Nhật Bản và ước vọng “Xã hội 5.0”

TTCT - Nhật Bản đang đề ra tầm nhìn về một xã hội mới “siêu thông minh”, còn gọi là “xã hội 5.0”, để đối phó với các vấn đề của kỷ nguyên kỹ thuật số và những thách thức cản trở sự phát triển bền vững.

*** Error ***
Ông Noritsugu Uemura- giám đốc bộ phận quan hệ chính phủ và công chúng Tập đoàn Mitsubishi

 

Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản lập ra danh sách những thách thức cản trở sự phát triển bền vững của các quốc gia lớn: dân số già, mất cân bằng giới tính, thiên tai, khủng bố, hạ tầng lỗi thời, mật độ dân đô thị cao, thiếu tài nguyên thiên nhiên...

Đáp lại những thách thức đó, Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đề ra tầm nhìn về một xã hội mới “siêu thông minh” để đối phó các vấn đề của kỷ nguyên kỹ thuật số - còn gọi là “xã hội 5.0”. Xã hội theo mô hình này sẽ ổn định trong hoàn cảnh dân số suy giảm, mọi người dân sẽ có điều kiện tham gia tích cực vào cuộc sống.

Nếu đơn giản hóa, các nguyên tắc của “xã hội 5.0” có thể gói gọn trong cụm từ “phân tích dữ liệu nhờ sức mạnh trí tuệ nhân tạo (AI)”. Dữ liệu, chẳng hạn trong sản xuất, sẽ được chuyển vào không gian ảo, phân tích, rồi trả trở về thế giới thực dưới dạng giải pháp công nghệ mới.

Ông Noritsugu Uemura - giám đốc bộ phận quan hệ chính phủ và công chúng của Tập đoàn Mitsubishi - giải thích rõ hơn về “xã hội 5.0” trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Expert của Nga:

Chương trình “xã hội 5.0” của Nhật Bản đang ở giai đoạn nào, thưa ông?

Nhật Bản khởi động chương trình này hồi năm ngoái (2016), và ngay bây giờ chúng tôi đã có thể thấy những sáng kiến của dự án này lan rộng trong xã hội Nhật. Mọi người dân chia sẻ chung một tầm nhìn, mỗi doanh nghiệp tự quyết định phần đóng góp của mình cho sự phát triển của “xã hội 5.0”.

Hiện tại, chúng tôi chia sẻ góc nhìn của mình về xã hội tương lai với thế giới, trong các sự kiện như triển lãm CeBIT ở Đức, Innoprom ở Nga... Điều này rất quan trọng vì khái niệm “xã hội 5.0” áp dụng không chỉ với Nhật Bản, mà còn cả các quốc gia khác.

Chúng ta thường nói doanh nghiệp cần phải thích nghi với các điều kiện của nền kinh tế kỹ thuật số. Ông cho rằng cần có những thay đổi nào?

Điều này phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Nền kinh tế kỹ thuật số - đó là dữ liệu. Đây là một dạng tài nguyên mới thay thế nhiên liệu.

Bằng cách dùng các thiết bị cảm ứng, chúng ta có thể thu được một khối lượng dữ liệu khổng lồ về sản xuất, vận hành của mỗi cỗ máy. Chúng ta có thể biết chiếc máy đó đã hoạt động trong bao nhiêu tiếng, làm ra bao nhiêu linh kiện...

Dữ liệu đã tồn tại từ rất lâu, nhưng chỉ trên giấy hoặc trong file Excel, và chúng được phân tích thủ công bởi con người.

Còn bây giờ, vai trò này đã có trí tuệ nhân tạo thay thế. AI đã phát triển lên một tầm mức mới nhờ khả năng tự học hỏi. Nó có thể tìm ra giải pháp hiệu quả giúp tăng cường sản xuất. Đây là một ví dụ cho thấy cách vận hành của nền kinh tế kỹ thuật số. Và không chỉ trong sản xuất, nó còn có thể áp dụng trong lĩnh vực tài chính, trợ giúp các luật sư...

Vậy còn những sai sót tương quan? Dù sao chúng ta vẫn cần con người để phát hiện chúng?

Không nhất thiết. AI tự bản thân nó đã đủ thông minh. Con người phân tích dữ liệu đôi khi cần dùng đến “giác quan thứ sáu”, nhưng AI có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu mà không cần đến bản năng này.

Tại Nga, việc lưu trữ và phát tán dữ liệu bị kiểm soát khá chặt chẽ. Ông có bình luận gì về điều này?

Nó liên quan không chỉ Nga mà còn những quốc gia khác. Như tôi đã nói, dữ liệu - đây là một dạng nhiên liệu mới, tài nguyên mới. Loại tài nguyên này cần phải xử lý cẩn thận, vì trong đó có thể chứa thông tin mật.

Cần phải có luật lệ quy định rõ ràng. Đây là một quá trình quan trọng của “xã hội 5.0”. Tại Nhật Bản, chính phủ hợp tác cùng doanh nghiệp và xã hội để soạn ra luật quản lý dữ liệu. Đại diện mỗi nhóm cùng thảo luận các nguyên tắc sử dụng an toàn dữ liệu. Cuộc tranh luận chỉ vừa mới bắt đầu.

Luật cần phải thống nhất trên quy mô quốc tế hay mỗi nước sẽ có luật riêng?

Các đề án tương tự “xã hội 5.0” cũng đang được xúc tiến ở các quốc gia khác. Tại Đức là công nghiệp 4.0, tại Mỹ là các chương trình của Hiệp hội Internet công nghiệp (IIC). Trung Quốc cũng có cách tiếp cận riêng của họ.

Về bản chất, chúng đều liên quan đến sử dụng dữ liệu. Và nếu mỗi quốc gia có quy định riêng, vấn đề sẽ phát sinh. Chúng ta cần phải trao đổi thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Hãy xem ví dụ của Mitsubishi Electric.

Chúng tôi có hoạt động sản xuất tại Nhật Bản, tại châu Âu và Mỹ. Chúng tôi thu thập dữ liệu của mỗi nơi và phân tích chúng. Nếu lỡ, ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) siết quy định sử dụng dữ liệu và cấm không cho mang chúng ra khỏi ranh giới EU, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp.

Do đó, các quốc gia cần thảo luận với nhau luật về dữ liệu. Tất nhiên, mỗi nước có cách làm riêng. Nó giống như thỏa thuận thương mại: Mỹ đàm phán với Nhật Bản, Nhật Bản với EU, EU với Mỹ...

Cần phải thực hiện điều này ngay, nhất là khi bây giờ EU đã có Luật bảo vệ dữ liệu (GDPR), theo đó, thông tin cá nhân của công dân EU không thể chuyển giao cho bất cứ quốc gia nào ngoài châu Âu - nơi không có luật đủ mạnh để bảo vệ dữ liệu.

Do quy định trên, chúng tôi thậm chí không thể tiếp cận thông tin của các nhân viên châu Âu làm việc cho Mitsubishi khi chưa ký kết các thỏa thuận đặc biệt với EU.

Như ông đã nói, nhiều quốc gia thành lập các chương trình phát triển nền kinh tế kỹ thuật số riêng. “Xã hội 5.0” khác ở chỗ nào?

Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản có những cách tiếp cận khác nhau đối với kinh tế kỹ thuật số. Mỹ sản xuất mọi thứ ở Trung Quốc và họ kiểm soát quá trình này “từ trên xuống”. Góc nhìn của châu Âu (chẳng hạn công nghiệp 4.0 của Đức) khá tương đồng khái niệm “xã hội 5.0” của chúng tôi.

Người châu Âu bắt đầu “từ dưới lên”, từ sản xuất, từ chính đại dương dữ liệu: thu thập và phân tích chúng.

Nhật Bản cũng bắt đầu từ việc thu thập dữ liệu, nhưng chúng tôi không sử dụng mọi thứ. Máy tính với sự trợ giúp của AI sẽ lọc thông tin, chỉ chuyển “lên trên” những thứ thật sự quan trọng để phân tích. Thông tin này chứa trong các bộ nhớ đám mây.

*** Error ***
Ông Sadanobu Takemasu- chủ tịch Công ty Lawson Inc- xem robot "Peper" được triển khai giúp khách hàng trong siêu thị dạng mới tại Tokyo, Nhật Bản ngày 4- 12- 2017. Ảnh Reuters

 

Nền kinh tế kỹ thuật số cần không chỉ máy móc thông minh, mà còn những người giỏi, có khả năng suy nghĩ sáng tạo. Nhật Bản giải quyết vấn đề nhân lực ra sao?

Chúng tôi cần rất nhiều chuyên gia xử lý và phân tích dữ liệu, kỹ sư máy tính, chuyên gia an ninh mạng. Hiện tại, Nhật Bản đã bắt đầu soạn ra các chương trình đào tạo đặc biệt dành cho kỹ sư máy tính.

Xã hội Nhật Bản thay đổi ra sao dưới ảnh hưởng của quá trình số hóa?

Mục tiêu của chúng tôi là khiến Nhật Bản trở nên an toàn hơn, không chỉ cho công dân Nhật mà còn cho khách du lịch nước ngoài. Chúng tôi chưa thể trình diễn các kết quả cụ thể, nhưng vào năm 2020, khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội, chúng tôi hi vọng sẽ cho cả thế giới thấy các thành quả của “xã hội 5.0”.

Ví dụ, vào thời điểm đó, chúng tôi dự kiến sẽ giới thiệu hệ thống giao thông tự hành. Xe tự hành có khả năng đánh giá tình hình giao thông và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thu được từ các cảm biến.

Nhưng hệ thống này chưa hoàn chỉnh: do mưa, sương mù hoặc tuyết, các camera và cảm biến không thể ghi nhận chính xác môi trường xung quanh.

Để khắc phục, chúng tôi sẽ tạo ra một hệ thống giao thông tự hành hoàn chỉnh, không chỉ dùng dữ liệu từ cảm biến gắn trên xe, mà còn bản đồ 3D chính xác và tín hiệu định vị từ hệ thống vệ tinh với độ sai sót chỉ 5cm. Để so sánh, hệ thống GPS hiện tại sai sót từ 5-10m, GLONASS (hệ thống tương đương GPS của Nga) đến 20m.

Được biết, các công ty sản xuất chất bán dẫn lớn đều nằm ở Mỹ. “Xã hội 5.0” có lệ thuộc vào vật liệu bán dẫn của Mỹ? Ví dụ, vệ tinh có phải hoàn toàn được sản xuất ở Nhật Bản?

Tất cả chúng đều là hàng Nhật. Mitsubishi Electric là nhà sản xuất vệ tinh lớn. Công nghệ vệ tinh của Nhật Bản không lệ thuộc vào nhập khẩu.

Liên quan đến chất bán dẫn, chúng tôi không nhất thiết phải tự sản xuất. Chúng tôi có thể xài hàng nước ngoài, tôi cho là không vấn đề gì. Chất bán dẫn dành cho thị trường công nghệ mới - đối với Nhật Bản nó chỉ giống như gạo.

Trong nhiều nghiên cứu hiện đại có ý kiến cho rằng các phát minh công nghệ mới chủ yếu được tạo ra ở châu Âu và Mỹ, Nhật Bản đã mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này. Các vị chỉ ứng dụng giải pháp có sẵn vào sản phẩm của mình. Ông nghĩ gì về điều này? Cách đây 50 năm nền kinh tế Nhật chỉ vừa phát triển, và người Nhật học rất nhiều từ Mỹ và châu Âu. Và đến những năm 1980, Nhật Bản trở thành nước dẫn đầu về sáng tạo. Giai đoạn lịch sử này được mô tả lại trong quyển sách nổi tiếng của giáo sư Ezra Vogel “Nhật Bản số 1: những bài học cho nước Mỹ”.

Tôi không cho rằng Nhật Bản hiện thua kém quá xa Mỹ và châu Âu trong phát triển công nghệ. Tất nhiên, sau cú sụp đổ của bong bóng tài chính, chúng tôi mất cả thập kỷ do bước vào giai đoạn trì trệ.

Nhưng bây giờ lĩnh vực phát minh đang tăng tốc. Trong 5 năm gần đây, gần như mỗi năm các nhà khoa học Nhật đều nhận được giải Nobel. Điều này nói lên rằng người Nhật đang tích cực tạo ra các phát minh.

Nhật Bản không có tài nguyên thiên nhiên, do đó công nghệ mới và giải pháp sáng tạo chính là tài sản cạnh tranh của chúng tôi trong nền kinh tế toàn cầu. Ngược lại, chúng tôi đã không sống sót nổi.■

Dữ liệu tương lai sẽ giống như dầu mỏ hiện tại

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận