Đầu năm nói chuyện võ

CHI HÀ 24/02/2016 23:02 GMT+7

TTCT - Không phải ngẫu nhiên mà người phương Tây gọi võ học phương Đông là “martial arts”, tức là ngoài yếu tố “võ” - “martial”, họ còn nhìn thấy yếu tố của một “nghệ thuật” - “arts” trong đó.

Aikido là môn võ rất điển hình cho triết lý phương Đông -tomdijkman.nl
Aikido là môn võ rất điển hình cho triết lý phương Đông -tomdijkman.nl

 

Đặc trưng của võ thuật phương Đông là lấy nhu trị cương, dứt khoát mà tinh tế; hoành mà tung, kinh mà quyền (hay ngược đảo lại); cái hiểm ẩn tàng trong sự uyển chuyển; vẻ đẹp thể hiện trong bước quyền, cước; chỗ thượng thừa thì tâm, linh, trí, lực quyện làm một và khả năng đích thực của võ thuật là đưa tới sự chinh phục, hoàn thiện một hoàn cảnh hay một tình thế hơn là có ý nghĩa triệt hạ, tàn sát.

Võ là khoa học về phương pháp tự vệ, hoặc tấn công kẻ khác bằng sức mạnh hay phương tiện tạo ra sức mạnh. Có sức mạnh thì có sự tàn phá. Để hạn chế sự tàn phá của võ đã có đạo.

Chúng ta khó tìm thấy môn võ xuất hiện ở phương Đông có lối đánh hùng hục như quyền anh của người phương Tây, dù đó là những môn võ “son trẻ” được hiện đại hóa, kết hợp Đông - Tây như nhu đạo, karatedo, thái cực đạo, vovinam...

Ngay cả một môn võ mà nhiều người lầm tưởng là quá thô bạo và tàn khốc như muay Thái cũng ẩn tàng những nghi thức tôn giáo cao cả của phương Đông. Những đòn phang ống chân hay những đòn gối, chỏ hiểm hóc của muay được đúc kết bởi sự uyển chuyển và những phương vị di chuyển của triết lý bát quái trong văn hóa phương Đông.

Võ thuật phương Đông với nhiều môn phái, chi lưu và hầu như mỗi quốc gia lại có một (hoặc nhiều) môn võ riêng, nhưng nhìn chung xuất phát từ những nền tảng của ba dòng nguồn cội, có thể có biến thể hoặc kết hợp của Phật, Lão, Khổng giáo. Triết lý nền tảng trong giáo trình đào tạo của các môn võ cổ truyền, môn quy, giáo điều, nghi thức, tập tục... đều mang đậm dấu ấn Tam Giáo.

Từ những triết lý này, các môn phái võ thuật được phát triển đa dạng. Với Phật giáo, cái nôi võ thuật lẫy lừng là Thiếu Lâm Tự (Trung Hoa). Đến tận ngày nay, triết lý Phật giáo vẫn là nền tảng trọng tâm của các phái võ xuất phát từ Thiếu Lâm Tự với đường lối tập luyện để tự thắng và hành xử theo duyên nghiệp.

Tư tưởng Lão - Trang giúp người tập nắm vững quy luật vận động của vật chất và tinh thần, nâng cao hiệu năng trong luyện võ. Thái cực quyền hay aikido (hiệp khí đạo) là những ví dụ vào loại tinh tế nhất.

Thái cực quyền tích hợp học thuyết về ngũ hành và bát quái với biểu tượng là vòng tròn âm - dương. Trên nền tảng đó, những đường quyền của môn võ này chậm chạp và được kiểm soát, thay vì tốc độ và dũng mãnh như võ thuật thường thấy, đảm bảo một dòng lưu chuyển liên tục “khí” cả trong và ngoài cơ thể.

Aikido của Nhật Bản cũng đi theo đường hướng đó, với việc luyện tập hằng ngày nhắm trước hết và chủ yếu vào sự cân bằng của cơ thể và trong tinh thần, một sự biểu hiện ra ngoài cách nhìn nhận thế giới. Vì lẽ đó, nó không có các đòn thế tấn công mà chỉ gồm những đòn phòng ngự và hóa giải đối phương.

Bên cạnh đó, văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, các môn võ cổ truyền đều bảo tồn các nguyên tắc về tôn ti trật tự, quan hệ thầy - trò (sư phụ - đệ tử) cũng như các nguyên tắc hành xử mẫu mực của người quân tử. Tình nghĩa thầy trò trong võ thuật giữ vai trò quan trọng đối với con người phương Đông giàu tình cảm. Đó cũng là một bản sắc độc đáo trong võ thuật của người Á Đông.

Tổng hợp lại, giá trị thật sự của võ thuật phương Đông không phải là học các kỹ thuật và đòn thế, mà là giá trị nội tại của việc rèn luyện bản thân. Tay kiếm huyền thoại người Nhật Miyamoto Musashi chẳng hạn, thấy rằng ông càng thuần thục tay kiếm thì cũng càng hiểu hơn về cuộc đời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận