Án mạng và địa chính trị

SÁNG ÁNH 24/09/2020 02:09 GMT+7

TTCT - Iran vừa hành quyết lực sĩ bộ môn đô vật Navid Afkari về tội đâm chết từ sau lưng một bảo vệ công ty nước là Hassan Torkaman. Gia đình của Torkaman đã từ chối không tha thứ Afkari theo luật Hồi. Luật này cho phép gia đình nạn nhân tha chết cho thủ phạm sau khi nhận hay không nhận bồi thường (còn gọi là luật “tiền máu”). Hai anh em của Navid mang tội đồng phạm thì lãnh 54 và 27 năm tù.

Navid Afkari (Ảnh: Wiki)

Tuy hành nghề công nhân xây dựng ở Shiraz nhưng Navid là lực sĩ nổi tiếng tầm quốc gia vì đô vật là bộ môn được quần chúng Iran ưa chuộng, và về bộ môn này thì Iran ở đẳng cấp quốc tế.

Navid và các anh em ruột, cũng như cả ngàn người khác, đã tham dự các cuộc biểu tình chống chính quyền năm 2018, nên có dư luận nói vụ án này là đổ vấy cho họ để dằn mặt mọi người. Chính quyền, tòa án Iran không thông báo chi tiết cũng như nguyên nhân vụ án, chỉ xác định lơ mơ là Navid có mặt tại hiện trường vì điện thoại di động của anh được ghi nhận xuất hiện ở nơi xảy ra án mạng.

Truyền hình nhà nước dành 11 phút về việc này với lời thú tội của Navid và cáo buộc của gia đình nạn nhân, phát sóng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên tiếng đòi tha cho Navid.

Ông Trump nói gì, Iran làm ngược lại

Thậm chí có thể nghĩ Navid bị hành quyết chính bởi ông Trump lên tiếng và làm lớn chuyện, rốt cuộc đẩy anh lên dây thòng lọng. Mỹ là tử thù của thần quyền Iran từ Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ chế độ quân chủ được Anh quốc và Hoa Kỳ hậu thuẫn suốt hơn 1/4 thế kỷ.

Trong 26 năm sau đó, Iran dưới thời vua Mohammad Reza Pahlavi là đồng minh “con cưng” của Tây phương và nắm giữ vị thế chiến lược ở Trung Đông suốt thời chiến tranh lạnh vì sát cạnh Liên Xô, chưa nói đến tài nguyên dầu hỏa, tức còn gắn bó mật thiết hơn cả Saudi Arabia hiện nay.

Nhưng nay thì đã sao đổi vật dời. Chính quyền Trump còn sắt đá với Iran hơn những đời tổng thống trước. Năm 2015, Iran đàm phán thành công với khối Tây phương để gỡ lệnh phong tỏa, đổi lấy việc ngưng sản xuất uranium chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước này chưa ráo mực thì năm 2016, chính quyền Trump đơn phương xé bỏ “bởi tôi thích thế”. 40 năm cấm vận đến nay đã đẩy Iran từ chỗ là một nước giàu có vào cảnh khốn khó vô phương.

Cuộc biểu tình ở Shiraz năm 2018 mà anh Navid tham gia là phản ứng của quần chúng trước những khó khăn vật chất trong cuộc sống do tình trạng phong tỏa gây ra. Nói ngắn gọn để minh họa, Navid biểu tình bởi ông Trump đơn phương xé bỏ hiệp ước Hoa Kỳ đã ký thời người tiền nhiệm của ông Barack Obama. Rồi sau đó anh lên giàn xử giảo nhiều khả năng cũng vì ông Trump nói một câu tưởng như “ban ân bố đức”… trên Twitter. “Gửi những nhà lãnh đạo Iran, tôi sẽ đánh giá rất cao nếu quý vị tha mạng cho chàng trai trẻ này và đừng xử tử anh ta”, Trump viết trên Twitter của ông tuần trước.

Sự lên tiếng đó không đúng lúc chút nào, vào lúc chế độ cầm quyền Iran đang căm tức Trump vô hạn: ngoài sự thay đổi thái độ, còn cả vụ hành quyết chiến tướng Qasem Soleimani đầu năm nay mà Iran vẫn chưa báo thù “đến nơi đến chốn”.

Iran, cũng như nhiều thứ trên đời, không đơn giản là một khối, mà rất đa sắc thái. Thần quyền tuy nắm phần tư tưởng nhưng tại đây có bầu cử đều đặn và định kỳ. Phổ chính trị tại Iran cũng trải rộng từ ôn hòa và cải cách đến bảo thủ và sắt đá, có thể ví phần nào với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ. Cả hai đều tôn trọng thể chế nói chung và đường lối tôn giáo nhưng có những chính sách khác biệt.

Chính quyền hiện nay của Tổng thống Hassan Rouhani là Đảng Ôn hòa và phát triển, thắng cử năm 2017 với 54% phiếu bầu (so với phe diều hâu Hội Giáo sĩ chiến đấu - 38%). Thành phần ôn hòa này không nắm đa số, nhưng là thành phần lớn nhất tại Quốc hội 2016 với 121/290 ghế. Tại “Thượng viện” (tên chính thức là Hội đồng Chuyên gia), họ nắm 20/88 ghế so với 27/88 của phe bảo thủ, số còn lại là trung dung. Như vậy, hiện phe ôn hòa cải cách vẫn ở thế thượng phong.

Đây là nhiệm kỳ hai của Tổng thống Rouhani. Ông từng thắng cử năm 2013, sau 8 năm dưới trào tổng thống bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013). Trước Ahmadinejad là tổng thống cải cách Mohammad Khatami (1997-2005).

Trước Khatami là hai nhiệm kỳ của tổng thống trung hòa Akbar Hashemi Rafsanjani (1989-1997). Trước nữa là tổng thống bảo thủ Ali Khamenei (1981-1989), hiện là đại giáo chủ.

Như vậy ta thấy trong thể chế thần quyền và tôn giáo có hai luồng thay phiên nhau lãnh đạo quốc gia, như trong chế độ tư bản dân chủ kiểu Mỹ có hai luồng Cộng hòa - Dân chủ. Việc đi đến thỏa ước với Tây phương là thành công và thắng lợi của luồng cải cách ôn hòa. Ký kết xong thì thay vì mở cửa được và đời sống khả quan hơn, phe ôn hòa lại bị phản ứng của chính quyền Trump làm họ không giữ được lời hứa với dân chúng, chẳng khác gì chạy theo ôm chân nó để nó đạp vào mặt và giúp củng cố phe quá khích.

Iran là quốc gia có nhiều tài nguyên và kỹ thuật cao, tức đủ điều kiện để phát triển mạnh. Trong hoàn cảnh khốn khó 40 năm qua, họ vẫn là cường quốc của khu vực, hiện là ảnh hưởng chính từ Lebanon, Syria, Iraq đến Yemen về ngoại giao và về quân sự. Hoa Kỳ vẫn còn ngại không dám đụng đến thẳng thừng, bất quá ám sát một tướng Soleimani chứ vẫn chưa dám khai hỏa đổ quân bởi không khéo thì lại sa lầy, vỡ nợ.

Vũ khí chính của Hoa Kỳ vẫn là duy trì, tăng cường trừng phạt và cấm vận. Chính sách này về lâu dài có hiệu quả chứ chẳng phải không. Mỹ trông đợi vào bất bình của quần chúng và nền kinh tế khó khăn, nhất là Iran phải bao sân tại Trung Đông rất tốn kém.

Vụ án lực sĩ Navid là một ví dụ nhỏ trong chuyện sách nhiễu đường dài này.

Biểu tình phản đối án tử hình với Navid Afkari ở Berlin. Ảnh: global.ca
Biểu tình phản đối án tử hình với Navid Afkari ở Berlin. Ảnh: global.ca

Tiêu chuẩn kép

Tất nhiên tư pháp Iran không phải vô tư và công tâm như vụ án lịch sử Navid cho thấy, nhưng Mỹ lên tiếng cũng chưa hẳn chỉ vì nhân quyền và tư pháp độc lập.

Lấy ví dụ một đồng minh của Mỹ trong khu vực là Ai Cập dưới quyền tướng - Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi. Tháng 8-2013, hàng chục ngàn người phản đối việc quân đội lật đổ tổng thống dân cử Mohamed Morsi tại Cairo. Việc đàn áp cuộc biểu tình này khiến khoảng 600 người thiệt mạng.

Sáu tháng sau, tòa tuyên án tử hình tập thể 75 người biểu tình sống sót! Đến tháng 3-2014, tòa lại tuyên án tử hình tập thể 529 người. Sau rộng rãi, đổi án thành chung thân cho 479 và giữ án tử hình với 37 người.

Tháng 4-2014, tòa lại tuyên án tử hình tập thể 683 người về tội biểu tình làm thiệt mạng một viên cảnh sát. Phải chăng 683 người này cùng cầm dao đâm viên cảnh sát 683 nhát như trong truyện trinh thám của Agatha Christie Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông?

Không phải, vì những người đó có người bấy giờ đang ở ngoại quốc, có người ở thành phố khác, có người ở nhà không ra đường và có cả người không có điện thoại di động để mà xác định điện thoại có mặt tại hiện trường.

Nhưng đây là chế độ quân phiệt thân Mỹ tại Ai Cập, không phải chế độ thần quyền chống Mỹ tại Iran. Khi gặp tướng Sisi, Tổng thống Trump vẫn khen ông này có đôi giày cổ cao rất đẹp, khiến tướng Sisi không khỏi ngượng ngùng e ấp.

Đó là chưa kể chiến hữu cật ruột của Mỹ trong khu vực Saudi Arabia cũng chẳng phải là nền dân chủ tam quyền phân lập tư pháp công minh gì ráo. Nhớ chuyện nhà báo đối lập Saudi Jamal Khashoggi bị phân ra thành 16 mảnh trong lãnh sự quán ở Istanbul, biết đâu cũng bởi ông Trump có nhắn xin tha mạng nên thái tử Saudi Mohammad bin Salman mới cả quyết ra tay và ra cưa? ■

Ta không biết lực sĩ Navid lúc hành quyết ra sao. Năm 2005, một thẩm phán Iran nổi tiếng là quyết đoán, ông Hassan Moqqadas, từng phát biểu là ra án trước khi xét hồ sơ (kiểu Ai Cập nhưng làm ăn nhỏ). Ông bị hai chú cháu Majid và Hossein Kavousifar ám sát. Hai người này trốn sang UAE và vào sứ quán Hoa Kỳ xin tị nạn. Sứ quán bèn gọi công an đến và trao cho nhà chức trách UAE. UAE trả họ về Iran và năm 2007, cả hai bị hành quyết vào đúng ngày họ giết thẩm phán kia hai năm trước.

Khi ra pháp trường, người cháu là Hossein có vẻ bối rối, nhưng người chú Majid vẫn tươi cười. Anh không ngạo nghễ hô hào, mà chào hỏi mọi người một cách lịch sự và vui vẻ. Trước đó, anh thành khẩn khai báo: “Tôi đã đến mức phải diệt trừ sự bất công”. Majid nổi tiếng nhờ bức ảnh bên cạnh, vì cũng như tại Saudi Arabia, thi hành án tử hình tại Iran là công khai trước quần chúng.

Majid Kavousifar trước thời khắc bị hành quyết. Ảnh: imgur.com
Majid Kavousifar trước thời khắc bị hành quyết. Ảnh: imgur.com

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận