Truyện ngắn: Bóng đèn hư

TRẦN NHÃ THỤY 21/12/2009 03:12 GMT+7

TTCT - Sau hai lần truy hoan, đôi bàn tay mỏi nhừ vì phải lòn dưới cổ để vỗ về gã đàn ông ngủ, Thương chợt muốn mở cửa, muốn lắm, muốn mở cánh cửa sổ có tấm màn màu cam nhàn nhạt và cửa kính màu trà. Giữa đêm này độ chừng gió sẽ về nhiều, mà chỉ độ chừng thôi, bởi vì gió không khẽ khọt nổi với phòng kính và máy lạnh. Thương lại nghe thèm một cơn gió thật mát.

Minh họa: Hoàng Tường

Thương nhớ căn phòng của mình, một căn phòng nhỏ như hạt nút, nhỏ như cái kẹo - đại khái là nhỏ như những đại lượng so sánh mẹ hay dùng ngày Thương còn bé. Căn phòng của Thương mới bị hư bóng đèn, bóng đèn trắng loại dài, Thương đi cả ngày, chỉ có tối còn chút cho riêng mình và chiếc bóng đèn hư là điều tai hại vô cùng. Thương vẫn đang phải mượn đỡ một chiếc đèn bàn lấy sáng cho bớt ù ạch. Đầu tuần Thương đã ghi vào sổ nhỏ “bóng đèn - thay”.

Thương cứ nghĩ mãi về bóng đèn, cái bóng đèn trắng tự dưng đứt giữa chừng cuốn sách Thương đọc tối qua. Cái bóng đèn trắng Thương phải chi tiền, vậy là lại chạy thêm một khoản không trông đợi expect the unexpected (*) - Thương nhớ Thà. Câu này Thà nói lần cuối trong lớp học tiếng Anh có thầy giáo hơi thấp người và tiếng cassette nghe băng tắt mở, lớp học cuối cùng mà Thương ngồi, sau đó thì cuộc sống cứ tuồn tuột đi...

Gã đàn ông thở một hơi nặng nề trở mình. Thương không hay nhìn ngắm người khác ngủ, thói quen là đặt lưng xuống và nhắm mắt cho lẹ làng để không trời lại sáng, đêm của Thương vốn dĩ đã ngắn. Gương mặt gã hơi xương, ánh da tối hơn màu da Thương. Thương bất chợt muốn đưa tay sờ thử lên gương mặt ấy, suy nghĩ của Thương không bao giờ chịu theo trình tự việc diễn ra. Cạnh một người đang ngủ say, Thương muốn ướm thử tay vào mặt và ban nãy trong lúc nồng say với gã, Thương lại nghĩ đến bóng đèn cần thay, đến cả trước khi gã kéo mền ngủ trên tay mình, Thương ướm miệng tính nói, lại nhìn gã ngay ngắn nằm im mà thôi.

Giấc ngủ của gã cũng ngay ngắn, chăn mền trước khi Thương đến cũng ngay ngắn, ngay ngắn từ góc bàn đến những mảnh rác trong thùng. Thương ước chừng giấc mơ của gã, nếu có, chắc cũng không thể dùng dằng méo mó, những giấc mơ phẳng phia, nhịp nhàng.

Người ta bảo Thương đến lầu 10 khu tập thể X này vì tiền. Ừ, mọi việc Thương làm vì tiền. Tiền nó cứ chà gan chà ruột Thương, cứ ăn bánh mì mà nhiều hơn tí thịt là đã thấy đứng ngồi không yên. Tiền nó đẩy Thương khỏi căn nhà mẹ - căn nhà bé xíu như viên kẹo - đến chỗ này, to và nông sâu khó lường. Tiền làm Thương nhớ những đêm mẹ khóc tỉ tê bên gối, mẹ chưa bao giờ muốn giấu giếm nước mắt của mình như trong những câu chuyện về đàn bà và nỗi khổ Thương hay đọc. Lúc khóc mẹ nấc rất to, tiếng nấc của mẹ từng làm Thương giật mình và lo sợ. Thương sợ tiếng nấc đó như đứa con nít sợ cảnh trời mưa và sấm chớp. Nó làm Thương giật mình và vì chịu không nổi những tiếng nấc của mẹ, Thương đã đi, vào một ngày bình thường, không bão tố cũng không kịch tính. Mẹ nói ít ra thì con sẽ đỡ khổ hơn mẹ. Thương khi ấy mới 17, chỉ nghĩ được ít ra thì không phải ngủ trong tiếng nấc của mẹ. Nhưng tiền không phải ở căn nhà khu tập thể X này. Chỉ riêng với điều này Thương không làm vì tiền. Nghe rất ngu ngốc hoặc giả tạo hay bất cứ điều gì người ta có thể gán vào bản chất sự việc. Thương chỉ biết Thương tuyệt nhiên chưa nhận đồng nào. Đêm đầu tiên khi Thương còn bận nhìn trăng nghiêng ngả nơi cửa sổ, gã đưa Thương một nhúm tiền... ngay ngắn.

“...Ở đời này Thương thấy cần nhất là biết quên. Cứ nhớ mãi mọi việc như kiểu Thương nhớ về cái bóng đèn hư thì đời nó nhũn ra và sầu thảm biết bao”... Đó là ý nghĩ của Thương, cô gái trẻ trong truyện ngắn này, mỗi khi đến ở trong căn hộ của một gã đàn ông và nhớ tới cái bóng đèn hư trong căn phòng bé xíu của mình. Ban đầu cô gái đến với gã đàn ông vì tiền, nhưng rồi kỳ lạ thay, cô chưa nhận lấy một đồng nào. Cô nhận thấy những lúc hai người bên nhau là có thể lãng quên đời tốt nhất. Không hẳn là hạnh phúc, cũng không phải ê chề mà nó chòng chành trong cái khoản gọi là không mong đợi...

Cao Quang Thanh Thảo sinh năm 1984, tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH KHXH&NV TP.HCM, sau đó học tiếp ngành du lịch tại Malaysia, hiện làm việc ở một công ty du lịch nước ngoài. Thanh Thảo thường viết sau những chuyến đi như một cách giải khuây. Nhưng xem ra cách viết như không về những nỗi buồn cắt cứa, cách quán xuyến chữ nghĩa như đọc mã từ cảm giác của mình thì nhận ra đây là một cây bút nhiều hứa hẹn.

- Không, tôi không nhận tiền, anh giữ lấy.

Gã im lặng, vuốt lại vài sợi tóc lệch chỗ trên mặt Thương.

- Tôi chưa cần tiền...

- Vậy em cứ đến khi nào muốn, tôi sẽ để mẩu giấy bên ngoài cho em.

Và gã để những mẩu giấy bên ngoài. Những mẩu giấy ngắn gọn “Đi ra ngoài, sẽ về sau một tiếng” hoặc chỉ vài từ “Hôm nay không về”. Ban đầu Thương cũng cảm thấy bẽ bàng lắm, sự bẽ bàng làm tay chân Thương tìm không ra chỗ để cất, như đứa học sinh không học bài vất vả né tránh câu hỏi của thầy giáo. Sự bẽ bàng làm Thương bước đi mà nghe giọt mồ hôi chạy trên da lưng rõ hơn cả đôi guốc gỗ chạm vào nền đất. Nhưng rồi cũng qua. Những ngượng ngập bẽ bàng ấy Thương tập dần quen. Cũng không khó khăn gì hơn việc tập bỏ bữa tối những ngày đầu đến đây.

Thương không biết mình cần gì khi đến, chỉ biết cứ nhìn gã ngủ chậm rãi nhịp thở thì Thương lại nhớ đến căn phòng chật chội và bắt đầu tính toán tiền nong. Nói chung cũng thêm một ít tiền nếu nhận, mà nhận rồi Thương lại sợ lần sau mình ngong ngóng cái mớ tiền ấy. Nhỡ ngày nào gã quên, mặc xong bộ đồ và thắt dây nịt mà chưa cho tay vào túi quần thì Thương ắt hẳn sẽ nhấp nhổm, sẽ liếc mắt rồi cụp mắt, sẽ se se bàn tay rồi thấy lòng lộc cộc và miệng mấp máy, sẽ đứng lên toan về rồi lại thấy dở dang mà ngồi xuống và sẽ giật mình như kẻ trộm trong lòng nếu bị gã phát hiện ánh mắt của mình.

- À, anh quên...

Tiền làm người ta hèn đi. Tiền cho lúc no làm gợn lên những cơn đói cũ.

Có lẽ vì muốn quên. Ở đời này Thương thấy cần nhất là biết quên. Cứ nhớ mãi mọi việc như kiểu Thương nhớ về cái bóng đèn hư thì đời nó nhũn ra và sầu thảm biết bao. Thương đã phải nhớ, phải mang vác quá nhiều, như kiểu một hình bóng chính mình trong những năm tháng xa xôi, một vài câu chuyện vui, từ lúc rời khỏi lớp tiếng Anh của Thà, Thương đã quyết tâm cứ sống một ngày là quên bớt đi ngày ấy. Nhưng trí não thì cần mẫn, còn Thương thì mệt vai mỏi chân cho những chuyến hàng. Cho đến khi Thương nhận ra làm tình với gã sẽ giết vài ký ức, vài tiếng hay vài phút để Thương quên đi tên mình, quên những con hẻm có mùi hôi, quên những căn nhà hàng xóm đàn ông đàn bà ngồi cả ra hẻm mắng chửi con, chửi chồng, ton hót vợ, không còn những hạn hẹp và bó buộc. Và giấc ngủ của gã cũng ngoan hiền lặng im an nhàn, không nấc, không khóc, không bóng đè hay lầm bầm.

Sự việc khó hiểu nhưng không có gì quan trọng đến phải hiểu. Thương đến lầu 10 khu X ăn bữa cơm ngon nhất rồi lại nằm lên giường bắt đầu quên dần sự thể. Có điều phải nói cho gã về việc cái bóng đèn. Thương sợ điện, sợ từ dạo dây điện khu nhà mẹ bị nổ và ba chết với bàn tay cháy đen. Sợ đến nỗi nhà cứ chằng chịt điện đóm vì không dám rờ vào sửa, càng sợ càng sống trong sự sợ hãi. Sẽ nhờ gã thay cái bóng đèn, bắc cái ghế và gỡ hai đầu là xong. Việc này Thương nhớ có thấy người ta làm vài lần. Những người đàn ông ở nhà hàng xóm hoặc những người đàn ông ở phòng mấy cô bạn cùng khu nhà đã từng leo lên leo xuống vì bóng đèn đủ để Thương nhớ dáng họ khi làm công việc ghê sợ này. Thương cũng nhớ cách họ đưa tay vuốt má cô bạn gái, cánh tay còn lại đang để hờ lên mông cô bạn, Thương nhớ cách họ nhìn cười hơn hớt: “Trả công sau nha em”. Đàn ông với Thương chỉ là những mảng chắp vá mượn từ hình ảnh đàn ông của người xung quanh, như những ô gạch men buồng nhà tắm công cộng, xấu, dơ và tùy tiện. Thương không có hoặc chưa kịp biết tình yêu để vẽ điểm cho người đàn ông những điều gì khác ngoài những việc Thương chứng kiến hằng ngày khu nhà mình ở. Chỉ có gã là để lại cho Thương thêm vài thứ và Thương đã đến căn nhà này. Buổi sáng hôm ấy, gã đứng đợi người ta dắt xe, tay gã xếp chiếc khăn tay gọn gàng cho vào túi. Không hiểu sao Thương cứ nhìn mãi về chiếc khăn tay. Có lẽ vì những người tình của mấy cô bạn gái chưa bao giờ xài khăn tay, nhưng bàn tay gã khi gấp chiếc khăn sao mà khéo và lịch thiệp quá. Chiếc khăn nằm gọn gàng thẳng thớm trong túi, thừa ra một miếng ở miệng túi rất duyên dáng. Và Thương nhận ra mọi thứ từ người đàn ông này đều thẳng thớm, từ khăn tay đến quần, áo mưa. Những người đàn ông mùi bia rượu, râu ria, quần áo nhăn nheo hay mắt đỏ ngầu đã làm Thương quên mất sự thẳng thớm có thể đẹp đến vậy trên bộ quần áo của người đàn ông.

- Em ngủ đi.

Thương xoay người gỡ cánh tay đã rã rời của mình ra, nhìn gã, tự nghĩ chắc có thể nhờ gã vụ bóng đèn.

- À anh, có việc...

- Đợi chút, anh mặc quần áo đã.

Cũng nhẹ nhàng, cũng không đến nỗi kỳ cục mặc dù việc nhờ người đàn ông mình đã ngủ gần trọn nửa năm nay đến sửa hộ bóng đèn không phải là việc thường xuyên xảy ra.

- Ừ, anh mặc quần áo, em chờ.

- Lần sau có việc thì nói, em không ngủ vì lo cái việc đó à?

- Không... ừ mà tại ngủ khó, nhưng cũng lo chút đỉnh, anh biết đó, phòng em bóng đèn bị hư rồi...

- Ừ, ừ... (gã cho áo vào quần ngay ngắn).

- Này, bao nhiêu đây đủ không, hay đưa thêm cho em cả tiền taxi, khỏi đi xe ôm. Anh chưa bao giờ tự tay mua bóng đèn, cũng không biết giá, chừng này có khi đủ để thay hết đèn nhà em, sẵn tiện em thay luôn?

Tiền thẳng thớm quá, đến nỗi như từ tiệm giặt ủi ra, màu tiền cứ đùng đục.

- Sao... vậy?

Thương rát mắt. Nước mắt lâu ngày không chảy thì khi ra lại đau đớn trăm bận. Không có tiếng nấc như mẹ.

Thà nói rồi mà “expect the unexpected”.

______________

(*) Hãy chờ đợi điều không chờ đợi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận