Độc truyền kỳ

HỒ VIÊN 04/01/2014 06:01 GMT+7

TTCT - Đúng ra tôi phải viết tựa đề là “Đọc truyền kỳ”, nhưng vì muốn gợi lại chút cổ kỳ nên viết vậy, mong các vị biên tập và bạn đọc nhường cho.

Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần

Chuyện kể rằng vua Sở vì muốn độc quyền kiếm báu mà giết người thợ rèn đệ nhất thiên hạ khi người này vừa làm xong và dâng lên thanh kiếm đệ nhất quý. Kiếm này được rèn từ một khối sắt màu xanh trong suốt do thứ phi của vua Sở đẻ ra.

Rõ tính vua, người thợ rèn trước lúc đi nộp kiếm dặn vợ rằng: Tôi đi chuyến này khó về, cặp kiếm này tôi chỉ đưa hắn thanh kiếm cái, thanh kiếm đực giấu ở đó, vài tháng nữa nàng sinh con, ráng nuôi nó cho khéo, nó lớn khôn thì bảo trả thù cho tôi”.

Cậu bé My Gian Xích năm 16 tuổi nghe mẹ kể lại cái chết của cha, quyết trả thù, mặc chiếc áo xanh mẹ đưa, giắt thanh kiếm xanh trong suốt vào người, bước ra khỏi cửa không quay đầu lại tìm đến kinh thành. Nhân lúc vua Sở ra ngoài, My Gian Xích định hành sự nhưng không thành, bị truy nã. Trong rừng, một người áo đen mắt sáng gầy như thanh sắt gặp cậu nói rằng: “Ngươi chưa đủ sức giết hắn đâu, ta có thể giúp. Hãy đưa cái đầu của ngươi và thanh kiếm để ta dụ vua Sở đến gần, cắt đầu của y”.

My Gian Xích cắt đầu mình, hai tay đưa hai món đầu và kiếm, người áo đen nhận rồi nói: “Ta không phụ lòng ngươi đâu”. My Gian Xích nghe xong, thân ngã.

Tung tin biết làm trò lạ, người áo đen được vào triều gặp vua Sở, nói: “Tôi có thể điều khiển đầu lâu ca hát trong vạc nước sôi”. Vạc bày giữa sân chầu, đun sôi ùng ục, người áo đen thả đầu lâu vào, đầu lâu ca hát, vua Sở thích quá đến gần vạc, người áo đen rút kiếm đưa một nhát, đầu vua Sở rơi vào vạc. Hai đầu kình cắn mấy mươi hiệp, đầu My Gian Xích yếu dần. Người áo đen nhíu mày, đưa một nhát cho đầu mình rơi vào vạc. Hai đầu hợp công, đầu vua Sở chịu không nổi, tơi tả rồi xụi lơ.

Khi quần thần tỉnh người vớt ba cái đầu ra thì thịt da nhừ tử hết rồi, trơ ba hộp sọ, không biết sọ nào của vua Sở bèn chôn ba sọ chung một chỗ, gọi là Tam Vương Mộ.

Câu chuyện này lấy bối cảnh trong khoảng thời Chiến quốc (480-222 tr.CN). Đầu tiên được viết khoảng thời Đông Hán (25-220) trong Ngô Việt xuân thu của Triệu Hoa; rồi thời Tam Quốc (220-280) trong sách Liệt dị truyện, tương truyền tác giả là Tào Phi; sau đó được viết kỹ hơn trong Sưu thần ký của Can Bảo, một sử gia cuối thời Tấn (~345).

Nhiều sách khác như Quảng bác vật chí, Thái Bình ngự lãm... sao đi chép lại, tình tiết và tên nhân vật có khác đôi chút, giai đoạn này truyện không có tên, nội dung có khi trộn lẫn với truyền thuyết khác. Thời Minh, Phùng Mộng Long viết lại, bắt đầu đặt tên truyện là My Gian Xích. Năm 1926, Lỗ Tấn viết lại thành truyện ngắn My Gian Xích, cũng có nơi đăng tên truyện là Chú kiếm (Đúc kiếm). Cuối năm 2013, Hồ Viên viết gọn lại như trên.

My Gian Xích có nghĩa là “khoảng cách chân mày rộng 1 thước”, cho dù thước thời Chiến Quốc chỉ hơn 20cm, thì khuôn mặt thằng bé này cũng cực quái. Trong các sách nói trên, có nơi viết chữ Xích mang nghĩa màu đỏ, “giữa chân mày có màu đỏ” thì sự quái giảm nhiều; có sách viết tên thằng bé là Xích Tị (mũi đỏ), sự quái lại càng thấp. Nhưng Phùng Mộng Long và cả Lỗ Tấn đều quyết dùng chữ Xích là thước.

My Gian Xích là truyện chí kỳ chí quái trong truyền kỳ Trung Hoa, tình tiết ly kỳ, nội dung kinh dị với đủ cỡ đủ kiểu các hành động dã man tàn độc. Phim kinh dị ngày nay chưa chắc đã hơn được.

Nếu không vì tư tưởng độc chiếm thiên hạ thì khó kiếm lý do khiến vua Sở quyết độc chiếm món vũ khí siêu cấp, đến độ phải tận diệt người chế tạo vì e ngại đụng hàng. Người thợ đúc kiếm khi bắt đầu công việc đã biết số phận, có thể anh ta mang phẩm chất khát khao chinh phục tay nghề và với ý niệm mãi mãi là thương hiệu số 1. Việc đem cuộc đời con mình từ lúc chưa được sinh ra hướng vào mục tiêu báo thù của anh chồng có lẽ không tàn nhẫn bằng bà mẹ để đứa con 16 tuổi cắp kiếm đi vào rừng đao tìm giết kẻ thù.

Vua Sở - kẻ mang tư tưởng độc chiếm ngông cuồng - đã rơi đầu vì tinh thể của chính khối sắt màu xanh trong suốt mà vợ ông ta đẻ ra, đầu lâu ông ta tắt lịm vì những vết cắn của những cuộc đời nối dài của người chế tạo vũ khí cho y.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận