Google - 20 năm thay đổi thế giới

TRƯỜNG SƠN 06/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT - Google vừa kết thúc tháng “tưng bừng sinh nhật” lần thứ 20 của mình. Những gì “gã khổng lồ Internet” này làm được không chỉ góp phần làm thay đổi thế giới mạng mà cả cho cuộc sống trong đời thực...

đế chế google

Hai mươi năm tưởng dài nhưng chỉ đủ làm một em bé trở thành người tròn đôi mươi, tức chớm trưởng thành và chưa sẵn sàng vào đời. Với một công ty công nghệ thành lập chỉ hai năm trước khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, 20 năm chứng kiến hành trình lớn lao hơn thế rất nhiều.

Khởi đầu là cỗ máy tìm kiếm (search engine), giờ đây Google có tám sản phẩm nằm trong câu lạc bộ “tỉ người dùng”, và gần như không có lĩnh vực nào mà không có bóng dáng của gã khổng lồ: từ trình duyệt (Chrome), hệ điều hành (Android, ChromeOS), lưu trữ đám mây (Drive), tin tức (Google News), video (YouTube), mạng xã hội (Google+), sản xuất phần cứng (Nexus, Pixel, Chromebook) đến các xu hướng thời thượng như trí tuệ nhân tạo (DeepMind) và xe tự lái (Waymo).

Tất cả khởi sinh với hai bộ óc thiên tài, 100.000 USD vốn “khởi nghiệp” và một garage cũ.

Khai sinh

Câu chuyện khai sinh Google hẳn đã được kể nhiều lần và là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ sinh viên. Năm 1996, hai nhà sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin - gặp nhau khi đang cùng học thạc sĩ tại Đại học Stanford. Trong giai đoạn này, Yahoo! Search hoạt động theo cách nhận từ khóa tìm kiếm từ người dùng và tra cứu trong danh bạ các trang web nó đã lưu trữ, sau đó hiển thị kết quả sắp xếp theo độ chính xác và liên quan với từ khóa.

Page và Brin muốn tạo ra một bộ máy tìm kiếm theo cách khác và cùng phát triển PageRank - thuật toán xếp hạng các trang web dựa theo số lượng các liên kết từ trang web khác dẫn đến nó (ngày nay gọi là backlink). Bộ máy tìm kiếm của bộ đôi này, ban đầu tên là BackRub, cũng nhận từ khóa từ người dùng, tìm và hiển thị kết quả theo thứ tự dựa trên thứ hạng PageRank - trang có nhiều backlink nhất sẽ hiện đầu tiên và cứ thế.

BackRub ban đầu chạy trên mạng của ĐH Stanford. Đến năm 1997, dự án đổi tên thành Google và vào ngày lịch sử 4-9-1998, Page và Brin thành lập Công ty Google Inc, với số vốn 100.000 USD từ nhà đầu tư thiên thần (angel investor) Andy Bechtolsheim, đồng sáng lập Hãng Sun Microsystems. Bộ đôi sáng lập sau đó rời Stanford và chuyển “trụ sở” Google Inc về garage của Susan Wojcicki, hiện là giám đốc YouTube. Và từ đó, Google vươn vai vụt lớn thành người khổng lồ.

Không chỉ là tìm kiếm

Hành trình hai thập kỷ có nhiều bước thăng trầm, nhưng có những cột mốc không chỉ là bước tiến mới của riêng Google mà còn đặt nền móng cho các sản phẩm tương tự, tất cả là những trụ cột làm nên Internet và thế giới hiện đại ngày nay.

Cột mốc đáng chú ý trong lịch sử Google sau khi tiếp tục hoàn thiện thuật toán tìm kiếm và giữ vững vị trí “gã khổng lồ tìm kiếm Internet” là Google Adwords (hiện là Google Ads), ra mắt ngày 23-10-2000, đặt nền móng cho quảng cáo trên nền Internet, thứ cho đến nay vẫn là con gà đẻ trứng vàng cho Google. Trong ba năm kể từ 2004, Google liên tục có những bước đi táo bạo, góp phần củng cố đế chế của mình trong không gian số.

Ngày 1-4-2004, Google ra mắt dịch vụ thư điện tử Gmail với mỗi người dùng được 1GB lưu trữ miễn phí, con số khủng vào thời đó (hai tháng sau Yahoo! Mail mới tăng dung lượng lên 100MB cho người dùng không trả phí). Gmail được thiết kế dễ thao tác, tiện lợi và dễ tìm kiếm hơn so với các đối thủ cùng thời. Google đã cố tình chọn ngày “cá tháng tư” để ra mắt sản phẩm. Truyền thông nghi ngờ nhưng hóa ra một dịch vụ đột phá như vậy là có thật, khiến Google tha hồ “ghi điểm”. Gmail hiện là dịch vụ email phổ biến nhất thế giới với 1,4 tỉ người dùng.

Đến ngày 8-2-2005, Google ra mắt Google Maps trên nền web - cho phép người dùng “zoom” để xem và tra cứu đường đi. Đến năm 2009 Google Maps mới có phiên bản cho smartphone và chỉ đường theo thời gian thực nhờ GPS. Sang năm 2006 Google mua lại YouTube, trang chia sẻ video trực tuyến khi đó thậm chí còn chưa kịp “thôi nôi”, với giá khủng 1,65 tỉ USD. YouTube giờ đã là gã khổng lồ mà The Verge nhận xét là “viên đá nền tảng cho nền văn hóa hiện đại và đời sống trực tuyến, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và chắp cánh cho sự nghiệp của vô số người tạo nội dung video”. YouTube cũng là nơi các tài năng được phát hiện và vươn lên tầm ngôi sao, chẳng hạn như ca sĩ Justin Bieber.

Nhân sinh nhật lần thứ 10, Google tung ra “cú đấm” mới: trình duyệt web Chrome, với những cải tiến thách thức đối thủ Mozilla Firefox và Microsoft Internet Explorer. Chrome cũng vừa tưng bừng mừng sinh nhật lần thứ 10 với tư cách là trình duyệt phổ biến nhất thế giới, chiếm 60% thị phần toàn cầu.

Sang tháng 10-2008, chiếc smartphone chạy Android đầu tiên trên thế giới, HTC Dream, chính thức lên kệ. Theo hãng nghiên cứu IDC, đến hết năm nay hệ điều hành di động Android của Google sẽ chiếm thị phần 84,8% so với 15,1% của iOS do Apple phát triển.

google

Tương lai, thách thức

Không như Facebook phải đối mặt với phong trào tẩy chay #deleteFacebook, có lẽ không ai nghĩ đến việc không dùng Google để tìm kiếm thông tin trên mạng.

Sau hai thập kỷ “hình thành và phát triển”, Google đứng trước câu hỏi sẽ làm gì trong 10-20 năm tiếp theo? Những dự án Google đã và đang triển khai tiếp tục vẽ ra những tương lai sáng rỡ, đậm màu viễn tưởng như kết quả tìm kiếm đúng với riêng từng người, trợ lý ảo gọi điện đặt bàn ở nhà hàng thay cho chủ nhân, Google Translate dịch thanh thoát hơn 100 ngôn ngữ, Gmail tự quét thư nhận được và soạn giúp hồi âm...

Nhưng dĩ nhiên một hãng công nghệ dù có khả năng làm thay đổi thế giới cũng không tránh khỏi có nhiều tồn tại, và tương lai không phải luôn rộng mở mà cũng đầy thách thức.

Cũng như Facebook, Google làm chủ lượng dữ liệu khổng lồ về hàng tỉ người dùng toàn thế giới, và đã thoát khỏi chiếc áo công ty công nghệ để trở thành một đế chế quá quyền lực khi nắm trong tay hệ điều hành di động, trình duyệt web, trang chia sẻ video, bản đồ trực tuyến, dịch vụ thư điện tử nhiều người dùng nhất thế giới - những mỏ vàng thông tin, bao gồm cả dữ liệu nhạy cảm.

Google cũng bị cáo buộc tiếp tay cho tin giả và các video truyền bá bạo lực, thánh chiến trên YouTube, can thiệp bầu cử Mỹ, phát triển phần mềm AI phục vụ cho quân đội Mỹ. Ngay trước và trong tháng sinh nhật lần thứ 20, Google cũng đón nhận hàng loạt bê bối. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Google thao túng kết quả tìm kiếm, trong khi trang Intercept tiết lộ Google có kế hoạch phát triển bộ máy tìm kiếm riêng, có bộ lọc từ khóa “nhạy cảm” và không giữ quyền riêng tư cho người dùng dành riêng cho Trung Quốc.

Ngoài ra, Hãng AP cũng phát hiện Google vẫn theo dõi người dùng ngay cả khi họ tắt chức năng theo dõi vị trí trên smartphone. Trước đó Google phải thừa nhận đã để lập trình viên của các hãng phát triển ứng dụng bên thứ ba đọc nội dung Gmail của người dùng.

EU đã rất tích cực trong việc ghìm cương, đặt Google vào khuôn khổ. Án phạt 7,8 tỉ USD vì Google lợi dụng Google Search để quảng bá các sản phẩm của mình, cũng như ỷ thế độc quyền Android để ép các nhà sản xuất smartphone phải cài ứng dụng của Google là ví dụ. Google có thể sẽ còn đối mặt với nhiều án phạt như vậy nữa trong tương lai.■

Hai cột mốc đáng chú ý trong lịch sử Google là khi hãng này trở thành công ty đại chúng vào ngày 19-8-2004 và tái cấu trúc, chia nhỏ công ty ra thành các đơn vị riêng biệt có chung công ty mẹ là Alphabet Inc. Điều này giúp mỗi đơn vị có thể dễ dàng phát triển các dự án riêng về AI, xe tự lái, hơn là cùng “chung sống” chật chội dưới một đơn vị duy nhất là Google Inc.

Thời kỳ hiện đại của Google bắt đầu từ năm 2010 với các cột mốc như đầu tư vào xe tự lái (tháng 10-2010), kính thông minh Google Glass (6-2012), mua lại Công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind (1-2014), ra mắt trợ lý ảo Google Assistant (5-2016).

Bộ phận nghiên cứu xe tự lái của Google nay đã là công ty độc lập Waymo, trực thuộc Alphabet. Google Glass dù chưa thật sự thành công nhưng đã mở màn cho làn sóng các thiết bị tương tự và đặc biệt là kính AR (thực tại tăng cường). DeepMind thì nổi tiếng với hệ thống AlphaGo, đánh bại được kỳ thủ cờ vây mạnh nhất thế giới, giúp Google đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI. Và cuối cùng Google Assistant, dù sinh sau Alexa của Amazon hai năm và “nhỏ” hơn Siri của Apple đến 5 tuổi, nhưng được đánh giá là thông minh nhất hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận