Nhìn từ lợi ích các bên

TTCT - Tại kỳ họp thứ ba sắp tới (tháng 5-2012), dự kiến các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút quyết định một chính sách mới liên quan trực tiếp đến hàng triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đó là việc nâng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ bốn tháng lên sáu tháng.

Phóng to
Nhiều phụ nữ chấp nhận nghỉ việc hoặc tìm một công việc tự do hơn để chăm sóc con nhỏ trong những tháng đầu đời của bé - Ảnh: T.T.D.

Nhiều năm qua, quỹ thời gian bốn tháng dành cho các bà mẹ sau khi “vượt cạn” được tạm dừng công việc để tái tạo sức khỏe và chăm sóc con nhỏ, đối với nhiều bà mẹ là quá eo hẹp. Theo một điều tra (do Tổng liên đoàn Lao động VN phối hợp với Tổ chức Alive & Thrive và Unicef thực hiện tháng 8-2011), hơn 84% người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn được hỏi khẳng định lao động nữ tại doanh nghiệp đã xin nghỉ thêm để chăm sóc con nhỏ sau khi sinh. Khoảng thời gian bốn tháng này (được quy định trong Luật lao động) đã gây không ít khó khăn cho việc thực hiện một chương trình quan trọng nhằm đảm bảo cho trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.

Ngần ấy lợi ích hiển hiện hóa ra lại không dễ được hiện thực hóa trong chính sách, khi không tìm được sự đồng thuận để xem xét “hợp pháp hóa” chế độ nghỉ thai sản kéo dài hơn bốn tháng so với quy định hiện hành. Bởi việc này đụng chạm đến một nhóm lợi ích khác, đó là từ phía người sử dụng lao động. Và cả những lo ngại về nguồn quỹ bảo hiểm sẽ phải chi trả thêm một khoản đáng kể. Tranh luận nổ ra gay gắt và bền bỉ tại nhiều diễn đàn, khiến bà Đinh Thị Bạch Mai - đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM - phải đặt vấn đề: “Tại sao phải “trả giá” với phụ nữ về thời gian nghỉ thai sản kéo dài năm hay sáu tháng (tức thêm một hay hai tháng so với hiện hành)?”.

Giải tỏa những rào cản

“Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu chưa được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ này chiếm 16,9% ở năm 2006 (điều tra của Tổng cục Thống kê) và nhích lên 19,6% vào năm 2010 (điều tra của Viện Dinh dưỡng). Một trong những rào cản là chế độ nghỉ thai sản, “sau bốn tháng chị em phải quay trở lại làm việc. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, trẻ sẽ không quen với sữa bột. Các bà mẹ phải tập cho trẻ làm quen với sữa bột”. Chúng tôi hi vọng nâng được tỉ lệ này cao hơn với giải pháp cho các bà mẹ nghỉ sau sinh sáu tháng”.

Trao đổi với TTCT, TS Hoàng Văn Tú - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nhìn nhận việc nâng thời gian nghỉ thai sản lên năm hay sáu tháng như nhiều người mong đợi đang vấp phải câu hỏi: “Khi những phụ nữ làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan... nghỉ lâu hơn thì ảnh hưởng, khó khăn đối với người sử dụng lao động ra sao?”.

Từ góc độ người sử dụng lao động, trong nhiều trường hợp đã tìm lao động mới thay thế. Nhiều lao động nữ hết thời gian nghỉ thai sản phải tìm công việc mới, nỗi lo mất việc do nghỉ sinh con rất lớn.

“Cá nhân tôi ủng hộ thời gian nghỉ thai sản tăng lên sáu tháng. Và tôi không nghĩ việc tăng thời gian này sẽ khó khăn cho phụ nữ khi tìm việc làm, bởi vì nhiều ngành nghề lực lượng lao động nữ là cốt cán, không tuyển lao động nữ thì tuyển ai” - ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nói và tỏ thái độ kiên quyết “chúng ta phải thực hiện bình đẳng giới, đừng để nhóm lợi ích lung lay”.

Chưa kể một khía cạnh khác mà phát biểu của cựu giám đốc điều hành UNICEF James Grant đã chỉ rõ: “Không được xem việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ là lý do để loại phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động. Không nên đặt phụ nữ trước gánh nặng phải lựa chọn giữa cho con bú và đi làm...”.

Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ (tại dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi): nâng thời gian nghỉ thai sản lên năm tháng (thêm một tháng so với hiện hành) và lên sáu tháng (thêm hai tháng) đối với một số nhóm lao động, ngành nghề đặc thù như nặng nhọc, độc hại, lao động là người khuyết tật. Nhóm ý kiến này cho rằng quy định này đảm bảo quyền lợi của cả lao động nữ và trẻ em, công bằng giữa các nhóm lao động nữ có điều kiện làm việc, điều kiện sức khỏe khác nhau.

Nhóm thứ hai đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản cho tất cả các nhóm lao động nữ lên sáu tháng, nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ bốn tháng trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo ủy ban, nhiều ý kiến thiên về việc nâng thời gian nghỉ thai sản cho tất cả các nhóm lao động nữ lên sáu tháng, trong đó khẳng định “sẽ đảm bảo sức khỏe của lao động nữ và trẻ sơ sinh”, đáp ứng được khuyến nghị về “nuôi con từ 0-6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ”.

Phóng to
Khi nền kinh tế đã phát triển vượt bậc, tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là một quyết định vô cùng cần thiết - Ảnh: Minh Đức

Nhìn từ “túi tiền” chăm lo chế độ chính sách

Bên cạnh những lo lắng vướng víu trong tổ chức lao động cần được giải tỏa, thì việc quyết định kéo dài thời gian nghỉ thai sản cũng phải được toan tính rất kỹ về khả năng “chịu đựng” của “túi tiền ngân sách” cho chế độ thai sản - một khía cạnh để đảm bảo an sinh xã hội.

Với quy định nghỉ thai sản hiện hành thì hằng năm có gần 800.000 lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thai sản, chiếm gần 10% số người tham gia bảo hiểm, với số tiền chi gần 3.000 tỉ đồng. Phân tích chuỗi số liệu dài hơn (2007-2011), Bảo hiểm xã hội VN cho biết số lượt người hưởng chế độ thai sản so với tổng số người tham gia bảo hiểm ốm đau, thai sản không nhiều nhưng tăng so với bình quân trước đây, cụ thể chiếm 7% so với người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó diện hưởng chế độ sinh con, nuôi con nuôi chiếm 3,2% (hơn 1,4 triệu người).

Cũng theo chuỗi số liệu trong giai đoạn trên, tiền chi cho chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức bình quân năm so với tổng thu vào quỹ này là trên 66%, trong đó chi cho trợ cấp sinh con, nuôi con nuôi chiếm 41%, tương đương hơn 11.000 tỉ đồng. Như vậy, cân đối thu chi cho thấy từ năm 2007 đến hết năm 2011, quỹ ốm đau và thai sản của chế độ bảo hiểm xã hội còn dư 10.500 tỉ đồng, dự kiến bằng gần hai lần số phải chi trong năm 2011 (hơn 5.000 tỉ đồng).

Tại sao lại dư? Cũng theo Bảo hiểm xã hội VN, là do “một số cơ quan chưa thực hiện chi chế độ ốm đau, thai sản bảo hiểm xã hội mà thường vẫn trả lương theo ngày làm việc, rơi nhiều vào các đơn vị hành chính, sự nghiệp”. Quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nhận con nuôi khá ngặt nghèo nên nhiều trường hợp không được hưởng chế độ này... Khoản trợ cấp một lần sinh con (bằng hai tháng lương tối thiểu) là mức thấp, chưa đảm bảo đủ mua sắm dụng cụ cần thiết cho một trẻ sơ sinh...

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội VN, ước tính số người sinh con hằng năm chiếm khoảng 3,2% số người tham gia bảo hiểm xã hội ốm đau, thai sản. Nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ như quy định hiện hành, chỉ thay đổi một thông số tính toán - tăng thời gian các bà mẹ nghỉ hưởng trợ cấp khi sinh con lên sáu tháng so với bốn tháng hiện nay - thì cân đối trong năm năm (2007-2011), quỹ vẫn đảm bảo đủ và có dư, cụ thể thu chi bằng 80%. Còn tính toán cho giai đoạn 2012-2030, với dữ liệu đầu vào ước tính (có tăng so với hiện tại) và chính sách dân số không thay đổi, tối đa vẫn hai con, thì quỹ ốm đau, thai sản của bảo hiểm xã hội bình quân thu chi hằng năm ở mức 92%, tức vẫn còn dư 8%.

Với những dự báo này, Bảo hiểm xã hội VN cho rằng với số dư trên 10.000 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2011) của quỹ ốm đau, thai sản thì dù có quy định tăng thời gian nghỉ sau khi sinh con của lao động nữ lên sáu tháng cũng không làm ảnh hưởng đến cân đối nguồn quỹ này theo mức đóng hiện nay là 3% quỹ lương. Thậm chí kể cả khi mức đóng này không tăng lên, không chỉ đảm bảo đủ chi mà quỹ vẫn còn khoản dư để dự phòng.

Cần nhắc lại rằng trước năm 1983, các bà mẹ có hai tháng nghỉ sinh (một tháng trước và một tháng sau sinh). Đến năm 1985, chế độ nghỉ này đã được nâng lên sáu tháng. Các nhà chuyên môn cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội thời kỳ này đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước trong tình hình kinh tế, đời sống xã hội vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, đến đầu năm 1990, chính sách nghỉ thai sản lại bị rút ngắn chỉ còn bốn tháng và duy trì đến nay.

Lúc bấy giờ điều này được giải thích với cơ chế thị trường, quy định thời gian nghỉ thai sản đến sáu tháng khiến việc sử dụng lao động tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... “gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sản xuất kinh doanh”.

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đến nay khi nền kinh tế xã hội của VN đã có những bước phát triển vượt bậc, việc tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ dài hơn bốn tháng là một quyết định vô cùng cần thiết.

Có thể sử dụng khá nhiều công cụ khác để giải quyết mối lo về bảo hiểm xã hội cho lao động nữ khi họ nghỉ thai sản. Nhiều tập đoàn lớn, một số công ty trong nước và ngoài nước đã sử dụng các gói sản phẩm bảo hiểm sức khỏe - một hình thức khá mới mẻ để tạo thêm phần phúc lợi cho người lao động, giúp họ bớt nỗi lo tài chính khi gặp rủi ro về sức khỏe, an tâm và tập trung hơn vào công việc.

Với những gói sản phẩm bảo hiểm này, nhân viên nữ tại các công ty được hưởng quyền lợi nhiều nhất khi mang thai và sinh con. Đa số các hợp đồng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe giúp họ thanh toán phần chi phí khám thai, chi phí sinh và các chi phí hợp lý phát sinh trong thời gian nằm viện, hậu phẫu sau sinh (tùy theo từng hạn mức bảo hiểm). Ngoài ra, một số hợp đồng bảo hiểm đồng ý chi trả chi phí chăm sóc em bé tại nhà sau khi sinh trong trường hợp bác sĩ chỉ định...

Khi sinh, các nhân viên nữ chỉ cần thông báo cho cơ quan bảo hiểm thời gian dự sinh, nơi sinh, công ty bảo hiểm sẽ gửi đến bệnh viện đó một thư xác nhận cam kết chi trả viện phí cho thai phụ trong quá trình nằm viện. Với loại hình bảo hiểm này, nhân viên không cần phải đi đúng tuyến bệnh viện như bảo hiểm y tế quy định.

Doanh nghiệp lo ngại gì?

* “Mặc dù hiện nay Công ty văn hóa Phương Nam có khoảng 700 lao động nữ, chiếm 80% tổng số lao động của công ty, song chúng tôi rất ủng hộ việc thay đổi chính sách nghỉ thai sản từ bốn tháng lên sáu tháng, bởi đây là một chính sách tốt cho phụ nữ. Tất nhiên, thời gian nghỉ thai sản tăng lên hai tháng chắc chắn sẽ tác động đến tình hình kinh doanh của công ty, đặc biệt là những kế hoạch dài hạn, nên có thể phải tìm người thay thế. Dù vậy, công ty sẽ tạo điều kiện cho những phụ nữ có nhu cầu đi làm sớm hơn thời gian nghỉ được quy định. Đối với những người có con nhỏ thì công ty tạo điều kiện đi làm trễ và về sớm hơn để chăm sóc con, cử người đi thay những chuyến công tác xa, dài ngày...”.

* “Công ty tôi có hơn 3.000 lao động nữ, chiếm 80% số lao động trong công ty, bình quân mỗi tháng có 60 lao động nghỉ thai sản nên chắc chắn việc thay đổi chế độ thai sản lần này ít nhiều sẽ tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, vì công ty được chia làm nhiều bộ phận nên cũng đỡ bị ảnh hưởng trong sản xuất. Theo đánh giá của chúng tôi, ảnh hưởng nặng nhất là ở những khâu quan trọng như cán bộ quản lý hoặc bộ phận kỹ thuật như cán bộ dưới chuyền sản xuất hay những công nhân đứng máy gò (những công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất giày). Với những người này, khi họ nghỉ thai sản lâu như vậy thì chúng tôi buộc phải tìm người thay thế. Sau khi họ quay lại nhà xưởng thì phải bố trí việc khác”.

* “Việc thay đổi chính sách thai sản từ bốn tháng lên sáu tháng chắc chắn sẽ tác động mạnh vào ngành dệt may và da giày vì số lao động nữ trong hai ngành này chiếm tỉ lệ rất cao. Tại công ty tôi, tỉ lệ công nhân nữ chiếm 80%, mỗi năm tỉ lệ nghỉ thai sản chiếm 15-20%. Nên rõ ràng sự thay đổi lần này sẽ tác động đến tình hình sản xuất và kinh doanh của công ty. Những kế hoạch công ty đã lập sẵn sẽ bị ảnh hưởng vì không thể tuyển thêm lao động mới, vấn đề nhân sự bị xáo trộn, tổ chức sản xuất sẽ bị giảm bớt. Sau khi lao động nữ nghỉ sáu tháng trở lại làm việc, chúng tôi phải sắp xếp chỗ làm cho họ. Nhưng đáng nói có những người nghỉ thai sản rồi nghỉ luôn không quay lại làm nữa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận