ASEAN - Trung Quốc: Thấy gì từ “thượng đỉnh đặc biệt”?

DANH ĐỨC 30/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - “Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự và chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc qua kết nối video vào sáng 22-11”, China Daily của Trung Quốc loan tin. Động từ “chủ trì” (“chairs”) đập vào mắt.

Phải giải thích cho đầy đủ: Do đây là một cuộc gặp mà mỗi bên (ASEAN và Trung Quốc) có một đại diện chủ trì. Thông cáo chung ghi là đồng chủ tọa bởi Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah về phía ASEAN, còn về phía Trung Quốc là ông Tập. 

Tuy nhiên, việc China Daily không nêu “đồng chủ tọa” mà chỉ nêu “chủ tọa” là cách mà trang tin này tỏ bày sự tuân phục với nhà lãnh đạo vừa được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tôn vinh là có “vai trò lịch sử”.

 
 Năm nay Asean và Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập cơ chế đối thoại. Ảnh: bilaterals.org

 Thượng đỉnh đặc biệt 

Sao lại có một thượng đỉnh song phương nữa ngay sau thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra đầu tháng 11 trong khuôn khổ đối thoại ASEAN và các nước lớn, cũng trực tuyến? 

Lý do là bởi năm nay là kỷ niệm 30 năm quan hệ giữa hai bên, nên ông Tập cần có đôi lời với ASEAN, như qua tường thuật của China Daily

“Trong cuộc họp nhóm đầu tiên với các nhà lãnh đạo của khối 10 thành viên, ông Tập đã nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ luôn coi ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng, ủng hộ sự đoàn kết và xây dựng cộng đồng của khối, vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc khu vực và mong muốn khối đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Đáng lưu ý tính từ “đầu tiên” của China Daily nhằm mô tả quan hệ giữa ông Tập với ASEAN. Nếu quả thực đây là cuộc họp đầu tiên giữa ông Tập và cả ASEAN thì cũng không sớm sủa gì, dù ông quả đã nhiều lần gặp riêng lãnh đạo Singapore hay Indonesia hay đến thăm nước này nước kia. Suy cho cùng, liệu phải chăng chỉ vì kỷ niệm 30 năm mà ông xuất tướng?

Dịp “thượng đỉnh đặc biệt” này tiện cho ông làm rõ những suy nghĩ của ông với ASEAN trong bài diễn văn tựa đề “Vì một tương lai cùng chia sẻ và một ngôi nhà chung”. Có hai từ khóa tối quan trọng trong tựa đề bài diễn văn: “Tương lai cùng chia sẻ” và “ngôi nhà chung”.

Cụm “tương lai cùng chia sẻ” là khái niệm được công bố trong quyển “Về xây dựng cộng đồng nhân loại chung một tương lai” được Nhà xuất bản Văn học Trung ương Đảng xuất bản năm 2018. 

Bản tiếng Anh (Xi Jinping, On Building a Human Community with a Shared Future) xuất bản năm sau đó tập hợp hàng chục bài viết của ông Tập từ tháng 11-2012 về việc xây dựng cộng đồng nhân loại với một tương lai chung.

Từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lý tưởng này trở thành nội dung then chốt trong Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới, thể hiện mục tiêu chung của nhân loại đối với hòa bình, phát triển, công bằng, dân chủ, tự do...

Còn “ngôi nhà chung” là một “xuất hiện” mới, được chính thức đưa ra tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc hôm 1-11 vừa rồi, trong tuyên bố mang tựa đề: “Đoàn kết để hành động nhằm bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta”, theo tạp chí lý luận và học tập của Trung ương Đảng Trung Quốc, Cầu thị 2-11-2021. 

Trong tuyên bố ngắn ngủi chỉ khoảng 550 chữ đó, ông Tập nêu cụm này trong tựa đề và nói về những yêu cầu đối phó biến đổi khí hậu mà không giải thích hay khai triển nội dung, nên có thể hiểu “ngôi nhà chung” đơn giản là hành tinh Trái đất.

Cần nhắc với những người có theo dõi tình hình thế giới, từ ngữ “ngôi nhà chung” không mới, mà đã xuất hiện khi châu Âu sắp kết thúc chiến tranh lạnh. Đó là từ mà Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã dùng trong diễn văn “Ngôi nhà chung châu Âu” khá nổi tiếng đọc trước Hội đồng châu Âu ngày 6-7-1989!

Ngôi nhà chung Trung Quốc - ASEAN?

Ông Tập nay dùng lại từ ngữ này trong khung cảnh quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Cụ thể, ông đề ra 5 điểm căn bản làm nền tảng cho việc xây dựng “ngôi nhà chung”, khởi đi từ lời chào “3 trong 1” của quá khứ, hiện tại, tương lai: 

“Tôi rất vui mừng khi được gặp quý vị bằng hữu qua mạng để cùng kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, để nhìn lại những gì chúng ta đã cùng nhau hoàn thành, đúc kết kinh nghiệm trong quá khứ và phác họa bản thiết kế cho tương lai”.

Từ vị trí “trên gió” của Bắc Kinh, tất cả đều màu hồng: “... 30 năm này cũng đã chứng kiến Trung Quốc và ASEAN nắm bắt thời cơ và đi tắt đón đầu mà phát triển quan hệ của chúng ta. Chúng ta đã phủi sạch bóng chiến tranh lạnh và cùng nhau duy trì sự ổn định trong khu vực". 

"Chúng ta đã đi đầu hội nhập kinh tế ở Đông Á, thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hơn 2 tỉ người. Chúng ta đã khám phá ra con đường tươi sáng của tình láng giềng tốt đẹp và đôi bên cùng có lợi”. 

Tất nhiên, đây là một diễn văn mang tính ngoại giao cho một kỷ niệm lớn, nên không thể có màu gì khác màu hồng, càng không có chỗ cho những phân tích sâu xa đào xới quá khứ.

Có vẻ như khi sử dụng lại cụm từ “ngôi nhà chung” cùng các diễn giải kèm theo, những người viết diễn văn cho ông Tập đã tham khảo kỹ diễn văn của ông Gorbachev năm 1989. Song, có lẽ do ông Gorbachev thời đó đang ở “dưới gió”, nên phải dành nhiều thì giờ cho việc giải thích và nghe như cầu cạnh: 

“Triết lý về khái niệm ngôi nhà chung châu Âu loại trừ mọi khả năng xảy ra đối đầu vũ trang, mọi khả năng sử dụng lực lượng quân sự của một liên minh để chống lại một liên minh khác, ở bất kỳ đâu”. Ông Gorbachev đã “gọi mèo là mèo” khi nói: “Loại trừ mọi khả năng xảy ra đối đầu vũ trang”.

Diễn văn của ông Tập cũng được sắp xếp để đưa ra cam đoan tương tự, tiếc là vẫn còn khá mông lung và thiếu liên hệ đến những thực tế đã và đang xảy ra: 

“Đầu tiên, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một ngôi nhà bình yên. Không có hòa bình, sẽ chẳng có gì khả dĩ. Duy trì hòa bình là lợi ích chung lớn nhất của chúng ta và là nguyện vọng ấp ủ nhất của nhân dân các nước. Chúng ta cần đóng vai trò là những người xây dựng và bảo vệ hòa bình trong khu vực”.

Thực tế đó là mới hôm 18-11, lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông. Chừng nào còn những vụ va chạm, đe dọa và ép buộc, thì duy trì hòa bình theo cách nào và của phía nào đây? 

Một thực tế nữa là đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của Trung Quốc, vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ông Tập nói tiếp: “Chúng ta cần theo đuổi đối thoại thay vì đối đầu, xây dựng quan hệ đối tác thay vì liên minh và nỗ lực phối hợp để giải quyết các yếu tố tiêu cực khác nhau có thể đe dọa hoặc phá hoại hòa bình”. 

Ông cũng nói về “thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự” và đề xuất “các vấn đề quốc tế và khu vực được giải quyết thông qua thảo luận giữa tất cả chúng ta”, những điều chưa đủ chi tiết, vì chưa dựa trên một cơ sở pháp lý hay trọng tài cụ thể nào cả.

Cuối cùng, như món tráng miệng bất ngờ sau một bữa ăn không sang trọng, ông Tập đưa ra lời hứa cụ thể: 

“Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền. Trung Quốc theo đuổi dài hạn chung sống thân thiện với các nước láng giềng... Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, càng bớt bắt nạt các nước nhỏ hơn”.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập tới “vấn đề của các vấn đề” với đầy đủ tên tuổi của nó: “... mong muốn Trung Quốc phát huy vai trò nước lớn trong khu vực và trên thế giới đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông, để mang lại hòa bình, ổn định”, theo Đài truyền hình quốc gia VTV 23-11. 

Rất ngoại giao, song tựa bài báo của VTV cũng cho thấy quan hệ ASEAN - Trung Quốc thực tế đang thế nào: “Thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc để tương xứng với tầm vóc chiến lược và toàn diện”.

Tiếp đến, ông Tập phác thảo chi tiết thứ hai của “ngôi nhà chung” tương lai. Trong đại dịch chưa dứt, ông hứa sẽ cùng ASEAN dựng “tấm khiên y tế” qua việc tặng thêm 150 triệu liều vaccine, rồi 5 triệu USD cho quỹ ứng phó COVID của ASEAN, tăng tốc liên kết sản xuất vaccine và chuyển giao công nghệ. 

(Ông cũng nói về việc cùng đối mặt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Về điểm này, hy vọng sẽ có những chuyển biến về nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em).

Yêu cầu thứ ba của “ngôi nhà chung”, theo ông Tập, là “thịnh vượng”. Để hiện thực hóa yêu cầu này, ông hào phóng mở hầu bao, cũng như gián tiếp công nhận cán cân thương mại song phương, ít ra là với một số nước trong khối, đang có vấn đề: 

“Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho ASEAN 1,5 tỉ USD hỗ trợ phát triển trong 3 năm tới để hỗ trợ cuộc chiến chống lại COVID-19 và phục hồi kinh tế... Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chất lượng từ các nước ASEAN, bao gồm mua đến 150 tỉ USD nông sản từ ASEAN trong 5 năm tới”.

Đổi lại, ông muốn hai bên “cần khai thác đầy đủ vai trò của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”. 

Hiệp định này, sẽ chính thức có hiệu lực vào 1-1-2022, ký kết giữa Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác, từng được Đài Mỹ CNBC 15-11-2020 gọi là “cuộc đảo chính của Trung Quốc, do lẽ đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới không bao gồm Mỹ”.

Yêu cầu thứ tư của “ngôi nhà chung”, theo ông Tập, là “hài hòa với thiên nhiên làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của con người”. Và cuối cùng là: 

“Một ngôi nhà chung thân thiện. Chúng ta cần ủng hộ hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do, vốn là những giá trị chung của nhân loại, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giao lưu, học hỏi hỗ tương giữa các nền văn minh...”.

So với “ngôi nhà chung châu Âu” của ông Gorbachev, được đề xuất trong tình thế chỉ vài tháng sau là bức tường Berlin sụp đổ và rồi qua năm sau Liên Xô tự tan rã, thì “ngôi nhà chung” của ông Tập tất nhiên phải khác, trong bối cảnh Trung Quốc đã thành siêu cường đang khá vững vàng trong đại dịch. 

Ngoài ra, cũng phải nhắc rằng “ngôi nhà chung châu Âu” mơ ước của ông Gorbachev cuối cùng đã chẳng không bao giờ được khởi công, chứ đừng nói là nghiệm thu, tất toán và đưa vào sử dụng. 

Ngay chính EU ngày nay cũng đang chia rẽ và rạn nứt, với đỉnh điểm là vụ Brexit. Quan hệ EU - Nga thì còn xa vời nữa, có thể nói là tệ hơn nhiều so với thời ông Gorbachev.

Nói thế để thấy những đồng dạng văn hóa trên đại thể là di sản chung khó thể phủ nhận, song những khác biệt của hiện tại là thứ sờ nắn được và không dễ dàn xếp, như chính ông Tập nhận xét: “Tính đa dạng và tính dung nạp có trong DNA của chúng ta”. 

Một cách hình tượng, đúng là cả ASEAN và Trung Quốc có 2 tỉ người cơ bản đều ăn cơm, song từ cách nấu, cách ăn cho tới cái nước chấm đi kèm đều khác biệt rất nhiều, khó thể một kiểu. 

Myanmar, đã không xuất hiện ở thượng đỉnh giữa ASEAN và các nước lớn hồi đầu tháng 11, tiếp tục vắng mặt trong thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Trung Quốc vừa rồi. 

Theo Reuters, các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei đã từ chối đề xuất của Trung Quốc mời người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar hiện giờ, tướng Min Aung Hlaing, tham gia thượng đỉnh. 

Hãng tin này dẫn lời một nhà ngoại giao người Indonesia nói trong tình hình hiện tại, lập trường của Jakarta là chỉ một nhân vật “phi chính trị” mới có thể đại diện cho Myanmar ở các thượng đỉnh ASEAN. 

Đây là một quyết định chưa có tiền lệ với ASEAN, vốn nhấn mạnh vào nguyên tắc không can thiệp nội bộ và đồng thuận. Hiện chủ tịch luân phiên của ASEAN là Brunei. Theo thứ tự, nhiệm kỳ tới sẽ do Campuchia đảm trách.

“Các nước trong khu vực muốn quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, và không muốn phải chọn phe phái.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ngày 22-11 trong bài phát biểu nhân thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc. (Straits Times)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận