“Nghệ thuật ngày nay chỉ để bán mua”

DUY VĂN (TRÍCH DỊCH) 17/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT- Nghệ sĩ nhân dân Nga Vasili Livanov (sinh năm 1935) là diễn viên điện ảnh, tác giả kịch bản, nhà văn và đạo diễn. Ông đã đóng hơn 50 phim, lồng tiếng cho 300 nhân vật hoạt hình. Năm 2006, Nữ hoàng Elizabeth II đã tặng Huân chương Vương quốc Anh cho ông - một trong những nghệ sĩ “thể hiện tin cậy nhất” hình ảnh thám tử tài ba Sherlock Holmes trên màn ảnh. Tờ Luận Chứng và Sự Kiện trở lại với nhân vật thám tử này với góc nhìn từ thời đại của nhân vật và thời đại của diễn viên.

Vasili Livanov trong lễ khánh thành tượng Sherlock Holmes và bác sĩ Watson năm 2007 tại Matxcơva. Vasili Livanov đùa rằng ai ngồi giữa hai người, đặt tay lên quyển sách của bác sĩ Watson sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, còn nếu chạm tay vào ống pip của thám tử Sherlock Holmes thì sẽ rơi vào một chuyện hình sự! (tượng của nhà điêu khắc Andrei Orlov)-sputnik-georgia.com
Vasili Livanov trong lễ khánh thành tượng Sherlock Holmes và bác sĩ Watson năm 2007 tại Matxcơva. Vasili Livanov đùa rằng ai ngồi giữa hai người, đặt tay lên quyển sách của bác sĩ Watson sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, còn nếu chạm tay vào ống pip của thám tử Sherlock Holmes thì sẽ rơi vào một chuyện hình sự! (tượng của nhà điêu khắc Andrei Orlov)-sputnik-georgia.com

 SỐNG CÙNG CUỘC SỐNG

Thời đại nào gần với ông hơn: thời của Sherlock Holmes hay thời hiện đại?

- Có lẽ dẫu sao cũng là thời tôi đang sống. Thời kia tôi không vợ, không con, không bạn bè. Chẳng có gì để bắt.

Còn trật tự và ổn định? Công dân Vương quốc Anh thế kỷ 19 tin tưởng vững chắc vào ngày mai, cũng như cách đây không lâu chúng ta đã từng như vậy...

- Vâng, điều đó đã rời khỏi nước Nga. Lạy Chúa, sao cho không phải là ra đi không trở lại. Và ở Anh cũng vậy, sự ổn định nổi tiếng của nó đã kết thúc. Scotland đang đòi tách khỏi Anh. Tôi thích người Nga đầu và giữa thế kỷ 19.

Cuộc chiến với Napoleon, Pushkin thời trẻ, Denis Davydov, danh dự sĩ quan, lòng yêu nước vô điều kiện và sự tận tụy phục vụ tổ quốc... Mỗi người đàn ông đều coi đó là nghĩa vụ cao quý nhất của mình.

Ông có cảm thấy hoài niệm quá khứ không?

- Tôi hoài nhớ những người bạn đã ra đi. Họ không còn nữa, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, họ luôn bên cạnh. Như Vitalka Solomin mà chúng tôi từng rất thân thiết. Sherlock Holmes và Watson của chúng ta chân thực đến vậy là vì ngoài đời thực, chúng tôi là những người bạn thật sự. Cả hai đều là dân chuyên nghiệp, và chúng tôi biết trên màn bạc người ta có thể diễn tình yêu nhưng không thể diễn tình bạn.

Màn bạc là một bí ẩn. Anh nhìn và thấy trên tấm vải chuyện gì đó diễn ra, còn trong thế giới tinh tế điều đó đọng lại và đi đến với khán giả. Shakespeare nói tình bạn cao hơn tình yêu. Tôi thường nghĩ tại sao nhà kinh điển ấy lại viết như thế?

Và cuối cùng tôi đã đoán ra: tình yêu có thể đơn phương, nhưng không thể có tình bạn nếu không tương can. Đó là phát hiện của riêng tôi về ý nghĩa lời Shakespeare. Tình bạn là niềm tin mà ta không thể dối lừa, phản bội.

THƯỚC NGẮM ĐẠO ĐỨC CỦA XÃ HỘI ĐÃ HỎNG

Có lần ông bảo rằng nền văn hóa hiện nay đang “xun xoe trước kẻ lỗ mãng”?

- Chính xác là trước đồng tiền. Nếu xã hội bị điều khiển bởi đồng tiền, chứ không phải bởi lương tâm và đạo đức, thì người ta chỉ cần duy nhất một thứ nghệ thuật: (nghệ thuật) “dành cho đám đông”.

Người dẫn chương trình Maksim Galkin có tài, nhưng không là gì hơn một người dẫn chương trình. Thế nhưng ông ta kiếm được bạc triệu và giàu một cách khó tin so với các nghệ sĩ thật sự. Tại sao? Vì ông ta cho công chúng giải trí rặt “Ha-ha-ha”, mà công chúng, ngạc nhiên thay, chẳng đòi hỏi gì thêm...

Thước ngắm đạo đức của xã hội đã bị phá hỏng. Nhưng nhân dân cần được kéo dậy, trao cho họ những định hướng mới. Không phải vô cớ mà Nữ hoàng Elizabeth sáng lập Viện hàn lâm Khoa học, còn Ekaterina II thành lập Viện hàn lâm Nghệ thuật. Họ lập nên những tiền đồn khoa học và nghệ thuật, chứ không phải dựa vào “móng đỏ”.

Tiền lúc nào cũng có giá...

- Nhưng chưa bao giờ nó có thể thay thế đạo đức Nga. Chẳng lẽ điều đó không phi tự nhiên sao? Hãy nhớ lại các thương gia trước đây xem. Trechyakov lập phòng trưng bày nghệ thuật, Momontov ủng hộ Repin, Vasnetsov, Vrubel, Shaliapin. Morozov tặng tiền cho Nhà hát nghệ thuật Moskva.

Họ làm những điều đó để làm gì? Cho mình à? Để PR à? Để cho các ông vua? Không, cho nhân dân. Còn có ai trong số các nhà tài phiệt của chúng ta xây nhà hát quốc gia hay phòng tranh? Abramovich? Fridman? Hay, có thể, Prokhorov? Không, ông ta chỉ lấy thôi. Lúc đầu ông ta lấy tiền, sau đó muốn lấy luôn chính quyền.

Và cho cái gì?... Cần phải đánh bật lòng từ thiện từ những người này. Vì y tế miễn phí, giáo dục không phải là mối quan tâm của họ. Họ chỉ quan tâm tới tiền. Mặc dù hàng ngàn năm qua người ta đã biết người giàu chưa chắc đã hạnh phúc, nhiều khả năng là bất hạnh. Anh ta lo sợ cho sự giàu có của mình, bởi anh ta đâu có mang nó theo được xuống mồ...

Sách Phúc âm có viết: “Đừng tìm kho tàng trên mặt đất, chúng ở trên trời”. Ngạn ngữ Nga cũng có câu: “Quan tài không có túi”.

Một cảnh trong Sherlock Holmes năm 1980-Aif
Một cảnh trong Sherlock Holmes năm 1980-Aif

 Trong tập truyện vừa giai đoạn sáng tác đầu của ông Chú hề yêu thích của tôi, có câu thơ: “Cha tôi là viện sĩ/Người sống bằng ngòi bút/Chúng tôi chỉ muốn tiền/Và chẳng cần gì sất”. Ông viết năm 1979 mà tưởng như là hôm nay...

- Ngày nay nghệ thuật nói chung là để bán mua. Chẳng hạn, trong sáng tác của rất nhiều đạo diễn điện ảnh chúng ta là những gì đáp ứng hình dung của phương Tây về nước Nga. Kiểu như ừ chúng tôi là những kẻ man rợ, đáng sợ...

Trong bộ phim làm rất chuyên nghiệp của Andrei Zvyagintsev - Elena, bà mẹ của gia đình là kẻ giết người. Bà ta giết người vì tiền, đơn giản, thường ngày, và cuộc sống xung quanh bà ta cứ thế trôi qua như nó phải như thế, và mọi chuyện đều tốt đẹp.

Kiểu như các bạn đúng đấy, các đồng chí phương Tây. Chúng tôi là thú dữ. Chúng ta bán cho họ hình ảnh chúng ta. Và họ hài lòng mua. Và bảo, đấy là nước Nga. Bộ phim gần đây của đạo diễn Andrei Smirnov Ngày xưa có một cụ bà cũng là quốc ca về “bạo lực Nga”.

Nhưng trên thực tế chúng ta không phải như thế sao?

- Nếu mà như thế thì chúng ta đã không sống qua tất cả những cuộc chiến tranh và những khổ đau rơi xuống số phận dân tộc chúng ta. Chiến thắng Napoleon, chúng ta đã có thể cướp phá và hủy diệt châu Âu. Năm 1815, chúng ta đã tới tận Paris.

Và sao? Chúng ta có đốt Bảo tàng Louvre, có phá hủy cung điện Versailles? Nếu chúng ta là hung thú, năm 1945 sau Hitler chúng ta đã không để một người lính Đức nào sống sót. Chúng ta đã trả thù tới tận cùng.

Và đã không có gì thay đổi?

- Và bây giờ cũng là chính như thế. Nó sống trong tâm hồn dân tộc. Chúng ta có nỗi xót thương đối với người chiến bại. Chúng ta đáng sợ trong trận chiến, nhưng khi đã chiến thắng, chúng ta nhớ tới từ tâm.

Ở Afghanistan hiện nay người ta đối với chúng ta thế nào? Chúng ta đã kiến thiết tất cả những gì có thể và họ không có ác cảm với chúng ta. Họ gọi “Shuravi” (Người Nga) với sự tôn trọng. Và ở Chechnya cũng vậy. Tướng Grachyev đã có thể san bằng cả Groznyi, nhưng ông không được phép làm điều đó. Bởi chúng ta là con người.

Nhưng vẫn luôn có vài con thú dữ riêng biệt. Một du kích Nga, sĩ quan quân đội Kutuzov, Ivan Dorokhov đã bắn hàng trăm binh lính Pháp chỉ vì không có chỗ nào giam giữ họ. Nhưng chỉ có một mình ông ta như thế.

Có ý kiến cho rằng “lửa đã cháy tàn”: khi nào đó trong nền văn hóa chúng ta tất cả cháy lên rực rỡ, ánh sáng đi từ chiều sâu của mình và soi sáng cả đất nước. Và bây giờ thì, người ta bảo, lòng người ly tán, củi đã cháy hết rồi, chỉ còn lại tàn than...

- Những người nói thế là những người không tin vào nhân dân của mình. Có thể trong lòng ai đó “lửa đã tàn rồi” - một người có thể mới 30 nhưng đã là ông già. Có nghĩa chính ông ta như thế, sợ cuộc sống. Và lấy mình đo cả đất nước...

Có lần ông đã nói dân tộc Nga là Don Quixote, muốn thay đổi thế giới theo quan điểm của mình.

- Don Quixote là hiện thân của sự kiêu hãnh. Cả thế giới phải theo tiếng sáo của ông ta: phải thừa nhận Dulcinea là người phụ nữ đẹp nhất, không thì ta sẽ giết các ngươi.

Hệ tư tưởng cũng là thế đó - các người phải cầm cuốc xẻng và chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng, không thì ta sẽ truy đuổi đến cùng trời cuối đất. Sẽ lưu đày, sẽ xử bắn... Bạn có nhớ cái cảnh hay nhất của Cervantes, khi Don Quixote thuyết phục Sancho Panza rằng cái cối xay gió là con quái vật.

Hãy nghĩ đi, ai là quái vật? Cái cối xay, để nghiền bột làm bánh mì nuôi sống con người? Các nhà khai sáng Pháp đã bóp méo tiểu thuyết khi tuyên bố rằng Don Quixote là người bảo vệ những kẻ vô gia cư, còn Sancho Panza là tiếng nói của nhân dân. Nhưng Sancho chỉ ước đúng một điều: được làm chúa đảo. Anh ta chẳng quan tâm ông chủ mình truyền bá tư tưởng gì.

Và người đầu tiên hiểu đó là điều vô nghĩa cũng là Sancho, đã bỏ trốn sau khi giành được một chức chúa đảo. Còn Don Quixote chỉ được chữa khỏi bệnh điên cuồng của mình trước khi chết.

Tại sao sau 400 năm hình tượng này vẫn sống? Bởi vì lòng kiêu hãnh có trong mỗi con người!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận