TTCT - 70 năm sau, ký ức của người Pháp về chiến tranh đã bớt nhiều trong góc độ thắng/thua mà trở thành "những con đường hoài niệm", như tên một chuyên mục trên trang web của Bộ quân lực Pháp. Tổng thống Pháp François Mitterrand và Tướng Maurice Schmitt thăm chiến trường Điện Biên Phủ, Việt Nam năm 1993. Ảnh: Reddit/HistoryChuyên mục này quy tụ những bài báo, nghiên cứu, phóng sự… như những con đường dẫn đến sự hoài niệm những cuộc chiến khác nhau mà quân đội Pháp đã kinh qua. Vào hạ tuần tháng 4, là "Kết thúc 70 năm chiến tranh Đông Dương" hòa trong các bài viết về các cuộc chiến khác, "Thế chiến thứ hai, kỷ niệm 80 năm năm 1944", là "Giải phóng trại Sachsenhausen"... tất cả đều đậm màu hoài niệm. Trên báo chí cũng như mạng xã hội Pháp cũng thế.Ghi nhớ như là nghĩa vụNgày 13-3-2024, tờ Le Figaro đăng bài báo tựa đề "70 năm trước: địa ngục ở "vòng chảo" Điện Biên Phủ" của Axel Chouvel .Tác giả mở bài bằng một nhận định không mới: "Ngày 13-3-1954, khởi đầu trận đánh Điện Biên Phủ ở Đông Dương thuộc Pháp. Một thất bại gióng lên hồi chuông báo tử cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở châu Á bất chấp lòng dũng cảm to lớn của hàng nghìn binh sĩ Pháp đã được triển khai". Ý nghĩa ngoại tại của bài báo này trên tờ báo có số lượng phát hành hơn 300.000 tờ (STATISTA thống kê năm 2022), chỉ sau tờ Le Monde, là nó được đăng tải đúng vào ngày khởi sự trận Điện Biên Phủ, như một nghĩa vụ ghi nhớ.Le Figaro có sự bền bỉ trong ghi nhớ chiến tranh Đông Dương nói chung và trận Điện Biên Phủ nói riêng. Cách đây 10 năm, đúng vào ngày 7-5-2014, tờ báo này đã đặt câu hỏi qua ngòi bút của Guillaume Allaire, một hậu duệ của bốn người từng tham chiến ở Điện Biên Phủ: "Cách đây 60 năm, Điện Biên Phủ... bao nhiêu người còn nhớ tới?". Người cháu của bốn người ông/bà bên ngoại đó, 60 năm sau, có cay đắng cũng không là điều khó hiểu: "Đằng sau sự tủi nhục, thịnh nộ và cay đắng, danh dự - "bài thơ về nghĩa vụ" vốn là chủ đề của Péguy - vẫn còn đó, ngoại trừ đối với những chiến binh và những người đi trước họ trong cuộc phiêu lưu Đông Dương". Song 70 năm sau, sự giận dữ đó không còn, Le Figaro vẫn ghi nhớ Điện Biên Phủ như trước nhưng tất nhiên, ôn hòa hơn.Cả báo Bỉ cũng có tờ đăng bài ghi nhớ. Tờ Le Soir của Bruxelles, đúng hôm 7-3-2024 đăng bài: "Đã từng trông thấy: Điện Biên Phủ, kết thúc một thế giới" của William Bourton, một nhà phân tích chính trị. Tác giả thành thực tổng kết: "70 năm trước, chủ nghĩa thực dân đã bị đo ván ở Điện Biên Phủ, sau một trong những trận đánh quan trọng của thế kỷ 20". Sau khi nhắc lại rằng trận đánh đẫm máu này kết thúc 8 năm chiến tranh Đông Dương và 7 năm hiện diện của Pháp trong bán đảo Đông Dương, tác giả kết luận: "Ngoài câu chuyện thắng thua, trận đánh này sẽ tạo động lực to lớn cho mọi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp thế giới".Hồi hương hài cốtTờ Le Monde có một cách khác để tham gia sự ghi nhớ này, qua bài báo "6 thi thể binh sĩ Pháp được hồi hương 70 năm sau trận Điện Biên Phủ" đăng ngày 29-3-2024, với cách viết khá văn vẻ: "70 năm sau trận Điện Biên Phủ kết thúc vào ngày 7 và 8-5-1954, mặt đất vẫn tiếp tục hoàn trả thi thể những người đã mất trong chiến tranh" .Tác giả bài báo cho biết chi tiết nhận dạng tối thiểu: "Họ là hai sĩ quan kiểu người châu Âu thuộc Trung đoàn bộ binh người Morocco số 4 (RTM), trên người có phù hiệu của trung đoàn. Ba lính dù cũng được nhận dạng nhờ phù hiệu trên mũ nồi của họ. Còn người lính cuối cùng, vào lúc này, hoàn toàn không có tên".Cũng hôm 29-3 đó, không chỉ mỗi Le Monde mới loan báo tin này, các báo khác cũng đồng loạt đăng tải, như tờ Le Figaro, Huffington Post, Var-Matin... Le Figaro viết "Còn cách 70 năm trận Điện Biên Phủ vài tuần lễ, tính biểu tượng quả là mạnh mẽ. Hôm thứ sáu 29-3 này, Bộ Quân lực loan báo hồi hương trong những ngày tới..." . Tờ Var-Matin trang trọng: "Bảy thập kỷ sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, hài cốt của 6 người lính Pháp sẽ sớm được hồi hương về Pháp". Huffington Post thuật lại chi tiết tìm kiếm: "Sáu thi thể đã được khai quật hôm thứ ba, trong một buổi lễ với sự có mặt của đại sứ Pháp và đại diện chính quyền địa phương. Hài cốt cho đến nay được lưu giữ tại ba nơi khác nhau ở Điện Biên Phủ. Hai trong số đó đã được tìm thấy trong quá trình mở rộng sân bay địa phương".Các tờ báo cũng nhắc lại những số liệu lịch sử: "Theo số liệu chính thức, gần 2.300 lính Pháp thiệt mạng trong 56 ngày đụng độ, và ít nhất 4.000 người về phía Việt Nam. Ngoài ra, ít nhất 7.800 binh sĩ khác đã chết hoặc mất tích sau khi bị bắt". Quốc vụ khanh phụ trách cựu chiến binh và hoài niệm Patricia Miralles nhắc lại số mất mát trong cả cuộc chiến tranh và nghĩa vụ với họ: "Trong chín năm của cuộc chiến tranh Đông Dương, 80.000 binh sĩ, thủy thủ và phi công của chúng ta đã thiệt mạng trong chiến đấu. Hôm qua cũng như hôm nay, trên đất của chúng ta hay ở nơi khác, nước Pháp rất vinh dự khi luôn đảm bảo có một mộ phần vĩnh viễn cho những người đã chết vì đất nước đó". Vẫn không thôi tự vấnTrong những ngày này, nổi lên một bài nghiên cứu đăng trên đặc san lịch sử Historia đề ngày 17-4-2024, có tựa đề "70 năm Điện Biên Phủ: Tại sao trận đánh lại diễn ra?" của tiến sĩ sử học Ivan Cadeau, tác giả của các quyển Diên Biên Phu (NXB Tallandier, 2013), Cao Bằng 1950: Thảm bại đầu tiên của Pháp tại Đông Dương (NXB Perrin, 2022).Theo tác giả Cadeau, trận chiến nổ ra vào ngày 13-3 và kết thúc vào ngày 7-5-1954 đã diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh Đông Dương trở thành gánh nặng tài chính không thể gánh nổi đối với Pháp. Thế nên, vào mùa xuân năm 1953, chính phủ ngắn ngủi của Mayer (8-1 đến 21-5-1953) đã có ý định tìm một "lối thoát trong danh dự". Đây cũng là nhiệm vụ được giao cho tân tổng tư lệnh, tướng Navarre, làm sao buộc Việt Minh phải đàm phán từ thế yếu.Trong lúc đó, tướng Giáp chọn rời khỏi Đồng bằng sông Hồng - một khu vực mà người Pháp vẫn còn quá hùng mạnh - và chọn chinh phục phía tây bắc Việt Nam, chiếm giữ Lai Châu - thủ phủ của khu vực này. Kế đến, sẽ quốc tế hóa chiến tranh, lấn sang Lào và tiến sát biên giới sông Mekong.Để ngăn chặn những nỗ lực này, bộ chỉ huy Pháp có một số lựa chọn: Chỉ có thung lũng Điện Biên Phủ mới có khả năng thiết lập một căn cứ không quân có khả năng trở thành "điểm neo đậu" cho các đơn vị Pháp, từ đó họ sẽ "tỏa ra" để làm gián đoạn hoạt động của đối phương. Bất cứ ai có kế hoạch vào Lào đều phải kiểm soát thung lũng Điện Biên Phủ - một thung lũng xanh rộng lớn có dòng sông Nam Youn (Nậm Nứa) chảy qua. Thung lũng Điện Biên Phủ mang lại khả năng tiếp cận trực tiếp khu vực Lai Châu và cung cấp cho quân đội một căn cứ xuất phát và dự phòng lý tưởng cho các hoạt động của họ, và cả lương thực từ những cánh đồng lúa ở đây - Ivan Cadeau giải thích chọn lựa của quân đội Pháp. Kế hoạch của quân viễn chinh Pháp ban đầu, chủ yếu là tướng Cogny từ tháng 6-1953 là như thế, song thực tế lại biến đổi do gặp phải chọn lựa của đối phương. Tác giả viết:"Việt Minh hiểu rõ điều này nên muốn biến thung lũng này thành căn cứ hoạt động trong chiến dịch mùa thu năm 1953. Ngày 20-11-1953, tướng Navarre quyết định phát động chiến dịch Castor. Sau những trận chiến ác liệt, lính dù làm chủ địa hình. Rất nhanh chóng, sân bay được khôi phục và quân tiếp viện đến chiếm các trung tâm phòng thủ trên các ngọn đồi bảo vệ hệ thống của quân Pháp... Tuy nhiên, ý tưởng thành lập căn cứ không quân trên bộ đã thất bại, vì trước việc Pháp thành lập đồn trú, tướng Giáp quyết định điều chỉnh kế hoạch: Điện Biên Phủ trở thành mục tiêu của Việt Minh. Từ tháng 12, phần lớn lực lượng chiến đấu của nó đã bao vây thung lũng... Điện Biên Phủ trở thành một trại cố thủ, nơi tướng Navarre, trái với ý định ban đầu của ông, sẽ phải chiến đấu".70 năm sauHôm thứ năm 11-4, thi hài sáu binh sĩ Pháp tử trận trong chiến tranh Đông Dương được hồi hương về Pháp. Một lễ tang vinh danh theo quân cách được tổ chức tại sảnh đón tiếp của sân bay Paris-Charles de Gaulle. Cùng ngày, khinh hạm Vendemiaire của hải quân Pháp ghé thăm Đà Nẵng. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet loan báo: "Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam mời Pháp có đại diện tại Điện Biên Phủ ở cấp độ chính trị. Vì vậy, Pháp đã quyết định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp và Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và Ký ức Pháp tới Điện Biên Phủ vào ngày 7-5. Tôi tin rằng đây là thời điểm rất quan trọng trong mối quan hệ song phương bởi vì chúng tôi không chỉ cho người Việt và người Pháp thấy, mà tôi muốn nói với cả thế giới rằng khả năng của chúng ta cùng nhau nhìn lại quá khứ và đón nhận".Ông đại sứ thừa nhận rằng quá khứ là phức tạp bi thảm, nhưng sự hiện diện của hai bộ trưởng Pháp là "để chứng tỏ rằng ngày nay, 70 năm sau, hai nước chúng ta là những quốc gia thân thiện, cùng nhau xây dựng tương lai" .Chẳng qua, các bộ trưởng này đi tiếp con đường mà cố tổng thống Pháp đã đi hôm 10-3-1993. Thông tấn xã AP thuật lại: "Tìm cách hàn gắn vết thương cũ, hôm thứ tư, tổng thống Pháp đã hành hương tới chiến trường nơi quân Việt Nam đã đè bẹp lực lượng của đất nước ông. Ông gọi chiến tranh Đông Dương là một sai lầm. Chuyến thăm Điện Biên Phủ, nơi bị bao vây kéo dài hai tháng vào năm 1954, là tâm điểm đầy cảm xúc trong chuyến đi lịch sử của Mitterrand, chuyến đi đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia phương Tây tới nước Việt Nam cộng sản". Sau đó vào ngày 3-11-2018, thủ tướng Pháp lúc đó là Edouard Philippe cũng đã đến thăm Điện Biên Phủ và trịnh trọng phát biểu: "Dường như đối với tôi, việc nhìn lại quá khứ chung của chúng ta một cách hòa bình là điều hữu ích". Năm ngoái, tờ Le Monde đã mở màn một chiến dịch báo chí phơi bày những vấn đề trong việc hồi hương các hài cốt các binh sĩ Pháp khi xưa. Số báo Le Monde đề ngày 20-3-2023 đăng một bài của Benoît Hopquin, tác giả viết "Hàng trăm thi thể binh Pháp vẫn còn nằm lại trên địa điểm diễn ra trận Điện Biên Phủ, hiện đang là đối tượng của một dự án đô thị hóa" và lên án: "Không giống như người Mỹ, nước Pháp không tìm cách xác định danh tính của họ để hồi hương họ".Trên thực tế, mọi chuyện đã diễn ra từ lâu, với những nỗ lực từ phía Việt Nam. Năm 2005, tỉnh Điện Biên đã bàn giao 17 bộ hài cốt lính Pháp cùng đồ vật, tư trang cho đại diện Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam. Đây là số hài cốt được phát hiện khi công nhân xây dựng thi công kè hai bên bờ sông Nậm Rốm - vị trí chỉ cách hầm tướng C. De Castries 200m. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ Tiếp theo Tags: Điện Biên PhủChiến thắng Điện Biên PhủNgười PhápLịch sử
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".