Từ metaphysics tới metabusiness

LƯU VĨ LÂN 31/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Trào lưu khởi nghiệp hiện nay trong toàn xã hội thật ra là đợt khởi nghiệp lần thứ hai trong đời sống kinh doanh Việt Nam đương đại. Lần đầu xuất hiện khoảng năm 1995, thời kỳ kinh tế Việt Nam mới mở cửa. Lúc ấy người viết bài đang làm việc cho một tờ báo kinh tế và tập thể làm báo lúc ấy đã hăng say cổ vũ cho việc xây dựng một tầng lớp doanh nhân Việt mới.

Một attitude tốt về tinh thần trách nhiệm, hợp tác, chấp nhận rủi ro, dấn thân, đóng góp lớn trong việc tạo ra sự khác biệt của nền kinh tế giữa các quốc gia... hơn các yếu tố mang tính định chế
Một attitude tốt về tinh thần trách nhiệm, hợp tác, chấp nhận rủi ro, dấn thân, đóng góp lớn trong việc tạo ra sự khác biệt của nền kinh tế giữa các quốc gia... hơn các yếu tố mang tính định chế


Kinh doanh là một công việc thú vị và cao thượng nếu doanh nhân dấn thân vào đó với một tâm thế đúng mực. Ngược lại, nó có thể là một cạm bẫy dễ dẫn đến tha hóa. Cho nên, khi bắt đầu khởi nghiệp cần luôn tự hỏi mình muốn gì?

Kiếm tiền?

Kiếm được đồng tiền đầu tiên từ kinh doanh là một cảm giác thú vị khác hẳn với khoản lương đầu tiên khi đi làm. Ta có cảm giác như ta đã nắm được gì đó từ mạch đập của đời sống. Ta đã tự chủ, ta đã chinh phục được, khám phá ra. Có một cái gì đó thật hào sảng y như ba chữ của danh tướng Ceasar khi chinh phục và chiếm được Ai Cập gửi báo cáo về cho La Mã: “Veni, Vidi, Vici” (Đã đến, Đã thấy, Đã thắng).

Nhưng cảm giác đó sẽ mất dần đi nếu mục đích chỉ là kiếm tiền. Bởi vì sự thú vị của kinh doanh chính là khám phá thế giới quanh mình, mà đồng tiền chỉ là một chỉ dấu để thấy là mình đã Vici.

Đó là chưa kể về mặt quản lý, đặt mục đích là lợi nhuận sẽ dẫn đến sai lầm như Peter Drucker - cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại - nói: Nếu hỏi mục đích của một cơ sở kinh doanh dùng để làm gì, câu trả lời thường là: đó là một bộ máy để làm ra lợi nhuận.

Quá hiển nhiên! Nhưng theo Drucker, đó là một câu trả lời không chỉ sai mà còn là không phù hợp. Định nghĩa đúng nhất theo Drucker, về mục đích của kinh doanh, là tạo ra khách hàng, tạo ra thị trường.

Ở nghĩa đen, định nghĩa trên nhấn mạnh đến trọng tâm của kinh doanh không được nhầm lẫn: khách hàng là nền móng của một doanh nghiệp và là cái giữ cho nó tồn tại. Cho nên phải tìm cho ra được sản phẩm hay dịch vụ để khách hàng “click” với chúng ta ngay và bắt đầu xem sản phẩm của chúng ta là một phần cuộc sống của họ.

Những gì doanh nghiệp nghĩ mình đang sản xuất không quan trọng bằng những gì khách hàng nghĩ họ đang mua. Tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ mà quy tụ được nhiều người đến dùng và gắn bó lâu dài là một thành công đảm bảo lâu dài hơn là kiếm lãi thật nhiều. Nó tạo ra một “thế giới”, một sinh quyển. Nó gần với một thành công xã hội hơn là tiền tài.

Nhìn theo góc nhìn này chúng ta sẽ thấy công việc của mình không phải là mua rẻ bán đắt để tối ưu hóa lợi nhuận mà là đắm mình trong nghiên cứu đời sống, con người, văn hóa, nhu cầu để nhận ra một khuynh hướng và ứng dụng những cải tiến để biến khuynh hướng ấy thành thị trường, thành khách hàng.

Yahoo, Google, Facebook... thoạt đầu đều là những thứ cho không để tạo ra khách hàng, thật nhiều khách hàng đủ hình thành cả một “sinh quyển”, từ nơi đó lợi nhuận mới bắt đầu nảy sinh.

Doanh nhân lúc đó giống một nhà khám phá, nhà mạo hiểm, nhà truyền bá hơn là nhà... kiếm tiền. Lịch sử nhân loại cũng cho thấy chính thương mại đã hình thành nên thế giới: các dòng thương mại ở Địa Trung Hải thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên đã là tiền đề để hình thành nền văn minh Hi - La.

Thương mại, công nghiệp đã giúp Trung Hoa cổ đại hình thành và sau này nối nó với phương Tây cũng bằng một con đường thương mại mang tên Con đường tơ lụa. Thời Trung đại, các nhà buôn Ả Rập bằng lạc đà hay thuyền buồm trên Hồng Hải, vịnh Ba Tư, Bắc Phi... đem hàng hóa đến cho những người phân phối nhỏ không quen biết và một vài tuần sau mới đến lấy tiền.

Tất cả vì một mục đích: họ muốn tạo dựng một thế giới, một mạng lưới chứ không phải là lợi nhuận.

Nhỏ hơn, gần hơn, chẳng hạn, ta sẽ thấy thật vui khi ngồi ở cà phê Tùng Đà Lạt, một căn phòng nhỏ, ngồi chen chúc bên nhau, ấm cúng nghe Lê Uyên Phương trầm trồ ngợi ca núi rừng. Không gian đó tạo ra phong cách điển hình Đà Lạt hơn nửa thế kỷ qua.

Bà chủ quán tâm sự: cả năm không đóng cửa được ngày nào, khách nhớ quán - đừng tưởng là du khách, toàn là người Đà Lạt, thậm chí là hàng xóm ở quanh khu Hòa Bình - ba mươi tết cũng muốn đến ngồi để ngẫm, để ngấm những giọt thời gian chăng? Ta không rõ, chỉ biết rằng đến Đà Lạt lại bị cái “sinh quyển” ấy gọi mời. Cà phê Tùng như thế đâu còn là kinh doanh, là lợi nhuận.

Chọn một “Attitude”

Không có một từ tương đương để dịch chữ “attitude” sang tiếng Việt, chữ “thái độ” không chuyển hết được ý. Attitude như một chọn lựa sống, chọn lựa một tư thế nhìn nhân thế, nhìn nhân sinh, chọn lựa dấn thân...

Như một tu viện trưởng của dòng tu Biển Đức trong một bài giảng với các tu sĩ của mình đã nói: “Các con vào đây để làm gì? Những người thanh niên đẹp đẽ, giỏi giang, mạnh khỏe vào chôn giấu cuộc đời mình trong một tu viện để làm gì? Tất cả mọi mục tiêu đều không đáng, trừ khi các con nhận ra mình đang dấn thân vào một cuộc tìm kiếm vĩ đại giữa vũ trụ mênh mông này, đó là cuộc phiêu lưu để tìm kiếm Thiên Chúa!”.

Tương tự như vậy, tôi thấy thật đẹp đẽ khi nhìn hình ảnh của Steve Jobs dấn thân cả cuộc đời một cách nghiệt ngã để khám phá sự toàn hảo trong từng sản phẩm và khơi gợi những cảm xúc mới trong các sản phẩm của mình, rồi Mark Zuckerberg của Facebook, rồi Bill Gates...

Bởi một phần nhờ sự dấn thân của các doanh nhân này mà từ trống rỗng bỗng mọi thứ được tạo nên. Nhà cửa đàng hoàng để ở. Thức ăn ngon lành dễ dàng tìm thấy. Thuốc men để chữa bệnh. Máy bay để bay trên trời. Tàu bè để lội qua biển cả. Điện thoại để vừa nói vừa nhìn thấy mặt nhau giữa hai lục địa...

Phát biểu khi đến nhận giải Nobel kinh tế hồi năm 2006, Edmund Phelps là nhà kinh tế đầu tiên nhận một giải thưởng rất “vĩ mô” lại chỉ nói về attitude trong kinh doanh. Newsweek đã thắc mắc hỏi: Để làm cho nền kinh tế năng động, đổi mới, ai cũng nhắc đến thuế, luật lao động, vốn, trong khi ông chỉ khuyên nên nhìn vào văn hóa và não trạng của con người?

Phelps đáp: Vâng, thật kỳ cục khi chúng ta dành quá nhiều thời gian nói về các định chế kinh tế, nhưng lại không để chút chú ý nào về “attitude” và hỏi xem “attitude” có tác động nào đến thực hành kinh tế để tạo ra công ăn việc làm, năng suất lao động và tăng trưởng.

Theo khảo sát của chúng tôi, một “attitude” tốt về tinh thần trách nhiệm, hợp tác làm việc, chấp nhận rủi ro, dấn thân... đóng góp lớn trong việc tạo ra sự khác biệt của nền kinh tế giữa các quốc gia, hơn các yếu tố mang tính định chế như luật bảo vệ lao động hay trợ cấp thất nghiệp.

Nghiên cứu chỉ ra ít có người Pháp, Ý, Đức chọn các công việc mang tính thách thức năng lực, phải chịu trách nhiệm cao, phải đổi mới, phải giải quyết khó khăn, phải cạnh tranh... như người Mỹ hay Anh. Do đó, rõ ràng hai nền kinh tế sau năng động hơn gấp bội.

Còn ở nước ta, từ đợt khởi nghiệp hồi đầu thập niên 1990, chỉ mười năm sau, khoảng năm 2005, đã xuất hiện một “attitude” đáng lo âu: một số không ít doanh nhân do may mắn rơi đúng giai đoạn bong bóng của bất động sản và chứng khoán, cộng với các mối “quan hệ hậu trường”, đã trở nên hết sức phù phiếm.

Họ đua nhau xây lâu đài, xe hơi, người đẹp, những trò vung tiền ngông cuồng, xem tiền bạc và giàu sang như có thể lấy trong túi ra bất cứ lúc nào. Tất cả phải đợi đến cuộc sụp đổ hồi năm 2008, 2009 mới bắt đầu tỉnh thức.

Từ Meta tới Meta

Do đó, các “nhà khởi nghiệp” cần nhớ rằng ở những quốc gia có truyền thống lâu đời về kinh doanh thì hình thái hoạt động xã hội đặc biệt này được nâng lên đến tầm mức của “Đạo”. Đạo là đường. Nhà kinh doanh có sứ mệnh chính là mở đường để các năng lượng tựa như hư không tụ lại thành vật chất.

Thế giới kinh doanh hiện nay dành nhiều chú ý đến khái niệm “Meta-Business”. Đây không phải là một cách chơi chữ mà thật sự là một liên hệ về ý niệm xuất phát từ chữ Metaphysics (tức siêu hình học) vốn cấu thành từ chữ “meta ta physica", với “meta” hàm nghĩa ở phía sau, phía ngoài “physics”, tức những phạm trù nằm ngoài “vật lý” hay nằm ngoài cái hữu hình (vì vậy ta gọi là siêu hình).

Dường như trong kinh doanh, đặc biệt trong nền kinh doanh hiện đại, để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế hữu hình, nhiều lúc phải bước ra khỏi lằn ranh của vật thể để sử dụng những quy luật của thế giới phi vật thể mới mong tìm ra đáp số.

Dường như người hoạt động trong thế giới vật thể lại phải đắm mình sâu vào thế giới ý niệm - phi vật thể - để sáng tạo ra vật thể. Đó là cội nguồn của các định danh mà kinh tế hiện đại đã bỏ nhiều công sức để khái quát, mô tả bằng nhiều hình ảnh, tên gọi khác nhau: nền kinh tế mới, kinh tế thông tin, kinh tế tri thức, kinh tế ý tưởng, kinh tế phi vật thể...

Dường như nền kinh tế mới sẽ được vận hành tốt hơn nếu người ta thông thạo hơn cách làm việc ở các thế giới “ngoài kinh tế”, đó có thể là thế giới của tri thức, của khoa học, của triết học, của văn hóa, của nghệ thuật...

Ở phương Tây, theo quan niệm Cơ Đốc giáo về kinh doanh, vốn góp phần tạo nên tinh thần của nhà tư bản, thì người ta chăm chỉ làm ra tài sản nhưng không phải để sử dụng nó, bởi vì họ biết con người không chiếm hữu được gì trên trần gian thoáng chốc này.

Tinh thần đó cũng tựa như câu hỏi của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.

Tất cả rồi cũng chỉ có thế, tích tụ lên mọi thứ rồi thanh thản buông trả lại cho đời thôi. Đó là một “Attitude” mang đậm tính “MetaBusiness”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận