Vysotski và bộ phim không có tên diễn viên

TTCT - Những ngày này đâu đâu cũng nghe nói về Vladimir Vysotski. Trên tivi hầu như ngày nào cũng có chương trình về ông... Báo chí thì khỏi nói.

Ngoài phố nhiều apphich có hình Vladimir Vysotski, các kiôt để ở nơi bắt mắt nhất những cuốn sách, tạp chí về người nghệ sĩ. Đỉnh điểm có lẽ là tin Thủ tướng V. Putin là khán giả đầu tiên xem bộ phim Vysotski. Cám ơn vì đã sống khi ông đến thăm Hãng Mosphim. Thủ tướng thậm chí còn phải hứa với các nhà làm phim là sẽ không tiết lộ ai thủ vai chính, sau khi ông nhận xét đó là “một bộ phim tuyệt vời”.

Phóng to

Một cảnh trong phim Vysotski. Cám ơn vì đã sống - Ảnh: 445000.ru

***

Đó là cách nước Nga kỷ niệm 31 năm ngày mất một huyền thoại của mình: nhà thơ, nghệ sĩ, diễn viên Vladimir Vysotsky (1938-1980). Lần đầu tiên, chàng thanh niên trẻ giọng khàn ôm đàn hát những bài ca của mình là vào năm 1960-1961. Lúc đầu ông chỉ biểu diễn ở những nhóm nhỏ, đến năm 1965 Vysotski mới hát những ca khúc của mình trên sân khấu.

Ngày 18-1-1967 buổi biểu diễn ca nhạc chính thức đầu tiên của riêng ông đã thành công vang dội. Từ đó với chất giọng khàn khàn, gân gân không thể diễn tả được, ông đã trở thành hiện tượng đặc biệt trong sinh hoạt ca nhạc thời Liên Xô những năm 1960-1970.

Bài hát đầu tiên mà Vysotski viết có tên Hình xăm. Chính nó như đã xăm vào da thịt, như xăm vào tim, như khảm lên bản đồ của nước Nga, đã trở thành số phận của thi nhân, là người đã để lại sau mình một đám cháy lâu bền, lúc bùng lên, lúc âm ỉ. Khói từ ngọn lửa này đã lan tỏa đi những bài hát về một cánh buồm bị đứt dây, về tâm hồn đi mượn, về máy bay tiêm kích Yak, về thi nhân chân trần, về người bạn, về trái tim lãng mạn của võ sĩ đấm bốc, về những chú ngựa, về những ngọn núi xanh...

Nhưng cái giọng khao khao đó không thuộc loại giọng chính thống, cũng như những bài thơ, ca khúc của ông cũng vượt ra ngoài khuôn khổ quen thuộc, nên có lúc hầu như chỉ có dân chúng chuyền tay nhau những tác phẩm của ông. Những bài hát của ông phản ánh cái nhìn phê phán thời cuộc bằng ngôn ngữ người dân đường phố. Hiểu được bí ẩn của đường bay lên đỉnh vinh quang của Vladimir Vysotski tức là hiểu được bí ẩn của số phận con người và cũng hiểu được bí ẩn của nước Nga, nơi chỉ chấp nhận giá trị của những giọt tâm huyết sống ứa ra từ cổ họng, qua mỗi nốt nhạc, mỗi lời nói, bài thơ...

Cứ thế ông bước vào nghệ thuật, thi ca, điện ảnh, sân khấu... như ngọn lửa bừng bừng, sáng rực. Ngay ở những bộ phim đầu tiên, nơi ông chỉ đóng những vai phụ (các phim Chiều thẳng đứng, Những cuộc gặp ngắn ngủi), khán giả đã nhận ra sự duyên dáng đầy cá tính. Phẩm chất đó thể hiện đặc biệt rõ nét ở vai hay nhất của Vysotski - vai đại úy Gieglov trong phim Địa điểm gặp gỡ không thể thay đổi.

Phóng to
Mặt nạ Vysotski - Ảnh: bymind.ru

***

Vysotski. Cám ơn vì đã sống được đánh giá là bộ phim hay nhưng cũng gây tranh cãi của năm 2011 (cần nhận xét là ở Nga hiện nay hầu như cái gì cũng có thể gây tranh cãi!). Phim được chiếu ở kênh 1 Đài TH Nga, do Piotr Buslov đạo diễn theo kịch bản của Nhikita Vysotski, con trai của Vladimir Vysotski.

Phim nói về một giai đoạn bi thiết trong cuộc đời của Vysotski, vào năm 1979, giai đoạn mà người ta nói ông đã “chết lâm sàng” do chìm đắm trong rượu và chất gây nghiện. Và chỉ một năm sau đó, ông qua đời trong một cái chết mà nguyên nhân chính thức đến nay vẫn chưa xác định. Trên màn ảnh, khán giả thấy một bộ phim thật kỳ lạ: giữa những người sống, đang diễn những vai cá tính đầy góc cạnh, lại có một người xuất hiện trong phim như thể là đang ở bên ngoài hiện thực đó.

Với hóa trang tuyệt vời đến mức lý tưởng (lên đến 1 triệu đôla, ai mà có thể đóng vai được với khuôn mặt được hóa trang như mặt nạ gắn chết vào mặt mình?), với giọng nói không phải của diễn viên mà được máy tính xử lý lại, và loại bỏ hoàn toàn cái tôi của diễn viên, nước đi bí hiểm của các nhà sản xuất đã được việc. Thậm chí nếu biết rõ ai là người thủ vai chính thì khi xem phim ta vẫn thấy không phải người ấy, một diễn viên nổi tiếng và luôn được nhận ra ở tất cả các phim khác, mà là một biểu tượng đang đi lại.

Ở những phân đoạn tuyệt vời của phim, cái mặt nạ ấy bỗng dưng làm người ta chợt nhìn thấu những gì đằng sau. Rằng đây là câu chuyện về một con người đang chết từ từ, mà xung quanh anh ta thói đời vẫn quay cuồng theo quán tính quen thuộc: chạy theo đồng tiền, dối trá, lừa đảo, cuộc chiến danh vọng, cạm bẫy, sự yêu quý và thô bỉ của đám đông...

Nhưng chính “diễn viên không có gương mặt” cũng là điều không ít nhà phê bình chỉ trích. “Nước Nga đang sống trong một thời đại không có người hùng”, như tờ Expert (*) bình luận, hay “Vysotski không phải là Vysotski”, như KP (**) trách móc. Nói gì thì nói, đến nay công chúng vẫn chỉ có thể đoán già đoán non ai thủ vai Vysotski. Tên diễn viên chính tiếp tục là một bí mật.

Phóng to
Chân dung Vladimir Vysotski - Ảnh: ogrfilms.ru

***

Hơn 30 năm trôi qua không làm phai nhòa hình ảnh Vysotski như một hiện tượng văn hóa độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà theo kết quả thăm dò ý kiến dân chúng của Trung tâm nghiên cứu thăm dò ý kiến toàn Nga thực hiện năm 2009-2010 đề tài “Trong thế kỷ 20, người Nga nào là thần tượng của bạn?” thì Vysotski đứng thứ hai (31%), chỉ sau Iury Gagarin (35%), đứng trước đại văn hào Lev Tolstoi (17%), mặc dù vào thời của mình ông chỉ là một giọng không chính thống.

Người ta bỗng nhận ra hình như mỗi câu thơ mà Vysotski đã viết đều có thể khắc lên bia mộ của thi nhân được:

Thi sĩ bước chân trần trên lưỡi dao lam bén ngọt
Lệ huyết ứa ra từ trái tim trần.

__________

(*) http://expert.ru/expert/2011/48/ne-zhilets/
(**) http://spb.kp.ru/daily/25801/2782411/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận