TTCT - Ở VN chưa có sự tách bạch rõ ràng nên địa phương vẫn tranh thủ vốn của trung ương để xây dựng. Đó là một sự nhập nhèm trong chính sách. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hay tỉnh nào đó muốn xây dựng sân bay cũng tốt, nhưng tính được hiệu quả đầu tư thì hãy làm.

Phóng to
Sân bay Phú Bài (Huế) - dự án liên doanh đầu tiên với nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không - liệu có thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi?

Nhập nhèm chính sách

Trong giao thông có khái niệm giá trị hàng hóa và giá trị hành khách đỗ, đọng trên đường. Theo đó, một giờ hành khách nếu không đi trên phương tiện giao thông thì họ làm gì để ra bao nhiêu tiền, một tấn hàng hóa chuyển vào tham gia lưu thông thì tạo ra được bao nhiêu tiền? Ở nước ta, giá trị đỗ, đọng trên đường rất thấp, so với nhiều nước phát triển là không đáng kể.

Theo tôi, phần lớn người dân từ Hà Nội vào Vinh chỉ mong đi mất ba giờ là tốt rồi vì thời gian nhanh hay chậm cũng không sản sinh ra tiền cho họ nhiều. Thứ hai, phần lớn hành khách ở nước ta đều có thu nhập thấp nên không có khả năng sử dụng phương tiện có giá cao. Mặc dù nói nhu cầu đi lại của VN lớn vì dân số đông nhưng do người dân có khả năng chi trả ít nên việc sử dụng những phương tiện tốc độ không cao lắm, giá thành rẻ vẫn được lựa chọn nhiều hơn.

Vì vậy, các địa phương muốn làm sân bay thì đầu tiên phải tính một năm có bao nhiêu hành khách đi, cần bao nhiêu chuyến bay để từ đó tính đầu tư sân bay có hiệu quả hay không. Nhu cầu đi máy bay thực tế ở các tỉnh đều có, nhu cầu khách từ tỉnh này đi các tỉnh khác cũng rất nhiều nhưng tiền để đi thì không nhiều và cần đi với thời gian nhanh cũng không nhiều. Vì vậy phát triển hàng không, xây dựng sân bay nhiều ở VN bây giờ là chưa hợp lý.

Không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu và khả năng để làm những sản phẩm giá cao không hợp túi tiền của người có nhu cầu thật nhưng không đủ tiền chi trả. Chúng ta nói tới đầu tư sân bay, tàu hỏa cao tốc nhưng vấn đề là phục vụ ai. Chúng ta cần tính phục vụ người nghèo, phục vụ số đông. Nếu chỉ phục vụ một số ít với giá không phù hợp với số đông thì về quan điểm đối tượng phục vụ là sai.

Lỗ thì nên xóa sổ

Trong đầu tư xây dựng sân bay, chúng ta cần kiên trì quan điểm có hiệu quả thì làm, không hiệu quả thì thôi. Muốn xây dựng sân bay phải lập dự án đầu tư và xét duyệt dự án đó cẩn trọng, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế một số sân bay không có hiệu quả nhưng vẫn hoạt động vì có lẽ các địa phương đó cam kết bù lỗ cho cảng hàng không trên địa bàn của họ.

Mong muốn có sân bay thì địa phương nào cũng có và nghe qua đều hợp lý, nhưng phải đo được tính khả thi dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Phải tránh bằng được những động cơ kiểu như tranh thủ vốn đầu tư công để xà xẻo... Tất cả quy hoạch, đo lường tính khả thi của dự án phải công khai và minh bạch từng chi tiết.

Chủ trương bây giờ là phát triển sân bay thành cụm, chấp nhận sân bay có lãi bù lỗ cho các sân bay làm ăn yếu kém. Nhưng tại sao phải để “thằng” lãi gánh “thằng”lỗ? Nếu lỗ thì xóa đi để anh nào làm hiệu quả thì càng có lãi có phải tốt hơn không?

Nói duy trì các sân bay địa phương cũng để phục vụ an ninh quốc phòng về mặt làm kinh tế là ngụy biện. Bởi sân bay quân sự quốc phòng và dân sự vẫn có nhiều nơi tách rời nhau hoàn toàn. Nhiều tỉnh không có sân bay dân dụng nhưng vẫn có sân bay quân sự để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay để triển khai trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên quy hoạch chỉ mới là định hướng, còn thực hiện phải có chủ trương hợp với thực tế. Quy hoạch phải có nhưng khi nào đầu tư thì phải tính toán hiệu quả kinh tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận