Trung Quốc thực hiện "quyền lực mềm" ở châu Âu

TTCT - Lần đầu tiên được nhà khoa học chính trị Mỹ Joseph Nye đưa ra năm 1990, “quyền lực mềm” được Joseph Nye định nghĩa trong một công trình năm 2004 là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc.

KỲ 1: Đẩy mạnh "ngoại giao văn hóa"

Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia” (Soft power: the means to success in world politics). Năm 2007, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng đã nói tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 rằng “Trung Quốc cần gia tăng quyền lực mềm của mình”. Và Trung Quốc đang thực hiện điều này ở châu Âu ra sao? Ghi nhận của CTV Tuổi Trẻ Cuối Tuần tại Pháp.

Phóng to
Ông Francois Godement - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Viện Khoa học chính trị Paris

Đại lộ Tour-Maubourg ở quận 7 (Paris) là một khu sang trọng, cách Bộ Ngoại giao Pháp chỉ vài bước chân. Giá thuê nhà ở khu này không dành cho kẻ ít tiền vì cao gấp bảy lần so với bất kỳ khu phố nào khác ở thủ đô của nước Pháp.

Lấy cảm tình của giới trí thức

“Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đập tan tành cái gọi là mối liên kết châu Âu lâu nay. Các quốc gia yếu ớt nhất nay đã chơi theo bài Trung Quốc, chấp nhận các khoản đầu tư từ nước này để chống lại suy thoái kinh tế” - François Godement, Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Viện Khoa học chính trị Paris.

Người Trung Quốc đã chọn khu này để đặt Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Paris (CCCP) và cũng thường được gọi là Viện Khổng Tử. Tòa nhà cao ba tầng trông sang trọng và hiện đại với toàn bộ bằng kính nhưng cũng pha lẫn nét cổ truyền châu Á. Nó xứng tầm để đứng trong khu hạng sang ở một thủ đô có uy tín như Paris. Người Trung Quốc chịu tốn kém vì biết đây là một cách ngoại giao văn hóa!

Tòa nhà được khánh thành cách đây gần mười năm, vào tháng 11-2002. Viện Khổng Tử đặt ở đó cũng là Viện Khổng Tử đầu tiên mở ra trong thế giới phương Tây. Đến nay đã có 350 viện Khổng Tử được xây dựng khắp thế giới, trở thành nơi giảng dạy tiếng Quan Thoại và là nơi truyền bá hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài. Nhưng ngoài nhiệm vụ giảng dạy ngôn ngữ, CCCP còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo văn hóa, kinh tế, khoa học, những buổi trưng bày hội họa và liên hoan phim. Khách mời gồm cả Hoa kiều lẫn người châu Âu, miễn là họ phải có thái độ thiện cảm với Trung Quốc.

Không dừng ở đó, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc về nhân lực và vật lực, Viện Khổng Tử cho ra đời các “viện con” tại nhiều trường tư lớn, đại học không chỉ ở Pháp mà khắp châu Âu. Nó không chỉ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng ngôn ngữ phục vụ trong hoạt động kinh tế mà hơn hết thông qua việc giảng dạy ngôn ngữ, người Trung Quốc có thể lấy thiện cảm của những vị cán bộ và lãnh đạo tương lai của châu Âu hiện đang mài đũng quần trên ghế giảng đường.

Vận động hành lang chính trị

Song song với các hoạt động văn hóa đa dạng, Trung Quốc không bỏ qua loại hình vận động hành lang chính trị lâu nay là cách của Âu - Mỹ. Dĩ nhiên vẫn là kiểu dùng các chính trị gia châu Âu thân thiện với Trung Quốc lẫn thông qua cộng đồng Hoa kiều đang ngày càng lớn mạnh cả về dân số lẫn sức mạnh kinh tế và chính trị tại châu Âu.

Một ví dụ gần nhất: dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đầu năm 2012 tổ chức cho cộng đồng châu Á tại Pháp. Tổng thống lúc đó, ông Nicolas Sarkozy, đãi tiệc trong sân điện Elysées và trong số khách mời người ta thấy người Hoa hoặc người Pháp gốc Hoa chiếm đa số. Vài ngày sau đó, ứng cử viên François Hollande, mà nay đã trở thành người quyền lực nhất nước Pháp, cũng chọn khu người Hoa ở Paris để đi thăm viếng trong dịp tết của người châu Á.

Không khó để các trí thức châu Âu nhận ra điều này. Ông François Godement - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Viện Khoa học chính trị Paris - giải thích với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đập tan tành cái gọi là mối liên kết châu Âu lâu nay. Các quốc gia yếu ớt nhất nay đã chơi theo bài Trung Quốc, chấp nhận các khoản đầu tư từ nước này để chống lại suy thoái kinh tế”. Lợi dụng tình trạng này, Trung Quốc đã đẩy mạnh thiết lập các mối quan hệ song phương tại châu Âu, bất chấp các thiết chế đã thành hình vững chắc tại Brussels (Bỉ).

Quốc gia châu Á này đã thành lập được cái gọi là “sức mạnh vận động hành lang Trung Quốc” ngay tại cơ quan quyền lực của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels nhờ vào một nhóm nhỏ các nước nay đang là con nợ của mình. Các con số thực tế đã nói lên điều đó: Bồ Đào Nha, Ý, Hi Lạp và Tây Ban Nha đang có đến 30% đầu tư từ Trung Quốc và cả các hợp tác thương mại, trong khi ở Trung Âu và Đông Âu, con số này cũng chiếm đến 10% (1). Trong mắt các quốc gia suy sụp vì khủng hoảng và tỉ lệ thất nghiệp, các nhà chính trị không thể bỏ qua dòng tiền từ Trung Quốc như giải pháp cứu vãn việc làm cho người dân, bất chấp việc đó có thể gây hại cho các doanh nghiệp địa phương.

Tháng 6-2012, theo tờ The Register (2), hai tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là ZTE và Huê Vi đã bị luật pháp Algeria kết án vì tội hối lộ. Hai tập đoàn này bị cấm tham gia đấu thầu các dự án nhà nước tại Algeria trong hai năm.

Cũng hai tập đoàn trên đang nằm trong tầm ngắm của EU và nhiều chính phủ châu Âu vì tình nghi “gián điệp kinh tế” và “phá giá” (3). Trong bản báo cáo có tên gọi “Phòng vệ mạng: cuộc chơi thế giới, ưu tiên quốc gia”, thượng nghị sĩ Pháp Jean-Marie Bockel đặt ra yêu cầu với EU là “cấm hoàn toàn việc triển khai và sử dụng trên toàn lãnh thổ châu Âu đối với các router (thiết bị định tuyến hoặc bộ định tuyến dùng để chuyển các gói dữ liệu qua một liên mạng và đến các thiết bị đầu cuối. Các kết nối Internet băng thông rộng, sử dụng modem cáp hay modem DSL luôn đòi hỏi phải có router) Trung Quốc và các thiết bị tin học có nguồn gốc Trung Quốc không đảm bảo an toàn an ninh mạng”.

Theo báo cáo trên, “không có gì ngăn cản được một quốc gia sản xuất các router đặt vào đó thiết bị theo dõi, can thiệp, thậm chí là đặt cả hệ thống cho phép ngắt dòng thông tin liên lạc vào bất kỳ lúc nào”. Cả Úc và Mỹ cũng đang có những nghi ngờ về nạn tình báo kinh tế và công nghiệp từ Trung Quốc.

Đương nhiên lãnh đạo của ZTE và Huê Vi, thông qua báo chí, đã phản ứng mạnh mẽ với cái họ gọi là “mối lo hoang tưởng” đó. Ông Lâm Thành, chủ tịch chi nhánh châu Âu của ZTE, tuyên bố: “Những nghi ngờ đó làm tôi ngạc nhiên vì cho dù có đề cập vụ tấn công mạng gần đây được cho là đến từ Trung Quốc thì nó cũng xảy ra thông qua các router Cisco của Mỹ. Vì vậy việc cấm dùng các router Trung Quốc thì có thay đổi được điều gì?”.

Về việc sản xuất các router, ban lãnh đạo ZTE và Huê Vi lớn tiếng giải thích rằng việc sản xuất tại Trung Quốc chỉ là một mắt xích trong chuỗi dây chuyền. “Thiết bị của chúng tôi được xây dựng từ các cấu thành sản xuất tại Mỹ và các phần mềm phát triển từ khắp thế giới” - một lãnh đạo của ZTE giải thích, trong khi lãnh đạo Huê Vi một mực khẳng định đã xây dựng cùng với Tập đoàn IBM “một tổ chức và các quy trình đặc biệt an toàn”. Trong các điều kiện đó, “không dễ đưa vào thiết bị gián điệp như người ta phỏng đoán” - ông Lâm Thành nhấn mạnh.

Phóng to
Trung tâm Văn hóa Trung Quốc, còn gọi là Viện Khổng Tử, tại Paris - Ảnh: C.C.L.

Thay đổi chiến thuật

Trước những phản ứng không thuận lợi, có vẻ Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật. Quốc gia này không còn muốn lệ thuộc vào việc làm thuê gia công giá rẻ hay đóng vai trò “công xưởng của thế giới”. Trung Quốc chuyển hướng nhắm vào thị trường của chính mình và thị trường cấp cao ở nước ngoài. Họ lập ra các liên doanh với nước ngoài, dù rằng nhiều liên doanh hoạt động chưa tốt.

Tại Pháp, Trung Quốc đã bỏ tiền mua nhãn hiệu thời trang cao cấp Pierre Cardin, nhánh hàng máy tính cá nhân của IBM, Hãng Rhodia và các cánh đồng nho ở Bordeaux bất chấp cái giá bị cho là “hớ” như với các cánh đồng nho ở Bordeaux, theo nguồn tin từ Hiệp hội Nhà sản xuất rượu vang Bordeaux (4).

Trung Quốc hiện đang ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực cho phép phát triển nhanh trong giao thương với thế giới như vận tải (hàng không, cảng biển, đường sắt), xây dựng hạ tầng và ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ như lưu trữ hàng hóa. Ông Hervé Solignac Lecomte - giám đốc thương mại quốc tế thuộc Ngân hàng HSBC (chi nhánh Pháp) - phân tích: “Trung Quốc muốn đảm bảo cho hàng hóa của mình có được nhiều điểm tiếp cận đối với thị trường châu Âu. Đó là chiến lược tích cực và rẻ tiền, nhất là trong tình hình giá dầu tăng cao làm tăng chi phí vận chuyển”. Đây cũng là chiến lược mà nhiều nước châu Âu đang theo đuổi.

Nhưng việc chuyển chỗ một nhà máy không nhất thiết đồng nghĩa với sự dịch chuyển quyền lực. Ông Hervé Solignac Lecomte nhận xét: “Các văn phòng lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đặt chủ yếu ở London vốn là trung tâm tài chính của châu Âu. Nhưng quyết định cuối cùng bao giờ cũng từ Trung Quốc vì hệ thống lãnh đạo của họ vẫn mang tính tập quyền. Mọi thứ đều phải chờ từ trụ sở mẹ ở Trung Quốc. Chúng ta hiện nay đang chứng kiến việc thiết lập các cơ sở sản xuất của Trung Quốc ở châu Âu nhưng tôi cho rằng trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ cho thành lập các doanh nghiệp vận động độc lập ở châu Âu, tức là có quyền quyết định phụ thuộc hơn vào lực lượng lao động”.

Thế rồi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ nần ập đến châu Âu. Chúng là mối lo sốt vó cho các chính phủ ở cựu lục địa nhưng là hoàn cảnh “thiên thời, địa lợi” cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đẩy nhanh cuộc chinh phục.

___________

(1): http://unctad.org/en/Pages/DIAE/FDI%20Statistics/FDI-Statistics.aspx
(2) (http://www.theregister.co.uk/2012/06/12/zte_huawei_bribery_algeria/)
(3): (
http://www.latribune.fr/technos-medias/20120719trib000709979/telecoms-les-chinois-huawei-et-zte-agents-d-espionnage-en-europe-.html
(4):
http://www.lesechos.fr/economie-politique/regions/aquitaine/0202136014504-vin-un-grand-negociant-du-bordelais-sous-controle-chinois-337170.php

___________

Kỳ tới: Ồ ạt đổ tiền

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận