Những vận động viên “bất quy tắc”

HUY ĐĂNG 28/02/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Thế nào là thân hình lý tưởng với một VĐV chạy điền kinh? Cao, dong dỏng và nhẹ cân - nhiều HLV tuyển chọn các VĐV tiềm năng dựa vào các đặc điểm ngoại hình như vậy…

Nhưng Marilyn Okoro - người từng 2 lần giành HCĐ đường chạy 800m thế giới - là một ngoại lệ. Cô chỉ cao 1m66, và nặng đến hơn 60kg!

Sa sút phong độ sau khi giảm cân

“Họ luôn nói rằng tôi quá thấp và nặng cân để trở thành một VĐV chạy 800m” - Okoro nói. Năm nay 36 tuổi, nữ VĐV người Anh vẫn nuôi hi vọng đến Olympic Tokyo (dời sang năm nay 2021) để một lần cuối cùng trong đời chứng minh rằng vẫn có những ngoại lệ trong thể thao đỉnh cao. 

Marilyn Okoro.-Ảnh: Getty Images

Suốt hàng chục năm, Okoro nếu không phải thấp nhất thì cũng là người nặng nhất trong số những chân chạy ưu tú tham gia đường chạy 800m.

800m là một cự ly trung bình, đòi hỏi cả tốc độ lẫn sự dẻo dai. Theo tất cả các phân tích, thân hình cao gầy cùng đôi chân thon gọn được xem là yếu tố hình thể lý tưởng cho nội dung này. 

Pamela Jelimo - người đánh bại Okoro để giành HCV nội dung 800m nữ ở Giải vô địch thế giới 2008 - cao đến 1m70 và chỉ nặng 55kg. 

Chỉ số BMI (cân nặng, đơn vị kg, chia cho bình phương chiều cao, đơn vị m) của Jelimo vì vậy chỉ là 19. Janeth Jepkosgei, người giành HCB, cao 1m58 và nặng 48kg - chỉ số BMI 19,2. Còn BMI của Okoro là 21,8, vượt xa mức lý tưởng 19-20 của các VĐV điền kinh.

“Có thể xương của cô quá nặng”, Charles van Commenee, HLV người Hà Lan của tuyển điền kinh Anh nhiều năm trước từng nói với Okoro. 

Van Commenee không phải mẫu HLV quá bảo thủ, dựa theo những kinh nghiệm truyền thống để đánh giá các VĐV. “Sẽ rất thiếu chuyên nghiệp nếu chúng ta chỉ nhìn bên ngoài rồi đưa ra một nhận định nào đó”, Van Commenee nói, nhưng ông cũng cho rằng việc quá nặng hay quá ốm trong điền kinh đều có thể dễ gây chấn thương.

Rồi Van Commenee yêu cầu Okoro giảm cân. Cô gái gốc Nigeria không cãi lời. Cô từng làm việc với chuyên gia dinh dưỡng một thời gian dài và suy sụp vì chế độ ăn ít tinh bột. 

“Họ giảm lượng tinh bột của tôi xuống mức thấp nhất. Cơ thể tôi không còn năng lượng”, Okoro nói. Giữa cô và HLV Van Commenee xảy ra nhiều xung đột, đến mức phong độ của cô sụt giảm nghiêm trọng sau Olympic 2012. Trước đó, Commenee là một trong những VĐV xuất sắc nhất thế giới ở nội dung 800m và tiếp sức 4x400m. 

Nhưng kể từ khi cố gắng giảm cân theo lời khuyên của giới chuyên môn, cô mất luôn suất tài trợ ở đội tuyển điền kinh Anh và sự nghiệp hoàn toàn xuống dốc.

8 năm sau trường hợp gây tranh cãi của Okoro, chương trình đào tạo của Liên đoàn Điền kinh Anh thừa nhận trong một thông báo: “Chúng ta cần phải thực tế, điền kinh là một môn thể thao phức tạp. 

Không thể áp dụng một con số nào đó cho tất cả các trường hợp”. Sự thay đổi quan niệm đó không dễ dàng, và người trả giá ít nhiều chính là Okoro. 

Cô đã luôn muốn chứng tỏ rằng sự cứng nhắc và đơn giản thái quá trong đánh giá của các HLV bảo thủ là sai. Rất nhiều người họ cho rằng điền kinh chỉ là một môn thể thao của những chỉ số mà trong đó có một thứ khuôn vàng thước ngọc để đóng khung các VĐV muốn thành công.

Được cái này, mất cái kia

Simon Brundish, một nhà khoa học thể thao nổi tiếng ở UK Strength Lab, nói: “Thật sự có những lợi thế về mặt di truyền để trở thành một VĐV tài năng. Van Commenee không sai khi cho rằng Okoro vượt qua ngưỡng giới hạn, vấn đề là con số của ngưỡng giới hạn đã sai. 

Những chỉ số như BMI chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng. Vào những năm thập niên 1970, không có HLV nào tìm kiếm các tay vợt nữ với thể hình thấp đậm và đầy cơ bắp. Nhưng rồi Serena [Williams] xuất hiện và phá tan mọi quan niệm truyền thống”.

Sức vóc và thể hình vượt trội làm nên sự khác biệt cho Serena Williams. Ảnh: quartz

Nếu ở một môn thể thao đơn thuần dựa trên tốc độ như điền kinh, những rào cản truyền thống đã bị phá bỏ, các môn thể thao đối kháng như quần vợt, bóng đá, võ thuật... càng phải linh hoạt hơn. Đó là điều dễ hiểu bởi các môn thể thao đối kháng đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, và mỗi đặc điểm hình thể đều mang đến những lợi thế khác nhau.

Nếu thể hình thon gọn thường mang đến ưu thế về tốc độ, cơ bắp lại là biểu tượng của sức mạnh. Serena đã chứng minh cho thế giới quần vợt thấy sức mạnh quan trọng đến thế nào ở môn banh nỉ. 

“Cô ấy đã cho chúng ta thấy sức mạnh quan trọng ra sao trong thể thao. Cái giá phải trả của sức mạnh là cơ bắp, và cơ bắp tạo ra khối lượng. Tốc độ và sức mạnh rõ ràng rất khó song hành, trong môn điền kinh cũng vậy. Suốt nhiều thập niên, giới khoa học thể thao đã biết điều đó. Nhưng điều chúng ta sau này mới biết là vai trò của sức mạnh trong những môn thể thao tốc độ. Khi cuộc đua đi đến 200m cuối cùng, nó đòi hỏi cả sức mạnh nữa”, Brundish nói.

Trong bóng đá cũng có một số trường hợp kỳ lạ như Okoro ở điền kinh, khi những cầu thủ cao to lại đi theo phong cách giàu kỹ thuật. Điển hình như Zlatan Ibrahimovic. Ngôi sao người Thụy Điển cao 1m95, nặng 95kg nhưng lại rất khéo léo và tinh tế, thay vì trở thành mẫu trung phong chuyên tì đè và đánh đầu. 

Ibrahimovic học taekwondo từ nhỏ và thuộc hàng cao thủ môn võ này. Kỹ năng võ thuật giúp anh giữ thăng bằng cực tốt, cũng như sở hữu đôi chân khéo léo thay vì chỉ biết tận dụng lợi thế hình thể cao to.

“Tôi trông khác với hầu hết các VĐV chạy 800m trên thế giới. Các HLV chưa bao giờ thực sự hiểu được lợi thế của điều đó. Tôi đã bị buộc phải tập luyện theo cách không phù hợp với những điểm mạnh của bản thân mình. Rất khó để chứng minh bản thân là một trong những VĐV chạy 800m giỏi nhất thế giới”, Okoro nói.

Thêm vào đó, những quan điểm về hình thể, sắc đẹp còn dẫn đến nạn “miệt thị ngoại hình” (body shaming) trong thể thao. Những người có vóc dáng quá khổ, quá lùn hoặc quá mập chơi thể thao sẽ bị châm chọc rất nhiều. 

Họ phải giảm cân hoặc phải từ bỏ. Có rất ít VĐV dám đấu tranh như Okoro, để chứng minh rằng “tôi mập nhưng tôi vẫn thi đấu tốt”.■

Những VĐV thừa cân nổi tiếng

Có không ít VĐV nổi tiếng do là người thừa cân hoặc sở hữu thể hình ngoại cỡ. Đa phần họ thi đấu các môn đối kháng như bóng đá, bóng bầu dục, võ thuật… 

Đó là điều dễ hiểu bởi sức mạnh, khả năng trụ vững nhờ trọng tâm thấp cũng tạo nên lợi thế đáng kể trong các môn thể thao này. 

Nổi tiếng nhất là Diego Maradona. Huyền thoại bóng đá người Argentina chỉ cao 1m65, nhưng nặng đến 65-70kg trong phần lớn thời gian sự nghiệp. Chỉ số BMI của ông vào khoảng 23,8 - 25,7, với một người bình thường thì vẫn bị xem là đã ở mức thừa cân.

Diego Maradona là một ngoại lệ nổi tiếng về thể hình trong thể thao đỉnh cao. Ảnh: Britannica

Những môn thể thao đòi hỏi tốc độ như bơi lội, điền kinh tuy hiếm hơn nhưng cũng có một số ngoại lệ. Leisel Jones, nữ kình ngư người Úc từng đoạt 3 HCV Olympic, duy trì mức cân nặng 68-70kg trong suốt sự nghiệp. 

Cô cao 1m77, chỉ số BMI của Jones ở mức 21,7 - 22,3, tức luôn ở mức báo động so với mức lý tưởng 20 - 22 của VĐV bơi lội nữ.

Robel Habte, VĐV bơi nổi tiếng nhất lịch sử Ethiopia, chỉ cao 1m76 nhưng nặng đến 81kg, có BMI lên đến 26,1 (mức thừa cân với người bình thường). Anh bị truyền thông thế giới đặt cho biệt danh “cá voi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận