Hết mưa là nắng

LÊ QUANG 20/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Nếu diễn tả 4,6 tỉ năm lịch sử Trái đất bằng một ngày hay 24 giờ, thì con người chỉ xuất hiện trong 3 giây cuối cùng! Nhưng ở 3 giây đó, con người đã thay đổi bộ mặt hành tinh này một cách toàn diện, theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Nhìn tương quan trên trục thời gian vĩ đại đó để thấy những trục trặc trên con đường tiến hóa - lớn như hai cuộc Thế chiến hay nhỏ như con COVID-19 đáng nguyền rủa - không chỉ là không tránh khỏi, mà còn tiếp sức cho cuộc chạy đường dài của nhân loại về hướng tươi sáng hơn.

Ngày thứ hai đen tối

Cô Bơ làm phụ bếp kiêm quản lý một nhà hàng châu Á bán chạy trên đất Đức, rõ ràng thấy tôi cả ngày sốt ruột hóng tin dịch cúm ở Việt Nam, song cô chỉ quan tâm đến mấy bao gạo mà cô đặt mua đến chậm hai hôm.

Tôi với cô tạm thời đại diện cho hai thái cực: cô gọi điện giục kho thực phẩm tận bên Hà Lan, còn tôi mệt mỏi vì chênh giờ sau chuyến bay xuyên lục địa, lúc này không buồn đụng đũa mà mải theo dõi điểm báo trên màn hình tivi với phát biểu của Neil Wilson, trưởng nhóm phân tích thuộc sàn môi giới chứng khoán trực tuyến markets.com: “Ngày thứ hai này sẽ đi vào lịch sử là thứ hai đen tối!”.

Thị trường tài chính Đức rên xiết vì chỉ số chứng khoán Đức DAX rớt 7,94%, mức giảm sâu nhất kể từ biến cố tấn công khủng bố 11-9-2001, hay nói cách khác là toàn bộ mức tăng của chứng khoán năm 2019 biến mất trong vòng vài tuần của dịch cúm.

Phố Wall ở New York tạm rút cầu chì để lấy hơi, các giao dịch viên ngán ngẩm nhìn màn hình đơ 15 phút để rồi chứng kiến điều họ đã đoán trước: chỉ số S&P 500, linh hồn tài chính của 500 doanh nghiệp Hoa Kỳ quan trọng nhất và là một trong những chỉ số khách quan được quan tâm nhất, tụt 7%.

Những con số đầy kịch tính bắt ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính sau cú ngã ngựa của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers kéo theo cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007. Liệu tình hình sắp tới có tồi tệ tương tự không, hôm nay chưa ai nói được, song nguyên nhân đã hiện rõ: một con virus không thấy được bằng mắt thường, song tới giờ này nó đã âm thầm lấy đi hơn 4.000 mạng người, và dự tính số nạn nhân sẽ đạt hàng triệu.

Khác với cảnh hàng quán vắng ngắt và nhiều tụ điểm lạnh lẽo lơ thơ vài bóng người ở Hà Nội khi tôi ra phi trường, dân Đức có vẻ bàng quan đến ngạo mạn trước thảm họa nhãn tiền và mấy hôm trước ở Paris cũng thấy cảnh tượng tương tự. Họ không quan tâm đến cái gì còn quá xa, họ tin sẽ sớm kiềm chế được nạn dịch này, hay họ có sự tín nhiệm tạm ứng dành cho các biện pháp của chính phủ được đề xuất dồn dập mấy bữa nay?

Cuộc tập kích của virus corona

Lấy thước đo Tây Âu để đánh giá thì nền y tế Pháp bị chính dân địa phương không tin tưởng. Dịch bệnh hiện tại được coi là phép thử nghiệt ngã cho 3,2 bác sĩ trên 1.000 dân Pháp (Đức 4,21; Ý 4,09 và Cuba 8,19).

Lacroix-Saint-Quen nằm ở chấn tâm của dịch bệnh tại Pháp, thuộc quận Oise phía bắc thủ đô Paris. Chừng 5.000 dân sống ở đây, gồm bốn người nhiễm bệnh, và số phận của họ hầu như gửi cho bác sĩ Benoit Reynauld. Thực ra ông còn một đồng nghiệp nữa, nhưng ông này cũng đang ốm.

Một clip ngắn trong chương trình truyền hình tối của Pháp cho thấy hình ảnh ít nhiều mang tính đại diện cho tình trạng bi quan hiện tại: bác sĩ Reynauld mở cửa đón một phụ nữ ốm yếu. Ông không mặc đồ bảo hộ, không đeo khẩu trang, bắt tay bệnh nhân, và khi chia tay thì họ ôm nhau đúng kiểu Pháp.

Chắc chắn một điều là Pháp đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng kép, khi con virus tấn công một hệ thống y tế xộc xệch. Hôm nay có 99 người mắc bệnh ở quận Oise, hơn 500 trong cả một đất nước bị gọi là “désert médicaux” (sa mạc y tế) - ít bác sĩ, thiếu vật tư, hầu như không có chuỗi thông tin liền mạch.

Không phải nơi nào ở Pháp cũng thiếu thốn như Oise, song 3,8 triệu người Pháp đang sống chung với tình trạng này, ở vài địa phương chỉ đếm được 0,5 bác sĩ trên 1.000 dân. Bộ Y tế Pháp chính thức cho biết 11.329 cụm dân cư không có bác sĩ đa khoa, và hơn một nửa bác sĩ Pháp cận kề tuổi hưu.

Nước Ý từ ngày 10-3 là một quốc gia bị cách ly hoàn toàn, với 10.000 người nhiễm bệnh và hơn 460 trường hợp tử vong. Ở đây tình trạng chăm sóc sức khỏe tuy khá hơn Pháp song có nhiều bất cập khác. Dịch vụ Y tế quốc gia (Servizio Sanitario Nazionale) bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe tại điều 32 Hiến pháp, về nguyên tắc là một điểm sáng hi hữu trên thế giới, song bảo hiểm y tế mỗi địa phương chi trả một kiểu, do đó người dân có thói quen di chuyển ngang dọc mỗi khi cần bác sĩ nào hợp túi tiền.

Trong dịch bệnh, Ý có số người nhiễm kỷ lục ở châu Âu, khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp toàn quốc”, một gánh nặng cho cả 60 triệu dân không được tự do đi lại, thậm chí cả ở trong nước, chưa kể đến thiệt hại kinh tế.

Dường như người Đức giữ được bình tĩnh lâu nhất, trước khi có hai ca tử vong đầu tiên. Song vì các nạn nhân đều trên tuổi 70 nên phù hợp với sơ đồ “kinh điển” về lây lan. Cả cái sân bay Frankfurt khổng lồ đứng thứ tư châu Âu với 69,5 triệu hành khách mỗi năm không thấy đâu một camera tầm nhiệt, cũng chẳng thấy tờ rơi nào nhắc nhở du khách về rủi ro mắc bệnh. Công tác chuẩn bị đón đầu đại dịch được tiến hành khá tốt, do khoanh vùng được ổ lây bệnh là các vùng trượt tuyết Ý, vốn là địa điểm nghỉ đông yêu thích của Đức.


Quảng trường St Mark ở Venice vốn là nơi đông đúc du khách, nay không một bóng người vì dịch bệnh. Ảnh: France 2Quảng trường St Mark ở Venice vốn là nơi đông đúc du khách, nay không một bóng người vì dịch bệnh. Ảnh: France 244

Trời mỗi ngày mỗi sáng

Có lẽ khỏi phải nói nhiều đến hệ quả nhãn tiền của dịch bệnh, vì nó hiển hiện hầu như khắp nơi. Ngành khách sạn, du lịch chịu đòn đầu tiên. Sản xuất đình trệ vì giao thương tắc nghẽn và rất nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào công nghiệp phụ trợ và nguyên vật liệu từ Trung Quốc đang tan tác.

Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) tuần trước đánh giá thiệt hại của ngành là 30 tỉ USD, hôm nay đã sửa lên thành 100 tỉ, một đại lượng vô cùng lung lay trong mấy ngày tới. Nhìn chung không thể nghi ngờ gì nữa, khủng hoảng y tế sẽ gây ra thoái trào kinh tế ở mức trầm trọng và chưa ai thấy tia sáng cuối đường hầm trước mùa hè.

Mọi hi vọng ở Mỹ và châu Âu dồn vào kho bạc dự trữ dồi dào của đa số các nước. Thoạt tiên các nước Tây Âu khẩn trương sửa luật để giới tuyển dụng lao động có cơ sở pháp lý rút ngắn giờ làm và trừ lương, bù lại sẽ có trợ cấp xã hội. Các quốc gia chưa có luật điều tiết việc tiếp tục trả lương cho người bị cách ly đang nhanh chóng lấp lỗ hổng. Các nước có mức nợ công tương đối thấp như Đức và Hà Lan nay được mong đợi sẽ tăng cường đổ vốn vào phát triển kinh tế.

Điều đáng nhấn mạnh là châu Âu đồng thuận ở nhận định không thiếu tiền cho hệ thống y tế để vượt qua khủng hoảng này. Duy chỉ tốc độ lây lan quá nhanh khiến các chính sách kinh tế chưa được tung ra kịp thời hay chưa có cơ chế đồng bộ trong bộ máy kềnh càng của Liên minh châu Âu (EU).

Đầu tàu kinh tế Đức đang xét đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 19% hiện tại, một biện pháp với lời hứa khá kêu là “tiền cho mọi người”, hi vọng sẽ được thực thi. Tính toán sơ bộ cho thấy giảm xuống mức 18% đồng nghĩa các hộ gia đình được giảm áp lực 12,4 tỉ euro mỗi năm.

Ở bước tiếp theo, thuế doanh thu với thực phẩm và giao thông công cộng được hạ xuống mức 5%, đem lại 4,2 tỉ euro nữa cho người dân, chẳng khác gì món quà tiền mặt 10.000 HKD (1.280 đôla) mà Hong Kong vừa phát cho mỗi thường trú nhân 18 tuổi trở lên (đồng thời tổng số tiền 15 tỉ đôla đó cũng thúc đẩy thương mại địa phương).

Châu Âu bình tĩnh cũng có lý do chính đáng: trước khi COVID-19 ập đến, ký ức còn tươi nhất là cú sốc khủng hoảng tài chính năm 2008 dẫn đến khủng hoảng khối đồng euro. Khi đó, cỗ xe châu Âu khá sớm thoát khỏi vũng lầy bởi các nhân vật cầm cương là Thủ tướng Angela Merkel và sếp Ngân hàng Liên bang Đức Jens Weidmann, cả hai hôm nay vẫn tại vị. Châu Âu hi vọng các kinh nghiệm ngày ấy cũng có giá trị hôm nay.

Kenneth Rogoff, nhà kinh tế học từ Havard danh tiếng, còn chỉ ra điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Giá dầu tăng phi mã hồi 1973-1974 do OPEC hạn chế khai thác và Cách mạng Iran. Dĩ nhiên các xung lực có khác nhau, nhưng hệ quả kinh tế vĩ mô là một, theo Rogoff: tiếp theo cú sốc dầu mỏ thập kỷ 1970 là kỷ nguyên lạm phát. Song từ nhiều năm nay không ai phải nhắc đến chủ đề lạm phát nữa, lý do là công cuộc toàn cầu hóa ngày càng mạnh. Nguồn cung hầu như vô tận đã làm giá cả ngày càng dễ chịu.

Tất nhiên, tình hình lúc này, các ngân hàng và lãnh đạo tài chính phải hợp sức ra tay để chặn cỗ xe kinh tế trôi dốc về phía thoái trào. Tâm điểm lần này là mạng người, và sau đó là sự phồn vinh của nhiều dân tộc. Khi cuộc khủng hoảng qua đi - và có thể các dược phẩm hiện đại sẽ kết thúc nó sớm hơn ta nghĩ - thì nhiệm vụ xử lý tác dụng phụ của nó (hi vọng) sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Cô Bơ chậm nhận mấy bao gạo, nhưng nỗi lo của cô nhỏ lắm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận