Xây dựng nhà Quốc hội: Nên tổ chức lại cuộc thi hiến kế ý tưởng mới - Vì sao?

KTS NGUYỄN HỮU THÁI 18/10/2007 11:10 GMT+7

TTCT - Việc công bố kết quả cuộc thi thiết kế hồi tháng 9-2007 vừa qua lại làm dấy lên cuộc tranh cãi của mấy năm trước.

Phóng to
Phương án được trao giải A

Do các phương án được đề xuất trong các cuộc thi ý tưởng kiến trúc từ năm 2003 cho đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu nhà Quốc hội mới, vấn đề tìm kiếm ý tưởng thiết kế độc đáo hơn lại được đặt ra.

Về chất lượng các phương án được chọn trong cuộc thi thiết kế nhà Quốc hội mới năm nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, sau cuộc trưng bày toàn bộ các phương án tham gia cuộc thi tại Hà Nội và TP.HCM.

Do nhà Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, vị trí và tính biểu tượng cần phải được chú ý trước tiên. Công năng trong thời đại mới tuy quan trọng nhưng không thể lấn át tính biểu trưng của công trình. Nhiều người quan tâm (trong cũng như ngoài nghề kiến trúc) chưa thật sự hài lòng với các phương án được chọn trao giải.

Không ai chủ trương Quốc hội phải mang đường nét nhại cổ, giả cổ mới gọi là dân tộc, nhưng dẫu sao tòa nhà cũng phải mang nét biểu trưng Việt Nam. Phải chăng người mình sinh sống trong vùng nhiệt đới, nhà cửa thoáng đãng với cây xanh mặt nước, phong cách dân tộc cũng thể hiện qua việc sử dụng vật liệu địa phương. Không nên lạm dụng nhôm, kính, bêtông mà phải chú trọng sử dụng nhiều vật liệu trong nước như đất nung, đá gỗ tự nhiên... khá phong phú ở nước ta. Điều đó rõ ràng là chưa thấy thể hiện qua các phương án được trưng bày.

Tôi chú ý nhận xét của các nhà kiến trúc nước ngoài là các phương án dự thi hầu như không đề xuất các biện pháp bảo vệ an ninh và tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đó là các vấn đề nóng bỏng nhất trong thiết kế công trình công cộng trên thế giới ngày nay.

Phải thừa nhận các phương án đề xuất chưa đáp ứng được yêu cầu nhà Quốc hội như mọi người đang mong đợi.

Phóng to

Đơn cử phương án đoạt giải A (có khả năng được chọn để thi công), tuy công năng có vẻ hợp lý, nghiên cứu công phu nhất nhưng vẫn mang nặng tính hiện đại chung chung của thế giới, công trình này đặt ở nước nào cũng được, không nhất thiết ở nước ta. Nhìn từ bên ngoài ta chỉ thấy lổn nhổn, nhô ra thụt vào các khối bêtông hình hộp lạnh lùng theo phong cách kiến trúc quốc tế của thế kỷ trước!

Các phương án khác tuy có nỗ lực tạo nên một biểu trưng nào đó khi cố tình nhấn mạnh khối phòng họp chính, tạo hình ảnh trống đồng, trời tròn đất vuông. Nhưng nhìn chung vẫn chưa có nét gì độc đáo của kiến trúc hậu hiện đại thế giới thế kỷ 21 hoặc ít nhất cũng toát lên được đường nét kiến trúc Việt, vừa hiện đại vừa dân tộc. Với các phương án được trưng bày, phải chăng chúng ta còn có quá ít lựa chọn?

Do vậy, không nên quá vội vã mà cần nghĩ cách làm sao tổ chức lại cuộc thi hiến kế ý tưởng kiến trúc một cách rộng rãi hơn. Kỳ này nhất thiết phải mời gọi cho được sự tham gia của các kiến trúc sư tên tuổi thế giới, như Trung Quốc đã từng làm cho các công trình trọng điểm mang tính quốc gia ở Bắc Kinh. Như vậy mới mong có được các gợi ý độc đáo cho công trình ta mong muốn là phải độc đáo, và nói lên được ý chí vươn lên của nhân dân ta bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập mới.

Theo thông lệ quốc tế là phải tiến hành cử (hoặc thuê) ngay một đơn vị tư vấn có đủ năng lực cố vấn cho công tác này tiến hành chu đáo từ đầu đến cuối. Việc này rất quan trọng, quyết định sự thành bại của dự án. Trước mắt phải soạn thảo lại đầu bài (nhiệm vụ thiết kế) thực tế hơn. Nhóm chuyên gia này còn tham gia vào việc đề cử hội đồng giám khảo uy tín, đóng vai trò phản biện và góp ý hoàn thiện phương án được chọn.

Một số nhà quốc hội tiêu biểu trên thế giới

Có hai xu hướng xây dựng nhà quốc hội trên thế giới:

1. Vẫn giữ nguyên công trình cũ, gắn kết với khu vực lịch sử lâu đời ở trung tâm thủ đô.

Phóng to

Tòa nhà Palais Bourbon (dinh thự dòng họ hoàng tộc Bourbon, xây dựng từ năm 1722) được lấy làm nhà Quốc hội Pháp vào năm 1795. Tòa nhà nay đã cũ nhưng người ta vẫn duy trì làm nhà quốc hội vì nó nằm trong cái lõi trung tâm lịch sử thủ đô Paris. Thành phố đã xây dựng khu vực hiện đại La Défense nhưng vẫn không di dời nhà quốc hội về đó.

Điện Capitol là nhà quốc hội Mỹ vẫn sừng sững giữa thủ đô Washington D.C. từ năm 1792, vào thời kỳ đầu hình thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nay chỉ tăng cường tiện nghi hiện đại bên trong cho phù hợp với yêu cầu thời đại mới.

Điện Westminster, Anh, là nhà quốc hội được xây dựng từ năm 1860. Không ai có ý định phế bỏ nó tuy nước Anh đã bước vào thời phát triển hậu hiện đại.

Tòa nhà quốc hội cổ kính Reichstag của Đức được xây dựng năm 1871, nay vẫn được duy trì giữa Berlin dù thủ đô nước này đã được xây dựng lại hầu như hoàn toàn mới do bị hủy hoại nặng nề trong Thế chiến 2. Nay tòa nhà chỉ thêm phần vòm kính hiện đại và tăng cường tiện nghi mới bên trong.

2. Xây mới theo hướng hiện đại tại trung tâm thủ đô mới.

Phóng to

Nhà quốc hội Brazil ở thủ đô Brasilia được xây mới hoàn toàn khi nước này quyết định dời thủ đô cũ ven biển vào sâu trong đất liền (nhằm mở mang vùng đất nội địa hoang vu không được chú ý khai khẩn). Nhà quốc hội mới xây dựng vào những năm 1960 là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới.

Nhà quốc hội tại thủ đô Canberra ở Úc gồm hai phần tồn tại song song: nhà quốc hội cũ vẫn giữ nguyên vị trí (biến thành nơi tiếp tân), nay xây thêm và đưa vào sử dụng nhà quốc hội hoàn toàn làm theo kiểu mới, qui mô lớn và hiện đại hơn, ở phần đất cao hơn đằng sau.

Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa (nhà quốc hội kết hợp với trung tâm hội nghị) ra đời năm 1959 tại quảng trường Thiên An Môn cũng là một công trình mới xây dựng sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nay vẫn còn giữ lại và hoạt động tốt, tuy khắp Bắc Kinh ngày nay đã mọc lên nhiều công trình mới mang phong cách hậu hiện đại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận