Người Anh với khối Euro và đồng euro

THỦ TƯỚNG ANH DAVID CAMERON 21/12/2011 19:12 GMT+7

TTCT - Việc Thủ tướng Anh David Cameron tuần trước dứt khoát không tham gia thỏa thuận cứu đồng euro đã giúp ông trở thành một anh hùng dân tộc đối với một phần dư luận Anh. Tuy nhiên, cũng có một phần dư luận khác ở Anh chỉ trích điều này.

Phóng to

Để bảo vệ lợi ích của nước Anh, Thủ tướng David Cameron đã phủ quyết thỏa thuận của EU trong nỗ lực tìm giải pháp cứu đồng euro tại Brussels ngày 9-12 - Ảnh: Reuters

Trong thực tế, Anh đã không bao giờ là một với khối Euro khi từ chối sử dụng đồng euro và vẫn sử dụng đồng bảng Anh của mình. Ở một góc nhìn nào đó, 17 nước trong EU cùng sử dụng đồng euro (1) nay phải “có ăn có chịu”, chứ làm sao bắt các quốc gia không sử dụng đồng euro (2) “cùng chịu” được!

Dẫu sao thì đến rạng sáng thứ sáu 9-12, 9/10 nước không sử dụng đồng euro cũng đã hứa hẹn tham gia thỏa thuận mới, không đứng ngoài như Anh do liên đới gánh chịu hậu quả khủng hoảng nợ.

Chủ quyền mỗi nước nhập làm một!

“Tôi không đồng ý vì không phù hợp với lợi ích của Anh”

Giải cứu đồng euro hay bất cứ một trường hợp vỡ nợ nào khác không chỉ bằng tiền bơm vào mà cả thắt lưng buộc bụng. Bên cạnh chỉ tiêu đóng góp 200 tỉ euro vào vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM), thỏa thuận gọi là Hợp nhất tài khóa châu Âu (European Fiscal Union) quy định từ nay các nước EU buộc phải chấp nhận can thiệp vào ngân sách quốc gia, phải cân đối ngân sách không được bội chi hơn 3% GDP, bằng không sẽ phải chịu chế tài. Trên tất cả, các nước phải sửa đổi hiến pháp nếu cần hoặc tổ chức trưng cầu ý dân để có thể đeo vào cái “vòng kim cô” chung này một cách hợp hiến.

Thật ra, từ lâu điều khoản cấm bội chi trên 3% đã là “nguyên tắc vàng” của EU. Tuy nhiên đây mới chỉ là “chỉ tiêu phấn đấu” đối với một nước chưa tham gia khối Euro, chứ chưa mang tính chế tài quyết liệt các vi phạm nên các nước mới cứ thi nhau bội chi ngân sách để rồi cùng mang công nợ ngập đầu! Nay hầu như cả khối EU 27 nước, trừ Anh, sẽ phải “nín” chủ quyền quốc gia để tuân thủ chung một luật lệ, quy định về tài chính, kỷ luật ngân sách, và hằng tháng lãnh đạo các nước sẽ (phải) họp một lần để báo cáo, rà soát việc thực thi cùng kết quả thực thi.

Trong cuộc gặp tay ba kéo dài 45 phút với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Anh cho biết ông đồng ý với kế hoạch, song lại yêu cầu để cho nước Anh được đứng bên ngoài những chi phối của thỏa thuận mới này. Nhưng khi 27 lãnh đạo các nước EU trở lại phòng họp lúc 1g30 sáng, Thủ tướng Cameron giội một gáo nước lạnh: “Tôi không đồng ý vì không phù hợp với lợi ích của Anh. Thật là chính đáng để nói rằng: Tôi chịu không thể đồng ý được”.

Sau khi cuộc họp kết thúc lúc 5g sáng, bà Thủ tướng Đức Merkel quở: “Tôi thật sự không nghĩ rằng ông David Cameron cùng ngồi chung bàn (họp) với chúng ta!” (3). Còn Tổng thống Pháp Sarkozy cũng cay đắng: “Như quý vị đã biết, chúng tôi đã muốn có một cuộc cải cách với toàn thể 27 nước thành viên EU, song điều này đã không thành do lập trường của các bạn Anh. Các điều kiện mà ông David Cameron đưa ra là không thể chấp nhận được” (4).

Người Anh "lui cui một mình" trên đảo

Từ lâu, do vị trí “trên đảo” của mình, người Anh vẫn thường bị xem là “dân đảo” so với lục địa châu Âu. Sách giáo khoa cho học sinh Pháp, tỉ như tài liệu giáo khoa môn địa lý lớp 8 sau đây, vẫn viết về tính cách này của người Anh như sau: “Tính “dân đảo” dẫn đến một tình cảm (bị) cô lập, từ đó một nhu cầu chế ngự tình trạng bị cô lập đó... Để giao thương với bên ngoài, biển là giải pháp duy nhất. Từ khi gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973 và từ khi được nối liền với lục địa châu Âu nhờ đường hầm dưới biển Manche, Vương quốc Anh thống nhất hết bị cô lập. Tuy nhiên, Vương quốc Anh thống nhất vẫn ngờ vực Liên minh châu Âu” (5).

Bài xã luận của tờ Le Monde của Pháp sáng 9-12 chạy tít: “Nước Anh càng “dân đảo” hơn bao giờ hết” (La Grande-Bretagne plus insulaire que jamais) trong ý nghĩa ngờ vực cố hữu. Nhật báo này “chua cay” nhắn nhủ người Anh: “Trên cột báo này, chúng tôi vẫn quý mến nước Anh, kính trọng lịch sử, ngưỡng mộ văn hóa Anh… Song nước Đức, nước Pháp cùng đa số thành viên EU khác đã có lý để nói “không” với nước Anh vào rạng sáng thứ sáu 9-12 này…

Sòng phẳng mà nói người Anh chẳng dính dáng gì đến cuộc khủng hoảng đồng euro… Song việc người Anh đứng bên lề chuyển động tiến đến một sự hội nhập kinh tế và tiền tệ hơn nữa có “lý lẽ” của nó: họ không tin vào tinh thần châu Âu, vào điều mà đối với chúng ta là quan trọng hơn cả: hình thành một thực thể độc đáo giữa những cực thế lực khác của thế kỷ 21. Nói cho cùng, khi người Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu năm 1973 chỉ quan tâm có mỗi một chuyện: (nhảy vô) Thị trường chung, còn thì họ dửng dưng, nếu như không có lúc còn chống đối”.

Bên kia sông Rhin, người Đức cũng giận dữ không kém. Tờ Spiegel gọi đây là “sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân gượng ép” giữa một châu Âu lục địa và “dân đảo” Ănglê vốn chỉ chăm chăm lợi ích kinh tế của mình: “Khi EU được thành lập, người Anh vẫn còn chưa hết khóc thương đế chế đã mất của mình. Châu Âu tỏ ra xa xôi, các nỗ lực hợp nhất của lục địa bị nhiều người trong giới tinh hoa Anh xem bất quá như là một chút lý tưởng ngây thơ.

Bất chấp những ngờ vực đó, EU đã trở thành một thực tế, một thành công. Và chính các thực tế kinh tế này cuối cùng đã lôi kéo London đi theo. Các công ty Anh đã thúc chính phủ hướng đến Brussels do lẽ đứng bên ngoài thì quá bất trắc về kinh tế”. Báo này rủa: “Nếu giới chính trị Anh không chịu chuyển biến tận căn bản, chỉ có một câu trả lời duy nhất: bước ra đi!”.

Dư luận Anh chia rẽ

Bên kia eo biển Manche, tờ Daily Mail 10-12 phản pháo: “Xin kính chào ông Cameron và biểu dương ông vì đã hết lòng đứng lên vì lợi ích quốc gia mà từ khước một hiệp định có thể vi phạm cả sự thịnh vượng kinh tế cùng các nguyên tắc dân chủ của chúng ta.

Trong một hành động chỉ có thể gọi là tự tử chính trị và kinh tế, người Đức và người Pháp đã không nhượng bộ người Anh một chút nào. Ông cần phải giữ vững tinh thần hơn bao giờ hết. Ở châu Âu ông hiện là thiểu số độc nhất. Tuy nhiên, cho dù các người lãnh đạo châu Âu có tấn kích ông mạnh mẽ đến đâu thì do chính cơ chế trị vì bằng đồng euro ích kỷ, vênh váo và bại hoại của Brussels (tức EU) cũng không sánh được với một số kẻ nội thù”.

Những kẻ “nội thù” của ông Cameron là ai? Báo này chỉ rõ: “Các chính khách Đảng Tự do dân chủ, vốn ấp ủ chủ nghĩa liên bang châu Âu cùng sự tham gia sử dụng đồng euro bằng mọi giá, đang tru tréo như điên dại. Bộ trưởng Thương mại Vince Cable tỏ ra đau khổ khi trả lời phỏng vấn hôm qua. Phát ngôn viên Đảng Lao động Douglas Alexander phản ứng việc dứt khoát với châu Âu bằng cách tấn công ông Cameron”.

Chưa hết, Bộ trưởng Phụ trách Bắc Ireland Owen Paterson và Bộ trưởng Bộ Hưu bổng Iain Duncan Smith đã lên tiếng đòi trưng cầu ý dân. Ngay cả Đài BBC cũng bị xem là “thân EU”!

__________

(1) Gồm Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cyprus, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Ireland, Luxembourg, Malta, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Ý
(2) Gồm Bulgaria, CH Czech, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Thụy Điển và Anh
(3) Cameron stands his ground as EU feelings run high, The Daily Telegraph December 11, 2011
(4) Sommet UE du 9/12: retrait de Cameron et leadership de Merkel, L’ Express le 10 décembre 2011
(5)
http://lewebpedagogique.com/hgmoissac/files/2008/11/geo-2-cours.pdf

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận