Đơn thuốc cho kinh tế toàn cầu

NGUYÊN HẠNH 15/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Chống dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) là một cuộc chiến không cân sức mà nhiều quốc gia đều phải đối mặt. Khi không được kiềm chế, COVID-19 có thể lan rộng gấp đôi trong vòng 5-6 ngày. Nhiều chính phủ lẽ ra đã có thể kìm hãm tốc độ lây lan của bệnh dịch, nhưng đáng tiếc là tốc độ phản ứng của bộ máy không nhanh như tốc độ của virus.

Ảnh: Axios
Ảnh: Axios

Tính đến ngày 10-3, dịch COVID-19 đã có mặt ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng thêm 36 điểm so với cách đó một tuần. Số ca nhiễm đã vượt quá con số 114.000, trong khi số ca tử vong cũng hơn 4.000.

Dữ liệu phân tích dựa trên hoạt động đi lại đến và rời khỏi Trung Quốc do tạp chí The Economist công bố đầu tháng 3 cho thấy nhiều quốc gia phát hiện hơn 10 ca nhiễm đều có hàng trăm lượt lưu hành không được phát hiện. Iran, Hàn Quốc và Ý đang là những quốc gia “xuất khẩu” virus.

Thế nhưng, một khi virus đã hoành hành, việc kiềm chế bệnh dịch và giảm thiểu tác động đòi hỏi nhiều hơn sự can thiệp của giới y khoa.

Dập dịch phải “chữa” cả kinh tế

The Economist cho rằng việc đầu tiên cần làm là tập hợp nguồn lực con người và tài chính đổ vào các bệnh viện. Trung Quốc đã đưa 40.000 nhân viên y tế về tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm bùng phát của dịch COVID-19. Anh có kế hoạch huy động cả các y bác sĩ đã về hưu. Ngân hàng Thế giới (WB) đã chi 12 tỉ USD và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chi 50 tỉ USD để đối phó với dịch.

Việc quan trọng kế tiếp là giảm tốc độ lan truyền của virus bằng cách khuyến khích người dân chủ động đi xét nghiệm khi quy mô dịch còn nhỏ và có thể kiểm soát. Tình hình ở mỗi quốc gia có thể khác nhau; ví như tại Mỹ, khoảng 28 triệu dân không có bảo hiểm y tế và nhiều người khác đang phải tự xoay xở với việc điều trị tốn kém của họ.

Ngoài ra, người dân cũng phải chủ động tự cách ly ngay khi có triệu chứng nhẹ. Nhưng điều đấy lại sinh ra một vấn đề khác, vì rất nhiều người không thể nghỉ việc. Tại Mỹ, 25% người lao động không được nghỉ không lương và chỉ một số nơi có trợ cấp ốm đau.

Trong khi đó, 1/5 lao động ở Ý đều là tự làm chủ và rơi vào tình trạng tương tự. Lương nghỉ ốm không chỉ đảm bảo cuộc sống cho người lao động mà còn giúp nhu cầu không giảm mạnh trong mùa dịch, từ đó tránh cú sốc lớn đối với nguồn cung và kiềm chế cơn hoảng loạn chung - tất cả những thứ có thể công phá các nền kinh tế.

Cả 3 yếu tố trên đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng. Tại Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) công bố hồi cuối tháng 2 cho thấy hoạt động sản xuất đã sụt giảm mạnh trong tháng 2 xuống mức thấp nhất kể từ khi các cơ quan quản lý nước này bắt đầu thực hiện khảo sát vào năm 2004.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự đoán tăng trưởng toàn cầu 2020 sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, tức thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các mô hình học thuật của ĐH Quốc gia Úc (ANU) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và châu Âu sẽ giảm 2% so với mức đáng lẽ đạt được nếu không có dịch bệnh.

Thị trường tài chính đang lên xuống theo nỗi sợ. Chỉ số S&P 500 đã giảm 8% so với đỉnh điểm vào ngày 19-2. Việc phát hành nợ doanh nghiệp trên Phố Wall đã ít nhiều dừng lại. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ đã giảm xuống dưới 1% lần đầu tiên.

Tại nhiều quốc gia giàu có, đa số các nỗ lực kinh tế cho tới nay đều nhằm trấn an thị trường tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 3-3 đã cắt giảm lãi suất mà không chờ cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra, với một con số lớn bất thường - 50 điểm phần trăm. Các ngân hàng trung ương của Úc, Canada và Indonesia cũng nối gót FED, trong khi Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều sẽ sớm nới lỏng chính sách.

Thế nhưng, vận hành nền kinh tế không thể chỉ tuân theo lý thuyết. Lãi suất thấp có thể giảm chi phí vay và nâng tinh thần chung, nhưng không mức lãi suất nào có thể ngăn con người không đổ bệnh. Chính sách tiền tệ không thể sửa chữa chuỗi cung ứng bị gián đoạn hay khuyến khích người dân ra đường trong thời điểm đầy hoang mang thế này. Đây chính là lý do khiến thị trường chứng khoán vẫn tuột dốc dù FED cắt giảm lãi suất.

Chứng khoán châu Á sụt giảm vì virus corona. Ảnh: Reuters
Chứng khoán châu Á sụt giảm vì virus corona. Ảnh: Reuters

Nước Anh giữa 2 đầu sóng

Chiếc ghế bộ trưởng Tài chính Anh của ông Rishi Sunak rõ ràng không êm ái gì khi vừa lên đã đụng trúng dịch bệnh. The Economist dự đoán nhiều công bố về chính sách tài khóa sẽ xuất hiện trong năm nay.

Dù vậy, Chính phủ Anh lại đang xem gói ngân sách như một khoản phòng hộ và giới chuyên gia cảnh báo đây có thể là sai lầm. Khoản chi ngân sách đầu tiên của một chính phủ mới là một việc trọng đại, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đây là thời điểm nhiều nhà kinh tế thúc giục Chính phủ Anh hành động, không phải chờ thời.

Trong suốt một thập kỷ qua, chính sách kinh tế Anh luôn xoay quanh việc giải quyết các cú sốc. Đầu tiên là khủng hoảng tài chính, khiến chính phủ tiêu tốn tiền bạc giải cứu giới nhà băng. Sau đó, cuộc trưng cầu ý dân diễn ra kéo theo sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Nay, dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế này đến nguy cơ tăng trưởng chậm hơn nữa. Chính Brexit và COVID-19 khơi mào cho nhiều đòi hỏi mở rộng chi ngân sách.

Tuy nhiên ở đây có một lý do khác. Trong khi London đang tập trung vào các vấn đề tức thời, những rắc rối về lâu về dài như năng lực sản xuất yếu kém và lĩnh vực dịch vụ công lại không được quan tâm. Để giải quyết những vấn đề này, các chuyên gia cho rằng ông Sunak sẽ phải chi vào 2 điểm: đầu tư và dịch vụ công.

Chính phủ Anh đang xem xét việc tăng gấp đôi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phương tiện giao thông xanh. Thế nhưng, tại một “mặt trận” khác, London lại không nhận được mấy sự ủng hộ vì kế hoạch cắt giảm ngân sách của các chính quyền địa phương.

Ngân sách của những chính quyền này đã giảm 1/3 so với năm 2010. Giới chuyên gia cảnh báo các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn nếu các dịch vụ công cộng tại địa phương tiếp tục bệ rạc như hiện nay. Đối mặt với nguy cơ từ bệnh dịch, các vấn đề tiềm tàng sẽ nhanh chóng lộ rõ.

Mỹ: Có tất cả vẫn không chọn được giải pháp

Đây không phải là những ngày dễ chịu với chính quyền Mỹ. Mặc dù FED đã tuyên bố cắt giảm lãi suất, thị trường tài chính vẫn không ngừng lao dốc trước nỗi lo dịch bệnh lan rộng. Và dù đang xem xét mọi biện pháp khả thi, Washington dường như vẫn chưa thống nhất được cách làm hiệu quả để đối phó với các tác động kinh tế mà COVID-19 có thể đem lại.

Hôm 9-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ thúc giục các nhà làm luật ban hành lệnh cắt giảm thuế và đảm bảo hỗ trợ cho các nhân công lao động theo giờ giữa bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến thị trường chứng khoán và toàn nền kinh tế chao đảo.

Theo CNN, một số ý tưởng đang được cân nhắc còn có cắt giảm thuế cho các hãng hàng không, du thuyền và khách sạn. Washington cũng đang xem xét việc mở rộng nghỉ phép có lương. Đây được xem là trọng tâm chính một số quan chức Nhà Trắng hướng đến vì lo sợ dịch bệnh có thể lan nhanh nếu người lao động trong lĩnh vực dịch vụ vẫn cố đi làm dù cảm thấy không khỏe.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, ông Chuck Grassley ngày 9-3 tuyên bố “mọi thứ đều đang được bày ra” khi các nhà làm luật bắt đầu cân nhắc các biện pháp kích thích kinh tế. Vị thượng nghị sĩ này không loại trừ khả năng điều chỉnh nghỉ phép có lương hay ưu đãi thuế quỹ lương.

Thế nhưng, một số nghị sĩ khác không hưởng ứng với ý tưởng trên. “Tôi nghĩ đây chưa phải thời điểm” - thượng nghị sĩ John Cornyn trả lời khi được hỏi ông ủng hộ các kế hoạch chi ngân sách của Đảng Dân chủ hay các khoản miễn giảm thuế do Đảng Cộng hòa đề xuất.

Trong buổi họp báo ngày 9-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông vẫn duy trì liên lạc thường nhật với chủ tịch FED Jerome Powell. Ông Mnuchin cũng bác bỏ các lo lắng Mỹ có thể đối diện với nguy cơ suy thoái, cho rằng hoàn cảnh hiện nay không ảm đạm như khủng hoảng năm 2008.

Người tiền nhiệm của giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow, ông Gary Cohn, nói với CNN rằng Chính phủ Mỹ có thể phải hỗ trợ các hãng hàng không nếu cơn khủng hoảng từ COVID-19 tiếp tục và các biện pháp tiền tệ sẽ không giúp xoa dịu nỗi đau kinh tế.

Cũng theo ông, thay vì chờ đợi vào FED, Chính phủ Mỹ nên giúp người dân nhận các khoản hoàn thuế nhanh hơn. Điều này có thể giúp đỡ giới lao động tự do trong lúc người tiêu dùng đóng cửa ở nhà và tránh đến nơi công cộng.■

Giới chuyên gia cho rằng cách để hỗ trợ nền kinh tế trực tiếp là giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động chi trả chi phí và vay tiền nếu cần. Đối với cá nhân, ưu tiên hàng đầu là thanh toán chi phí y tế và hỗ trợ nghỉ có lương. Đối với doanh nghiệp, thách thức sẽ nằm ở vấn đề thanh khoản.

Các công ty mất đi doanh thu vẫn phải chịu thuế, lương và lãi vay. Giảm đi gánh nặng này cho tới khi dịch bệnh chấm dứt có thể tránh những trường hợp phá sản hay cắt giảm nhân công không đáng có. Việc miễn giảm thuế và chi phí lương tạm thời sẽ đem lại kết quả tích cực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận