218 Dance Crew: Bóng tối làm chúng tôi tỏa sáng!

MINH TRANG 26/11/2017 17:11 GMT+7

TTCT - Ngay sau khi những giai điệu rộn ràng của bài dân ca Trống cơm được “mix” cực kỳ bắt tai với nón lá, với điệu hò thân thương của miền sông nước Nam Bộ vang lên tại Asia’s Got Talent 2017, nhóm nhảy 218 Dance Crew đến từ Việt Nam đã trở thành từ khóa được “truy lùng” trên mạng.

Hình ảnh của 218 Dance Crew tại Asia's Got Talent 2017 với tiết mục đậm bản sắc Việt.-Ảnh: NVCC
Hình ảnh của 218 Dance Crew tại Asia's Got Talent 2017 với tiết mục đậm bản sắc Việt.-Ảnh: NVCC

 Một trưa giữa tuần nóng bức, tôi men theo con hẻm nhỏ vào đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM để tìm phòng tập nhảy, đã thấy 218 đến sớm, bắt đầu một ngày tập luyện.

“Lịch tập không cố định vì nhóm đông thành viên (khoảng 15 thành viên cố định và hơn 20 thành viên không thường xuyên) nên thời gian sắp xếp cũng vất vả. Có bạn vừa đi làm vừa đi tập” - Nguyễn Chấn Tín, trưởng nhóm nhảy 218, nói.

Những thành viên, lớn nhất 31 tuổi, trẻ nhất 18 tuổi, đầy năng lượng trên sân khấu. Nghĩa, một thành viên của 218 hơn hai năm qua, cười bẽn lẽn khi được hỏi nhảy đèn led khó hơn nhảy bình thường ở chỗ nào: “Khó nhất là... không thấy đường!

Vì vào tiết mục một cái là xung quanh tối thui. Nhảy bình thường có lỡ quên động tác thì nhìn người trước người sau tập theo. Còn nhảy đèn led tập không nhuyễn, quên một động tác nào là thua luôn”.

218 Dance Crew
218 Dance Crew

 Khi dân công nghệ, bách khoa mê nhảy múa

Nghĩa sinh năm 1992, là cử nhân khoa điện Đại học Bách khoa TP.HCM. Nhảy múa là sở thích thời sinh viên. Học hành căng thẳng, thích rủ bạn đi nhảy cho người năng động nhưng chưa bao giờ Nghĩa nghĩ mình có thể bỏ ngang tấm bằng đại học để đi nhảy.

“Ra trường, tôi đi làm văn phòng được khoảng ba tháng. Công việc nhàm chán khiến tôi rất nhớ anh em nhảy. Thế là tôi... nghỉ, xin gia nhập 218 từ đó” - Nghĩa kể.

Cũng như Nghĩa, trưởng nhóm Nguyễn Chấn Tín xuất thân là dân IT thứ thiệt. Nhưng những đồng tiền làm thêm kiếm được đầu tiên lại là từ nhảy múa. “Tốt nghiệp công nghệ thông tin xong, mình mê quá nên xin thi vào Trường Múa TP để học hành bài bản trong vòng hai năm.

Ba má la hoài, hỏi sao con trai học công nghệ xong rồi mà đi... học múa? Đâu biết nói sao, chỉ nói thôi ba má để con tự làm, con sẽ áp dụng được những gì con học vào nghề này”.

Nhảy đèn led không xa lạ gì với những nhóm nhảy giải trí trên thế giới. Tình cờ xem được trên YouTube loại hình này, Tín mày mò tìm hiểu và tự mua đồ, đèn về ráp thử. “Việt Nam mình thiếu đồ để có thể ráp được một bộ trang phục đèn led trên sân khấu, cho nên hầu như phụ kiện để làm đồ đều phải nhập. Giá một bộ trang phục trên dưới 10 triệu đồng”.

Bài toán kinh phí và tập cho vũ công làm quen với cách nhảy mới mẻ này chính là những “viên đá” đầu tiên ngăn cản 218.

Nhưng khó khăn ấy không thể làm nản chí những cái đầu trẻ. Vốn liếng học công nghệ giúp Tín tự viết phần mềm trình diễn đèn led riêng cho 218, và anh bắt đầu nghĩ đến những cuộc thi lớn nhỏ để giới thiệu loại hình nhảy múa này đến công chúng.

Cuộc thi đầu tiên nhóm tham gia là Vũ điệu đam mê - Got to dance 2013, sau đó là Vietnam’s Got Talent 2016 với vị trí top 3 chung cuộc. Khán giả đã bắt đầu “quen mắt” hơn với một nhóm nhảy rất ngầu (vì từ trên xuống dưới lúc nào cũng... đen thui), rất thời thượng với âm nhạc điện tử kết hợp đàn tranh, đàn bầu và những chất liệu dân gian đặc trưng của Việt Nam như nón lá, áo dài, bông sen, hay những mái chèo vùng sông nước...

Xem lại những màn trình diễn của 218 từ những cuộc thi trước và lần xuất hiện gần nhất tại Asia’s Got Talent, có thể thấy sự chuệch choạc đã không còn.

Họ đã phối hợp ăn ý, chuẩn xác đến từng nốt nhạc. Người xem thấy “đã” vì nhạc phát đến đâu, đèn sáng bừng đến đó, vô cùng nhịp nhàng, uyển chuyển. Khi cần sôi động thì “rần rần” với breakdance, lúc muốn lắng đọng lại mê hoặc lòng người với một điệu hò.

Và khi câu “Welcome to Vietnam!” vang lên cuối bài, cả khán phòng lẫn các giám khảo quốc tế đã dành cho 218 những lời khen nồng nhiệt nhất, chào đón họ vào vòng trong. Nhà soạn nhạc nổi tiếng David Foster không ngần ngại bày tỏ: “Tôi thực sự thích tiết mục này. Bởi trong đó có hương vị của Việt Nam”.

Nhóm nhảy trẻ 218 Dance Crew trong phòng tập thường ngày - Ảnh: Quang Định
Nhóm nhảy trẻ 218 Dance Crew trong phòng tập thường ngày - Ảnh: Quang Định

 Vừa “dance” vừa kể chuyện dân gian!

Bắt đầu nhảy với đèn led bằng những bài nhảy về người ngoài hành tinh, nhạc ngoại lấy ở những trang cho tải miễn phí, nhưng càng về sau, 218 dần “đo” được sự yêu mến của khán giả khi dựng những bài nhảy trên nền nhạc dân gian Việt Nam, đưa những lát cắt văn hóa Việt vào tiết mục. Họ tìm được sự yêu thích ở chính nơi xuất phát của mình.

Khi đã tìm được hướng đi riêng với nhảy đèn led, 218 bắt tay vào việc củng cố nhân sự và hướng đến sự phát triển của một nhóm nhảy chuyên nghiệp. Ở đó, văn hóa dân gian Việt sẽ là “xương sống”, sự hiện đại của công nghệ, sự trẻ trung của những trào lưu mới là “da thịt” phía ngoài.

Huyền Trân với nghệ danh Meo, 21 tuổi, mới gia nhập 218 nhưng đã là một trong những vũ công được chọn tham gia Asia’s Got Talent, thổ lộ: “218 như một ngôi nhà mà ở đó những vũ công trẻ được sống hết mình với đam mê của họ, được truyền nguồn năng lượng dồi dào và thấy mình đang làm một việc có ích”.

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu lớn mà 218 chia sẻ với cộng đồng dancer ngày càng lớn mạnh và năng động tại Sài Gòn.

Đúng như lời hứa ngày nào với gia đình: sẽ áp dụng những gì đã học ở giảng đường vào đam mê mình đã lựa chọn, Nguyễn Chấn Tín nói anh đã và đang hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ bấy lâu: tạo một app riêng, tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi của các vũ công, thúc đẩy việc tập luyện mỗi ngày và đáp ứng nhu cầu trình diễn bên ngoài.

“Chúng tôi sẽ lập một hội đồng gồm những biên đạo, dancer nhiều năm kinh nghiệm, tham gia đánh giá kỹ năng của vũ công. Cứ 6 tháng sẽ kiểm tra lại trình độ một lần. Ai cũng biết nghề nhảy múa phải tập luyện mỗi ngày, nếu bạn tập chưa đủ nhiều, khả năng chưa đủ tốt, trình độ của bạn sẽ được xếp vào mức thù lao vừa phải, và ngược lại.

Chúng tôi muốn có phần phân loại này để thúc đẩy vũ công phải tập luyện và đầu tư cho nghề một cách xứng đáng, nếu họ muốn được trả giá cao. Khi một vũ công có thời gian trống, họ có thể đăng tải thông tin và hồ sơ lên phần mềm này, khách hàng có nhu cầu sẽ tìm đến họ” - Tín chia sẻ.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của dự án này vẫn là tìm nhà tài trợ, nhưng nếu chưa có thì vẫn “túc tắc tự làm dần dần, vì vũ công phải sống được thì nhảy múa mới có thể phát triển và được xem là một công việc thực sự” - Tín nói.

Trong hầu hết những tiết mục của mình, khán giả gần như không thể nhìn thấy gương mặt của những vũ công 218, bởi họ đã chọn bóng tối là sân khấu để những sáng tạo tuyệt vời bật lên. Và cũng nhờ bóng tối, họ tỏa sáng đầy tự hào theo một cách riêng.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận