Việc nhỏ, việc lớn

TTCT - Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, VN chỉ có 30% số trường học có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Tại nông thôn, 88% nhà vệ sinh các trường học không đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành, trong đó 25% số trường học không có nhà vệ sinh. Cũng theo Liên Hiệp Quốc, hơn 80% hộ gia đình nông thôn VN, tức khoảng 50 triệu người, trong đó có 18 triệu trẻ em, không được sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Vì không có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn nên học sinh, sinh viên phải sử dụng và trở lại với “môi trường thiên nhiên” là điều tất yếu. Điều này dẫn tới môi trường xung quanh bị hủy hoại và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả cộng đồng, nhất là các em nhỏ.

Một thành phố hiện đại như TP.HCM có rất ít trường học có nhà vệ sinh đủ chuẩn. Có một thực tế đáng buồn là nhiều trường học nhà vệ sinh cho giáo viên rất hoành tráng còn cho học sinh thì rất đáng sợ. Lâu nay chúng ta cứ muốn làm những điều to lớn tầm vĩ mô, trong khi những vấn đề nhỏ như nhà vệ sinh trong các trường học thì hầu như ít ai để ý đến. Đây chính là một nghịch lý trong việc quản lý xã hội ở VN. Mọi việc lớn đều bắt nguồn từ việc nhỏ, không thể làm việc nhỏ thì không thể làm việc lớn.

VN đã tham gia thực hiện chương trình thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa số người không có điều kiện sử dụng vệ sinh cơ bản, đến năm 2010 có 70% hộ gia đình và 100% các trường học có nhà vệ sinh đạt chuẩn khó có thể đạt được trong tình hình hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với một đồng chi tiêu để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, xã hội tiết kiệm được khoảng chín đồng chi phí cho y tế, giáo dục và các chi phí kinh tế - xã hội khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận