Ai là ai trên bia tưởng niệm?

TTCT - Những tưởng rằng, tên tuổi khi khắc lên bia đá là được giới hữu quan nghiên cứu cẩn trọng, để rồi còn bền vững được trăm năm. Nhưng không hẳn thế.

Dù 90 năm đã trôi qua, cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) vẫn in đậm trong lịch sử nước ta qua hình tượng 13 chiến sĩ hiên ngang lên máy chém, và câu nói nổi tiếng của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học “Không thành công thì thành nhân”.

Tại pháp trường Yên Bái ngày đó, hiện có khu tưởng niệm mang tên khu “Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học”. Bia tưởng niệm dựng năm 2000 tại đây ghi tên 17 liệt sĩ: 4 người bị chém ngày 8-5-1930 (Ngô Hải Hoằng, Nguyễn Thanh Thuyết, Đặng Văn Lương và Đặng Văn Tiệp) và 13 người bị chém ngày 17-6-1930 (Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Văn An, Đào Văn Nhít, Bùi Văn Chuẩn, Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tư, Nguyễn Văn Cửu, Hà Văn Lao và Nguyễn Như Liên).

Những tưởng rằng, tên tuổi khi khắc lên bia đá là được giới hữu quan nghiên cứu cẩn trọng, để rồi còn bền vững được trăm năm. Nhưng không hẳn thế, sách khảo cứu mới nhất về khởi nghĩa Yên Bái mang tên Tiếng thét Yên Bái (Tạ Thu Phong, 2020) cho thấy, MỘT cái tên trên bia tưởng niệm nói trên, là Nguyễn Văn Thịnh, ứng với BA tên người trong sách; đó là: Nguyễn Văn Tính (tr. 224), Nguyễn Đức Thịnh (tr. 232) và Nguyễn Văn Thịnh (tr. 365).

Thử tìm và xem các tư liệu khảo cứu (có liên quan) từ năm 2000 trở lại đây thì kết quả cho thấy, trong 11 tư liệu có 9 tư liệu là tên (Văn/Đức/Ngọc) Thịnh, một tên Tính và một có cả hai tên Thịnh và Tính. Rõ ràng là các tư liệu thứ cấp đương đại không thống nhất về tên họ của chỉ một người. Sự lộn xộn này đã trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục tìm kiếm và có bài viết này.

Thời gian và hoàn cảnh lịch sử gần một thế kỷ qua đã khiến ngoài Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính, họ tên các liệt sĩ còn lại trên bia đều ít nhiều lệch nhau trong các tư liệu; tuy nhiên, linh cảm mách bảo có thể đây là trường hợp NHẦM NGƯỜI và cần minh xác. Nhưng...

Tìm ở đâu?

Nguồn tốt nhất giúp ta tìm kiếm đương nhiên là tài liệu lưu trữ (archive source) và tư liệu (source of print). Tầm quan trọng của lưu trữ thật dễ hiểu nhưng trong vụ việc này, tư liệu cũng không kém giá trị - ví dụ rõ nhất là vai trò thông tin của báo chí đương thời dẫn đến các cuộc biểu tình tại Paris tháng 5-1930 của sinh viên Việt Nam, đòi ân xá các chiến sĩ VNQDĐ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cơ hội tiếp cận đáng kể hai nguồn này khá thấp. Chỉ từ 10 năm trở lại đây, nhờ có Internet và sự mở phần nào của các kho lưu trữ, nguồn tư liệu (nhất là ở nước ngoài), cơ hội đó đã tăng lên gấp bội mà dường như phương pháp nghiên cứu của học giới quan phương nước ta chưa theo kịp.

Trong khi cố gắng tiếp cận lưu trữ, chúng tôi đã tìm khảo tư liệu, gồm:

1. Sách báo cùng thời với sự kiện (1930-1931): nhằm minh xác tên liệt sĩ. 16 tư liệu tìm được thuộc nhóm này, gọi là tư liệu A. Nhóm tư liệu A có ba nhật báo tại Đông Dương (Hà Thành Ngọ báo, l'Avenir du Tonkin  l'Écho annamite) tường thuật khá chi tiết các phiên xử tại Yên Bái.

2. Sách báo từ sau sự kiện tới nay (2020): Khảo lịch sử và tìm nguyên nhân việc sai lệch (nếu có). 19 tư liệu tìm được thuộc nhóm này, gọi là tư liệu B.

Báo Le Journal 03 mai 1930.-Nguồn: gallica.bnf.fr

Quá trình tìm kiếm

Khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, chính quyền thực dân điên cuồng đàn áp và đã thành lập Hội đồng đề hình (HĐĐH, một loại tòa án đặc biệt) để xét xử quân nổi dậy. Tại Yên Bái, HĐĐH đã họp hai phiên với kết quả đẫm máu, như sau:

HĐĐH Yên Bái 1930: Phiên thứ nhất có ngày xử là 28-2, có 13 người bị kết án tử, số người bị chém (sau sắc lệnh giảm án) là 4, ngày lên máy chém là 8-5. Phiên thứ hai có ngày xử là 27-3, có 39 người bị kết án tử, số người bị chém (sau sắc lệnh giảm án) là 13, ngày lên máy chém là 17-6.

Cái tên cần tìm sẽ nằm trong tổng số 52 (gồm 13 + 39) người mang án tử này.

Về khảo tìm tên Thịnh: Tại HĐĐH Yên Bái 1, về quá trình xét xử: Hà Thành Ngọ báo nêu tên Thịnh (3 lần, cả khi tuyên án), Thỉnh (4 lần); l'Avenir du Tonkin (tiếng Pháp) nêu tên Thinh (2 lần). Danh sách 13 án tử có tên Thịnh.

Đầu tháng 5-1930, bốn tờ báo Paris (Le Journal, Le Petit Journal, l'Echo de Paris  Les Annales coloniales) cùng đăng Sắc lệnh của tổng thống [Pháp] ân xá 9/13 án tử hình (hình 2); trong đó, tên người được giảm đều là: “Nguyen-Van-Thinh, caporal [cai]”. Không có ai bị chuyển xét xử tiếp ở các phiên đề hình khác.

Tại HĐĐH Yên Bái 2, quá trình xét xử và danh sách 39 án tử đều không có tên Thịnh. Tên Thinh/Thịnh có trong 8/16 tư liệu; nhưng, một là, chỉ xuất hiện từ ngày thi hành án (17-6); hai là, 5/16 tư liệu dùng tin cùng một nguồn của phóng viên Louis Roubaud từ Pháp sang đưa tin tại chỗ vụ xử chém; ba là, trong tiếng Pháp, viết “Thinh” nhưng có thể đọc là “Tinh” vì có chữ “h” câm.

Ngay trong cuốn sách của Roubaud về vụ Yên Bái, tác giả đã viết: “Ngoc Thinh - Puits de pierres précieuses (Ngoc Thinh là cái giếng bằng đá quý/ngọc)” (tr. 160). Rõ ràng, tác giả đã đồng nhất “Ngọc Tỉnh (giếng ngọc)” với “Ngoc Thinh”.

 Nguyễn Văn Thịnh trả lời trước HĐĐH Yên Bái 1 - Thực nghiệp Dân báo số 2780 ngày 4-3-1930

Về khảo tìm tên Tính: Tại HĐĐH Yên Bái 1: Quá trình xét xử và danh sách 13 án tử đều không có tên Tính. Tại HĐĐH 2, tên Tính/Tinh có trong 12/16 tư liệu gồm: quá trình xét xử, danh sách 39 án tử và danh sách 13 người bị chém (4/4 tư liệu).

Đặc biệt, 3 tờ báo Paris (La Revue hebdomadaire, Le Journal  l'Homme libre) trong cùng ngày 18-6 đưa tin, Nguyen Van Tinh bị xử tử (cùng với những người khác); và ghi rõ: Nguồn tin do Bộ Thuộc địa cung cấp (“Le Ministère des Colonies nous communique l'information suivant)”.

Khi lục tìm tài liệu lưu trữ, may mắn chúng tôi tìm được một tài liệu quan trọng: “Danh sách bị kết án của VNQDĐ theo các bản án ngày 28-2 và 28-3-1930 của Hội đồng đề hình Yên Bái” (Số 82361, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1).

Tài liệu 82361 khẳng định “Nguyen-Van-Thinh” đã được giảm án bởi sắc lệnh ngày 1-5-1930. Quê quán của chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, lần đầu tiên được tìm thấy cũng tại văn bản này.

Như vậy, sắc lệnh của tổng thống, thông tin của Bộ Thuộc địa đăng trên nhiều báo chí đương thời; và tài liệu lưu trữ cho phép khẳng định: chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, quê làng Tú An (Hà Nam), bị kết án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 1, đã được giảm án xuống khổ sai chung thân ngày 1-5-1930.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Tính, quê làng Đô Quan (Nam Định), bị kết án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 2, đã lên máy chém ngày 17-6-1930.

Không thể có một Thịnh nào khác bị xử chém tại Yên Bái. Bởi vậy, tên liệt sĩ trên bia tưởng niệm phải là Nguyễn Văn Tính.


Nguồn gốc của sự nhầm lẫn

Tư liệu được khảo bao gồm sách (sử, tư liệu, kỷ yếu hội thảo...) và các bài khảo cứu mà tác giả là các nhà nghiên cứu hữu danh trong và ngoài nước, có khả năng hoặc đã tiếp cận các nguồn lưu trữ ưu tiên hoặc lưu trữ nước ngoài như ANOM (Pháp)...

Thống kê các tên Thịnh và Tính trong tư liệu B, chia làm 2 giai đoạn, trước và sau năm 2000 (năm dựng bia tưởng niệm), như bảng sau:

Trong số này, tên Văn Thịnh xuất hiện 10 lần, Đức Thịnh 8 lần. Không khó tìm ra nguồn gốc của các tên này:

- Tên Văn Thịnh bắt nguồn từ tin của Roubaud trên báo chí đương thời và trong cuốn sách nổi tiếng năm 1931: Viet-nam, la Tragédie Indo-chinoise (bản dịch Việt của Đường Bá Bổn/Thế Phong: Việt Nam bi thảm Đông Dương, 1963/2005/...).

- Tên Đức Thịnh bắt nguồn từ cuốn sách (cũng) nổi tiếng của Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc dân đảng (Sài Gòn, 1965). Ông Thịnh là quân nhân (cai), là “người nhà nước” thì đương nhiên chính quyền có hồ sơ nhân sự và tên công bố phải đúng. Đức Thịnh chỉ có thể là bí danh, không thể là tên thật.

Vậy vì sao nhầm lẫn? Chúng ta đang khảo cứu một sự kiện thời thuộc Pháp, nên câu trả lời thích hợp có lẽ thuộc về Nguyễn Văn Lục (2019): “...nhiều người nhắm mắt chép lại, không đọc ngang, đọc dọc, nhất là đọc tài liệu của Pháp. Sai lầm cứ thế mà được tái diễn. Trách nhiệm người cầm bút trung thực là ở chỗ này...” (Chung quanh vụ nổi dậy ở Yên Báy năm 1930. Nguồn: https://dcvwp.trstudios.net/).

Vĩ thanh

Là sự mong muốn những chứng thực đơn giản:

- Giới hữu quan sớm quan tâm đến sự việc, khẳng định và khôi phục danh vị cho người anh hùng Nguyễn Văn Tính trên bia đá và các tài liệu chính thức. Quê hương của hai anh hùng cần được biết tên tuổi của tiền nhân.

- Tài liệu (archive source) và tư liệu (source of print) của Pháp, Trung Quốc, Mỹ... cần được khai thác kỹ lưỡng làm đa dạng và phong phú nguồn sử liệu để lịch sử Việt Nam thoát khỏi cảnh đọc sử Việt vài ba quyển.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận