Phải xem lại quan điểm phát triển nông nghiệp

LÊ NGUYÊN MINH 29/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Nông nghiệp phát triển âm và phát sinh nhiều vấn đề đến mức “phải xem lại cách tiếp cận về quản lý, về chính sách và quan điểm phát triển nông nghiệp” - TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, trao đổi với TTCT.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh
TS Nguyễn Thị Hồng Minh

 Ngành nông nghiệp đang gặp quá nhiều khó khăn, từ thực phẩm bẩn đến ô nhiễm môi trường... Về dài hạn, theo bà, nông nghiệp VN đối diện thách thức gì?

Nhìn trên hiện tượng thì lâu nay, điều lặp đi lặp lại với nhiều sản phẩm nông nghiệp là “được mùa - mất giá, mất mùa - được giá”. Người sản xuất cứ sản xuất và mờ mịt về thị trường, hầu hết không biết sẽ bán cho ai, thị trường thế nào. Nhiều sản phẩm không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong nước, chưa nói đến tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, các tiêu chuẩn về môi trường, sự điều chỉnh phù hợp với biến động mới của khí hậu toàn cầu... Tôi cho rằng cần phải xem lại cách tiếp cận về quản lý, về chính sách và quan điểm phát triển nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp là sản xuất cho thị trường, đòi hỏi cách tổ chức hệ thống và cách tiếp cận quản lý phù hợp. Từ quan điểm thị trường, cần phân biệt rạch ròi những việc cơ quan quản lý cần làm, những việc thuộc về thị trường mà cơ quan nhà nước không có năng lực hoặc nếu ôm lấy thì vi phạm các nguyên tắc thị trường, cần giao cho các tổ chức độc lập, các bên thứ ba, các tổ chức cộng đồng. 

Ví dụ, các hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, xét nghiệm, đào tạo, xây dựng thương hiệu cho chuỗi sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động nghiên cứu, phát triển thị trường. Thị trường sẽ định hướng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới kỹ thuật, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm cho thị trường thì tối thiểu phải đáp ứng tiêu chuẩn/chuẩn mực/quy định của chính quyền, cả ở thị trường nội địa lẫn thị trường nhập khẩu. Đó là chưa nói đến những tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước, là tiêu chuẩn của các tổ chức độc lập mà các chuỗi bán lẻ toàn cầu bắt buộc sản phẩm phải đạt. Để có động lực phát triển, sản phẩm đạt chuẩn cần có thị trường. Sản phẩm đạt chuẩn trên thực tế mới đi được một nửa con đường, phần còn lại là việc xây dựng thương hiệu, thông tin cho thị trường, tức các hoạt động PR, marketing, bán hàng. Có sản phẩm đạt chuẩn rồi, còn phải có nhận diện sản phẩm, làm cho thị trường nhận biết về sản phẩm, tạo cầu cho sản phẩm.

Có những việc của thị trường như hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nghiên cứu thị trường, quảng bá phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, từng doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực thực hiện thì rất cần đến vai trò của tổ chức hội đoàn. 

Nhiệm vụ của chính quyền là giúp xây dựng, nâng cao năng lực các hình thức tổ chức cộng đồng như các hội sản xuất tổ chức theo chuỗi, vì họ chính là những đơn vị sửa chữa các khuyết tật của nông nghiệp nói chung và thị trường nông sản nói riêng. Một khi được phát huy năng lực, các tổ chức cộng đồng trong nông nghiệp sẽ tác động tổ chức lại ngành sản xuất, chuyển đổi dần lên sản xuất lớn, đúng theo yêu cầu của thị trường mục tiêu, sản xuất có địa chỉ tiêu thụ.

Vấn đề ATVSTP nếu không dựa vào tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với lợi ích mang lại từ thị trường sẽ không thể bền vững, DN/nhà sản xuất sẽ trở nên đối phó, họ có trăm phương ngàn kế lách sự kiểm soát của chính quyền.

Vì sao các công cụ hiện tại không ngăn được?

Các quy định quản lý an toàn thực phẩm hiện nay không theo cách tiếp cận hệ thống và không bắt buộc nên việc quản lý không hiệu quả. Tiếp cận hệ thống nói nôm na là việc bắt buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng, được chứng nhận thực hiện các hệ tiêu chuẩn nhất định như GAP, HACCP..., thường xuyên báo cáo việc thực hiện cho cơ quan thẩm quyền hoặc cho các thanh tra ATVSTP như ở một số nước. Nhà sản xuất, DN có trách nhiệm thực hiện các hệ thống tiêu chuẩn thường xuyên, hằng ngày. Cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm giám sát, theo dõi và yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu của các hệ tiêu chuẩn mà DN đã được chứng nhận đạt chuẩn, như vậy vấn đề quản lý ATVSTP mới được bảo đảm xuyên suốt.

Thay vì tập trung vào kiểm tra dựa trên lấy mẫu, phân tích mẫu sản phẩm hoặc kiểm tra theo đợt, theo “tháng hành động”, quản lý theo tiếp cận hệ thống sẽ đảm bảo quá trình sản xuất thực phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực.

Làm sao để việc cấp chứng nhận không còn là hình thức? DN than phiền các loại giấy chứng nhận chỉ cần có tiền là được cấp... Nói như vậy có hơi quá?

Tôi nghe rất nhiều tiếng kêu từ DN về vấn đề này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, ở nhiều trung tâm, kể cả một số phòng kiểm nghiệm và một số đơn vị chứng nhận đạt chuẩn. Để không hình thức, đòi hỏi sự kiểm tra và công nhận các cơ quan cấp chứng nhận một cách nghiêm túc và trách nhiệm từ phía cơ quan nhà nước. Và thay đổi cơ chế kiểm tra, kiểm tra việc thực hiện hệ thống quản lý thay vì kiểm tra kết quả và theo đợt như hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận