Vì sao dự báo toàn sai, nhưng cứ thích dự báo?

NGUYỄN VŨ 06/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Năm mới thường là thời điểm nhiều người đưa ra các dự báo cho cả năm tới hay cả thập kỷ tới. Điều đáng buồn, dự báo nghe cho sướng lỗ tai nhưng thực tế đa số đều sai.

Nếu tin vào các xu hướng được khẳng định suốt thập kỷ vừa qua, có lẽ đến nay xã hội loài người đã xài tiền mã hóa rộng rãi, ai cũng đeo kính thực tế ảo, ai cũng chạy xe hơi điện, tivi ở nhà đều là loại 3D, sách đọc đều là sách điện tử...

Những dự báo như sự phổ biến của công nghệ tiền blockchain chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Ảnh: leaprate.com
Những dự báo như sự phổ biến của công nghệ tiền blockchain chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Ảnh: leaprate.com

Vì sao các tiên đoán thường sai?

Các dự báo thường sai là bởi người dự báo thường dựa vào trải nghiệm cá nhân để khái quát lên cho mọi người. Người đưa ra dự báo cũng thường lạc quan quá mức, nên thường dự báo dựa vào những điều họ mong muốn sẽ xảy ra và đè nén những dự cảm về những điều họ không mong muốn. Con người cũng thường chịu ấn tượng mạnh về các đột phá và nghĩ đột phá sẽ dẫn tới thay đổi trên bình diện rộng. Họ bỏ qua các thay đổi dần dà qua nhiều thế hệ và cứ nghĩ đó là ngoại lệ.

Một người có trải nghiệm tích cực với sách điện tử sẽ dự báo sách in trên giấy dần biến mất, sách điện tử sẽ phổ biến rộng rãi. Dự báo đó thường được khái quát hóa dựa trên các ích lợi rất hiển nhiên của sách điện tử như giá thành rẻ, phát hành rộng khắp bất kỳ nơi nào trên thế giới, không tốn tiền chuyên chở, nhân bản dễ dàng, tra cứu thuận lợi, lưu trữ gọn nhẹ, không phải phá rừng lấy cây làm giấy...

Thế nhưng họ không tính đến chuyện ăn cắp bản quyền, sự tham lam của các nhà xuất bản, tầm quan trọng của xúc giác lên cảm thụ nội dung... Nói chung, họ không nghĩ đến các điểm yếu của con người.

Điểm yếu của con người như lòng tham, muốn lừa dối kẻ yếu thế, sự ích kỷ... cũng là nguyên nhân làm nhiều dự báo sai lệch với thực tế. Thanh toán không dùng tiền mặt quá ư thuận lợi nhưng không phổ biến đến mức như dự báo là bởi nó tạo điều kiện cho một số kẻ lừa đảo người khác, nên lúc nào cũng có một tỉ lệ người dân sợ bị lừa mà tránh xa.

Thử nghĩ thế giới tin học sẽ khác như thế nào nếu không có virút do kẻ xấu tung ra, không có phần mềm độc hại, không có đánh cắp danh tính, mật mã, không có theo dõi, nghe lén người khác.

Một trong những sai lầm phổ biến của người dự báo là dựa vào lịch sử tiến hóa của con người để tin chắc con người tiến hóa từ chỗ đi xe ngựa qua xe hơi thì xe bay sẽ trước sau gì cũng xảy ra. Thế nên không có gì ngạc nhiên nếu nhiều năm qua thỉnh thoảng chúng ta lại nghe dự báo tương lai xe bay không còn xa nữa.

Tương tự, từ tiền vỏ sò qua tiền đồng xu đến tiền giấy là một quá trình tiến hóa tự nhiên nên nhiều người dự báo đã đến thời của tiền mã hóa như bitcoin bởi họ xem đó là lẽ tự nhiên, như sau tiền giấy là thẻ tín dụng vậy. Tivi 3D gây ấn tượng mạnh với người trải nghiệm, giải thích cho dự báo loại tivi này sẽ tràn ngập thị trường, nhất là khi các hãng cũng cổ xúy tivi 3D trong nhiều chiến dịch marketing.

Tivi 3D được ra sức quảng cáo nhưng cũng không thuyết phục được số đông người tiêu dùng.

Thực tế đang làm những người từng dự báo dựa vào quá trình tiến hóa như thế ngạc nhiên vì thế hệ trẻ sau này không chịu sở hữu xe hơi cá nhân, chứ đừng nói xe bay, không chịu xem tivi, chứ chưa nói tivi 3D, bitcoin vẫn là công cụ của giới đầu cơ và là phương tiện thanh toán của tội phạm, chứ không ai dùng nó đi mua sắm cả...

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là dự báo thường sai ở chỗ ai cũng nghĩ là đúng và đúng ở chỗ ai nấy cho là sai. Ví dụ thập kỷ 1950, máy bay thương mại đã bay với tốc độ trên 900km/h; ai nấy đều nghĩ tương lai chúng ta sẽ có máy bay siêu thanh là đương nhiên.

Thế nhưng điều bất ngờ là máy bay hiện đại bay với tốc độ chậm hơn ngày xưa để tối ưu hóa mức tiêu thụ nhiên liệu - một yếu tố không ai nghĩ đến khi lập dự báo. Tương tự, sau khi con người đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969, nhiều người tưởng tượng 50 năm sau hẳn nhiên chúng ta sẽ có một ngành du lịch vũ trụ sôi động, điều tới nay về cơ bản vẫn chỉ là lý thuyết.

Cuối cùng, con người thường dự báo sai bởi họ không muốn dự báo những điều không có lợi cho bản thân. Tờ Atlantic kể từ năm 1956 đến 1962, một giáo sư tâm lý yêu cầu 436 sinh viên Nam Phi mô tả xã hội nước này trong tương lai, có đến 2/3 các sinh viên da đen dự báo sự chấm dứt của chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, trong khi chỉ 4% sinh viên da trắng đưa ra dự báo tương tự. Hiện nay, đa số các nhà kinh tế Mỹ đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ đi vào suy thoái là bởi họ muốn thấy Tổng thống Donald Trump thất bại, nên chỉ chú ý đến các dấu hiệu củng cố niềm tin của họ và ngó lơ các yếu tố khác.

 

Và vì sao thiên hạ vẫn thích dự báo?

Có lẽ con người là sinh vật thích kiểm soát nhất. Mong muốn kiểm soát mọi thứ từng làm máy tính trở thành vật dụng phổ biến, bởi nó cho cảm giác kiểm soát rõ nhất. Còn gì thích hơn khi bấm chuột gõ nút người ta có thể biến hóa cho chữ viết to lên, nhỏ xuống, tô đậm, in nghiêng... Nhạc thì có sẵn khắp nơi nhưng người ta vẫn cất công học đàn; dù gượng gạo thì vẫn là những nốt nhạc do họ tự phát ra - một dấu hiệu của quyền kiểm soát. Dự báo là phóng chiếu sự kiểm soát vào tương lai. Điều lạ là phóng chiếu sai ít ai để ý, còn phóng chiếu đúng, dù chỉ đúng một phần hay đúng theo cách diễn giải mới, lại được tung hô như tiên tri.

Ngược với mong muốn kiểm soát là nỗi sợ hãi sự bất định của con người. Tương lai càng bất định chừng nào, con người càng cảm thấy bị đe dọa. Biến đổi khí hậu đi kèm với những hậu quả to lớn, thế nhưng ít ai sợ biến đổi khí hậu bằng nỗi sợ vô hình sẽ phải sống trong một xã hội mất quyền riêng tư, nhất cử nhất động đều bị giám sát.

Đã có nhiều thông tin, nhiều dự báo về biến đổi khí hậu trong khi các công nghệ deepfake, nhận diện gương mặt hay theo dõi vị trí vẫn còn mơ hồ, các ứng dụng vẫn còn chưa xác định rõ. Nhà tâm lý học David Ropeik đưa ra ví dụ: Một người phóng xe với tốc độ 120km/h trên cao tốc vắng vẻ sẽ thấy bình thường khi mắt mở to nhìn rõ con đường đằng trước, so với một người chạy rất chậm trên đường quê vắng vẻ nhưng mắt bịt kín - ai sợ ai không đã rõ.

Với nhiều người, kiến thức là sức mạnh giúp họ kiểm soát được xung quanh, dù sự kiểm soát này chỉ là ảo tưởng. Dự báo tương lai cũng là một dạng kiến thức nên dù đúng dù sai, chúng giúp con người có được cảm giác mở to mắt khi tiến về phía trước.

Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy một số dự báo cứ được lặp đi lặp lại, như mấy năm rồi rất nhiều dự báo nói về tiềm năng to lớn của blockchain. Đó là bởi dự báo là nhu cầu muốn biến một mong ước thành hiện thực. Các dự báo được đưa ra không hẳn là dự báo; đúng hơn chúng là mục tiêu con người muốn hướng đến, đáng tiếc họ không có lời giải làm sao tiến đến mục tiêu đó - vậy thì thay vì gọi nó là mục tiêu, họ gán cho nó cái tên xu hướng - cũng là một cách tự trấn an trước tương lai bất định.■

Các kinh tế gia: Bậc thầy… dự đoán sai

Trong nhiều thứ dự báo dựa trên (hoặc có vẻ dựa trên) dữ liệu và một cơ sở suy luận logic, kinh tế học có lẽ là tệ nhất.

Dự báo kinh tế, nếu nó là một khoa học, là một khoa học cực kỳ thiếu chính xác. Hồi tháng 2-2019, Andrew Brigden, kinh tế gia trưởng ở Công ty London Fathom Consulting, đã tổng hợp dữ liệu và thấy rằng trong 469 cuộc suy thoái kinh tế ở nhiều nước từ năm 1988, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ dự đoán đúng 4 cuộc vào mùa xuân năm trước đó, một tỉ lệ không tới 1%! Nhưng các kinh tế gia ở IMF có thể bào chữa rằng các đồng nghiệp của họ cũng chẳng khá hơn.

Một nghiên cứu công bố đầu năm 2019 của Zidong An, Joao Tovar Jalles và Prakash Loungani thấy rằng trong 153 cuộc suy thoái ở 63 nước giai đoạn 1992 - 2014, chỉ 5 cuộc là được các kinh tế gia tiên đoán vào tháng 4 năm trước đó.

Họ cũng gặp những vấn đề với công việc dự đoán nói chung, như đã nêu trong bài, nhưng Loungani nêu thêm một lý do: Không giống giám đốc các quỹ đầu tư, các kinh tế gia không bị ràng buộc thu nhập của họ với những tiên đoán của họ. Ngoài ra, còn có vấn đề “tư duy bầy đàn”: Những người có chuyên môn sẽ thấy an toàn hơn khi cùng dự đoán với đám đông thay vì một mình “lội nước ngược”. Đó cũng là lý do khiến việc không dự báo đúng một đợt suy thoái là lỗi phổ biến hơn nhiều so với dự đoán sai về một đợt suy thoái không xảy ra.

Cuối cùng là một vấn đề cố hữu của con người: Chúng ta kém cỏi trong việc tổng hợp dữ liệu hơn là chúng ta tưởng. Lấy ví dụ, để dự báo xem có mưa hay không, các nhà khí tượng học phải dựa vào nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ bầu khí quyển, áp suất khí quyển, độ ẩm… tất cả tạo thành một hệ thống quá phức tạp. Thử tưởng tượng sẽ còn khó khăn ra sao với các biến số tạo thành nền kinh tế của một quốc gia, trong trường hợp của những nhà kinh tế học!

LOAN PHƯƠNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận