TTCT - Lâu nay, người ta vẫn tin rằng truyện cổ tích Grimm được anh em nhà Grimm thu thập từ lời kể của những người nông dân trên khắp nước Đức, và rằng những câu chuyện đó mang đậm tinh thần dân tộc Đức. Tuy đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng không phải thế, những giả thiết mới vẫn dấy lên và lan truyền. Trong nhiều bản dịch sang tiếng Anh hay các lời dẫn nhập, người ta rất ít đề cập đến cách thức hai anh em Grimm đã dùng để tập hợp những truyện cổ tích. Vậy anh em nhà Grimm là ai? Những câu chuyện cổ đó có xuất xứ từ đâu? Tại sao chúng lại nổi tiếng tới tận ngày nay? Jacob Ludwig Karl Grimm (1785-1863) và Wilhelm Carl Grimm (1786-1859) sinh ra trong một gia đình khá giả có chín anh em. Cha của họ, Philipp Grimm, là một luật sư; còn mẹ, bà Dorothea, là con gái một viên chức thành phố Kassel. Từ nhỏ, hai anh em Grimm đã là những người con ngoan ngoãn và học rất giỏi. Tính tình của họ có đôi chút khác biệt: người anh Jacob khá hướng nội, nghiêm túc và kiên định; cậu em Wilhelm lại thân thiện và hòa đồng hơn. Dù vậy, hai anh em rất thân thiết với nhau. Anh em nhà Grimm (Hình: Germanpulse.com)Sau này, khi đã thành tài, hai anh em Grimm chuyên tâm tìm hiểu về lịch sử ngôn ngữ Đức và có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật, trong đó phải kể đến cuốn từ điển tiếng Đức đầu tiên, tuy nó mới chỉ dừng lại ở vần F.Anh em Grimm không phải là những người viết truyện cổ tích đơn thuần, họ đều là những nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, dân tộc học, ngôn ngữ học và phê bình văn học. Mặc dù cả hai người đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu văn học cổ đại và các phong tục tập quán của nước Đức, họ không phải là những người đặt nền móng cho bộ môn nghiên cứu văn học dân gian tại nơi đây, cũng không phải là những người đầu tiên thu thập và xuất bản những tập truyện cổ. Biết được điều đó, chúng ta sẽ hiểu được hoàn cảnh ra đời của tập truyện này. Đôi khi những cơ hội nhỏ bé trong cuộc đời lại chính là ngã rẽ của định mệnh.Năm 1806, Clemens Brentano, tác giả của một tuyển tập các bài hát dân gian với tựa đề Des Knaben Wunderhorn (tạm dịch: Những chiếc sừng diệu kỳ của chú bé), cùng với Achim von Arnim, một nhà văn, đã tìm tới sự giúp đỡ của Jacob và Wilhelm Grimm vì lúc đó hai anh em đang nghiên cứu văn học dân gian Đức. Brentano hi vọng anh em Grimm có thể giúp đỡ ông thu thập những mẩu truyện dân gian để phục vụ cho một cuốn sách sẽ xuất bản trong tương lai. Họ đã cùng nhau xuất bản thêm phần hai và phần ba của tuyển tập các bài hát dân gian vào năm 1808.Anh em Grimm tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch đó và sẵn sàng chia sẻ những nghiên cứu của mình với các học giả trong ngành. Do vậy, từ năm 1807 đến năm 1812, họ đã thu thập các mẩu truyện cổ với mục đích gửi cho Brentano xuất bản, cũng như qua đó có thêm những bằng chứng lịch sử để hiểu sâu hơn về ngôn ngữ Đức. BẤT NGỜ TỪ NHỮNG NGƯỜI KỂ CHUYỆNTrái ngược với điều mọi người vẫn tin, phương pháp đầu tiên họ dùng là mời người kể chuyện tới nhà và yêu cầu họ kể lại những câu chuyện, sau đó anh em Grimm ghi chép lại. Đa số những người kể chuyện thời đó là những phụ nữ được giáo dục đầy đủ, xuất thân từ các gia đình khá giả hoặc giới thượng lưu. Chúng ta có thể kể đến một nhóm các quý cô trẻ tới từ gia đình Wild ở Kassel (cô Dortchen, Gretchen, Lisette, Marie Elisabeth), mẹ của anh em Grimm - bà Dorothea, hay các quý cô nhà Hassenpflug (cô Amalie, Jeanette, Marie).Họ gặp mặt thường xuyên tại nhà anh em Grimm và kể lại những mẩu chuyện họ nghe được từ những cô hầu gái, bà quản gia khi họ còn thơ bé. Năm 1808, Jacob kết bạn với Werner von Haxthausen đến từ vùng Westfalen; rồi năm 1811, Wilhelm đã đến thăm tư gia của Werner và kết thân với một nhóm các quý cô trẻ tuổi gồm Ludowine, Marianne, Jenny, Annette von Droste-Hulfshoff, từ đó ghi lại thêm các mẩu chuyện mới.Trên tất cả, người đóng góp nhiều truyện cổ nhất là một người đến từ Hessen, bà Dorothea Viehmann - vợ của một bác thợ may, từng bán hoa quả tại Kassel.Ngoài ra, Johann Krause, một sĩ quan về hưu, cũng thường tới nhà anh em Grimm kể chuyện; đổi lại, ông nhận một vài bộ quần áo cũ. Nhiều truyện cổ có nguồn gốc từ Pháp, do gia đình Hassenpflug xuất thân từ dòng người Huguenot di cư từ Pháp và họ sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính tại nhà.Những người kể chuyện đó đều đã quen với các môtip lưu giữ các mẩu chuyện bằng cách truyền miệng và ghi chép văn bản, thế nên họ đã kết hợp cả hai phong cách khi thuật lại các câu chuyện. Anh em nhà Grimm cũng lấy những câu chuyện trong sách hay các tạp chí và chỉnh sửa lại cho phù hợp với văn phong của mình.Năm 1810, khi Brentano yêu cầu anh em Grimm gửi cho ông những ghi chép về truyện cổ, anh em họ đã sao chép ra thành nhiều bản để giữ lại và gửi cho Brentano tổng cộng 49 mẩu truyện. Lý do của việc giữ lại các bản sao là vì họ sợ Brentano sẽ sửa chữa các mẩu truyện theo phong cách thơ mà ông vẫn quen thuộc, trong khi anh em Grimm lại muốn lưu giữ nguyên vẹn công lao sưu tầm của mình cho những nghiên cứu về ngôn ngữ, tập quán sau này và cũng là để gìn giữ một nét đặc thù của các câu chuyện truyền miệng.Thực tế thì họ không cần lo lắng tới vậy, bởi Brentano đã chẳng hề đụng tới đống bản thảo đó và bỏ chúng tại tu viện Ölenberg ở Alsace. Chỉ tới năm 1920, khi bản thảo đó được tìm ra, các nhà khoa học mới có được những ghi chép bằng tay của anh em Grimm để so sánh, đối chiếu sự khác biệt với các bản in được chính Jacob và Wilhelm chỉnh sửa.Chuyện gì đến cũng phải đến. Sau khi những bản thảo kia bị Brentano ngó lơ, anh em Grimm quyết định sẽ tự mình xuất bản một tập sách. Năm 1812, ấn bản đầu tiên của truyện cổ Grimm được mang tên Truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đìnhđược ra đời. Ấn bản đầu tiên của truyện cổ Grimm năm 1812.KHỞI ĐẦU NANCuốn sách được ra mắt với mong muốn những câu chuyện dân gian sẽ tiếp cận được nhiều người hơn. Khía cạnh giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng, anh em Grimm muốn nó trở thành “một cuốn sổ tay giáo dục”, nhưng chính tựa đề của cuốn sách khiến nhiều người nhầm tưởng đối tượng chính là trẻ em. Hai anh em Grimm đã nhận được nhiều phản hồi, phàn nàn về nội dung các câu chuyện cũng như lối tự sự kỳ quặc của một số truyện.Hậu quả là 900 bản in của lần ấn bản đầu tiên đã không bán được trong suốt vài năm.Lúc đầu, Wilhelm và Jacob muốn trình bày những câu chuyện càng gần với truyện kể truyền khẩu càng tốt. Do đó, họ đã xuất bản một số dị bản của cùng một câu chuyện để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng. Tuy nhiên, với phản ứng không tốt của độc giả với ấn bản đầu tiên, hai anh em đã sử dụng một hệ thống chọn lọc và chỉnh sửa truyện mới.Ấn bản thứ hai của họ chứa nhiều câu chuyện hơn từ giới quý tộc và từ đó thiết lập một hình thức truyện cổ tích lý tưởng. Wilhelm sẽ chịu trách nhiệm chính về việc chỉnh sửa các mẩu chuyện sao cho phù hợp với đối tượng trẻ em. Tất cả đều chung một chí hướng: nỗ lực cải biên để các mẩu chuyện trở nên uyển chuyển hơn, kết cấu truyện có đầu cuối rõ ràng, thổi hồn khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn bằng cách thêm các tính từ, ngạn ngữ, đối thoại trực tiếp, bám vào các môtip để cốt truyện mạch lạc hơn, loại bỏ các yếu tố khiến truyện mất đi tính nguyên bản. Minh họa truyện Hansel và Gretel trong cuốn Mein erstes Marchenbuch (Truyện Cổ tích đầu đời) của giáo sư Offterdinger và Leuterman, NXB Wilhelm Effenberger ấn hành. Bản in thứ 9 cuối thế kỷ 20. Ba năm sau, năm 1815, phần hai được tiếp nối với tổng cộng 156 truyện cổ tích. Năm 1819, lần in thứ hai đã được gộp thành một tuyển tập với 170 truyện. Sau năm 1819, có thêm năm lần in tiếp nối với 69 truyện mới được thêm vào và 28 truyện bị bỏ ra.Anh em Grimm cũng học hỏi nhiều từ hai câu chuyện được gửi đến bởi họa sĩ tài danh Philipp Otto Runge. Hai câu chuyện đó được viết bằng thổ ngữ phương Bắc với kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, được anh em Grimm coi như hình mẫu lý tưởng của văn học tự sự. Đó chính là truyện Ông lão đánh cá và bà vợ, cùng một truyện có yếu tố kinh dị là Dưới bóng cây bách xù.Thành công chỉ thực sự đến với anh em Grimm khi họ cho ra mắt Phiên bản nhỏ (Kleine Ausgabe) lần đầu năm 1825, bao gồm 50 truyện chọn lọc hướng tới đối tượng trẻ em, có thêm 7 tranh minh họa của cậu em út Ludwig Emil.Truyện "Những đồng tiền sao" trong cuốn Märchen-Strauß für Kind und Haus (Cổ tích cho trẻ em), minh họa Viktor Mohn, 1882, NXB StilkePhiên bản đầy đủ (Grosse Ausgabe)Bước ngoặt này đã khiến cuốn sách bán rất chạy và được coi là “hoa tiêu dẫn đường” cho ) tiếp cận gần độc giả hơn. Ấn bản này cho thấy sự thành công của phong cách biên tập mà hai anh em đã tiếp thu. Họ đã rời xa những câu chuyện thô tục truyền thống truyền miệng và bắt đầu chọn những câu chuyện dễ hiểu hơn cho trẻ em và chứa đựng các “nguyên tắc văn học”.Bộ sách tiếp tục được cải thiện cho tới bản in lần thứ bảy vào năm 1857, bao gồm 200 truyện cổ tích và 10 huyền thoại cho trẻ em. Đây được coi là bản in cuối cùng dưới sự giám sát của Jacob và Wilhelm, cũng là bản in được sử dụng chính thức sau này.Minh họa truyện "Cô bé quàng khăn đỏ" của Viktor Mohn, 1882, NXB Stilke.THẾ GIỚI LỘNG LẪY CỦA TRANH MINH HỌAThành công vượt bậc của những câu chuyện cổ tích Grimm phải kể đến khả năng kết hợp tài tình giữa văn bản và hình ảnh. Trong khi ấn bản đầu tiên xuất hiện vào năm 1812 và 1815 không có bất kỳ minh họa hay trang trí nào, thì ấn bản thứ hai năm 1819 và 1822 đã được tô điểm bằng hai minh họa của “cậu em họa sĩ” Ludwig Emil Grimm. Câu chuyện được chọn minh họa cho tập một là Anh trai và em gái, còn tập hai là chân dung của người phụ nữ kể chuyện cổ tích Dorothea Viehmann.Sau đó, những ấn bản bên ngoài biên giới nước Đức đã tạo ra nguồn động lực then chốt cho các nhà xuất bản và họa sĩ trong việc đưa minh họa vào các câu chuyện cổ tích: Năm 1820, một bản dịch chọn lọc từ tuyển tập của anh em Grimm với tựa đề Truyện cổ tích cho trẻ em (Sprookjes-Boek voor Kinderen) xuất hiện ở Amsterdam, vào năm 1823 ở London là ấn bản Truyện kể dân gian Đức (German popular stories) dưới nét vẽ tài hoa của bậc thầy George Cruikshank.Minh họa truyện "Công chúa ngủ trong rừng" của Angi Petrescu-Tiparescu (người Rumani), 1958, NXB Jugend, Bucarest.Được khích lệ bởi sự thành công của ấn bản tiếng Anh, năm 1825 Jacob và Wilhelm Grimm đã cho ra mắt một ấn bản với bảy bức tranh minh họa, và người thực hiện không ai khác vẫn là Ludwig Emil Grimm. Minh họa truyện "Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi"Trong những thập niên tiếp theo, nhiều nghệ sĩ ngày càng chuyển hướng quan tâm sang chủ đề truyện cổ tích, bao gồm Eugen Neureuther, Hermann Vogel, Moritz von Schwind, Carl Offterdinger và Philipp Grot Johann, từ đó cho ra đời vô số sách tranh minh họa lớn nhỏ, bao bì quảng cáo, tạp chí dành cho trẻ em với chất lượng in ấn lộng lẫy. Tranh minh họa truyện cổ tích càng nở rộ trong ba thập niên cuối thế kỷ 19, trong đó nổi bật là họa sĩ người Anh Walter Crane, một trong những người tiên phong của phong trào Art Nouveau - Tân nghệ thuật, và kế đến là Arthur Rackham. Ở các nước nói tiếng Đức cũng vậy, nhiều họa sĩ lớn theo trường phái Tân nghệ thuật như Heinrich Lefler, Josef Urban hay Heinrich Vogeler đã đào sâu những góc nhìn mới mẻ cho những câu chuyện của anh em nhà Grimm.■Bìa cuốn truyện cổ tích bằng tranh do họa sĩ Hohneck minh họa với truyện "Hansel và Gretel".SỰ GẶP NHAU CỦA VẦN ĐIỆUKhi bắt tay vào dịch, tôi tôn trọng phong cách ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo của mỗi câu chuyện, kèm theo chú thích để người đọc dễ hiểu hơn. Chính vì những đặc điểm tôn giáo đậm đặc trong các câu chuyện cổ này, tôi mong muốn người đọc hiểu được nhân vật đau khổ kia trong truyện đang cầu xin Chúa trời hay Đức mẹ Maria, thay vì đơn giản như trong các bản dịch cũ là kêu Trời.Tôi nhận thấy nhiều mẩu đối thoại bằng thơ, nhưng có những bài thơ không có vần điệu. Tôi tìm cách chuyển thành thơ lục bát - thể thơ gần gũi với người Việt, dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là một việc tốn thời gian, bởi đôi khi vần điệu ra dễ dàng nhưng có lúc lại rất bí. Tôi lại cất đi và chờ lúc nào đó ý tứ đột nhiên hiện ra trong đầu. Đúng là một trò chơi câu chữ thú vị. Thỉnh thoảng tôi có chút hài lòng và cả bất ngờ, khi những câu lục bát Việt lại có vần điệu y hệt như bản gốc tiếng Đức, chẳng hạn:“Männlein, Männlein, Timpe Te,Buttje, Buttje in der See,Meine Frau, die Ilsebill,Will nicht so, wie ich wohl will”“Tôi đây, lão chài, Tim-pe-te,Hỡi cá thờn bơn, dưới thủy tề,Vợ tôi, bà Il-se-bil,Cứ đòi những điều, tôi chẳng muốn xin”Hay những câu thơ gần với tục ngữ phong dao:“deck dich zu, mein Schwesterlein,daß Regen dich nicht näßt,daß Wind dich nicht bestäubt,daß du fein schön zum König kommst”“Em ơi, che chắn lại đi,để mưa không ướt một li áo quần,để khỏi gió bụi phong trần,thì em lại đẹp bội phần gặp Vua”Những vần thơ lục bát gần gũi ấy, biết đâu sẽ khiến các độc giả nhỏ tuổi thêm yêu tiếng Việt, tôi hi vọng thế. Truyện cổ tích để lại những ấn tượng sâu sắc và lâu dài nhất trong cuộc đời mỗi con người. Thông qua truyện cổ tích, trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên với những bài học giúp phân biệt giữa thiện và ác một cách tình cảm và sâu sắc. Trẻ nhỏ học được rằng mọi hành động đều có hậu quả.Những câu chuyện cổ tích thường đề cao công lý và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong một cộng đồng. Và những câu chuyện ấy cũng thúc đẩy sự sáng tạo, nơi trí tưởng tượng bay xa. Không có gì phù hợp hơn việc mang đến cho con cái chúng ta một khởi đầu tốt cho tương lai bằng những câu chuyện cổ tích, như Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn muốn con trẻ thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho chúng; nếu bạn muốn chúng thông minh hơn nữa, hãy đọc nhiều truyện cổ tích hơn nữa”.(Dịch giả Nhật Vương) MỘT CÂU CHUYỆN CỦA ẤN BẢN TIẾNG VIỆTCùng với Kinh thánh Luther, truyện cổ tích của anh em Grimm là những cuốn sách nổi tiếng nhất, được biết đến rộng rãi nhất về lịch sử, văn hóa Đức trên toàn thế giới. Bộ truyện cổ tích này quan trọng bởi nó là tài liệu khoa học và tóm tắt có hệ thống đầu tiên về toàn bộ truyền thống truyện cổ tích Đức nói riêng và cổ tích châu Âu nói chung. Việc được chuyển ngữ sang hơn 160 ngôn ngữ và phương ngữ văn hóa từ mọi nơi trên thế giới là một minh chứng cho điều này. Thêm vào đó, nhiều truyện cổ tích được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường tiểu học như một bài học giáo dục công dân nhẹ nhàng mà sâu sắc.Trong hồ sơ đệ trình lên ủy ban xét duyệt UNESCO, tiến sĩ Bernhard Lauer nhấn mạnh: “Việc phổ biến quốc tế các câu chuyện cổ tích của Grimm là bằng chứng về tính cách mẫu mực của nó - vốn bắt nguồn từ Chủ nghĩa lãng mạn Đức - đã nắm bắt và tạo dựng nên chất thơ trong trí tưởng tượng của con người dưới hình thức có giá trị toàn cầu. Tính độc đáo và hiệu ứng toàn cầu của bộ sưu tập này bắt nguồn từ việc anh em nhà Grimm đã vượt qua thế giới tham chiếu của Đức và châu Âu trong mã hóa văn học của truyền thống tiền văn học và tạo ra một khuôn mẫu phổ quát về truyền thống truyện cổ tích xuyên quốc gia”.Để kỷ niệm 15 năm bộ sưu tập truyện cổ tích của anh em Grimm được công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”, một ấn bản tiếng Việt đã được Đinh Tị Books phát hành. Ấn bản này sử dụng văn bản gốc trong bản in năm 1857, minh họa của từng truyện được họa sĩ người Đức, Hermann Vogel - người theo trường phái Hậu lãng mạn, thể hiện từ cuối thế kỷ 19. Tài năng và khả năng quan sát của ông đã biến ông thành một trong những họa sĩ lớn theo trường phái lãng mạn. Điều làm nên tên tuổi của Hermann Vogel là những chi tiết tỉ mỉ, hài hước mà người xem khi để ý sẽ đôi lúc phải bật cười bởi những ý đồ dí dỏm mà họa sĩ gửi gắm. Tranh minh họa của Hermann Vogel luôn được nhận ra ngay tức khắc nhờ phong cách độc đáo của ông. Đối với trẻ em, truyện cổ tích là sợi dây liên hệ đầu tiên với văn học, khi lớn lên chúng ta đều nhớ những câu chuyện hồi nhỏ mình từng được nghe kể. Tags: Truyện cổ tíchTruyện cổ GrimmAnh em nhà GrimmMinh họa truyện cổ tíchTầm nguyên cổ tích
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Ông Trump chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.