Vượt tường đến Palestine

KHỔNG LOAN 25/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Với những người yêu thích các di sản văn hóa, lịch sử lâu đời hay những tín đồ của các tôn giáo lớn, đường đến Palestine vẫn xa xôi.

Ngoài chuyện an ninh, các thủ tục đến được Palestine không thuộc thẩm quyền cấp phép của Chính quyền quốc gia Palestine (PA) - tổ chức được thế giới thừa nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine đóng tại Bờ Tây. Chính vì vậy mà hành trình này đáng giá từng giây phút.

Những hình ảnh và thông điệp của người Palestine trên bức tường ngăn cách do Israel dựng lên tại trạm kiểm soát Qalandia nằm giữa Đông Jerusalem và Bờ Tây - Ảnh: Khổng Loan

Theo đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, năm 2011 Palestine mới đón đoàn nhà báo Việt Nam đầu tiên đến lãnh thổ này gồm năm người. Và họ đã bị kẹt lại ở Amman (Jordan) trong năm ngày vì không thể có visa từ phía Israel cấp để vào Palestine

Sự chia cắt như vết dao xén thịt

Còn lần này, tháng 5-2012, đoàn nhà báo quốc tế theo lời mời của Liên đoàn Bóng đá Palestine nhân dịp diễn ra Giải bóng đá giao hữu quốc tế Al Nakba lần 2 và Diễn đàn các nhà báo Ả Rập tại Bờ Tây cũng chứng kiến cảnh không ít người nằm vạ vật ở các sân bay hay “tạm trú” các nước khác trong vài ngày trước khi tới được Palestine. 

Họ đều được hứa sẽ có visa khi đến sân bay Jordan, nhưng không ít người đã bị từ chối lên máy bay khi họ cũng chưa rõ điểm mình đến có được tiếp nhận không.

Vì nhiều lý do, đoàn bóng đá Việt Nam và các nhà báo Việt Nam cũng phải chờ ở sân bay Amman sáu tiếng mới có thể vào được Jordan, từ đó qua các trạm kiểm soát của Israel và vào đến Bờ Tây sau bốn lần đổi xe chuyên chở các loại nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh.

Tuy nhiên, như vậy là họ vẫn còn may mắn. Ở Jordan, Libăng, Syria hay bất kỳ đâu bạn cũng dễ dàng gặp những người Palestine chạy tị nạn từ năm 1948 khi Israel được thành lập. Họ không thể về thăm đất nước, người thân ở quê hương mình.

Với người Palestine, nếu muốn đi từ Bờ Tây đến Gaza (hai vùng đất về mặt lý thuyết hiện dưới sự kiểm soát của người Palestine), họ phải đến Ai Cập, từ Ai Cập họ bay đến Jordan rồi đến Israel. Rồi phải rất may mắn họ mới được Israel cấp giấy phép từ Jordan vào Bờ Tây để có thể gặp vợ chồng, con cái, người thân. 

Nhưng nếu có chứng minh thư của Gaza thì gần như họ không thể đến được Bờ Tây hay ngược lại. Sự ra đời của Nhà nước Israel đã đồng thời chia cắt Palestine thành hai phần tách rời nhau, không chỉ về mặt địa lý mà còn về chính trị.

Ở biên giới Jordan - Israel, một nhân viên an ninh Israel cao lớn, đeo khẩu súng dài và nét mặt nghiêm nghị kêu tất cả mọi người xuống xe, di chuyển hành lý qua máy quét. Một nhân viên an ninh khác trong trang phục dân sự nhưng đeo khẩu súng dài và bự vắt chéo người, hỏi một cách không chính thức các thành viên theo đoàn: “Các anh chị theo đạo gì?”. “Chúng tôi hầu hết là đạo Phật”. “Thế thì tốt”. Ở những nước khác, bạn có thể có màn vấn đáp là “đạo” thì liên quan gì ở đây, nhưng vì ở Israel chuyện đó bạn phải... tự giải đáp.

Từ biên giới Jordan, trải qua nhiều điểm kiểm soát của Israel, bạn sẽ đến được Bờ Tây. Xe buýt mát lạnh đưa bạn băng băng trên con đường rộng trong cái nắng gắt của khí hậu khắc nghiệt, thảm thực vật đơn sơ của vùng đất khô cằn, triền đồi uốn lượn như những con mãng xà khổng lồ đang phơi mình dưới ánh nắng chói chang hoặc đang bị chiên trên những chiếc chảo lửa. Không có nước là ấn tượng ban đầu của bạn khi tới vùng đất này. Trong hai tuần ở Palestine, chỉ một lần duy nhất tôi nhìn thấy một hồ nước.

Các sinh viên Palestine trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Birzeit ở Ramallah, Bờ Tây Palestine - Ảnh: Khổng Loan

Trạm kiểm soát và bức tường apartheid

Nhưng cái nóng của đất trời có thể không khiến bạn “bốc hỏa” như khi đi qua các trạm kiểm soát do Israel dựng lên. Ở đó là những bộ quân phục, những khẩu súng, những máy dò mìn... Chỉ có những chú chó cảnh sát đang lim dim nằm ngủ ra vẻ vô tư lự. Bạn vào Palestine nhưng các thủ tục an ninh đều do Israel thực hiện.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu của Palestine, tiến sĩ Nabil Shath, cựu trưởng đoàn đàm phán Palestine và hiện là trưởng ban đối ngoại của Đảng Fatah cầm quyền, dù người Palestine hiện chỉ còn được kiểm soát 22% diện tích lịch sử của mình, thì ngay cả các vùng đất đó vẫn nằm dưới sự chiếm đóng và bao vây thông qua việc xây dựng bức tường chia cắt, dựng điểm kiểm soát và lập các khu định cư.

Trạm kiểm soát Qalandia giữa Ramallah (Bờ Tây) và Jerusalem là một vị trí nổi tiếng vì những bức vẽ graffiti thể hiện lòng khát khao hòa bình, tự do của người Palestine và những cuộc biểu tình phản đối Israel.

Con đường hẹp, được chia ra làm hai làn, một làn nhỏ cho xe và người đi bộ Palestine qua trạm kiểm soát để đến làm việc, chữa bệnh ở Đông Jerusalem (mà Israel đã chiếm đóng từ cuộc chiến năm 1967 và tuyên bố là thủ đô của mình, nhưng chưa có nước nào trên thế giới công nhận. Còn người Palestine vẫn coi đây là thủ đô đất nước tương lai của mình). Làn đường còn lại là để người Palestine có thể đến các thành phố khác trên lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây như Hebron, Bethlehem.

Quan sát bằng mắt thường cũng dễ thấy lượng xe và người đi lại rất đông, cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được nhu cầu. Người Palestine cho biết họ không được phép sửa chữa, nâng cấp và cũng không có cảnh sát giao thông ở đây.

Theo lập luận của Chính phủ Israel, các điểm kiểm soát như Qalandia cần phải tồn tại để bảo vệ an ninh cho người Israel. Nhưng thực tế không phải tất cả các điểm này đều nằm trên biên giới Israel mà có thể nằm ở ngay bên trong Bờ Tây. Lý do là để bảo vệ cho các khu định cư Do Thái được xây dựng ở Bờ Tây (Liên Hiệp Quốc khẳng định chúng được xây dựng trái phép trên vùng đất của người Palestine xét theo luật quốc tế, còn người Israel tin rằng đây là những phần đất lịch sử của người Do Thái).

Bản đồ Israel và Palestine từ năm 2009 đến nay - (Ảnh: hejorama.com)

Người Palestine muốn đi từ lãnh thổ của mình vào Đông Jerusalem cần phải có giấy phép của Israel và đi qua Qalandia. Từng người đi bộ qua cánh cổng xoay để trải qua các bước kiểm tra an ninh giống như ở sân bay. Đi xe hơi phải có biển kiểm soát của Israel, nếu không bạn phải gửi xe và đi bộ qua. Từ những cột tháp cao, lính Israel quan sát mọi hành động của những người bên dưới.

Qalandia chỉ là một trong vô số điểm kiểm soát trên lãnh thổ của người Palestine. Chúng bị chỉ trích vì không chỉ hạn chế sự đi lại tự do của người Palestine ngay trên nhà cửa đất đai của họ, mà còn thể hiện sự phân biệt đối xử bị cả thế giới lên án. Israa Ahmaf, cô gái Palestine 18 tuổi, trở về Bờ Tây cách nay năm năm từ Brooklyn (New York, Mỹ) cùng với mẹ. Cô muốn về sống ở Palestine khi thấy yêu vùng đất đặc biệt này sau 4, 5 lần du lịch.

Dù hai mẹ con đều có hộ chiếu Mỹ, Ahmaf cho biết Israel đối xử với họ rất khác nhau: cô có thể đi lại ở bất kỳ đâu tại Palestine hay Israel mà “không gặp vấn đề gì”, nhưng mẹ cô không được như vậy vì bà ăn mặc theo cách truyền thống của người Ả Rập. “Mẹ tôi không thể đến Jericho hay Jerusalem được vì bà choàng khăn” - Israa nói. Còn cô sinh viên Asma Mohammed, học năm cuối khoa tài chính Đại học Al Qods (TP Hebron), cho biết cô và bạn bè mất tới 3, 4 tiếng để đi học chỉ vì phải đi qua các điểm kiểm soát đó. Cô ước mong một ngày nào đó, người Palestine sẽ thật sự được tự do trên lãnh thổ của mình.

Hơn 700km “bức tường an ninh” mà Israel xây lên vẫn đang tiếp tục nối dài ra cho dù bị thế giới phản đối vì hạn chế sự đi lại của người Palestine, khiến người Palestine như phải sống trong một nhà tù khổng lồ. Chiều dài của bức tường gấp đôi chiều dài đường biên giới năm 1967 giữa hai nước. Người Palestine gọi bức tường được kết nối từ những thanh bêtông cao 10m đó là bức tường phân biệt chủng tộc, bức tường chia cắt. Họ đã biến chúng thành nơi để... sáng tác nghệ thuật, tạo thành “banner phản đối lớn nhất thế giới”.

“Vàng đen” ở Trung Đông đã đem lại sự giàu có cho nhiều quốc gia, nhưng cũng gây nên thảm họa cho nhiều quốc gia khác do lòng tham của các cường quốc bên ngoài. Việc tái định cư người Do Thái trên mảnh đất Palestine lịch sử đến nay vẫn chưa thể đem lại cho người Do Thái hòa bình như họ xứng đáng được hưởng giống như bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Bên cạnh đó, một Nhà nước Palestine vẫn đang đau đáu những từ “tự do”, “độc lập” và “tự quyết”.

Còn tôi, hình ảnh tôi nhớ mãi vào một buổi chiều trên cánh đồng ở Yatta, thị trấn nhỏ thuộc TP Hebron (Bờ Tây): ba người Israel chạy bộ tập thể dục, trên lưng họ đeo khẩu súng rất dài. Gần đó là khu định cư của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận