Phim tư liệu: đâu chỉ là lịch sử và chiến tranh

HỮU ĐĂNG 18/03/2013 21:03 GMT+7

TTCT - Kỷ niệm 60 năm Ngày điện ảnh Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2013), ngành điện ảnh đang có những cuộc tổng duyệt các hoạt động liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của phim ảnh nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua.

TTCT giới thiệu góc nhìn của một người trong cuộc về một loại phim quan trọng nhưng ít được nhắc tới: phim tư liệu.

Phóng to
Phim lưu trữ Con chim vành khuyên

Khi nói đến phim tư liệu, phần lớn chúng ta thường hình dung đó là phim cũ, phim lưu kho, mà đã là phim lưu kho thì rất nhiều người xem như vòng đời của nó đã hết. Ít ai nhận ra tầm quan trọng của những thước phim ghi lại những sự kiện, con người, bối cảnh xã hội qua thời gian, cực kỳ cần thiết không chỉ với người làm phim mà còn với các nhà nghiên cứu.

Để có những tư liệu quý

Có nhiều chuyện liên quan đến phim tư liệu hơn là ta tưởng, ví dụ như chương trình phim Sài Gòn xưa và nay được VTV9 phát sóng hồi đầu năm 2012 đã giúp không ít cư dân TP.HCM à ồ với hình ảnh các con phố Nguyễn Huệ - Lê Lợi xưa hay khu vực Chợ Lớn cũ! Kỷ niệm 45 năm cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, công chúng của màn ảnh nhỏ được nhìn lại một sự kiện lịch sử lớn lao qua những thước phim chiến sự khói lửa.

Cơ quan lưu trữ phim cấp quốc gia của ta hiện nay có tên là Viện Phim Việt Nam đặt tại Hà Nội, nơi đang lưu trữ gần 40.000 cuốn phim nhựa và gần 40.000 các định dạng phim khác nhau (băng đĩa) để phục vụ nghiên cứu và phổ biến. Đây là bản kỹ thuật gốc và được ưu tiên hàng đầu trong việc lưu trữ.

Mỗi năm số lượng phim này ngày càng lớn và viện đã có kế hoạch số hóa phim và các dữ liệu kèm theo phim (lý lịch phim, tình trạng kỹ thuật, điều kiện tiếp cận...) để có thể cung cấp thông tin và tiến tới việc khai thác thương mại khi có điều kiện. Tuy nhiên, trong xu thế thông tin ngày nay, đã đến lúc chúng ta cần “đánh thức” nguồn phim tư liệu để công chúng hiểu thêm về di sản nghe nhìn của đất nước.

Đó là những hình ảnh đầy tính chân thật với những cuộc đấu súng qua từng con phố vẫn còn hằn sâu trong ký ức người Sài Gòn như mới ngày hôm qua. Chưa kể phim tư liệu không chỉ có vai trò lật lại ký ức, nó còn cung cấp những dữ kiện để so sánh hay phân tích các sự kiện mới.

Thế nhưng có một sự thật là vị trí phim tư liệu hiện nay chưa nhận được sự chú ý cần thiết, đặc biệt là thái độ của xã hội nói chung. Chúng ta có xu thế xây dựng cái mới và “thanh lý” cái cũ, phim tư liệu vì thế cũng bị ảnh hưởng bởi những bộ phim mới với câu chuyện mới được chào đón hào hứng hơn. Từ “phim tư liệu” còn bị đánh đồng với “phim lịch sử”, “phim chiến sự, chiến tranh” hay với những giai đoạn đau thương khốn khó nên nhiều người ngại nhắc đến.

Ngoài kho tư liệu cũ, chúng ta cần xác định tất cả những gì được quay trong thời điểm hiện tại sẽ trở thành tư liệu trong vài năm sau, nhất là khi các sự kiện hiện nay đều diễn ra với tốc độ nhanh hơn và phức tạp hơn nên mọi hình ảnh ghi được đều có khả năng trở thành tư liệu quý trong tương lai gần.

Một điều cũng cần quan tâm là chúng ta thường có khuynh hướng ghi hình những sự kiện mang tính tôn vinh, “thành tích” hơn là “thảm họa”. Ví dụ chúng ta có khá nhiều hình ảnh tư liệu về sự thay đổi của bộ mặt đô thị, văn hóa dân gian, sự kiện chính trị xã hội... nhưng lại có ít tư liệu về các sự cố tai nạn lớn (như vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, tai nạn giao thông, tai nạn xây dựng...), những sự biến mất của các sinh hoạt văn hóa nhỏ (sự suy thoái của làng nghề, lễ hội, ô nhiễm môi trường...), những sự thay đổi hay xâm hại di tích lịch sử (do tác động của thời gian, con người...).

Đây là một cách nhìn có thể gây tranh cãi nhưng cần thẳng thắn bổ sung những dạng tư liệu này vì đó là cách để các thế hệ có điều kiện nhìn nhận lại quá khứ (những gì chúng ta đã làm được và chưa được), bởi những bài học kinh nghiệm đau xót luôn có giá trị phản biện xã hội nhất định.

Phóng to
Ảnh tư liệu của loạt phim tài liệu Sài Gòn xưa mà TFS thực hiện

Đầu ra cho phim tư liệu

Hội nghị SEAPAVAA (Hiệp hội Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương/South East Asia Pacific Audio Visual Archives Association) lần thứ 16 tổ chức tại TP.HCM trong năm qua đã khẳng định sự quan trọng của việc phổ biến phim tư liệu vì đó không phải là một sản phẩm có tính “bí mật”, “phi thương mại” và thước đo giá trị của bộ sưu tập nghe nhìn chính là mức độ ứng dụng của nó được công chúng tìm kiếm và sử dụng nhiều hay ít.

Đây là một bài toán khó, tham vọng nhất là chúng ta có hẳn một kênh thông tin để chủ động đưa phim ra, dù khá xa vời nhưng nếu thật sự muốn đem lại sự phát triển bền vững cho phim tư liệu thì đó vẫn là một trong những giải pháp lý tưởng.

Giờ đây, tối tối mở kênh truyền hình ra xem, không khỏi chạnh lòng với sự xuất hiện bề thế của hai “ông trùm” phim tài liệu là Khám phá/Discovery và Địa lý quốc gia/National Geographic, trong đó những thước phim tư liệu của họ đã làm nên các serie phim ngồn ngộn thông tin và xúc cảm, đặc biệt là loạt phim về Chiến tranh thế giới thứ hai, về thiên nhiên và về các nền văn hóa trên thế giới.

(“Tức mình” nhất là vào năm 2011, Discovery đã có hẳn 4 kỳ/tháng về thành phố Rồng bay nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), đề cập đến đời sống đô thị, chủ nhân của nó và nạn... kẹt xe! Các tập phim đều được thực hiện hết sức chuyên nghiệp với đội ngũ làm phim trong và ngoài nước, nhưng điều suy tư là nếu chúng ta thực hiện hẳn có nhiều điều của quá khứ nghìn năm sẽ được thể hiện bởi nguồn tư liệu của chính chúng ta).

Một số hình thức khai thác phim tư liệu khả thi hơn, thực tế hơn và đang là cách thực hiện của chúng ta hiện nay là in trích đoạn phim, phục vụ chiếu phim tư liệu khi tham gia các sự kiện, làm phim hợp tác giữa đơn vị lưu trữ và đơn vị sản xuất phim tài liệu. Về bản chất cũng là đưa phim qua các kênh thông tin, tuy nhiên với quy mô nhỏ hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận