Ukraine và NATO: Từ chỉ trích đến hoài nghi

TƯỜNG ANH 16/12/2023 11:32 GMT+7

TTCT - Ngày 30-11, một ngày sau khi kết thúc Hội nghị ngoại trưởng NATO ở Brussels (từ 27 đến 29-11), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Ukraine có trở thành thành viên NATO hay không.

Điều gì đã diễn ra tại cuộc họp Hội đồng Ukraine - NATO và những dự báo nào cho tư cách thành viên NATO của Ukraine?

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Phát biểu hôm 30-11 trong cuộc gặp gỡ sinh viên nhân chuyến đi đến Nikolaev, khi nghe hỏi về triển vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine, ông Zelensky nói: "Chúng tôi không biết chính xác mọi chuyện sẽ như thế nào... Không ai có thể cho các bạn biết chắc chắn. Liệu chúng ta sẽ vào NATO hay không vào NATO. Chúng ta muốn, nhưng…".

Cuộc họp Hội đồng Ukraine - NATO (trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng NATO) ở Brussels là cuộc họp đầu tiên sau khi định dạng này được thiết lập tại Hội nghị thượng định NATO ở Vilnius ngày 12-7. 

Hội nghị Vilnius không đưa ra khung thời gian cụ thể cho Ukraine gia nhập, chỉ nói sẽ cho phép nước này trở thành thành viên "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". 

Khi đó, ông Zelensky đã mạnh miệng chỉ trích, cho rằng việc thiếu thời gian biểu là "vô lý" và "thái độ bất định chính là sự yếu kém" của NATO. Từ đó đến nay, điều gì đã khiến ông hạ giọng, thậm chí có phần hoài nghi?

Phía sau những ngợi khen

Cuộc họp Hội đồng Ukraine - NATO ở Brussels lần này đã tóm tắt kết quả cuộc tấn công của Ukraine năm nay và trình bày tầm nhìn về tình hình trên các mặt trận. 

Tường thuật của báo Đức Frankfurter Allgemeine (FA): Tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO, nhiều phát biểu khen ngợi, khích lệ được gửi tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chẳng hạn, đã nói: "Sự can đảm, quyết tâm và kỹ năng của lực lượng vũ trang Ukraine đã khiến cả thế giới kinh ngạc". 

FA coi lời hùng biện này là nét chủ đạo chính thức mới của liên minh vì "các bộ trưởng và nhà ngoại giao đã lặp lại nó theo nhiều biến thể". Mục đích rất rõ ràng: "Nó được thiết kế để hóa giải ấn tượng về sự mệt mỏi vì chiến tranh", tờ báo thẳng thắn.

Quả thật, khi thảo luận về tình hình mặt trận, giọng điệu thay đổi hẳn. Ông Stoltenberg thừa nhận: "Chiến tuyến không thay đổi trong một năm, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn". 

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna dự đoán một "mùa đông khắc nghiệt" cho Ukraine do các cuộc tấn công bằng UAV của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng. Krišjānis Kariņš, bộ trưởng Ngoại giao Latvia, tin rằng "Ukraine không có khả năng phản công chớp nhoáng vì thiếu trang thiết bị và vũ khí và không đến đủ nhanh".

"Trong các cuộc trao đổi kín, các ngoại trưởng chia sẻ đánh giá tỉnh táo của Tổng tư lệnh Ukraine, tướng Valery Zaluzhnyi: Ukraine và Nga đang bế tắc, cả hai đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao và sẽ có rất ít thay đổi trong tương lai gần", FA tường thuật. 

Hơn nữa, nhiều chuyên gia còn tin rằng sẽ tốt hơn nếu Ukraine trước đây không tuyên bố phản công, vì "điều này tạo ra những kỳ vọng mà nước này không thể đáp ứng".

Để không thua, Ukraine phải "giữ những gì đã thắng" nhưng đã xuất hiện bất đồng trong đánh giá chiến trường giữa NATO và Tổng thống Zelensky. 

Trong khi NATO chia sẻ nhận định của tướng Zaluzhnyi về tình thế bế tắc trên chiến trường thì "Tổng thống Zelensky và văn phòng của ông nhất quyết là không hề có ngõ cụt", theo cổng thông tin Ukraine Strana.news.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Tương lai "treo"

Liên minh cũng hy vọng Nga sẽ chưa sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn trong những tháng tới. Hầu hết các chuyên gia trong khối đều đồng ý với đánh giá này và do đó "tình trạng bế tắc có thể kéo dài trong một thời gian, tốt nhất là đến tháng 7 năm sau, khi NATO kỷ niệm 75 năm thành lập tại Washington". 

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó cho biết sau cuộc họp của Hội đồng Ukraine - NATO rằng trong tình hình hiện tại, "không thể nói gì" về việc Ukraine gia nhập NATO. Cụ thể, Ukraine sẽ không được đề nghị trở thành thành viên của liên minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới.

Tương lai Ukraine trong NATO như vậy sẽ tiếp tục "treo" cho đến sau bầu cử tổng thống Mỹ. Trước thượng đỉnh NATO ở Vilnius, vào 8-7-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rõ quan điểm của Washington: "Tôi không nghĩ NATO có sự nhất trí về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO vào thời điểm này hay không, ở giữa một cuộc chiến". 

Năm tháng sau, tạp chí điện tử trực tuyến Oriental Review dẫn lời đại biểu quốc hội Ukraine Alexey Goncharenko trên kênh Telegram của ông nói "sẽ không có NATO" cho Ukraine và Hoa Kỳ "rất khó chịu với vấn đề này đến mức có tin đồn Ngoại trưởng Blinken đã yêu cầu các đối tác châu Âu ngừng nhắc đến".

Đó là lý do mà theo Goncharenko, "Zelensky hiện chỉ tập trung vào tư cách thành viên EU", bởi việc mở rộng NATO trong bối cảnh hiện nay thực sự là mối đe dọa đối với lợi ích của Washington, theo Oriental Review.

Sự hoài nghi của ông Zelensky càng có cơ sở khi ngày 8-12, Thượng viện Mỹ đã chặn việc bỏ phiếu về dự luật giúp Ukraine. Điều này không bất ngờ bởi trước đó hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không thể đi đến thỏa thuận: Đảng Cộng hòa yêu cầu đưa các biện pháp củng cố biên giới Mỹ vào dự luật. 

Bất ngờ là ở chỗ việc ngăn chặn được thực hiện bởi Thượng viện, nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số, chứ không phải Hạ viện, nơi Đảng Cộng hòa ưu thế. Chính quyền Biden hiện đang cố gắng thuyết phục quốc hội thông qua dự luật phân bổ hơn 100 tỉ USD viện trợ cho các đồng minh của Mỹ. Phần lớn trong số đó được dành cho Ukraine - 61 tỉ USD (phần còn lại dành cho Israel và Đài Loan).

Ảnh: Business Today

Ảnh: Business Today

"Đây không phải cuộc chiến của chúng tôi"

Trong khi đó, theo kết quả cuộc họp Hội đồng Ukraine - NATO, việc cung cấp vũ khí sát thương đã bị loại khỏi chương trình hỗ trợ cho Kiev năm 2024. Ngoại trưởng Hungary Szijjártó thừa nhận với báo giới rằng chính Budapest nhất quyết từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev do lo ngại xung đột leo thang. 

Tờ Blikk dẫn lời ông Szijjártó: "Ukraine đang chiến đấu cho chính mình vì toàn vẹn lãnh thổ, vì chủ quyền và độc lập của mình, điều mà chúng tôi đánh giá cao, nhưng đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi, vì vậy chúng tôi bác bỏ bất kỳ cách tiếp cận nào như thế".

Sau cuộc họp Hội đồng NATO - Ukraine, ông Stoltenberg nói rằng "việc chuyển giao F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường, lực lượng vũ trang Ukraine cần các thiết bị khác nhau nhưng không có hệ thống nào có thể giúp thay đổi tình hình ở mặt trận". ■

Nhà khoa học chính trị Kimberly Marten, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á - Âu tại Đại học Barnard ở New York, trên cổng thông tin Meduza.io, phân tích lý do ngần ngại của NATO trong việc xúc tiến thủ tục cho Ukraine gia nhập, mà bước cụ thể tiếp theo, sau khi Kiev nộp đơn vào 30-9-2022, là gởi lời mời tham gia liên minh. Theo bà Marten, tuy Kiev muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt, rất khó để NATO đưa ra lời mời lúc này: Không thể dự đoán tình hình kinh tế và chính trị trong nước Ukraine sẽ như thế nào khi chiến tranh kết thúc.

"Người ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu một tổng thống mới thay thế ông Zelensky, cũng như nếu Ukraine cuối cùng phải chịu tổn thất lãnh thổ đáng kể, và điều đó sẽ có ý nghĩa gì với sự nổi lên của các phong trào chính trị có thể cực đoan hơn nhiều… (so với giới lãnh đạo hiện nay)", bà Marten nói. Cũng theo bà, câu hỏi bây giờ không phải là Nga sẽ phản ứng thế nào với đề xuất gia nhập của Ukraine, mà là NATO không chắc chắn tương lai Ukraine sẽ ra sao. Bà cho rằng NATO đã có đủ khó khăn với những thành viên "như Thổ Nhĩ Kỳ, và ở một mức độ nào đó là Hungary và Ba Lan", những nước không phải luôn có cùng suy tính với các lãnh đạo NATO.

Bà Marten phân tích nếu Ukraine ngay lập tức trở thành thành viên, NATO sẽ có nghĩa vụ bảo vệ nước này. Điều này có nghĩa là một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Nga. Kiev cũng hiểu vậy nên họ "chỉ cần một lời hứa chính thức rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh trong tương lai và điều này sẽ diễn ra trong một khung thời gian cụ thể". Tuy nhiên, ngay cả việc đơn giản hóa lộ trình, thủ tục, tương tự trường hợp Thụy Điển hay Phần Lan, cũng là điều liên minh phải cân nhắc.

Tình hình nội bộ Ukraine

Chính khách đối lập Ukraine Oleg Tsarev trên kênh Telegram của ông hôm 7-12 cho rằng xung đột đang ngày càng tăng giữa Tổng thống Zelensky và Tổng tư lệnh Valery Zaluzhnyi. Bằng chứng mới nhất là quyết định của ông Zelensky cách chức đại biểu Fyodor Venislavsky khỏi chức vụ đại diện tổng thống ở Rada (Quốc hội Ukraine). Căn nguyên là 10 ngày trước, Venislavsky đã lên án người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Rada Maryana Bezuglaya vì bà này kêu gọi Zaluzhnyi từ chức. Không chỉ thế, Venislavsky còn đề xuất cách chức bà này vì "hành vi của bà Bezugla là không thể chấp nhận được, việc bà ở lại ủy ban có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh quốc gia". Việc thay vì cách chức bà Bezuglaya, ông Zelensky lại cách chức người ủng hộ Zaluzhnyi, theo ông Tsarev, "cho thấy những bất đồng nghiêm trọng trong giới thân cận Zelensky về số phận của Zaluzhnyi. Nhất là khi thành tích của Venislavsky vững chắc hơn Bezugla rất nhiều… Sắc lệnh hôm nay của Zelensky cuối cùng cũng làm rõ thái độ của ông đối với Zaluzhnyi". Trong hoàn cảnh cả trong lẫn ngoài đều không thuận lợi như vậy, ông Zelensky không hoài nghi về tương lai Ukraine trong NATO mới là chuyện lạ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận