Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ lên 72 tỉ USD

NHƯ BÌNH THỰC HIỆN 12/07/2015 18:07 GMT+7

Gắn bó với VN gần 18 năm, cũng là khoảng thời gian mối quan hệ giữa VN và Hoa Kỳ có nhiều biến chuyển nhanh chóng, chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP.HCM Herb Cochran cho rằng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ vượt bậc trong những năm tới.

Ông Herb Cochran - Ảnh: T.T.D.

AmCham đã có rất nhiều hoạt động sẵn sàng cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong nhiều năm qua?

- Đúng như vậy. Trong hai năm 2013 và 2014 chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị cho TPP. Năm 2014, khi đàm phán TPP có vẻ như không nhận được sự ủng hộ lắm từ Quốc hội Hoa Kỳ, chúng tôi đã nỗ lực cung cấp thông tin thông qua nhiều hoạt động khác nhau.

Chúng tôi đã thành lập “Liên minh thuận lợi hóa thương mại VN” (VTFA) do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cùng AmCham quản lý, với sự tham gia của các hiệp hội hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, giày dép, nội thất...) nhằm hỗ trợ các cuộc tham vấn Chính phủ - doanh nghiệp định kỳ và thúc đẩy khả năng đạt chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện chính đối với hoạt động thuận lợi hóa thương mại và hải quan (KPI).

Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 20%, đạt 36,3 tỉ USD, các chuyên gia dự đoán con số sẽ tốt hơn nữa khi TPP được thực thi. Nhưng theo quan sát của ông, doanh nghiệp VN sẽ đủ sức cạnh tranh?

- VN đã rất thành công trong hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Điều đó đáng quý. Nhưng nhìn lại, số doanh nghiệp VN hưởng lợi từ mức tăng trưởng này không nhiều khi sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể lại từ các nhà máy của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Năm 2015, chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp VN tham gia mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ VN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của họ trong kim ngạch xuất khẩu của VN thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm có thể giúp tăng tỉ lệ này lên đáng kể. Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức như VCCI, Hiệp hội Dệt may VN... để tìm cách giúp các doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI.

Dự án của Intel được xem như biểu tượng cho xu hướng đầu tư mới của Hoa Kỳ vào VN, nhưng có vẻ chưa có sự lan tỏa như kỳ vọng?

- Tôi nhớ khi vị tổng giám đốc của Intel đến VN đón giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên, ông ấy nói điều quan trọng của dự án là sẽ kéo theo ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ đi theo, chọn VN để mở các nhà máy trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào sản xuất hiện đại ở VN được dẫn dắt bởi nhà máy lắp ráp và sản xuất thử nghiệm 1 tỉ USD, Intel là tín hiệu khởi đầu cho làn sóng dự án tỉ USD vào VN. Và đến nay sự lan tỏa là có. Chúng ta thấy hiện nay VN có Samsung, Nokia... dù không liên quan đến các dự án của Intel nhưng đó là những thương hiệu lớn trong cùng lĩnh vực.

Với tôi, điều Intel làm được lớn nhất là đã tạo được ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực giáo dục, hỗ trợ quá trình hiện đại hóa chương trình dạy nghề. Với ý tưởng của mình, Chương trình liên kết đào tạo kỹ thuật cao (HEEAP) đã ra đời, đào tạo sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng sẵn sàng phục vụ ngành công nghiệp.

Intel cũng đang muốn chuyển đổi quy mô lớn, mở rộng HEEAP năm 2018 để có bằng cấp được quốc tế công nhận, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và cơ bản, xây dựng nền tảng cho quá trình đổi mới và khởi nghiệp. Giám đốc điều hành của P&G cũng nói VN là thị trường phát triển nhanh của tập đoàn trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, các công ty Hoa Kỳ đã chuyển dịch sản xuất phục vụ thị trường toàn cầu tới VN và đang xây dựng một nền tảng để xuất khẩu mạnh mẽ hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản xuất VN.

Chúng ta đang thấy nhiều nông sản nhập khẩu từ Hoa Kỳ như thịt bò, gà, phô mai... Gần đây là câu chuyện chân gà Mỹ vào VN với giá rẻ...

- Đó là điều quốc gia nào cũng phải đối mặt trong quá trình hội nhập ngày nay. Tôi còn nhớ ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, có nói đại ý: TPP vừa tốt vừa khó cho VN. Vì mở cửa sẽ giúp doanh nghiệp VN nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình để cạnh tranh được với hàng ngoại nhập nhờ tiếp nhận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

Trong quá trình hội nhập, VN cần cung cấp những dịch vụ tốt để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tôi nghĩ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ là rất cần thiết. Không chỉ nông dân VN đang đối mặt với tình cảnh này, mà ngay cả nông dân Hoa Kỳ cũng vậy. 80% hải sản ở Hoa Kỳ được nhập khẩu, tương tự 50% trái cây và 4% rau củ các loại được nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng.

Hằng năm USDA, cơ quan kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, đã phải làm việc với hơn 300.000 nhà máy bên ngoài Hoa Kỳ có hàng hóa nhập khẩu vào nước mình để kiểm tra chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp VN có thể học kinh nghiệm an toàn thực phẩm để xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ cũng như kinh nghiệm quản lý để tự xây dựng hàng rào kiểm tra chất lượng cho sản phẩm nhập khẩu.

Nhìn lại quan hệ VN 20 năm qua, cá nhân ông đánh giá thế nào?

- Tôi thấy rất tốt. Xuất khẩu của VN vào Hoa Kỳ đã tăng 13 lần sau 20 năm. Chúng ta đã có những đàm phán chung dù đồng ý hay chưa nhưng đó là tín hiệu tốt. Hai bên đều đặt kỳ vọng thương mại song phương sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới, lên 72 tỉ USD. Tôi nhìn thấy con người VN có tính cách hội nhập, dễ dàng đón nhận xu hướng. Người Việt tiếp cận thông tin quốc tế, xem Đài CNN, mọi người dễ dàng nói tiếng Anh... Rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đến VN cảm thấy thoải mái vì sự cởi mở ở con người VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận