​Trạm xe ôm tạm

ANH NGUYỄN - HUYỀN MINH 10/11/2014 06:11 GMT+7

TTCT - Ông Nguyễn Văn Thảo, 54 tuổi, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thúy Nhàn, 56 tuổi, dựng trạm xe ôm tại bãi rác ở đầu đường Lương Định Của - Trần Não, Q.2, TP.HCM đã tám năm nay.

Ông Thảo và bà Nhàn ở trạm xe ôm tạm của ông - Ảnh: T. Tuấn
Ông Thảo và bà Nhàn ở trạm xe ôm tạm của ông - Ảnh: T. Tuấn

Ông Thảo nói ông bà có một chỗ trọ rộng chừng 4m2 ở khu D gần miếu Ngũ Hành gần đó. Ông bà dựng lều ở tạm vì từ 8g sáng đến nửa đêm, bãi rác này là nơi trú ngụ của ông bà. “Chỗ trọ hôm nào nước lên thì cả tối cũng ngồi ngắm nước thôi”.

Ông kể có nhà bố mẹ đẻ và 10 anh chị em ở thành phố (ông Thảo không nhớ rõ mình là thứ năm hay thứ sáu) nhưng đã sống lang bạt nhiều năm ở các vùng ngoại vi thành phố.

“Tôi sống thế này cũng quen rồi. Giờ người thì đi, nhà cũng không còn (nói về chuyện khu dân cư ở Lương Định Của, nơi ông dựng trạm xe ôm tạm, được di cư để làm khu đô thị Thủ Thiêm) nhưng tôi ráng bám lại chỗ này chứ cũng chẳng biết làm sao” - ông Thảo, người cả đời chạy xích lô và xe ôm, nói với tôi. 

Câu chuyện hòa giải

Có tới năm, bảy người mua ve chai vẫn qua lại khu vực này mỗi ngày. Nhưng đắt hàng nhất lại là một bà cụ đã trên tuổi tám mươi. Hầu như mọi người trong xóm đều chờ cụ. Và chờ không phải để bán, mà là để cho. Có bữa hàng nhiều quá, bọn tôi còn phải sai con cháu trong nhà chở giùm mấy bao đồ ra chỗ thu mua.

Tôi thường chạnh lòng mỗi khi nhìn cụ gầy quắt và xiên đảo trên đường rồi thầm ước ao: giá như cuộc sống của cụ không đến nỗi túng ngặt, gia cảnh của cụ không đến nỗi éo le và cụ được con cháu dưỡng nuôi... 

Tuổi già sức yếu nên cụ mua ve chai này không thể đi thường xuyên. Có tuần cụ đi được bốn năm bữa, có tuần một hai lần và có tuần vắng biệt. Tiết trời năm nay rất khác. Khi ẩm ướt hồi oi ả, rất bức bối. Chắc vậy mà cả tháng nay không thấy bóng dáng cụ xuất hiện ở khúc đường này.

Chòm xóm ai cũng quan tâm tới cụ nên mỗi người một suy diễn. Người đoán cụ bị bệnh nặng. Người lại nghĩ hay cụ có cái lộc nào đó nên đủ tiền ăn tiêu, không cần phải đi mua bán nữa. Và có người tần ngần rất lâu mới nói: hay là cụ đã mất.

Thật ra, ở tuổi cụ thì sự ra đi cũng là lẽ thường tình. Cụ yếu như thế, làm công việc cực như thế và phải sống khổ như thế!  Rồi chuyện của người bán ve chai già yếu cũng phải tạm gác qua một bên vì còn bao mối bận tâm và lo toan. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi và cô hàng xóm có đôi co, mâu thuẫn. Vẫn chỉ là chuyện giữ vệ sinh chung. Khổ quá! Người phụ nữ ấy cho rằng mình có lý khi cứ sinh hoạt buông tuồng, cẩu thả, nhếch nhác.

Tôi cũng có lý khi cho rằng cô ấy có quyền làm tất cả, miễn là không gây phiền hà và ảnh hưởng đến cuộc sống của riêng chúng tôi và cả cộng đồng. Cứ ném rác nhà mình ra đường bắt tôi dọn hoài, không tức mới lạ! Karaoke mở lớn hết cỡ mà hát hay cho nhờ?

Tôi đã không hiếm lần giải thích, nhắc nhở nhưng chẳng đi đến đâu. Cô ấy là một người tốt, tôi vẫn biết vậy nhưng làm sao tìm được tiếng nói chung? Thế là nói qua nói lại rồi to tiếng. Kỳ cục sao khi hai người phụ nữ nhà sát cạnh không thèm nhìn mặt, ra vô thấy nhau lạnh ngắt. Cứ thế cả tháng trời. 

Sự lạnh ngắt ấy bỗng biến mất khi cụ  mua ve chai xuất hiện trở lại vào sáng qua. Tôi không kịp xỏ dép, cứ chân trần chạy ùa ra đường và bên cạnh nhà, cô hàng xóm cũng chạy ra nói cười thoải mái với bà cụ và với… tôi. Hai người phụ nữ giục chồng con đem đồ để dành lâu nay ra cho cụ.

Tôi mời cụ ly sữa, biếu cụ hộp bánh và cô hàng xóm cho cụ ít trái cây. Rồi chị chị em em, bác bác cháu cháu… huyên thuyên với nhau rôm rả hết sức. Cứ như chưa hề đôi co và giận lẫy nhau suốt thời gian qua.

Theo lời kể, tôi được biết cụ bị ốm nặng phải nằm bệnh viện mất ba tuần. Về nhà, còn quá yếu nên cụ chẳng dám ra đường bán buôn dù túng bấn và rất nhớ mọi người. Tôi nghe và nghĩ thầm: phải như cụ bệnh ít ngày hơn, chắc là tôi và cô hàng xóm đã chẳng đến nỗi giận hờn nhau lâu đến thế! 

Bỗng nhận ra hai từ hòa giải có là cao siêu, mông lung gì đâu chứ! 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận