Vĩnh biệt danh ca Thái Thanh: Chuốt sắc một hình hài tiếng Việt

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 20/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT - Người nghe nhiều thế hệ đã nghe Thái Thanh, người vừa qua đời ở tuổi 86 hôm 17-3, kể một thiên trường ca liêu trai với một khoái cảm về ngôn từ tiếng Việt được diễn tả đến độ thăng hoa.

Một bìa đĩa của ca sĩ Thái Thanh.
Một bìa đĩa của ca sĩ Thái Thanh.

Trong vùng ký ức xa xăm của cộng đồng tiếng Việt, những giọng ca là một dữ liệu lịch sử quan trọng giúp lấp đầy khoảng trống mà các văn bản để ngỏ. Bản nhạc và ca từ chỉ là những phương tiện “tử ngữ” nếu không được hát lên.

Ca sĩ Thái Thanh còn làm được hơn vị thế một tiếng hát đẹp. Tiếng hát của bà suốt nửa sau thế kỷ 20 và đến tận giờ khắc họa một hình hài trữ tình liền mạch của tiếng Việt.

Trải qua cuộc đời 86 năm, cô gái Phạm Thị Băng Thanh quê ở Bạch Mai, Hà Nội đã bắt đầu không gian âm thanh của mình trong bối cảnh chiến tranh. Gia đình âm nhạc của cô đã là một hiện tượng khi ai cũng có tài biểu diễn và một người anh còn sáng tác là Phạm Đình Chương.

Thái Thanh (đứng giữa) trong đám cưới Phạm Duy - Thái Hằng.

Ban nhạc gia đình họ Phạm trở thành một trung tâm điểm của làng văn nghệ, quán Thăng Long như một salon dã chiến, có duyên nợ với nhiều tên tuổi định hình nên văn hóa của kỷ nguyên nước Việt độc lập. Người ta phảng phất thấy ở đây không khí của một quán La Rotonde nơi Hemingway viết tiểu thuyết ở Paris những năm giữa hai thế chiến hay một Hoàng Hạc Lâu Lý Bạch nghiêng mình trước bài thơ tuyệt tác của Thôi Hiệu.

Bóng dáng những cô hàng cà phê thời chiến phủ lên nét quyến rũ của những địa điểm văn hóa, tiếp sức cho chúng thành cái nôi để tài tử hội ngộ giai nhân. Quán Thăng Long ở chợ Đại - Cống Thần (giáp ranh Hòa Bình, Hà Nam) sau dời về chợ Neo (Thọ Xuân, Thanh Hóa) giai đoạn 1947-1950 tạo ra một huyền thoại về chị em Thái Hằng - Thái Thanh cùng các nhân vật văn nghệ châu tuần xung quanh, trong đó có Phạm Duy, tên tuổi quan trọng của tân nhạc Việt Nam.

Tiếng hát Thái Thanh bắt đầu dệt chân dung của bản thân cô trên nền chân dung bằng hòa thanh phức điệu của nước Việt hiện đại. Nửa thế kỷ ca hát, chân dung ấy có thể được xem như đi từ phong cách hiện thực, cổ điển, baroque cho đến siêu thực. 

Tiếng hát Thái Thanh thay vì giải quyết tròn trịa bài hát tân nhạc một cách ngọt ngào, thuần phác như số đông, đã tìm những cách cực đoan hóa trong biểu cảm kết hợp lối hát bạch thanh để tạo ra những cao trào nhiều ma mị, mang lại một mỹ cảm không lẫn với ai khác. Người nghe nhiều thế hệ đã nghe Thái Thanh kể một thiên trường ca liêu trai với một khoái cảm về ngôn từ tiếng Việt được diễn tả đến độ thăng hoa.

Ngành lưu trữ lịch sử gần đây bắt đầu quan tâm đến lịch sử âm thanh, hay còn gọi là lịch sử khẩu thuật (oral history). Tiếng đọc truyện, tiếng ngâm thơ, tiếng hát, những biến thể trữ tình của tiếng nói trở thành những cơ sở dữ liệu đáng tin cậy cho khảo cứu, đôi khi tác động đến nhận thức và tiệm cận bản chất vấn đề sâu hơn các văn bản vốn dễ bị diễn giải sai lạc.

“Tiếng Việt còn, nước ta còn” - đó là một tuyên ngôn được đồng thuận, nhưng thứ tiếng Việt trong lời ăn tiếng nói chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi được nói lên, được hát lên. Tiếng Việt vốn nhiều thanh điệu, hay được ví như tiếng chim, tiếng hát, và bản thân mỗi người nói ra thứ tiếng Việt lại tiềm tàng một cách thể hiện riêng biệt.

Thái Thanh là một đại diện cho một nguồn tiếng Việt trữ tình mà bà thay lời các tác giả tuyên ngôn: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời”, “Hát nữa đi em, hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương” hay “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng”...

Có nhiều ca sĩ cùng hát chung những bài hát với Thái Thanh, nhưng lúc nào bà cũng làm người nghe nhận ra được chân dung tác giả sắc nét, chắp cánh cho những bài ca lên tới đỉnh cao như trong trường hợp Tình ca, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Thiên thai của Văn Cao hay Hội trùng dương của Phạm Đình Chương.

Thái Thanh để lại một ấn tượng về cách nhả chữ tài tình trong lối hát, một kỹ thuật kết hợp cách hát dân gian với kinh viện, điều đó đã được nhiều người ghi nhận. Tất nhiên không phải ai cũng “phải lòng” giọng hát có phần diễn cảm quá mức của bà, thậm chí còn cho là quá chua, gắt.

Có thể trải qua thời gian, thẩm mỹ âm nhạc đại chúng thay đổi, cách hát của một thời vang bóng sẽ mang tính bảo tàng, song công phu làm việc với ngôn từ tiếng Việt của giọng ca Thái Thanh là một dẫn chứng quan trọng cho quá trình phát triển ngữ âm khẩu thuật. 

Đó là di sản của một thời các bài hát sở hữu ca từ đậm chất thơ, người sáng tác, người hát và người nghe thừa hưởng một vốn văn hóa cổ truyền của cộng đồng giai đoạn giao thời từ hậu kỳ thuộc địa sang quốc gia độc lập.

Thái Thanh đã hát những bài hát quan trọng của tân nhạc, điều đó đáng kể, song dấu ấn quan trọng nhất là chuốt sắc một hình hài tiếng Việt. Người sáng tạo hiện đại hẳn có thể học được nhiều điều ở tinh thần lao động đó. Còn người nghe, họ sẽ ghi nhớ một thời tiếng Việt đĩnh đạc, khoan thai, cho dù trải qua những thăng trầm lớn nhất mà một dân tộc gặp phải.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận