“Ánh dương” phiên bản 2018

DANH ĐỨC 13/01/2018 18:01 GMT+7

TTCT- Không khí chung về cuộc đàm phán mới giữa hai miền Nam - Bắc của bán đảo Triều Tiên dưới trào Tổng thống Moon Jae In là hi vọng và thận trọng, đơn giản vì thực tế đã khác hẳn so với thời tổng thống Kim Dae Jung, cha đẻ chính sách Ánh Dương mà nay ông Moon đang muốn nối lại.

Những cuộc gặp mặt lần cuối của các gia đình bị chiến tranh và chính trị chia cắt ở hai miền Triều Tiên thường đầy nước mắt, nhưng ngay cả điều đó giờ cũng là bất khả với rất nhiều người.-Ảnh: AFP
Những cuộc gặp mặt lần cuối của các gia đình bị chiến tranh và chính trị chia cắt ở hai miền Triều Tiên thường đầy nước mắt, nhưng ngay cả điều đó giờ cũng là bất khả với rất nhiều người.-Ảnh: AFP

 

“Triều Tiên nhấn mạnh đối thoại trong giải quyết các vấn đề liên Triều” - tờ Korea Herald của Hàn Quốc chạy tít đầu buổi chiều thứ ba, 9-1, khi loan tin về cuộc họp vừa diễn ra lúc 10h sáng ở Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự. Một tít khác cũng trên tờ báo này:

“Seoul nêu vấn đề đoàn tụ gia đình, thương thảo quân sự trong cuộc gặp liên Triều” như để cân đối việc đưa tin về ý muốn giữa hai miền.

Khác biệt mục tiêu

Trong thực tế của cuộc họp, như có thể cảm thấy qua tường thuật ngắn ngủi của Korea Herald, “miền Nam hi vọng đặt nền tảng cho việc đối thoại hơn nữa trong khi miền Bắc tập trung vào việc tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang”. Ngay từ đầu, có vẻ hai bên đã có góc nhìn khác nhau về mục đích, yêu cầu của cuộc gặp.

Cho dù khác về mục tiêu, song đến khi tiếp xúc với báo chí trước cuộc họp, trưởng đoàn Triều Tiên Ri Son Gwon, chủ tịch Ủy ban Thống nhất đất nước trong hòa bình (CPRC) - cơ quan nhà nước phụ trách các vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng, đã có một phát biểu mở về tương lai:

“Tôi đến cuộc họp này với suy nghĩ là trao một “kết quả quý báu” cho người dân chúng ta, vốn rất kỳ vọng ở đấy”. Ông Ri đưa ra một bình luận khá “lạ tai” so với ngôn ngữ quen thuộc ở miền Bắc: ông nói cuộc gặp hiếm có này là do “thiên ý”, dựa vào “lòng dân” và “tình hình hiện tại”.

Phát biểu văn vẻ song mông lung này được bộ trưởng thống nhất của chính quyền Seoul là ông Cho Myoung Gyon đáp lại bằng một nhận định mang tính xác định mục tiêu:

“Dân chúng Hàn Quốc muốn lái quan hệ hai miền hướng đến hòa giải và hòa bình”. Tờ Korea Herald trích lại lời Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae Sung:

“Chúng tôi đề nghị tổ chức các cuộc hội ngộ gia đình trong tháng 2 này nhân dịp Seollal (tết âm lịch) và các cuộc họp Chữ thập đỏ về việc này, cũng như đề nghị mở các cuộc gặp quân sự nhằm ngăn ngừa xung đột”.

Ông cho biết phái đoàn miền Nam đã bày tỏ hợp tác nên dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm chấm dứt các hành động căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nối lại đối thoại để thiết lập hòa bình, bao gồm cả việc phi hạt nhân hóa.

Thứ trưởng Chun tiết lộ Bình Nhưỡng đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nói đến việc thúc đẩy hòa giải và giải quyết các vấn đề chung qua đối thoại và thương thuyết.

Ông cũng nói miền Bắc ngỏ ý muốn cử càng nhiều đại diện tới Thế vận hội Pyeongchang càng tốt, từ các quan chức, vận động viên, một đội biểu diễn taekwondo, ủng hộ viên, nghệ sĩ biểu diễn, quan sát viên, nhà báo...

Ánh dương phiên bản 1

Nội dung cuộc họp đầu tiên trở lại giữa hai miền Nam Bắc nhắc lại câu chuyện tương tự cách đây 17 năm của lãnh đạo hai miền lúc đó là Tổng thống Kim Dae Jung và Chủ tịch Kim Jong Il, cả hai nay đều đã ra người thiên cổ.

Tổng thống Kim Dae Jung, lên cầm quyền năm 1998, đề ra chính sách “Ánh Dương” nhắm tới việc chủ động hòa giải với miền Bắc.

Các nỗ lực này đem đến kết quả là một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 6-2000 tại Bình Nhưỡng. Mike Chinoy, người đã 14 lần sang Bình Nhưỡng trước khi cho xuất bản cuốn Tan chảy:

Câu chuyện bên trong của cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên vào năm 2008, ghi lại cuộc gặp lịch sử theo lời kể của ông Kim Dae Jung:

“Cánh cửa máy bay mở, tôi bước ra và nhìn xuống. Chủ tịch Kim Jong Il đang đứng đó. Chỉ đến lúc đấy tôi mới biết chắc rằng ông ấy sẽ đến gặp tôi...

Thường thì tôi ngồi một mình trên một trong những chiếc xe của đoàn xe đón khách. Song lần này thình lình có người ngồi sà vào bên cạnh tôi. Tôi quay lại thì ra là ông Kim Jong Il. Điều này là khác lệ thường. Sau này người ta cứ hỏi tôi miết xem chúng tôi đã nói những gì trong chuyến xe dài 55 phút đó”.

Ba tháng sau cuộc gặp giữa hai ông Kim, lần đầu tiên vận động viên hai miền Nam Bắc cùng diễu hành dưới lá cờ “thống nhất” in hình bán đảo Triều Tiên màu xanh da trời trên nền trắng tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Sydney tháng 9-2000.

Tờ Los Angeles Times ngày 16-9-2000 bình luận: “Tiếng vỗ tay vang lên như sấm rền... cuộc diễu hành chung, bước tiến mới nhất trong việc xích lại gần nhau của hai miền Bắc Nam, thực sự trở thành biểu tượng sức mạnh của thể thao mang mọi người lại với nhau.

Đó là một buổi tối tràn ngập hi vọng - lý do chính khiến phong trào Olympic không ngừng nỗ lực trong việc quảng bá thể thao như một con đường dẫn đến hòa bình thế giới”.

Bốn năm sau, vận động viên hai miền lại diễu hành chung ở Thế vận hội Athens 2004, rồi hai năm sau tại Thế vận hội mùa đông Turin 2006 cũng thế. Giờ thì người ta có hi vọng sắp thấy lại hình ảnh đẹp đó ở Pyeongchang vào tháng 2.

Một thoáng hòa giải

Một trong những kết quả cụ thể khác của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử năm 2000 ở Bình Nhưỡng là việc hai bên nhất trí khởi động các cuộc đoàn tụ cho những gia đình ly tán từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Những cuộc gặp đó có lẽ quan trọng không kém cuộc họp thượng đỉnh tháng 6-2000 “đã làm dấy lên hi vọng hòa bình”, nhật báo Anh The Guardian 13-6-2000 chạy tít, hòa giọng với nhiều hãng tin khác.

Khi lên đường sang Bình Nhưỡng, Tổng thống Kim Dae Jung - đã qua đời năm 2009 - tuyên bố: “Tôi toàn tâm hi vọng chuyến đi tới Bình Nhưỡng sẽ mở ra con đường dẫn tới hòa bình và hòa giải..., tháo gỡ các đe dọa chiến tranh và kết thúc chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên để 70 triệu người dân Nam Bắc có thể sống yên bình”.

Sự hào hứng lúc đó thật khác hẳn bây giờ khi hai miền Nam Bắc, từ lúc lập quốc vào năm 1948, chưa từng gặp mặt ở cấp cao như thế. Năm 1994, một cuộc gặp như thế đã được lên kế hoạch nhưng Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam qua đời chỉ vài tuần trước chuyến đi dự kiến của ông.

Thật ra 18 năm trước, chính ông Kim Dae Jung cũng hiểu nhu cầu cần phải thận trọng: “Tôi không tin chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề trong một cuộc gặp.

Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc cho tới khi nào các ý kiến của chúng ta về một vấn đề nào đó gặp nhau”.

Cuộc gặp giữa hai ông Kim lần đó đã diễn ra thật sự theo không khí “chỉ trong nhà với nhau”: đúng 50 nhà báo miền Nam tháp tùng Tổng thống Kim Dae Jung được đưa tin, không nhà báo nước ngoài nào được héo lánh.

Chuyến đi hòa giải đã mang về cho Tổng thống Kim Dae Jung giải Nobel hòa bình năm ấy. Thế nhưng sự hòa giải, nếu có, từ phía miền Bắc chỉ đóng khung trong hai việc: các sự kiện thể thao và những cuộc hội ngộ gia đình.

Chiến dịch “Ánh Dương” đã không ngăn cản được chiến dịch thụ đắc vũ khí hạt nhân của miền Bắc. Ngày 1-10-2003, Bình Nhưỡng một lần nữa tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thứ nhì tại Bình Nhưỡng vào tháng 10-2007 dưới thời Tổng thống Roh Moo Hyun (chỉ hai năm trước khi ông Roh tự sát, gieo mình xuống từ một vách đá 45m giữa những cáo buộc tham nhũng) cũng chỉ dẫn tới vài dự án kinh tế cùng mấy cuộc đoàn tụ ngắn ngủi nữa của các gia đình bị chia cắt.

Dưới thời hai ông Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, trong khuôn khổ chiến dịch Ánh Dương, miền Nam đã viện trợ cho miền Bắc lượng tiền và hàng hóa tương đương 7 tỉ USD, theo CNBC 14-8-2017, nhưng khó có thể nói đó là một chính sách thành công.

Tắm hai lần trên cùng dòng sông

Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng một cảm giác ảo giác ký ức (déjà vu) đang trở lại mạnh mẽ mấy ngày qua khi Tổng thống Moon có vẻ lại đang bơi trên “dòng sông” Ánh Dương ngày nào.

Tuy nhiên, Triều Tiên 2017 hoàn toàn khác Triều Tiên 2000: Nay Bình Nhưỡng đã ở vào giai đoạn áp chót để thực sự trở thành một “cường quốc hạt nhân”.

Sau khi thử nghiệm thành công các tên lửa liên lục địa vào năm ngoái cùng các đầu đạn hạt nhân và cả bom khinh khí, Triều Tiên chỉ cần thử nghiệm thành công việc đưa một đầu đạn hạt nhân lên không gian rồi trở lại trái đất nguyên vẹn (sau đó tiến đến mục tiêu) thì sẽ thực sự là một mối đe dọa hạt nhân thường trực.

Ông Kim Jong Un đã nhanh chóng biến ước ao hạt nhân của ông nội mình là Kim Il Sung và công trình dở dang của người cha Kim Jong Il (ông Kim Jong Il qua đời năm 2011) thành hiện thực, bất chấp những lên án và trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp trong năm ngoái chính là lưỡi gươm Damocles treo trên đầu miền Nam trước tiên và đáng sợ nhất. Hai miền Triều Tiên sẽ cùng chung một Thế vận hội mùa đông tháng 2 tới - không rõ dân miền Bắc có được xem trực tiếp truyền hình hay không.

Một số gia đình may mắn ở hai miền sẽ được thấy lại người thân. Song từ đó đến một sự hòa giải lâu dài, ý nghĩa, một sự giải trừ vũ khí hạt nhân thì e rằng ảo giác ký ức của ông Moon không chỉ là ảo giác.■

Thân phận con người trong dòng thác lịch sử

Với các cuộc đoàn tụ gia đình, vấn đề không còn là địa chính trị, chính sách đối ngoại và ý thức hệ nữa, mà là về thân phận những con người cụ thể.

Ba đợt đoàn tụ đầu tiên diễn ra vào tháng 8 và tháng 11-2000 rồi tháng 2-2001. Nhưng đến đây nảy sinh vấn đề là ở cả hai miền, những người thuộc thế hệ thứ nhất và thứ nhì còn sống để đến ngày được gặp mặt người thân ngày càng ít đi.

Đến ngày 28-6-2001, theo Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, 12.664 trong 116.460 người Hàn Quốc nộp đơn xin gặp người thân, tức 10,9%, đã qua đời mà không kịp hoàn thành ý nguyện có lẽ là cuối cùng đầy khắc khoải đó.

Những đợt gặp mặt được tổ chức rải rác cho tới năm 2010 rồi dừng hẳn cho tới ngày nay. Không rõ tới đây được bao nhiêu người còn sống từ thời chiến tranh Triều Tiên để nhìn thấy mặt người thân lần cuối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận