Cuốn sách trên bàn làm việc của Bác Hồ

NGA LINH 23/05/2010 16:05 GMT+7

TTCT - Quyển sách về John Brown - lãnh tụ người da đen ở Mỹ lãnh đạo những người da đen cầm súng chống lại những chủ nô lệ da trắng đã xuất hiện tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sau mùa xuân năm 1962. Sách hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Những ai quan tâm đến tiểu sử Hồ Chủ tịch đều biết rằng năm 1912 Bác đã đến Hoa Kỳ. Trong thời gian sống, làm việc tại New York và Boston, có lẽ ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với chàng thanh niên Việt Nam là tình cảnh của người da đen, điều mà Nguyễn Tất Thành mô tả trong nhiều tác phẩm báo chí, đặc biệt là Hành hình kiểu Lynch, một phương diện ít người biết đến của nền văn minh Mỹ và Đảng Ku Klux Klan (tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 74).

Quyển sách Những người da đen cầm súng (Negroes with guns) trong tủ kính tầng 1 nhà sàn Bác Hồ - Ảnh: N.L.
Bìa quyển sách Lies my teacher told me - Ảnh: N.T.L.
90 tác phẩm đồ họa (poster, tranh in, tranh khắc...) của 47 họa sĩ TP.HCM và một số địa phương phía Nam đã tham dự cuộc triển lãm với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được tổ chức tại gallery Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM (số 5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) từ ngày 15 đến 25-5. Triển lãm nhằm chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2010) và hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: Nhân Phước Thọ

“Ai cũng biết giống người da đen là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người. Ai cũng biết sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và việc tìm ra Tân thế giới đã mang lại hậu quả trực tiếp là làm sống lại chế độ nô lệ, một chế độ, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tai họa thật sự đối với người da đen và là một bất hạnh đẫm máu đối với nhân loại”. Nguyễn Ái Quốc mở đầu bài báo in trong tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 59 năm 1924 của mình như thế. Bài báo là một lời tố cáo mạnh mẽ và đầy xúc động tệ phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Đây là một đoạn mô tả đầy sinh động của Bác: “Các bạn hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn. Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa..., đám đông ấy đang bị lôi cuốn bởi cái thú cuồng loạn được phạm tội ác mà không phải lo sợ gì cả. Họ vũ trang bằng gậy gộc, đuốc, súng lục, thừng, dao, kéo, nước lưu toan, dùi. Tóm lại là bất cứ vật gì có thể dùng để giết hoặc làm bị thương được. Các bạn hãy tưởng tượng giữa đám đông ấy, là một đống thịt đen bị xô đẩy, đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động. Cái đám đông ấy, chính là những kẻ tham gia hành hình. Cái xác người rách nát kia, đó là người da đen, là nạn nhân” (1).

Những thông tin về John Brown và hoạt động của ông đã được in trong quyển sách Những người da đen cầm súng (Negroes with guns) của Robert F. Williams. Theo phòng sưu tầm kiểm kê tư liệu của khu di tích Phủ Chủ tịch, đây là cuốn sách viết về lãnh tụ người da đen ở Mỹ lãnh đạo những người da đen cầm súng chống lại những chủ nô lệ da trắng. Những người da đen cầm súng đã xuất hiện tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sau mùa xuân năm 1962. Sách hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ở đoạn cuối bài báo, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chẳng cứ gì người da đen mà cả những người da trắng nào dám bênh vực người da đen cũng bị đối xử tàn nhẫn, như bà Hariét Bichơ Stao, tác giả cuốn “Cái lều của chú Tôm” chẳng hạn. Eligiát Lôvagiôi bị giết. Giôn Brao bị treo cổ, Tômát Bítsơ và Xtêphen Phôxtơ bị ngược đãi, bị đánh đập và bị bỏ tù” (Hồ Chí Minh toàn tập) (2).

Trong những cái tên được Nguyễn Ái Quốc đề cập, tôi muốn các bạn lưu ý đến cái tên Giôn Brao (John Brown).

John Brown là ai? John Brown (1800-1859) là một chiến sĩ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Là con của ông Owen Brown - một người thợ thuộc da và bà Ruth Mills Brown, cậu bé John Brown nhanh chóng nhận thấy tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ. Tuy là người da trắng nhưng thông cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của người da đen, năm 1859 John Brown lãnh đạo cuộc nổi dậy của nô lệ và chiếm kho súng liên bang tại Harpers Ferry, Virginia.

Dự định của John Brown là phân phát vũ khí cho những người nô lệ da đen để họ tiến hành cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã không thành công. Lực lượng nổi dậy nhỏ bé của ông nhanh chóng bị lực lượng của chính quyền bao vây, trong đó có cả lính thủy quân lục chiến do Robert E. Lee chỉ huy. John Brown bị bắt và sau đó bị chính quyền treo cổ tháng 12-1859.

Khi John Brown bị hành hình, nhiều người đánh chuông nhà thờ, bắn súng. Nhiều đám đông dân chúng ở khắp miền Bắc Hoa Kỳ đã tổ chức tưởng niệm ông. Ralph Waldo Emerson gọi John Brown là “vị Thánh mới sẽ khiến giá treo cổ trở nên thiêng liêng không kém gì cây thánh giá (nguyên văn: that new saint... who will make the gallows glorious like the cross)”.

Mặc dù vậy, John Brown là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Suốt thế kỷ 19, sách báo chính thống của Mỹ mô tả John Brown không mấy thiện cảm, nhiều nguồn còn nói ông bị điên. Ngay cả Abraham Lincohn, người được coi là anh hùng của sự nghiệp giải phóng nô lệ, cũng từng nói John Brown là một kẻ “cuồng tín lầm lạc”.

Sự mô tả đầy thiên kiến về John Brown vẫn tồn tại dai dẳng cho đến gần đây. Điều này đã được James W. Loewen viết rất hay trong cuốn Lies my teacher told me (Những điều lừa dối thầy dạy tôi) xuất bản năm 1996 thông qua việc khảo sát các sách giáo khoa lịch sử được sử dụng trong trường phổ thông Hoa Kỳ.

Chỉ cần lưu ý rằng qua bài báo của Nguyễn Ái Quốc in năm 1924, chúng ta cũng có thể thấy tầm nhìn sâu sắc mang tính nhân loại đáng kinh ngạc của Người.

Thái độ chống phân biệt chủng tộc và sự thông cảm sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc đối với người Mỹ da đen còn thể hiện ở những hoạt động cụ thể khi Người ở Mỹ. Các tài liệu cho thấy trong thời gian ở New York, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến dự các cuộc diễn thuyết của lãnh tụ da đen nổi tiếng Marcus Garvey do Tổ chức toàn cầu hỗ trợ người da đen (Universal Negro Improvement Association - UNIA) tổ chức. Có lần vì quá xúc động, Nguyễn Ái Quốc đã dốc sạch túi tiền ít ỏi của mình để hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của hội.

Trở lại với John Brown. Các nhà nghiên cứu sẽ lại gặp cái tên ấy khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh: trong các cuốn sách trên bàn làm việc của Hồ Chủ tịch có tư liệu về John Brown (3). Chi tiết nhỏ ấy nói lên thật nhiều điều về một con người.

__________

(1), (2) Trích bài báo “Hành hình kiểu Linsơ, một phương diện ít người biết của nền văn minh Mỹ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 307, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1995)(3) Trang 199 của sách best-seller Lies my teacher told me, tác giả James W. Loewen

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận