"Văn hóa phong bì", một góc nhìn khác

TTCT - Lâu nay mọi người có ác cảm với chuyện đưa “phong bì” do bị đòi hỏi. Nhưng từ câu chuyện thật của mình tôi xin cung cấp một góc nhìn khác mà mỗi chúng ta nếu quyết tâm có thể dẹp được vấn nạn này.

Mẹ tôi bị bệnh tim thường “đi” xe cấp cứu. Một lần chuyển mẹ tôi từ bệnh viện ở quận 3 sang bệnh viện khác, chị tôi nhét tiền vào túi cô điều dưỡng, cô giật mình. Tôi phản đối hành động đó, chị bảo như thế người ta mới nhiệt tình chuyển viện. Những lần sau, tôi giành ngồi sát cô điều dưỡng, khi chị tôi đưa tiền để tôi đút vào túi cô, tôi tỉnh bơ đút vào... túi mình. Vậy mà cô điều dưỡng đó vẫn nhiệt tình gặp điều dưỡng Bệnh viện 115 chuyển giao bệnh nhân và ra về vui vẻ.

Khi tôi mổ u nang, mọi người đưa tiền bảo tôi trước khi gây mê phải bỏ tiền vào túi bác sĩ 2 triệu đồng để mổ “không đau”, tôi cầm tiền nhưng để yên trong túi. Sau phẫu thuật, các bác sĩ vẫn tận tâm chăm sóc. Vậy thói quen nhét phong bì do ai?

Lúc còn đi dạy, tôi nhớ có một học sinh thường bày trò khi tôi quay lưng viết bài trên bảng. Nhiều lần tôi bỏ qua, nhưng rồi không thể làm ngơ được. Tôi mời phụ huynh đến nói chuyện, mẹ em dúi vào tay tôi chiếc phong bì. Tôi nghiêm mặt: “Chị còn làm vậy tôi la lên và nêu tên chị ra cho trường biết đó”. Bà tiu nghỉu mang tiền về. Vậy mà vài ngày sau chẳng biết ai chỉ vẽ, bà mang theo bao gạo thơm đến nhà tôi biếu. Lúc đó tôi không ở nhà, khi về mở lá thư đọc mới biết. Tôi cũng không thể “ôm” bao gạo đó trả lại!

Thói quen chi tiền do ai? Nói một cách công bằng, chưa hẳn thói quen đưa phong bì xuất phát từ yêu cầu của người nhận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận