Chứng rung giật cơ ở trẻ, làm sao bỏ?

HỒNG VÂN 25/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - Một số trẻ em tự nhiên làm những điều kỳ quặc như liên tục phát ra âm thanh ục ục, nháy mắt, giật môi... khiến phụ huynh không thể không lo lắng khi sự việc kéo dài có khi hàng tháng.

Lè lưỡi mất kiểm soát có thể là rối loạn tics.
Lè lưỡi mất kiểm soát có thể là rối loạn tics.

 

Giới chuyên môn gọi đó là chứng rối loạn rung giật cơ (gọi là tics), những cử động hay phát âm xảy ra đột ngột, không chủ ý, không có mục đích, xuất hiện rất nhanh, lặp đi lặp lại... liên quan đến một nhóm cơ nhất định.

Một số rối loạn tics có thể khó nhận ra đối với những người xung quanh như chuyển động kéo căng bụng, hoặc quặp ngón chân và một số rối loạn tics dạng vận động máy (nháy) mắt và phát âm, húng hắng cổ họng lại rất phổ biến đến nỗi nhiều người không biết đây là biểu hiện của chứng rối loạn rung giật cơ.

Tuy nhiên, tics phải được phân biệt rõ với các cử động khác cũng thuộc nhóm rối loạn vận động như chứng múa giật, rối loạn trương lực cơ, động kinh và các biểu hiện rung giật ở những người bị rối loạn vận động, tự kỷ...

Lo âu hay căng thẳng?

Tics được chia làm hai loại: dạng tics vận động hay tics phát âm mức độ đơn giản hoặc phức tạp. Tics phát âm là những âm thanh không có mục đích được tạo ra do không khí chuyển động qua mũi, miệng hoặc cổ họng mà dây thanh âm không liên quan đến việc tạo ra các âm thanh. Tics âm thanh đơn giản là sự phát ra những âm thanh nhanh và vô nghĩa như: tằng hắng, ho khạc, khụt khịt mũi, lầm bầm, tiếng rít, tiếng rên, hít thở vào mạnh... Tics phức tạp về phát âm: điển hình là việc lặp lại lời người khác vừa mới nói, lặp lại lời mình vừa mới nói, lặp lại lời vừa mới đọc, bật ra những câu nói hay từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh (nói tục). Tics dạng vận động có thể là một chuỗi không giới hạn các cử động cơ khác nhau hoặc chỉ gồm một số cử động nhất định như vỗ tay, bẻ cổ, lắc, cử động miệng, đầu, tay, chân hay nhăn mặt.

Tics vận động đơn giản là những cử động nhanh, do những nhóm cơ có cùng chức năng tham gia, các cử động này thường không có ý nghĩa, chưa hoàn chỉnh. Ví dụ: giật - máy mắt, lắc đầu, nhún vai, nhếch mép, nâng cánh mũi, cử động các ngón.

Tics phức tạp về cử động: Là những cử động dường như có mục đích hơn và kéo dài lâu hơn so với tics đơn giản, nó thường bao gồm một tập hợp các cử động và xuất hiện có sự phối hợp như: kéo, vuốt quần áo, chạm đến người khác hoặc đồ vật khác, vuốt tóc, nhại động tác của người khác hoặc thực hiện những cử chỉ thể hiện sự tục tĩu hoặc hành vi bị cấm một cách vô thức.

Tics có thể xảy ra hoàn toàn do vô thức hoặc có ý thức một phần. Do rối loạn tics không hoàn toàn vô thức, nó có thể là phản ứng có ý thức của người mắc để phản ứng với những sự thôi thúc bất ngờ xuất hiện. Một khía cạnh độc đáo của tics là chúng có thể ức chế được nhưng không cưỡng lại được, một sự thôi thúc mà cuối cùng chủ thể phải thực hiện để giải tỏa. Tics có thể xuất hiện với tần suất nhiều hơn do căng thẳng, mệt mỏi, chán nản hoặc cảm xúc mạnh (tiêu cực như lo âu, hoặc tích cực như phấn khích). Một số hoạt động thư giãn cũng có thể làm tăng sự xuất hiện của tics (như xem tivi hoặc dùng máy tính), trong khi tập trung thực hiện một hoạt động nào đó có thể làm giảm số lần xuất hiện của hiện tượng rung giật cơ.  

Ngay trước khi xuất hiện việc rung giật cơ, đa số đều cảm thấy có một sự thôi thúc không thể cưỡng lại được, giống như nhu cầu ngáp, hắt hơi, chớp mắt hoặc gãi ngứa...

Những người mắc chứng này do cơ thể đã tích tụ căng thẳng và tics là hành động giải tỏa. Sự thôi thúc không thể kiểm soát nổi này là cảm giác như có thứ gì đó trong cổ họng hoặc một sự khó chịu ở vai, khiến người đó phải ho để thông cổ hoặc nghiêng/nhún vai. Như vậy, tics có thể làm giảm căng thẳng hoặc sự khó chịu, tương tự như gãi ngứa hay chớp mắt để làm giảm sự khó chịu trong mắt. Những người bị rối loạn tics có thể không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo trước khi rung giật cơ, đặc biệt là trẻ em, nhưng theo thời gian, sự hiểu biết về các dấu hiệu này sẽ tăng lên cùng quá trình trưởng thành.

Tics phức tạp hiếm khi xuất hiện mà không có các tics đơn giản kèm theo. Nhưng tics đơn giản thì ngược lại, có thể xuất hiện riêng. Tics xảy ra theo mức độ, từ nhẹ (tạm thời hoặc mãn tính) đến nặng do một khuyết tật về di truyền. Mặc dù các biểu hiện của tics như húng hắng ho, nháy mắt là phổ biến trong dân số, tics được coi là rối loạn hành vi theo quan điểm của giới y khoa.

Cho em niềm vui
Cho em niềm vui "đánh lạc hướng" tics.

 

Chưa có hướng điều trị rõ ràng

Trong cuốn Niên giám chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần tái bản lần thứ 5 (năm 2013), các chuyên gia xếp rối loạn tics vào danh sách rối loạn vận động liên quan đến sự phát triển thần kinh.

Mặc dù rối loạn tics thường được coi là hội chứng xảy ra vào thời thơ ấu, tics thỉnh thoảng phát triển trong giai đoạn trưởng thành, thường do một nguyên nhân thứ cấp. Nếu rối loạn tics bắt đầu sau 18 tuổi, nó có thể được chẩn đoán là rối loạn tics “đặc biệt” hoặc “chưa xác định”.

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các bài kiểm tra, hoặc chụp hình nếu cần để loại trừ khả năng mắc các bệnh khác có biểu hiện gần giống như kiểm tra điện não đồ, chụp MRI, xét nghiệm TSH về rối loạn chức năng tuyến yên, xét nghiệm nước tiểu...

Một số người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể có những biểu hiện điển hình liên quan đến rối loạn tics. Hội chứng “tics liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế” được cho là một nhóm phụ của rối loạn ám ảnh cưỡng chế để phân biệt với rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng không liên quan đến tics cùng những dạng ám ảnh và cưỡng chế khác, những người bị tics liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bị nhiều suy nghĩ chế ngự hơn so với những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế không có tics. Tics cũng cần phải phân biệt với sự rung giật cơ cục bộ như hiện tượng máy mắt. Đây là hiện tượng không thể ngừng, hoàn toàn không tự chủ và sẽ tự hết sau một vài ngày.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rối loạn tics ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em và 1% người lớn. Tuy nhiên, hiện nay giới y khoa vẫn chưa có hướng dẫn y tế nào về cách điều trị tốt nhất đối với vấn đề này. Các bác sĩ khuyến cáo điều trị theo cách cá nhân mình tin tưởng. Trong đa số trường hợp, khi mới điều trị, bác sĩ sẽ khuyên nên đợi một thời gian. Rối loạn tics xảy ra theo chu kỳ khoảng hai tuần và tự mất đi sau một vài chu kỳ, nghĩa là không cần điều trị. Nếu tics không nghiêm trọng, không khiến trẻ rơi vào tình huống xấu hổ, đa số chấp nhận và cảm thấy điều trị là không cần thiết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận