TTCT - Người cô đơn không chỉ nhìn thế giới khác đi, mà còn thay đổi thói quen dẫn đến suy giảm sức khỏe. Ảnh: Brett Pearce/CNETCô đơn không còn "bó hẹp" là một trạng thái cảm xúc. Người cô đơn không chỉ nhìn thế giới khác đi, mà còn thay đổi thói quen dẫn đến suy giảm sức khỏe. Các nhà nghiên cứu đang tập trung làm sáng tỏ sự khác biệt trong chính bộ não của người cô đơn.Dù là bác sĩ không phải ngành tâm lý nhưng tôi có một nhóm Zalo đặc biệt, dành cho những bệnh nhân mà "tâm bệnh" còn nổi trội hơn bệnh thực tế. Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh nhưng điểm chung là họ cô đơn trong chính cuộc sống của mình.Một nữ bệnh nhân 70 tuổi bị bệnh tiểu đường, sống một mình do con đi làm xa nhà. Mặc dù được bác sĩ hướng dẫn chi tiết về chế độ ăn và cách sử dụng thuốc nhưng có những tháng chúng tôi phải cấp cứu bà 4-5 lần do đường máu dao động nguy hiểm. Cá biệt, có những đợt bà ra viện được một ngày sau đó lại nhập viện cấp cứu ngay trong đêm do hôn mê tăng đường máu. Nguyên nhân là bà không kiểm soát được chế độ ăn.Một bệnh nhân nữ khác 55 tuổi bị tăng huyết áp, sống cùng chồng con. Bà thường xuyên bị mất ngủ, đặc biệt chỉ cần trong gia đình xảy ra một sự việc, có thể khiến bà suy nghĩ cả đêm, dẫn đến đau đầu, chóng mặt và huyết áp tăng cao dù trước đó đã được ổn định bằng thuốc hàng ngày.Cả hai đều là người cởi mở khi được bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám. Tuy nhiên, họ đều có ít mối quan hệ, đặc biệt là người để "trút tâm sự". Có nhiều lý do: người thân ở xa, lâu ngày mới trò chuyện hoặc dù ở gần nhưng bận rộn công việc; không hiểu được tâm sự người bệnh hoặc sức khỏe kém khiến người bệnh không thể tham gia nhiều hoạt động xã hội… Điều đó khiến họ dễ rơi vào cảm giác cô đơn. Và từ tâm bệnh sẽ chuyển thành thân bệnh."Chất lượng" hơn số lượngGiao tiếp xã hội và được người khác thấu hiểu là nhu cầu cơ bản của con người ở bất kỳ độ tuổi và môi trường sống nào. Cô đơn xảy ra khi bản thân cảm thấy chán nản, lo lắng bởi sự thiếu vắng của các mỗi quan hệ "chất lượng" - mối quan hệ có ý nghĩa, gần gũi, gắn bó hoặc cảm giác thân thuộc, bất chấp mức độ tiếp xúc xã hội.Cô đơn khác với cô lập - sự thiếu kết nối với xã hội, ở chỗ cô lập xã hội thường dẫn đến cô đơn, trong khi một số người vẫn có thể cảm thấy cô đơn dù không bị cô lập về mặt xã hội. Ví dụ, một người sống một mình nhưng thường xuyên trò chuyện qua mạng xã hội với bạn bè hoặc người thân nhưng vẫn cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ khi được "trút tâm sự" và thấu hiểu được nhau.Ngược lại, một người thường xuyên trò chuyện với hàng xóm nhưng vẫn cảm thấy cô đơn bởi không có mối quan hệ thân thiết. Ở đây, cô đơn nhấn mạnh "chất lượng" của mối quan hệ hơn là số lượng. Cô đơn ngày càng "lan rộng" trong xã hội hiện nay. Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyến bố cô đơn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu cấp bách và thành lập ủy ban quốc tế cho vấn đề này.Nguyên nhân do sự "cộng hưởng" của nhiều yếu tố: xã hội, tâm thần, tính cách và thể chất. Trong đó, các nhà khoa học đang cho thấy sự khác biệt trong bộ não của người cô đơn.Thế giới quan rất khác của người cô đơnThực tế là trong cùng một cảnh, có người cảm thấy cô đơn còn một số người khác thì không. Liệu có những khác biệt trong bộ não khiến họ dễ bị cô đơn hay cô đơn làm bộ não hoạt động khác đi? Câu hỏi này đang được các nhà nghiên cứu "bóc tách" và làm sáng tỏ từng phần.Cô đơn có thể di truyền. Bằng chứng dựa trên nghiên cứu đăng trên tạp chí Human Molecular Genetic tháng 11-2019 của Đại học California (Mỹ), sử dụng dữ liệu của hơn nửa triệu người cho thấy: có 19 biến thể liên quan đến khuynh hướng cô đơn. Gần đây nhất tháng 12-2023 trên trang Natura, một nghiên cứu về gia đình và các cặp song sinh đã chứng minh: yếu tố di truyền góp phần vào 38 - 48% sự khác biệt về sự cô đơn ở người trưởng thành.Khi cùng gặp một vấn đề, người cô đơn và người không cô đơn thường có phản ứng khác nhau. Ví dụ, khi cùng được bác sĩ thông báo và giải thích về một chỉ số bất thường, người cô đơn vẫn cảm thấy lo lắng, bất an và liên tục suy nghĩ về các tình huống tiêu cực có thể xảy ra ở hiện tại và tương lai, thay vì tập trung vào các biện pháp khắc phục như người khác. Họ không thể chia sẻ được suy nghĩ với những người xung quanh, vì cho rằng người khác không hiểu được mình hoặc sợ người khác đánh giá suy nghĩ của mình là quá mức.Tại sao người cô đơn có cảm xúc như vậy? Tập san Psychological Science hồi tháng 4-2023 đã công bố một nghiên cứu thực hiện với 66 sinh viên từ 18 - 21 tuổi, khi vừa chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) sọ não vừa xem video về nhiều tình huống trong đời sống. Kết quả cho thấy, người có mức độ cô đơn cao hơn liên quan đến mức độ hoạt động thấp hơn ở các vùng não đóng vai trò trong nhận thức xã hội và xử lý thông tin (vỏ não trước trán, rãnh thái dương trên).Ngoài ra, các vùng não liên quan đến cảm xúc tiêu cực ở người cô đơn cũng hoạt động mạnh hơn. Điều đó cho thấy sự cô đơn có thể khiến con người nhạy cảm hơn với các tình huống xã hội tiêu cực, như cảm giác bị loại trừ, bị từ chối và khiến họ coi các tình huống xã hội là mối đe dọa nhiều hơn."Điều đó cho thấy những người cô đơn diễn giải và hiểu thế giới xung quanh họ theo cách khác" - tiến sĩ Elisa Baek, tác giả nghiên cứu nói với Discover Magazine. Nói cách khác, người cô đơn nhìn thế giới tiêu cực hơn.Người cô đơn còn nghĩ khác về thế giới, do liên quan đến mạng lưới thần kinh mặc định (default network) - mạng có ý nghĩa kết hợp thông tin bên ngoài về môi trường với thông tin bên trong (ký ức, kiến thức trong quá khứ), hoạt động theo mặc định khi một người không tham gia nhiệm vụ cụ thể nào mà hướng sự chú ý vào nội tâm.Cũng trong nghiên cứu trên, các tác giả đã nhận sự cô đơn củng cố các kết nối bên trong và suy yếu kết nối giữa mạng lưới thần kinh mặc định với các mạng lưới khác. Ví dụ, người già khắc phục sự cô đơn bằng cách rút lui vào ký ức và tìm về những trải nghiệm trong quá khứ. Họ dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai. Tất cả đều có cảm giác lo lắng, bất an và sợ hãi.Từ đó cho thấy, nghiên cứu trên mang tính đột phá khi đã cung cấp cái nhìn mới toàn diện và chứng minh được cô đơn không chỉ là cảm giác, mà còn dẫn đến những thay đổi về thần kinh và sinh học trong não.Mặt khác, quá trình xử lý của não bị thay đổi theo hướng tiêu cực cũng gây ra khó khăn trong tương tác xã hội, khiến sự cô đơn lặp lại thành một vòng luẩn quẩn, trong đó nỗi cô đơn càng cô đơn hơn.Cô đơn làm thay đổi thói quenKhi cô đơn, chúng ta sẽ làm gì? Một cuộc thăm dò trực tuyến đầu năm 2024 của Hiệp hội Tâm thần Mỹ với 2.200 người tham gia, cho thấy: 50% người được hỏi xoa dịu sự cô đơn bằng những trò chơi giải trí (tivi, podcast, mạng xã hội), 41% cho biết họ đi dạo và 13% cho biết sử dụng ma túy hoặc rượu, trong đó người từ 18 - 34 tuổi có xu hướng dùng nhiều hơn.Hay nghiên cứu được công bố tháng 4-2024 trên JAMA Network Open với 93 phụ nữ khỏe mạnh, tiền mãn kinh tham gia đánh giá mối liên hệ giữa cô đơn đối với hành vi ăn uống và các triệu chứng tâm lý.Kết quả cho thấy người cô đơn có chế độ ăn uống kém (tăng tiêu thụ đồ ngọt), béo phì cao và sức khỏe tâm thần kém hơn người không cô đơn. Lý giải điều này có thể do thực phẩm ngọt ảnh hưởng đến phản ứng thần kinh, bởi chúng cung cấp năng lượng và có tác dụng giảm đau.Những thói quen trên dẫn đến kết quả tất yếu: sức khỏe tinh thần, thể chất giảm sút và nguy cơ mắc bệnh lý mạn tính nguy hiểm gia tăng. Điển hình, sự cô đơn thường đi kèm với trầm cảm, dẫn đến nguy cơ tự tử cao.Ngoài ra, họ có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và suy giảm hệ thống miễn dịch cao hơn, do cơ thể tăng giải phóng hormon căng thẳng - Cortisol. Ví dụ, Cortisol tăng cao, gây tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ trong tương lai. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra, cô đơn làm gia tăng chứng mất trí nhớ và đẩy nhanh quá trình lão hóa sớm.Cô đơn là cảm xúc không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Hiểu được cách cô đơn tác động đến não bộ sẽ giúp chúng ta tìm ra biện pháp hiệu quả: nhắm vào khía cạnh thần kinh của sự cô đơn, tăng cường tương tác và giao tiếp xã hội, để cảm giác cô đơn bớt gây căng thẳng cho cơ thể, từ đó làm giảm tác động tiêu cực cho sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu chỉ ra đi bộ 4-5 km trong một giờ có thể giúp loại bỏ cảm giác chán nản, cô đơn, đặc biệt hữu ích đối với người có mạng lưới thần kinh mặc định hoạt động mạnh. Lý do là người cô đơn thường "mắc kẹt" trong suy nghĩ của mình. Tập thể dục buộc họ phải sử dụng các phần khác của não, gây gián đoạn mạng lưới thần kinh mặc định và chuyển hoạt động sang khu vực liên quan đến thể chất. Từ đó, giải phóng người cô đơn khỏi vòng suy nghĩ tiêu cực. Tập thể dục cũng là cách tăng cường giao lưu và tương tác xã hội, ngay cả khi bạn trở về nhà một mình, bạn cũng không còn cảm thấy hoàn toàn cô đơn nữa. Tags: Cô đơnTâm bệnhSức khỏeSức khỏe tinh thầnNão bộ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.