm vào nữ giới đã khiến thủ đô Ấn Độ trở thành điểm đến không an toàn trong mắt du khách, theo báo The Times of India.

“Những chiếc camera này sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho những người con, người chị, người em và người mẹ không dám ra đường vào buổi tối vì lo sợ bị quấy rối và tấn công - Phó thủ hiến Delhi Manish Sisodia phát biểu trước báo giới tại lễ khởi động dự án - Cảnh sát có thể không có mặt mọi lúc mọi nơi, nhưng hãy yên tâm rằng những chiếc camera của chính quyền sẽ luôn dõi theo bạn đến từng ngóc ngách của thành phố”.

Một mạng lưới CCTV được kết nối tập trung không chỉ giúp ngăn ngừa tội phạm, mà còn cực kỳ hữu ích trong việc truy bắt người vi phạm.

“Chẳng hạn, các cơ quan chức năng cần tìm kiếm một chiếc ôtô BMW đời mới màu đỏ hay một người đàn ông đeo balô màu xanh có thể vận dụng các thuật toán phân tích video để lọc ra những khung hình có chứa những hình ảnh khớp với mô tả, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với việc ngồi rà lại những đoạn băng ghi hình kéo dài nhiều giờ đồng hồ” - Koh giải thích.

Hệ thống CCTV nếu sử dụng đúng sẽ giúp thành phố an toàn hơn. Ảnh: South China Morning Post
Hệ thống CCTV nếu sử dụng đúng sẽ giúp thành phố an toàn hơn. Ảnh: South China Morning Post

Làm đúng, dân tin

Nhận dạng khuôn mặt là một bước phát triển mới của CCTV những năm gần đây, được truyền thông quốc tế chú ý vì ứng dụng của công nghệ này vào hệ thống “tín dụng xã hội” đang được thí điểm ở Trung Quốc, nơi mỗi người dân được “chấm điểm” cho các hành vi ngoài xã hội nhờ vào hình ảnh từ hơn 170 triệu CCTV lắp đặt tại các cơ quan công cộng và đường phố - tương đương cứ 12 người thì có 1 camera giám sát.

Dù còn nhiều tranh cãi về tính pháp lý và khía cạnh đạo đức của chương trình này cũng như công nghệ nhận dạng khuôn mặt tích hợp CCTV nói chung, hiệu quả của nó trong phòng chống tội phạm là có thật.

“Ví dụ ở Thâm Quyến từng có vụ một trẻ em bị bắt cóc bởi người phụ nữ tự xưng là dì của nạn nhân. Chỉ trong vài giờ, một CCTV bắt được hình ảnh của kẻ bắt cóc và nạn nhân đang lên tàu hỏa đi thành phố Vũ Hán, cách đó 1.000km về phía bắc. Khi họ đến nơi, cảnh sát đã chờ sẵn. Đứa bé thậm chí hoàn toàn không biết nó vừa bị bắt cóc” - Koh dẫn chứng trong bài viết trên South China Morning Post.

Trái với lo lắng của nhiều người, hình ảnh từ CCTV không được lưu trữ vĩnh viễn. Tại đa số quốc gia, băng ghi hình chỉ được lưu giữ trong vòng 30 ngày và sẽ bị xóa, hoặc ghi đè lên nếu không có yêu cầu trưng dụng từ cảnh sát hay tòa án. “Hầu hết hình ảnh do CCTV ghi lại bị bỏ đi mà chưa từng được bất cứ ai nhìn thấy” - Koh giải thích.

Khi được quản lý và sử dụng đúng cách, CCTV sẽ phát huy hiệu quả và được người dân nhìn nhận đúng về lợi ích của chúng. Năm 2018, cảnh sát thành phố New York (Mỹ) thực hiện 998 vụ bắt giữ nhờ đầu mối từ những đoạn ghi hình CCTV, trong khi hàng ngàn chứng cứ video khác vẫn đang trong quá trình điều tra, cảnh sát trưởng James O’Neill nói trong một bài viết trên New York Times.

Kết quả khảo sát gần 4.300 người Mỹ thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew trong tháng 6-2019 cho thấy hơn một nửa dân Mỹ (56%) tin tưởng lực lượng chấp pháp sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có trách nhiệm, và 59% cho rằng việc chính quyền sử dụng công cụ này để đánh giá các nguy cơ an ninh nơi công cộng là có thể chấp nhận được.

Còn tại Singapore, mạng lưới camera cảnh sát (PolCam) với hàng trăm nghìn CCTV được lắp đặt từ năm 2012 đã giúp phá thành công hơn 1.000 vụ án, một con số kỷ lục, theo báo The Straits Times.

Theo Đài CNBC (Mỹ), tỉ lệ tội phạm ở đảo quốc này thấp đến mức nhiều cửa hàng thậm chí không cần khóa cửa vào buổi tối. Singapore cũng được tạp chí The Economist đánh giá là thành phố an toàn thứ hai trên thế giới vào năm 2017. Thành tích này đã giúp PolCam “nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng”, theo thông cáo của Văn phòng thủ tướng Singapore.■

“Mắt thần” giúp tiết kiệm sức người

Trong tình huống khẩn cấp trên diện rộng như thiên tai hay thảm họa, mạng lưới CCTV bao quát còn giúp tối ưu hóa các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ. Một nghiên cứu của Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan) cho rằng trong điều kiện nhân lực có hạn, việc đánh giá chính xác và nhanh chóng mức độ ưu tiên của các chiến dịch cứu trợ thảm họa là một bài toán lớn cần có sự hỗ trợ của CCTV.

“Khi một khu vực được tuyên bố là vùng thảm họa, các cơ quan hữu trách cần giám sát chặt chẽ và liên tục những thay đổi tại nơi đó và vùng lân cận đến khi nguy cơ không còn. Những đòi hỏi như thế khó có thể được đáp ứng chỉ bằng sức người” - nhóm nghiên cứu nhận xét.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Strathclyde (Anh) được đăng tải trên tạp chí Computers, Environment and Urban Systems năm 2018 đã so sánh tính hiệu quả về kinh tế giữa CCTV và công trình chiếu sáng công cộng trong việc kéo giảm tội phạm.

Kết quả cho thấy trong một số ít trường hợp thì đầu tư gắn CCTV mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với gắn thêm đèn đường khi đánh giá các yếu tố như tiền công lắp đặt ban đầu, chi phí bảo dưỡng, tiền điện... đặc biệt là tại những khu vực được xem là “điểm nóng” của tội phạm.

Việc tăng số CCTV từ 399 lên 1.000 cái ở Glasgow (Scotland) có thể giúp thành phố này tiết kiệm số tiền gần gấp 10 lần chi phí lắp đặt trong vòng 10 năm, nhờ giảm bớt các gánh nặng kinh tế do tội phạm gây ra. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng nhận định việc lắp đặt CCTV trên diện rộng sẽ là lãng phí nếu chúng chỉ phục vụ mục đích duy nhất là ngăn ngừa tội phạm.

Câu chuyện Hàn Quốc

Một ví dụ có thể tham khảo là dự án “Trung tâm quản lý tích hợp của hệ thống CCTV” ở Seoul. Theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin Seoul Solution do chính quyền thành phố thủ đô Hàn Quốc cung cấp, cập nhật gần nhất vào tháng 6-2015, dự án này nhằm “bảo vệ cư dân khỏi các hình thức tội phạm và thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào” thông qua camera giám sát “24/24 suốt 365 ngày” tại tất cả các quận ở Seoul.

Các CCTV này thu thập những thông tin như tuyết rơi, mưa bão, đổ rác hay đậu xe trái phép, đồng thời giám sát trị an tại sân chơi trẻ em, trường tiểu học và gửi dữ liệu theo thời gian thực về Trung tâm kiểm soát tích hợp (ICC - Integrated Control Center).

Tại đây, các nhân viên sẽ trực chiến và khi phát hiện có vấn đề sẽ thông tin đến các cơ quan khác nhau, chẳng hạn cảnh sát hay sở cứu hỏa, để ứng phó với tội phạm hay thảm họa kịp thời.

Chính quyền thành phố Seoul đánh giá sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng khác nhau ở các quận khác nhau, cùng với ICC, là mấu chốt mang lại thành công cho dự án: tỉ lệ tội phạm bị bắt giữ tăng, số lần cơ quan hữu trách đến hiện trường khi có sự cố xảy ra cũng tăng.

“Bằng cách tích hợp các hệ thống CCTV, vốn được các cơ quan chức năng khác nhau dùng cho các mục đích khác nhau, về một trung tâm giám sát đã tăng tính hiệu quả trong vận hành và giảm chi phí quản lý hệ thống CCTV” - bài viết trên Seoul Solution đúc kết.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận