TTCT - Chị viết thư nghèn nghẹn: “Chị ở xa lắc lơ, mờ mờ ảo ảo không biết mình là ai, quê hương mình là đâu? Chị nhớ tết quê đến trập trùng nước mắt, nhất là mùi khói bếp vào những ngày cận tết.

Có khi nào em gởi chút tết Việt Nam sang Boston cho chị không?”.

Phóng to
Ảnh: Salem

Tôi, cũng là đứa con xa nhà dù không nghìn trùng như chị, biết làm sao gởi cho chị mùi khói tết từ góc bếp quê nhà?

Những góc bếp ấy có những mùi khói khác nhau, mỗi một mùa khói lại có một mùi riêng biệt. Từ bần hàn đến giàu sang, từ ấm áp đến lạnh lẽo... tất cả đều riêng rẽ. Mùi của khói bếp chờn vờn ấp ui những ngày đông tháng giá hay những ngày hè bỏng nắng... Nhưng chúng tôi nhớ nhất mùi khói tết từ góc bếp nhỏ nhoi của bà, căn bếp làm từ bùn trộn rơm trét vách mà số tuổi gấp ba lần tuổi mình, khi bà lấy chồng ra ở riêng và có gian bếp ấy!

Mùi khói ấy nồng như mồ hôi những ngày tháng bảy, quyện cái rét run cầm cập của tháng chạp, quanh năm cay mùi dân dã, mùi từ rơm rạ quê nhà.

Gần tết, làng chúng tôi thơm lắm. Hương làng ngai ngái mùi rơm ướt, thoang thoảng hương lúa chín, dìu dịu hương hoa xoan nở sớm, ngòn ngọt hương của mía thắng đường, say lâng lâng hương rượu nếp, hương ấm áp của hơi thở ngày tháng chạp nghiệt ngã cái rét cắt da cắt thịt. Cuối năm đụn rơm cạn. Bà nấu cơm bằng lá vườn. Những ngày tháng này khói thơm lắm, chị em tôi gọi là khói đón tết.

Khói lá xà cừ, lá mít hăng hắc, lá bưởi lá chanh thơm cay cay, lá tre bén ngọt mùi đất, lá hồng vừa cháy vừa reo vui... Nồi cơm nấu thơm mùi lá, đi học về sà vào mâm cơm vừa ăn vừa đoán xem hôm nay bà nấu cơm bằng lá gì?

Cuối năm bà giục cậu lấy cuốc chim bổ gộc tre để dành nấu bánh chưng ăn tết. Gộc tre nấu đượm, bánh chưng rền lâu. Khói gộc tre có mùi của tết. Mùi bùi bùi của đậu xanh, beo béo của thịt ba chỉ, mùi thơm của nếp cái hoa vàng được gói trong lá dong xanh. Khói tết thơm mùi bánh mứt. Năm nào bà cũng làm kẹo lạc, đổ chè lam, bánh gạo, bánh bỏng...

Khói tết còn là khói của hương trầm cuối tháng chạp đầu tháng giêng từ bàn thờ tổ tiên trong nhà, từ đường đến các đền chùa. Khói thơm đến từng chiếc lá tre của lũy tre bao bọc quanh cái làng Dục Quang nhỏ bé. Khói tết lạ lắm, nao nao mùi của năm tháng, xôn xao niềm vui trẻ nhỏ và trĩu nặng nỗi lo của người lớn, thơm lâng lâng mùi ký ức giục bước người đi xa trở về...

Những ngày cuối năm của 20 năm sau, chúng tôi đã trở thành những người mẹ ở những nơi xa thăm thẳm, đường về quê mờ lối... Lâu rồi chúng tôi sắm tết ở siêu thị, nấu nướng bằng bếp gas, lò vi sóng, bếp điện từ... Bếp nhà tôi nằm liền ngay trong ngôi nhà khang trang, tuyệt nhiên không có khói, nếu có chút bụi đã có máy hút khói bụi ẩn đi mất. Lẩn thẩn tôi nhớ góc bếp của bà, góc bếp ấy tối lắm, chỉ sáng lên khi nổi lửa...

Tết không khói tung lên trời, lạnh lẽo... Những đứa con xa nhà nhớ khói tết ở quê... Khói rơm rạ, lá khô, gộc tre... đâu chỉ cay mà có mùi của tháng năm...

Đầu hẻm

6g30 có hẹn với nha sĩ. Hai mẹ con ra đầu hẻm gọi taxi. Đầu hẻm buổi chạng vạng vắng người, nhưng những căn nhà thì sáng đèn và rôm rả tiếng cười những gia đình quây quần buổi tối.

Gần 8 giờ tối trở về, bất ngờ thấy một “quầy hàng” xuất hiện ngay đầu hẻm. Đúng ra là một “mẹt hàng”: trên một tấm nilông là chừng mươi bộ quần áo thun trẻ con. Một cây móc treo thêm vài bộ khác để “làm hàng”, kèm theo hàng chữ nguệch ngoạc: Đồ thun trẻ em 30.000 đồng/bộ. Bán hàng là một người mẹ trẻ, trẻ lắm, tuổi có lẽ mới ngoài 20, trạc tuổi con gái tôi (đứa con gái mà khi tới nha sĩ mẹ vẫn thấy cần phải đi cùng). Cô ôm trong lòng một đứa bé cũng còn bé lắm, chắc chắn chưa được một tuổi.

Buổi tối cuối năm trời se lạnh. Cô kéo khăn che cho con. Khi chiếc taxi quẹo vào hẻm, chỉ kịp nhìn thấy một gương mặt buồn trong tranh tối tranh sáng của đèn đường. Không có người khách nào dừng chân.

Đọng lại trong tôi không hiểu sao là lưng áo sơmi trắng của cô, kiểu áo trắng học trò...

THI TẦN

NTTCT cảm ơn các bạn: Đặng Thành Nhân, Tranphu, Thanh Hiền, Hồ Sĩ Bình, Hoàng Ny, Hoàng Thị Giang,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận