Một góc nhìn về du học tại chỗ

PGS.TS PHẠM LAN HƯƠNG 07/08/2011 11:08 GMT+7

TTCT - Không phải ai cũng theo nổi làn sóng du học tự túc - hay gọi nôm na là “mua giáo dục đại học ở nước ngoài” (Phạm Phụ, 2007), nên “du học tại chỗ” với “chi phí nội, chất lượng ngoại” theo cách nói của các công ty tư vấn đang hấp dẫn hàng ngàn sinh viên VN. Liên kết đại học quốc tế đã bùng nổ gần khắp các trường đại học VN.

Phóng to
Giờ học của sinh viên năm 1 chương trình đào tạo cử nhân CNTT liên kết giữa Trường ĐH Khoa học tự nhiên với Trường ĐH AUT (New Zealand) - Ảnh: Như Hùng

Để có thể ngồi vào giảng đường của các trường đại học (ĐH) tiên tiến trên thế giới thì giá cả chẳng rẻ chút nào: học phí hằng năm tính theo USD ở Anh khoảng 30.000-40.000, Mỹ 20.000-60.000, Nga 6.000-15.000…

Rất nhanh nhạy, lối đi mới mở ra: du học tại chỗ tại các chi nhánh ĐH nước ngoài đặt tại VN (100% vốn nước ngoài) theo các chương trình liên kết “đôi” mà người ta còn gọi là “sandwich” (bánh mì kẹp thịt).

Muôn dạng liên kết

Ở VN hiện nay, liên kết đào tạo thường dưới hình thức chương trình do phía nước ngoài chuyển giao, học tại VN hoàn toàn hay một phần: 2 năm ở VN, 2 năm ở nước ngoài (công thức 2+2), 3 năm ở VN, 1 năm ở nước ngoài (công thức 3+1) cho ĐH và 1+1 cho cao học.

Giáo viên giảng dạy tại VN có thể một phần là người VN, một phần là người nước ngoài. Có trường hợp giáo viên VN chỉ làm trợ lý cho giáo viên nước ngoài (chương trình cao học của ĐH Mở với Bỉ, Úc; chương trình cao đẳng của ĐH Giao thông TP.HCM với Anh). Nhưng cũng có chương trình hoàn toàn do giáo viên VN sau khi tập huấn nước ngoài (chương trình đào tạo cử nhân tin học của ĐH Văn Lang với Mỹ). Bằng cấp phần lớn do nước ngoài nhưng cũng có những chương trình cả hai bên đều ký bằng tốt nghiệp.

Việc liên kết đào tạo thật ra có lợi cho cả hai phía. Phía chuyển giao thường từ các nền giáo dục tiên tiến coi đây là thời cơ mà họ có thể xuất khẩu giáo dục, thu lợi từ việc bán các sản phẩm, dịch vụ với giá cao. Các chương trình kiểu sandwich này còn giúp họ thu hút, chọn lọc tinh hoa chất xám từ khắp thế giới phục vụ nền kinh tế của họ.

Phía các nền giáo dục nhận chuyển giao cũng thấy được nhiều lợi ích: liên kết đào tạo không chỉ nhằm mục đích trước mắt là đáp ứng nhu cầu học tập với trình độ tiên tiến của một bộ phận HS-SV, nhu cầu nhân lực cho các cơ sở kinh tế - xã hội mà còn giúp các trường ĐH VN đổi mới một phần cơ sở vật chất, nhập khẩu giáo trình và phương pháp giáo dục tiên tiến, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và góp phần hiện đại hóa nền giáo dục ĐH VN.

SV theo học các chương trình du học tại chỗ có thể tiếp thu chương trình giáo dục tiên tiến với mức giá rẻ hơn là phải ra nước ngoài. Nhưng họ cũng gặp nhiều vấn đề. Kiến thức phổ thông học ở VN còn nhiều khác biệt so với các nước tiên tiến.

Khi học ĐH theo chương trình nước ngoài, họ khó tiếp thu ngay những kiến thức mới, lúng túng khi phải làm một bài thực hành tại phòng thí nghiệm hoặc mệt mỏi với các môn học ngành khoa học xã hội đòi hỏi bài tập thực hành nhiều, liên tục phải viết các tiểu luận về nghiên cứu thực tiễn.

Trường ĐH của họ không phải là “ốc đảo cô đơn” so với xã hội và thị trường. Lối học thụ động ở phổ thông tại VN cũng khác hẳn việc tự nghiên cứu, đọc sách và trao đổi theo nhóm. Và khó khăn lớn nhất của sinh viên VN khi học chương trình nước ngoài vẫn là khả năng ngoại ngữ, việc khó tiếp thu bài là tất yếu.

Giáo viên và giáo trình ra sao?

Để mở được các chương trình liên kết, các nhà quản lý giáo dục phải chạy đôn chạy đáo để tìm giáo viên. Ở VN có nhiều giáo viên giỏi ngoại ngữ, cũng có nhiều giáo viên giỏi chuyên môn. Nhưng tìm được những người vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi ngoại ngữ lại có phương pháp sư phạm tốt vô cùng ít.

Các thầy giỏi được đào tạo ở nhiều nước khác nhau nên kiến thức và phương pháp đôi lúc khó thống nhất khi cùng giảng một chương trình. Việc mời các giáo sư nổi tiếng nước ngoài là rất hiếm và khó khăn vì họ còn bận nhiều việc và cũng vì không đủ kinh phí trả cho họ.

Về giáo trình, tuy các chương trình, bài giảng nước ngoài tiên tiến hơn ta, nhưng để đào tạo những sinh viên VN trên đất VN, nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội của VN thì các giáo trình cũng cần biên tập lại. Có lẽ đây là điều mà hầu hết các trường ĐH còn chưa có thì giờ nghiên cứu tới.

Mở các chương trình liên kết hiện nay chủ yếu dựa trên các hợp đồng phân chia tài chính hoặc mua đứt chương trình nước ngoài với giá rất đắt. Cho dù một vài chương trình ở một vài trường được tài trợ thì khó khăn vẫn rất lớn, trước hết là cơ sở vật chất thiếu thốn: thư viện, phòng thí nghiệm, hệ thống máy vi tính nối mạng và các trang thiết bị khác của phòng học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy khó tương thích giữa nội dung giáo trình và phương tiện phụ trợ. Với cách nhìn “xem giỏ bỏ thóc”, chưa có trường học nổi tiếng nào đầu tư vào VN. Các chương trình liên kết hiện nay mới chỉ kết bạn được với các trường trung bình hoặc yếu trên thế giới. Các ngành học liên kết chủ yếu mới dừng ở kinh tế, ngôn ngữ, còn rất hiếm các ngành kỹ thuật - ngành mà VN rất cần để thực hiện công nghiệp hóa đất nước.

Để khắc phục điểm yếu này, một số chương trình liên kết phải thuê mướn phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu hoặc nhờ vả, dùng chung thư viện, cơ sở phòng ốc của các trường ĐH lớn hoặc chủ quản.

Kiểm soát tốt hơn để khai thác lợi ích

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (với 40 cơ sở ĐH 100% vốn nước ngoài) hấp dẫn được nhiều nhất các nhà cung cấp giáo dục nước ngoài đầu tư vì đã hỗ trợ cả gói (giống như một vùng thương mại miễn thuế) cho các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào nước họ.

Thành phố giáo dục quốc tế Dubai cho phép các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài được hưởng cả 100% lợi nhuận, miễn thuế 100%. Trung Quốc với 15 trường ĐH 100% vốn nước ngoài, tiếp theo là Singapore (12) và Qatar (9) cũng có những chính sách ưu đãi tương tự (Altbach 2009). Quỹ Qatar chịu toàn bộ phí tổn cho việc phát triển các chi nhánh giáo dục quốc tế ở “thành phố giáo dục”, gồm chi phí xây dựng, cơ sở vật chất, trợ giúp hành chính và cả tiền thưởng cho cán bộ, công nhân viên.

Sinh viên Qatar học ở các chi nhánh giáo dục quốc tế được nhận học bổng của chính phủ. Ở châu Á, tại vùng kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc có chính sách khuyến khích thuế và hỗ trợ tài chính như hỗ trợ giá xây dựng, giảm sinh hoạt phí cho sinh viên... (Rosa Becker 2010)

Vài năm gần đây, ở VN tình trạng liên kết tràn lan, bằng cấp nhốn nháo, nhiều văn bằng không được quốc tế công nhận xuất hiện không kiểm soát được tại nhiều thành phố lớn. Theo TS Mark Ashwill (Tuổi Trẻ 28-7-2010), có tới 21 bằng cấp của các cơ sở ĐH Mỹ tại VN không được công nhận ngay chính tại Hoa Kỳ. Thậm chí từng xuất hiện những cơ sở lừa đảo gây thiệt hại tiền bạc và làm rối loạn tình hình xã hội.

Vì thế Bộ GD-ĐT nên giám sát và kiểm tra các đối tác liên kết của các trường ĐH để bảo đảm không đưa những chương trình kém chất lượng vào VN, đặc biệt kiểm tra bằng cấp của các trường phải hợp lệ và được công nhận tại chính quốc. Các chương trình liên kết cũng nằm trong các đối tượng cần được kiểm định chất lượng như các trường ĐH VN.

Các chương trình liên kết cho SV du học tại chỗ bao gồm cả thời cơ và thách thức. Nhưng bao giờ cũng vậy, nếu được quan tâm chấn chỉnh và giám sát tốt thì đây sẽ là một phương cách hữu hiệu giúp VN nhanh chóng hội nhập quốc tế, cải thiện nền giáo dục còn nhiều bất cập của mình.

Ở một số nước như Malaysia, Singapore, nền giáo dục ĐH đi sau ta hàng nửa thế kỷ. ĐH Malaysia (MU) là trường ĐH đầu tiên của cả Malaysia và Singapore thành lập năm 1949.

Tuy nhiên, nhờ liên kết với Anh và chịu sự ảnh hưởng của nền giáo dục Anh nên MU ngày nay đã trở thành một trong những ĐH mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nền giáo dục ĐH Malaysia đang đặt ra mục tiêu trở thành “trung tâm giáo dục cao” của cả vùng ASEAN.

Với nhiều loại hình hợp tác quốc tế đa dạng với nhiều nước tiên tiến khác nhau, Malaysia đã có 497 trường có chương trình liên kết và thu hút được trên 3.000 SV quốc tế chủ yếu đến từ Indonesia, Thái Lan, Việt Nam (Molly Lee). Các trường ĐH Singapore còn sinh sau đẻ muộn hơn Malaysia nhiều nhưng nhờ những chiến lược tập trung đầu tư cho giáo dục và tăng cường liên kết quốc tế mà vị trí nền giáo dục Singapore hiện nay có thể coi là đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ngay cả những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ nền ĐH cũng phát triển là nhờ biết liên kết với các nền giáo dục tiên tiến trong những năm đầu tiên. ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) khi mới thành lập còn là một trường dự bị ĐH chuyên cung cấp SV cho các ĐH Mỹ tại Trung Quốc, nhưng nhờ mối liên hệ với các ĐH Mỹ (trước 1949) và các ĐH Xô viết (sau 1949) mà Thanh Hoa hiện nay đã lọt vào tốp 500 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Nền giáo dục ĐH Mỹ cũng thừa hưởng tinh hoa của các trường ĐH Anh, Đức mà trưởng thành (kể cả các trường hàng đầu như Harvard, Yale) và đến cuối thế kỷ 20 đã vượt lên dẫn đầu thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận