Rừng và đồ gỗ: Câu chuyện "hợp pháp và có trách nhiệm"

HƯƠNG GIANG 20/10/2013 01:10 GMT+7

TTCT - Từ năm 2012, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ sáu trên thế giới, thứ hai ở châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Nhưng vì sao gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tới 37% giá thành sản phẩm (*)?


Các hộ nông dân nhỏ lẻ vẫn canh tác rừng theo phương thức cũ, gây xói mòn đất đai và phá hủy môi trường sinh sống của sinh vật bản địa - Ảnh: H.Giang


Câu trả lời là các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ và Úc đang đòi hỏi gỗ có xuất xứ từ rừng được trồng hợp pháp và “có trách nhiệm”, nhưng diện tích rừng được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC) mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2012, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản của Việt Nam đạt kim ngạch 4,67 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2011 và tăng gần 200% so với năm 2007, là một trong những lĩnh vực có tỉ lệ xuất siêu cao so với cả nước.

Chứng chỉ hay không chứng chỉ?

Ông Angel Llavero Cruz - điều phối viên mảng mua có trách nhiệm của chương trình Mạng lưới rừng và thương mại toàn cầu (Global Forest & Trade Network - GFTN) quốc tế - vội vã chạy trên con đường nhỏ gập ghềnh để bắt kịp với nhóm nhà báo Pháp, Đức và Việt Nam đang đi phía trước.

Ông cần đính chính một chuyện: những đồi trọc trơ trọi các gốc cây bị cháy đen mà những nhà báo đang chăm chú chụp ảnh không phải là rừng keo được cấp chứng chỉ FSC mà tổ chức của ông, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đang hỗ trợ người trồng rừng ở Việt Nam thực hiện.

Ông Angel có lý do để thận trọng. Những quả đồi trọc lóc nằm rải rác trong xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) còn xa mới sánh kịp những mảnh rừng keo xanh mướt gần đó, cả về tiêu chuẩn trồng, chăm sóc, khai thác lẫn cách thức bảo vệ môi trường mà ông muốn giới thiệu tới các nhà báo.

Hơn 1.500ha rừng keo đạt chứng chỉ FSC của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (Forexco) là thành quả nỗ lực qua nhiều năm của công ty với hỗ trợ kỹ thuật ban đầu từ một trong các bạn hàng lớn nhất là hãng bán lẻ sản phẩm tiêu dùng IKEA, và gần đây là WWF và GFTN của quỹ này.

Quá trình tiếp cận với tiêu chuẩn trồng rừng quốc tế của Forexco bắt đầu từ năm 2008. Với rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và tiền bạc, đến tháng 9-2012 Forexco mới được treo hai tấm chứng chỉ FSC-CoC (Chain of Custody - Chuỗi hành trình sản phẩm) lên phòng họp ở trụ sở công ty. “Chúng tôi không còn con đường nào khác. Muốn tiếp tục bán hàng buộc phải có FSC” - ông Đặng Công Quang, phó giám đốc Forexco, nói.

Những thay đổi không ngừng trên thị trường thế giới và đòi hỏi ngày càng khắt khe từ khách hàng đã khiến Forexco, tiền thân là một doanh nghiệp (DN) nhà nước thành lập năm 1986, phải thay đổi chính mình để tiếp tục tồn tại và phát triển. Năm 2012, công ty bán được hơn 12 triệu USD hàng đồ gỗ ngoài trời cho các khách hàng ở Đức, Pháp, Thụy Điển..., trong đó 70-80% nguyên liệu đầu vào là từ gỗ keo trồng trong nước, phần lớn đến từ những cánh rừng có chứng chỉ FSC của chính Forexco.

Không phải DN xuất khẩu đồ gỗ nào của Việt Nam cũng có lợi thế đầu vào như Forexco. Tại Quy Nhơn, Công ty TNHH đồ gỗ Nghĩa Phát hiện đang sử dụng 90% gỗ đầu vào là gỗ FSC nhưng phần lớn từ nguồn nhập khẩu.

Mới đi vào sản xuất từ năm 2006, tới nay Nghĩa Phát đã trở thành một trong tám nhà cung cấp đồ gỗ ngoài trời tại Việt Nam cho Carrefour - tập đoàn siêu thị của Pháp, lớn thứ hai thế giới (sau Wal-Mart, Mỹ). Đến hết tháng 12-2012, Carrefour có gần 10.000 cửa hàng/siêu thị ở 33 nước và Việt Nam là nước duy nhất cung cấp mặt hàng đồ gỗ ngoài trời cho họ.

“Chúng tôi phấn đấu đưa tỉ lệ gỗ FSC lên 100% trong vòng 1-2 năm tới. Nhưng tôi hi vọng có thể tăng tỉ lệ gỗ nguyên liệu từ trong nước để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài” - ông Huỳnh Lê Đại Phúc, chủ tịch công ty, cho biết.

Gỗ FSC có thể đắt hơn gỗ không có chứng chỉ FSC tới 30%. Nhưng tại sao các công ty xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam buộc phải đi theo con đường “có chứng chỉ”? Theo giải thích của ông Phúc và ông Quang, gỗ có FSC và không có FSC có thể không khác nhau về chất lượng nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả kinh doanh.

Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam như Úc, Mỹ và EU đều đặt ra quy định gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp, và quy định này áp trực tiếp lên nhà nhập khẩu, từ đó các nhà nhập khẩu ở những thị trường này buộc phải yêu cầu các nhà cung cấp của họ (mà trong trường hợp này là các DN xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam) thỏa mãn quy định đó. Do đó, cung cấp đồ gỗ có chứng chỉ sẽ gia tăng diện khách hàng tiềm năng và giúp tăng uy tín của sản phẩm gỗ.

Công ty Nghĩa Phát phấn đấu sẽ sử dụng 100% gỗ FSC trong vòng 1-2 năm tới - Ảnh: H.Giang

Đem lợi ích đến người trồng rừng

Ông Lê Xuyên, hiện đang cai quản 180ha trên tổng số 1.500ha rừng của Forexco, là thế hệ thứ hai trong gia đình áp dụng quy trình trồng rừng có trách nhiệm. Đồng lương giáo viên vùng quê của ông có thể giúp cả gia đình đủ ăn, nhưng chính việc tham gia làm thầu phụ trồng rừng FSC mới giúp ông nuôi hai con học đại học, nhà cửa đàng hoàng và thậm chí còn tậu được chiếc xe hơi trị giá 600 triệu đồng.

Ông Xuyên cho biết nhiều hộ làm ăn riêng quanh xã vẫn áp dụng phương thức trồng rừng cũ, ảnh hưởng xấu tới môi trường. “Rừng keo của họ chỉ có vòng đời 5 năm, thay vì 7-10 năm theo FSC” - ông nói. Keo thu hoạch sớm hơn nên chu vi nhỏ, chất lượng gỗ kém và đều được thu hoạch “trắng” - tức là chặt sạch một khu vực rồi cho đốt toàn bộ phần gốc còn lại, khiến đất nhanh bị bạc màu và phá hủy môi sinh của nhiều loại sinh vật cư trú tại đó.

Khi áp dụng cách làm theo tiêu chuẩn FSC, ông Xuyên phải sử dụng đúng loại, lượng phân bón cho phép và đặc biệt chú trọng khâu thu hoạch: phải bảo tồn các cây bản địa và đốt “có kiểm soát” để không ảnh hưởng đến các sinh vật khác trong vùng trồng rừng.

Do đó, một trong các thách thức hiện nay của nguồn gỗ trong nước cho xuất khẩu, theo ông Lê Công Uẩn - điều phối viên GFTN Việt Nam, là nhân rộng mô hình FSC cho các hộ gia đình nhỏ lẻ để tăng sản lượng gỗ trong nước phục vụ xuất khẩu, giảm phụ thuộc về giá và lượng từ nguồn gỗ nhập khẩu.

Một vấn đề lớn khác và không chỉ riêng ở Việt Nam là chứng minh tính hợp pháp của gỗ và rừng như thế nào để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các thị trường này. Ông Angel Llavero Cruz nói: “Mọi người đều nói tất cả rừng trồng ở Việt Nam đều là hợp pháp. Nhưng không thể đem điều ấy đi nói miệng với các khách hàng mà phải thể hiện bằng những giấy tờ đã được công nhận, thống nhất”.

Theo ông Lê Công Uẩn, FSC là chứng chỉ được công nhận rộng rãi trên toàn cầu và có thể coi là một trong những giải pháp tối ưu để thỏa mãn yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khó tính, trong khi Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững. Ông Cruz cho biết thêm ở châu Âu, các công ty thường chọn mua sản phẩm FSC vì như vậy ít quy trình, thủ tục hơn so với việc đi xác minh tính hợp pháp, minh bạch của gỗ.

Để đạt được FSC, mỗi DN phải đáp ứng đầy đủ mười nguyên tắc gồm 53 tiêu chí khác nhau. Trong đó có các tiêu chí tuy không phải là mới nhưng ít được chú ý hơn ở Việt Nam như đảm bảo hồi phục hệ thống sinh thái, đa dạng sinh học và sinh cảnh; đảm bảo các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường dài hạn từ rừng; kế hoạch quản lý rừng phải được thiết lập, kiểm soát và theo dõi bằng tài liệu, hồ sơ; đảm bảo các yêu cầu về quyền lợi người trồng rừng và dân cư bản địa nơi có rừng...

Đây là một quá trình phức tạp cả về nội dung lẫn kỹ thuật và có thể rất tốn kém, tùy thuộc vào mức độ các điều kiện sẵn có của từng DN. Đó cũng là lý do tại sao trong số khoảng 3.000 DN xuất khẩu gỗ và lâm sản hiện nay của Việt Nam mới chỉ có khoảng 400 DN có chứng chỉ FSC và CoC, tương đương với 87.600ha rừng, trong đó 14.000ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng.

“Nói chung, thị trường gỗ keo ở Việt Nam đang trong tình trạng tranh mua tranh bán vì chỉ có vài trăm ngàn mét khối” - ông Uẩn nhận định.

 “Vấn đề lớn nhất là nếu chúng tôi, với tư cách là người nhập các mặt hàng gỗ, tiếp tục mua gỗ bất hợp pháp sẽ gây nguy hiểm cho các cánh rừng, dẫn đến lúc sẽ không còn gỗ mà khai thác. Không còn gỗ thì không còn chuyện kinh doanh. Giá cả đắt hay rẻ chỉ là vấn đề xếp hàng thứ hai” - ông Marxime Barbot, trưởng đại diện Carrefour tại Việt Nam, nói.

Ông Barbot cho hay việc áp dụng FSC có đẩy giá thành sản phẩm cao hơn vì những chi phí do chủ rừng phải chịu thêm để thực hiện nhưng mức chênh lệch giữa mức giá cũ và hiện tại ngày càng nhỏ vì giờ đây ai cũng yêu cầu “gỗ có trách nhiệm”. “Lợi nhất cho công ty là người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của chúng tôi” - ông nói.

(*): Hiệp hội Gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (Hawa) công bố tháng 1-2013.

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận