Về "Ngàn"

DƯƠNG THẾ HÙNG 27/05/2011 22:05 GMT+7

TTCT - Hỏi: “Đường này về đâu?”, người vùng này ai cũng trả lời: “Về Một Ngàn, Hai Ngàn, cho tới... Mười Bốn Ngàn; mà có cả Năm Trăm, Ngàn Rưỡi... tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi nữa nghe”. Đất nào tên kêu ngộ vậy?

Phóng to
Khu hành chính thị trấn Một Ngàn cặp dòng kênh “xương sườn” Một Ngàn - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đường tới Một Ngàn

Có hai ngả để đến thị trấn Một Ngàn, trung tâm huyện Châu Thành A (Hậu Giang): hoặc từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A tới ngã ba Cái Tắc rẽ phải, theo quốc lộ 61 qua Rạch Gòi rồi rẽ phải lần nữa chừng 4km; hoặc đi cặp bờ sông Cần Thơ từ bến Ninh Kiều qua Cái Răng, Mỹ Khánh, qua phà Vàm Xáng tới xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), từ đây đi thẳng miết cỡ 6km.

Chúng tôi chọn cách thứ hai, đường bộ cặp bờ trái kênh Xáng Xà No được mệnh danh là “con đường lúa gạo” có từ gần 110 năm về trước, đã đánh thức cả vùng đất hoang vu Hậu Giang - bán đảo Cà Mau.

Điểm đầu tiên của kênh Xáng Xà No được nhìn thấy khi đứng trên phà Vàm Xáng là khúc ngã ba sông, hướng đi thẳng về Phong Điền, còn rẽ trái đi tới Một Ngàn, Hai Ngàn... đó chính là tuyến kênh Xáng Xà No dài 34km, được người Pháp đào trong thời gian 1901-1903. Dọc kênh là một loạt địa danh “Ngàn”, từ Một Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi, trước khi tới thủ phủ của tỉnh Hậu Giang - TP Vị Thanh, rồi còn kéo dài tới Cái Tư kênh Xáng Xà No mới đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang).

Phóng to

Bến phà Vàm Xáng tại ngã ba sông, rẽ trái là hướng đi thị trấn Một Ngàn - Ảnh: H.T.V.

Vì sao có cái tên Xáng Xà No?

Ông Phạm Hưng Thạnh (Năm Thạnh), 76 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, giải thích: “Có ba giả thiết. Một, theo mấy cụ già xưa, dân mình hồi đó vô rừng bắt cá gặp con mãng xà khổng lồ đang ăn thịt một con nai. Ăn nửa chừng no quá, nó bỏ mứa, người dân đem thịt nai về kháo nhau rằng nhờ mãng xà ăn no nên mới còn. Tên “xà no” có từ đó. Hai, vùng này ngày xưa có nhiều cây điên điển. Người Khmer sống nơi đây cũng nhiều, họ gọi cây điên điển là “srok snor”, người Việt kêu gọn là “xà no”. Ba, người xưa kể rằng người Pháp chỉ huy đào con kênh này có tên là Saint Tanoir, đọc trại thành... Xáng Xà No.

Giả thiết thứ ba có lẽ trùng hợp ngẫu nhiên thôi, chớ từ xưa vùng này đã có con rạch Xà No - một nhánh của sông Cần Thơ. Khi người Pháp đem xáng vô múc kênh đâm thẳng vô rạch Xà No, bứt thành hai khúc. Tên rạch “Xà No Bứt” có từ đó tới giờ. Còn kênh xáng múc gọi là kênh Xáng Xà No”.

Theo con đường nhựa phẳng lì, thênh thang cặp kênh Xáng Xà No chúng tôi đi riết. Theo lời ông Năm Thạnh, vùng này hồi xưa dân cư thưa thớt, đi cả cây số mới có nhà, con đường chúng tôi đi ngày đó là bờ kênh do xáng “thổi” đất lên, sau người Pháp ra lệnh mỗi nhà dân phải đổ thêm hai khối đất để đắp đường lộ.

Có con kênh, vùng Vàm Xáng đổi thay hẳn, người Hoa tụ tập về đây buôn bán, cất nhà, sống hòa nhập với người Kinh lần hồi thành thị tứ. Nay đó là trung tâm xã Nhơn Nghĩa sung túc, có chợ Vàm Xáng đông vui người mua kẻ bán, có trường cấp II khang trang, trạm y tế, trụ sở xã bề thế, trên bờ kênh xe chạy bon bon, dưới kênh ghe xuồng tấp nập, phà đưa khách sang đôi bờ kênh nhộn nhịp.

Đi hết xã Nhơn Nghĩa là hết địa giới TP Cần Thơ, qua cái cổng chào đã thấy khu hành chính của huyện Châu Thành A, cũng là tới thị trấn Một Ngàn.

Phóng to

Một đoạn chợ Mười Bốn Ngàn - Ảnh: H.T.V.

Thêm “Năm Trăm” cho tới “Mười Bốn Ngàn Rưỡi”

Kênh Xáng Xà No rộng tới 60m - “xương sống” của vùng đất mang tên Ngàn - dẫn nước ngọt từ sông Hậu xả phèn cho cánh đồng rộng hàng trăm ngàn hecta. Để đưa nước vô sâu thêm trong đồng, người ta xẻ thêm hai bên kênh những “xương sườn”, thường gọi là “kênh sườn”. Cứ cách 1.000m lại có một kênh sườn như vậy, kéo dài tới 14.000m. Để dễ nhớ, người dân đặt tên các kênh sườn lần lượt là Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn... cho tới kênh Mười Bốn Ngàn.

Từ con kênh sườn đầu tiên ngay khu hành chính huyện Châu Thành A đi về hướng kênh Một Ngàn đo trên đồng hồ xe gắn máy quả đúng là 1.000m. Con kênh sườn đầu tiên đó ngày trước có tên là kênh số 0, sau này đổi là kênh Tân Hiệp. Ai là người có ý tưởng đầu tiên đào những kênh sườn này?

Ông Nguyễn Thành Long, trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: theo tư liệu lịch sử, đó là một người Pháp tên Garié (thường được gọi là ông đốc Cary). Sau khi kênh Xáng Xà No hoàn thành, ông Garié nhận ra ngay vùng này có tiềm năng lớn để trồng lúa nên xin chính quyền Pháp khai khẩn đất đai, lập đồn điền rộng tới 3.600ha dọc hai bờ kênh Xáng Xà No, từ khúc sau này là kênh Một Ngàn cho tới kênh Tám Ngàn, và lập làng Tân Hòa Tây.

Để có nước trồng lúa, ông huy động dân phu và tá điền đào những kênh sườn hai bên “xương sống” Xáng Xà No, cứ cách khoảng 1.000m lại đào một kênh, đầu mỗi kênh đều có đập bêtông đóng mở tự động đưa nước ra vô đồng ruộng. Nhờ đó nước vô sâu trong đồng vừa tháo phèn vừa cung cấp phù sa, cây lúa tốt tươi.

Hồi đó, để quản lý đồn điền, đốc Cary phân cấp cho các chủ bao, mỗi chủ “bao” một vùng chừng 400-500ha rồi cho tá điền mướn. Tới mùa tá điền đóng lúa cho đốc Cary và nộp lãi cho chủ bao. Do bị các chủ bao ăn xén ăn bớt nên sau một thời gian, đốc Cary lỗ nặng, phải bán lại cả vùng đất cho một người Pháp khác tên là Gémy Gressier (thường được gọi là “Tây già”).

Phóng to

Kênh Năm Ngàn - Ảnh: H.T.V.

“Tây già” cùng với con trai thường gọi là “Tây be” mở rộng đồn điền lên 7.200ha, bắt đầu từ kênh Tám Ngàn cho tới kênh Mười Bốn Ngàn Rưỡi. Sở dĩ có vụ “rưỡi” này là bởi trong quá trình mở đất, “Tây già” cho xẻ thêm những con kênh sườn nhỏ nữa, song song và ở giữa những kênh sườn đã có, rút ngắn khoảng cách giữa các kênh từ 1.000m xuống còn 500m. Những kênh sườn đào sau có tên bắt đầu từ... Năm Trăm (giữa kênh số 0 và kênh Một Ngàn) rồi Một Ngàn Rưỡi, Hai Ngàn Rưỡi... cho tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi!

Chưa hết, hai cha con “Tây già” còn đào những con kênh bao s ong song với kênh Xáng Xà No, cũng theo quy cách cứ 1.000m có một kênh, làm thành một vùng đất khép kín với hệ thống kênh đan xen nhau vuông vức như bàn cờ. “Nhờ cách làm thủy lợi mạng nhện này, đồn điền của hai ông Tây trúng mịt trời, tới mùa lúa chở về chất đống nhiều vô kể, ước khoảng cả triệu giạ lúa (tương đương 20.000 tấn - NV) mỗi mùa” - lão nông Lưu Hữu Tài (Út Sái), 85 tuổi, ở thị trấn Bảy Ngàn, kể.

Thị trấn Bảy Ngàn có chùa Việt, chùa Khmer và cả nhà thờ Công giáo; phố chợ đầy đủ quán ăn, tiệm uốn tóc, quán karaoke, dịch vụ Internet. “Nó đã tấp nập từ thời Tây già, năm 1928 lận, chớ không phải tới giờ - ông Út Sái nhớ chuyện xưa - Để tiện việc cai quản đồn điền, Tây già lập hẳn một dinh thự ở đây như bờ vai chịu gánh lúa, hai bó lúa là hai đầu Một Ngàn và Mười Bốn Ngàn Rưỡi.

Ngay tại vị trí chợ Bảy Ngàn ngày nay, hồi đó Tây già cho xây một nhà máy xay xát chạy bằng hơi nước cỡ lớn nhất vùng, trên diện tích 13 công (1,3ha) đất, có sân phơi, kho chứa. Để chở gạo lên Sài Gòn, hai cha con Tây già còn sắm cả sà lan loại 2.700 tấn, lập xưởng cơ khí để sửa chữa máy cày, ghe tàu, quy tụ cả trăm nhân công. Vùng này có chùa, nhà thờ cũng do dân tứ xứ về đây thời đó”.

“Hậu sông, tiền lộ”

Chúng tôi tiếp tục phóng xe máy đi từ Bảy Ngàn cho tới hết Mười Bốn Ngàn Rưỡi. Trên bản đồ, Mười Bốn Ngàn Rưỡi thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Từ đây đi tiếp 10km nữa là tới thủ phủ tỉnh Hậu Giang. Từ TP Vị Thanh nếu đi Cần Thơ bằng quốc lộ 61B, song song kênh Xáng Xà No, sẽ rút ngắn được 42km so với đi bằng quốc lộ 1A.

Cũng giống kênh Xáng Xà No, tuyến đường này nối liền vùng sâu phía Gò Quao, Giồng Riềng qua Rạch Giá (Kiên Giang), hòa mạng với quốc lộ 1A ngay điểm cuối đường dẫn cầu Cần Thơ. Sau này từ Cần Thơ đi Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau bằng đường này sẽ rút ngắn tới 70-80km.

Tại thị trấn Một Ngàn, cây cầu bêtông hoành tráng có tên Xà No bắc ngang kênh Xáng Xà No đang trong giai đoạn hoàn thành và sẽ hòa mạng vào quốc lộ 61B đã trải nhựa xong. Bên kia kênh, nối tiếp cầu Xà No, con đường mang tên Bốn Tổng - Một Ngàn cũng đang khẩn trương xây dựng, đâm thẳng vô cánh đồng lúa bát ngát.

Theo ông Nguyễn Thành Long, con đường này là “xương sườn” của quốc lộ 61B, nối liền những vùng đất vừa sâu vừa xa, mé phải là miệt Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), mé trái là Giồng Riềng, Tân Hiệp (Kiên Giang). Đường mở tới đâu sẽ đem ánh sáng văn hóa tới đó, kèm theo mở mang dịch vụ, y tế, trường học nâng cao đời sống người dân, xóa dần khoảng cách thành thị và nông thôn.

Chúng tôi trở về điểm cuối hành trình là đường dẫn cầu Cần Thơ, tại nút giao quốc lộ 1A có thể nhìn thấy cây cầu Ba Láng đang giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị nối với quốc lộ 61B. Khi xong đường này, vô đất “Ngàn” chỉ có 8km, so với đi vòng ngã ba Cái Tắc tới 18km, hoặc tới Vàm Xáng mất 16km lại phải qua phà.

“Hậu sông, tiền lộ” là những ưu thế đắc địa mà ông bà ta đã đúc kết. Vùng đất tên “Ngàn” này, với kênh Xáng Xà No và quốc lộ 61B, đang có trong tay những “bửu bối” ít nơi nào có được.

Phóng to
Bia kỷ niệm tiểu đoàn 307 - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong trận đánh ngày 16-8-1952 cứ điểm Bảy Ngàn - Ảnh: H.T.V.

“Lầu Trắng” ở Bảy Ngàn

Ông Đỗ Văn Phòng, 88 tuổi, cư dân Bảy Ngàn, nhớ lại: “Hồi đó vùng Bảy Ngàn có ngôi biệt thự hai tầng lầu quét vôi màu trắng, người dân quen gọi “Lầu Trắng”, nơi ở của vợ chồng Tây già, lại thêm biệt thự của Tây be quét vôi đỏ nên được gọi “Lầu Đỏ”.

Lầu Trắng và Lầu Đỏ được một bức tường thành dày và kiên cố bao quanh, người ngoài khó lòng lọt vô được, thực chất đó chính là bộ máy cai quản của thực dân Pháp ở địa phương. Tay sai của hai cha con Tây già là đám cặp rằng, tuần khạo, chủ xóm, còn thấp cổ bé miệng nhất là tá điền. Nổi tiếng hung ác là cặp rằng Quạ, cặp rằng Bá, tuần khạo Tư Cát... Chúng không chỉ đánh đập tá điền tàn bạo mà còn táo tợn hãm hiếp phụ nữ”.

Năm 1952, với sự hỗ trợ của tiểu đoàn 307, người dân Bảy Ngàn từng đánh chiếm “Lầu Trắng”. Sau năm 1975, “Lầu Trắng” trở thành trụ sở UBND xã Tân Hòa, đến năm 2005 bị phá bỏ để xây dựng chợ Bảy Ngàn ngày nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận