“Hết chuyện chết tiệt này đến chuyện chết tiệt khác”

ZÉT NGUYỄN 27/11/2020 22:36 GMT+7

TTCT - Quãng tháng 6-1911, Jaroslav Hašek, người sau đó trở thành tượng đài văn chương của Séc, trước khi lên giường đi ngủ đã nguệch ngoạc bằng bút chì ra một mẩu giấy: “Một thằng đần trong đại đội. Anh ta tự đi khám [để chứng minh] rằng mình đủ khả năng làm một người lính đích thực”. Cái ý tưởng tưởng đầy thô sơ này hơn chục năm sau được chính tác giả phát triển thành cuốn tiểu thuyết đồ sộ được dịch ra hơn 60 thứ tiếng, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới, mà như Joseph Heller - tác giả một tác phẩm phản chiến đương đại xuất sắc khác - thú thật: Nếu không có Švejk thì không có Bẫy-22.


Ảnh: M.N.

Hašek, người sống cùng thời với Franz Kafka và Karel Čapek vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Praha, là một trường hợp đặc biệt, với cuộc đời nhiều biến cố ngang ngửa tiểu thuyết của chính mình, mà những từ khóa luôn được gán cho ông gồm: lãng tử, phiêu bạt, nghiện ngập, vô chính phủ, lập dị,... Những huyền thoại về những hành vi phá phách, gây rối trật tự của ông được kể liên tu bất tận từ thời ông còn sống đến tận ngày nay.

Và đứa con tinh thần của ông, người lính tốt Švejk - nhân vật gây ra không biết bao nhiêu tranh cãi, nhân vật được cho là người đại diện cho tinh thần, tính cách, văn hóa Séc, dưới góc đọc tiểu sử học, sẽ là một trong những hình ảnh phản chiếu của chính tác giả.

Nhân vật chính như một ẩn số

Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới (*) gồm 4 phần: Ở hậu phương, Ngoài mặt trận, Trận đòn vẻ vang, Tiếp tục trận đòn vẻ vang. Cũng như các tiểu thuyết của Kafka, tác phẩm này của Hašek không có phần kết, bị dở dang do ông qua đời đột ngột. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết xoay quanh một nhân vật chính, mà nhiều nhà phê bình gọi là phản anh hùng, tên là Josef Švejk, làm nghề bán chó ở Praha.

Từng nhập ngũ trước đây, từng bị bác sĩ trong quân đội kết luận là ngu độn và cho giải ngũ, Švejk lại bị cuốn vào vòng quay của chiến tranh, mà ít nhiều là do chính anh xung phong phụng sự tổ quốc Áo - Hung. Kể từ đấy, dòng tự sự lăn bánh, nói như nhà nghiên cứu J. P. Stern, cuốn tiểu thuyết bợm nghịch này “được xây dựng trên mô hình hết chuyện chết tiệt này đến chuyện chết tiệt khác”.

Švejk trải qua liên tục những chuyến phiêu lưu hoang đường đầy lố bịch trong đời sống thực: bị bắt giam vào sở cảnh sát, bị tống vào nhà thương điên, bị đưa vào trại giam quân đội, trở thành lính hầu, lên đường ra trận rồi bị lạc, bị nhầm thành quân đào ngũ rồi cuối cùng về được đến đại đội của mình...

Một trong những điểm độc đáo của cuốn tiểu thuyết hài hước, đi hết từ chuyện này đến chuyện khác do chính miệng nhân vật chính tuôn ra liên tu bất tận bất kể thời điểm, bất kể đối tượng nghe, về bất cứ đề tài gì này (đến nỗi dịch giả tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm, Paul Selver, người dịch Hašek vào năm 1930, đã cắt bỏ gần một phần ba chính văn, mà người ta đoán phần nhiều là do chán quá), là độc giả biết rất ít về nhân vật Švejk.

Hašek gần như không dành thời gian để miêu tả Švejk: người ta không biết anh cao bao nhiêu, trong văn bản không thể tìm thấy chút chi tiết nào về ngoại hình lẫn tính cách do người kể chuyện thuật lại (duy nhất trong một bức thư, độc giả được chút lé nhìn vào bản báo cáo tố cáo Švejk đào ngũ rằng “Người này có vóc dáng nhỏ và béo, nét mặt hài hòa, mắt xanh, không có dấu hiệu gì đặc biệt”). Sáng rỡ xuyên suốt tác phẩm là đôi mắt xanh hiền hậu, đầy trìu mến và nụ cười ấm áp lúc nào cũng hiện diện trên khuôn mặt của Švejk.

Là sản phẩm đặc trưng của cái phương pháp xây dựng nhân vật đầy bí hiểm ấy của nhà văn, Švejk hiện lên như một ẩn số. Cái ẩn số ấy hoạt động và nói năng không theo bất kỳ một quy tắc hay chuẩn mực nào. Mọi sự kiện xảy đến với Švejk (dù là từ bên ngoài tác động vào hay do chính anh thật thà táy máy ngây ngô mà nên sự) đều diễn biến như thể là một điều tất yếu trong một thế giới đầy phi lý.

Và Švejk đối phó hay xuôi theo cái tất yếu đấy như một cơ chế để tồn tại sẽ là chủ đề để các tranh cãi tiếp tục về ẩn số văn chương này: một kẻ đần thực sự hay một thằng ngây ngô đầy mánh khóe, một kẻ thông minh lém lỉnh tốt tính hay một kẻ ác đầy nhẫn tâm. Ở mỗi một chuyến phiêu lưu ít nhiều bất đắc dĩ, cái ẩn số Švejk lại phô bày ra một nét mặt mới của mình, để rồi hiện lên như một trong những nhân vật đa dạng khó nắm bắt nhất trong lịch sử văn chương.

 Jaroslav Hašek  và bìa cuốn sách.

Quyền lực vô hình bao trùm trong thế giới phi lý

Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới mãi đến năm 1921 mới được xuất bản phần đầu, từ quãng thập niên 1910 Hašek đã viết một số truyện ngắn có nhân vật chính là Švejk. Độc giả có thể tìm ở những truyện ngắn giai đoạn này cái hình tượng anh lính ngu ngốc, mỉm cười trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rồi từ những phác thảo ấy mà hình tượng người lính tốt được xây dựng thành kẻ tưởng như lúc nào cũng tuân phục nhưng thực chất lại tìm mọi cách đi vòng qua luật lệ là Švejk sau này.

Cái thế giới phi lý đầy lố bịch nơi người ta bất chấp mọi lý lẽ và vin vào nguyên tắc để từ đó bắt buộc mọi con người phải làm theo trong Vận mệnh người lính tốt Švejk hiển hiện rõ rệt trong cuốn tiểu thuyết ở cách người ta bắt giam bất cần biết bất cứ ai có liên quan đến vụ ám sát ngài Đại công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo - Hung (chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất), đến cách tống kẻ khác vào trại thương điên, đến cách vận hành trong quân đội. Như thể toàn bộ cuộc sống được thu nhỏ thành một bộ máy quan liêu và nhất nhất mọi thứ đều phải nằm dưới sự chỉ huy của nó.

Cái thế lực quyền lực vô hình mà bao trùm này thực ra đã lộ diện đầy phi lý ngay từ trong những truyện ngắn được xuất bản trước đó của Hašek: từ câu chuyện lòng tận tụy của ông Stefan - người thu tiền cầu ở Praha không để sót bất kỳ ai từ dân thường tới quan sách đến nỗi nhảy xuống sông để bắt kẻ trốn tiền vé; từ cách xử lý một cách cực đoan gia sản để lại chỉ gồm bảy hào của được một biên chế của ngành tư pháp, người tiêu tốn hàng núi tiền để lùng sục khắp cả nước tìm ra cho bằng được người thừa kế. Cái môtíp về một sự mù quáng nhất định của cơ chế và cả người tuân theo cơ chế ấy chính là thứ được đưa ra làm đề tài giễu nhại trong Vận mệnh người lính tốt Švejk.       

                                                  
               
Bohumil Hrabal, một trong những tượng đài khác của văn học Séc hiện đại, với những tác phẩm kinh điển như Quá ồn một nỗi cô đơn, người ngưỡng mộ Hašek vô song, coi Hašek là “nhà sáng chế ra những chuyện bịa đặt vẽ vời, một thiên tài đầy sáng tạo và một cây bút đắp da thịt cho cái nền văn chương”. Hrabal học hỏi từ Hašek cái kỹ năng lọc hiện thực đời sống (phần lớn từ các quán rượu) và biến nó thành nghệ thuật. Ông say mê cuốn tiểu thuyết của Hasek đến độ nhận định rằng nó “được viết như thể ông ngoáy phát bằng tay trái, sau một trận say rượu, nó là niềm vui thuần túy trong viết lách”.
Quả thực, dẫu cho độc giả đến với Vận mệnh người lính tốt Švejk để cười hay để diễn giải thì cái niềm vui bất tận trong một cuốn tiểu thuyết dân gian (nói theo lời của cả Bertolt Brecht và Milan Kundera, hai thành viên tích cực của câu lạc bộ hâm mộ Hašek) đã được truyền dẫn từ người viết nó sang người đọc nó.                                                               

Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu kinh điển của bà giúp việc của Švejk “Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi” để rồi được Švejk đáp lời rằng Ferdinand nào, bởi anh ta biết đến hai Ferdinand: một thằng hầu và một thằng chuyên nhặt phân chó. Hašek bày ra cái mô hình (mà từ đó về sau sẽ được lặp đi lặp lại): sự liên hệ do tương đồng, và sự lật đổ quyền lực bằng những ví dụ phá hủy và hạ bệ sự nghiêm trọng. 

Các sự kiện được cho là trọng đại đều bị lung lay bởi những câu chuyện ngoài lề mang tính phá đám rất hồn nhiên của Švejk. Và chính trong diễn biến câu chuyện cũng xảy ra hàng loạt chuyện giả trân kiểu ấy: tưởng là thế mà hóa ra không phải thế, một thứ rất đặc trưng Švejk, hao hao cái thật.

Mọi biến cố khi xảy đến đều được lọc qua những câu chuyện quần chúng ngoài lề mà Švejk có biệt tài nhào nặn lại, mà biến cố to vĩ đại nhất chính là chiến tranh. Bị cho ra quân vì ngu độn, khi Đại chiến thế giới xảy ra, Švejk xung phong đăng lính. Anh bị đau khớp chân thật sự, nhưng bị chính các bác sĩ khám cho khẳng định rằng anh giả bệnh để trốn lính (với người vừa xung phong nhập ngũ), lên tàu ra trận tìm mọi cách ra chiến trường thì lại bị vu cho là đào ngũ. Švejk như đi ngược lại với mọi nỗ lực không tham chiến của hàng bao thanh niên và ông già khác.

Bao quanh Švejk là một hệ thống những nhân vật phục vụ cho chiến tranh: tuyên úy Katz, trung úy Lukaš, những đại tá, trung tá, thiếu úy, lính tình nguyện một năm... Họ bị đẩy vào những trò dở khóc dở cười của anh lính hầu tận tụy Švejk. Và bộ máy chiến tranh, từng phút một, dần bị bóc toạc dưới ngòi bút giễu nhại: một sự vô nghĩa lớn lao.

Một trong rất nhiều bức tranh minh họa lý thú có trong sách.

Đầy những câu chuyện thái quá đậm chất gây cười của trí tuệ dân gian, với những câu thoại như lấy trực tiếp từ đời sống thường nhật của những con người bình dân nhỏ bé ở phố phường và quán xá Praha, Hašek tạo nên một cuốn tiểu thuyết đẫm chất hài hước đen.■

(*) NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020, tập I-II. Dịch giả: Bình Slavická.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận