Xin lỗi... chân dài

MINH LÂM (Gò Vấp) 03/01/2012 03:01 GMT+7

TTCT - Là một người nhan sắc trung bình, tôi lại cho mình cái quyền cùng với đám đông chê bai nhiều... chân dài, óc ngắn.

Cho đến khi dì ruột bị tai biến phải nhập viện.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Khoa nội thần kinh mùa này đông nghẹt người già bị cùng chứng như dì của tôi. Những cái giường chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ hẹp không chỉ có giường bệnh mà còn máy thở, máy đo và hàng trăm thứ linh tinh khác mà những người thăm nuôi mang theo để chăm sóc người nhà. Người bệnh ít đã nằm hơn tuần, người “thâm niên” thì cũng mấy tháng.

Những gương mặt người bệnh bất động, thiêm thiếp, còn gương mặt người thăm nuôi đã bắt đầu thản nhiên đầy chấp nhận, làm tôi có cảm tưởng thế giới trong căn phòng bệnh này là một thế giới của hai chữ “cũng đành”...

Phòng có năm giường bệnh. Hết hai là chồng bị tai biến, vợ đi nuôi. Ba giường còn lại là nữ. Một người có con gái đi chăm. Cô bé hết cho mẹ uống thuốc, đút cháo, rồi lau rửa liên tục. Mà bà mẹ hình như không muốn làm những chuyện đó nên luôn miệng mắng. Cô bé vẫn thản nhiên cười và tỉnh bơ tiếp tục công việc của mình.

Xong việc, cô nhảy tót lên nằm cạnh mẹ, móc di động ra... bật nhạc rồi hồn nhiên dọa mẹ: “Má còn chửi nữa là... tui thu băng nghen. Tui tung lên mạng là... cả thế giới biết má chửi bậy hén”. “...Nó nói vậy thôi - người phụ nữ bên cạnh đi chăm chồng thì thào với tôi - Chớ bả chửi hoài mà nó cứ giỡn vậy thôi à”...

Xế bên kia là một bà cụ 88 tuổi bị liệt. Chăm bà là một cô cháu nội mà thoạt nhìn tôi muốn choáng vì nét xinh đẹp của cô. Đã vậy cô còn ăn mặc rất diện, rất mốt. Ngữ ấy mà đi chăm bệnh? Tôi hồ đồ nghi ngờ và khi biết mình nhầm, tôi thật muốn chạy đến xin lỗi cô bé ấy ngàn lần. Bởi chỉ trong mấy tiếng đồng hồ ở đó, tôi đã thấy cô nâng bà nội mình dậy không biết bao nhiêu lần để vỗ lưng cho bà bớt ho, bớt hầm.

Rồi lau rửa, thay tã, cho uống nước, gọi y tá truyền dịch... việc nào cô cũng làm gọn hơ, hết sức chuyên nghiệp, mà lại làm với tình cảm rất thật, rất chân thành. Vỗ lưng, lau rửa mà kể chuyện liên tục cho bà nghe, không cần biết bà cụ bất động kia có hiểu không. Làm vệ sinh cho bà mà tuyệt không chút ghê sợ nào trên gương mặt, đã vậy khi chăm sóc cô cứ cúi xuống hôn bà mình và ghẹo cho bà mở mắt...

Kế bên giường bệnh của cô là một ông anh trạc tuổi tôi, bị sao đó mà phải làm túi hậu môn bên cạnh hông. Người vợ chăm anh cũng rất xinh đẹp. Khổ một cái, trên đường chạy đi chạy về chăm chồng, chị bị té xe và tay phải bị khâu mấy mũi. Gia đình anh ở xa, nhà chỉ có hai con gái còn nhỏ nên chị một mình cáng đáng. Vậy mà việc nào việc nấy gọn bân. Anh chồng cứ mỗi lần phải thay rửa là mắc cỡ, cứ đòi đi vào nhà vệ sinh chứ không chịu làm ở bên ngoài. Chị cũng nhẫn nại dìu vào.

Một lần, chị chạy đi lấy nước, anh kêu thế là tôi chạy sang giúp anh uống nước. Tôi phải tranh thủ “dân vận”: “Anh à, ở đây ai cũng là người bệnh, tụi tôi chắc cũng có ngày phải vào đây nên anh đừng ngại. Chị nhỏ xíu con mà anh cứ bắt đi vào nhà vệ sinh. Trong đó sạch nhưng trơn, anh mà té một cái, tay chỉ đau làm sao đỡ. Chưa kể vào đó chỉ bị nước vào vết thương dễ nhiễm trùng”...

Anh trừng mắt nhìn tôi, chắc muốn... mắng kẻ nhiều chuyện nhưng nín kịp. Song từ đó cho tới sáng nay, anh không đòi vào nhà vệ sinh nữa làm chị vợ rất ngạc nhiên, sợ chồng giận cứ nài: anh vào đi, em làm cho...

Dì tôi được chuyển sang phòng nhẹ hơn. Tôi phải chia tay với những người bạn mới quen ở phòng bệnh này. Họ toàn là những người tử tế, thậm chí trên cả mức tử tế mà tôi nghĩ rằng đời này còn có. Đặc biệt là những cô gái, những người cháu, người vợ - những người phụ nữ mà tôi biết chắc ngoài đời họ rất óng ả, rất nhiều “vệ tinh” vây quanh, rất nhiều nơi chào đón, song khi họ hành xử phận làm con, làm cháu, làm vợ, sao cái chữ tình rạng rỡ đến vậy...

Tôi thấy mình chân vừa ngắn mà cả lòng cũng ngắn, khi đã nhiều lần “tung đá” bất kể biết hay không biết về những chân dài... Vì lẽ đó, nhờ Nhật ký thành phố chuyển giúp một lời xin lỗi rất nhạt nhòa. Bởi không biết khi nào thì những “chân dài nội thần kinh” kia có thể có thời gian để đọc mà biết những chuyện bao đồng của tôi...

TTCT cảm ơn các bạn: Hoàng Thị Giang, Huyền Minh, Thuận Tuấn, Huyền Tiên, Nguyễn Ngọc Hà... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận