75 năm kết thúc Thế chiến II: Ảm đạm vì COVID-19

DANH ĐỨC 15/05/2020 23:05 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên kể từ kết thúc Thế chiến 2 chống phát xít Đức, ngày kỷ niệm chiến thắng diễn ra trong tĩnh mịch, nhất là khi đây là kỷ niệm lần thứ 75 (9-5-1945). Những quốc gia thừa kế của chiến thắng đang phải nhún mình trước COVID-19 và loay hoay tìm lối thoát.

Sau hai tháng tương đối bình yên, từ tháng 4, nước Nga bắt đầu thấm đòn COVID-19. Ảnh: codastory.com
Sau hai tháng tương đối bình yên, từ tháng 4, nước Nga bắt đầu thấm đòn COVID-19. Ảnh: codastory.com

Từ Paris tới London, từ Washington D.C. tới Matxcơva, những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới hầu như đều phải lặng lẽ đặt vòng hoa tưởng niệm một mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có vẻ là may mắn nhất khi ông còn được hai người tiền nhiệm Francois Hollande và Nicolas Sarkozy “tháp tùng”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể làm tương tự vì ông không còn người tiền nhiệm nào: suốt 20 năm qua từ khi bước vào Điện Kremlin, ông là “chủ nhân” độc nhất vô nhị của mọi quyền hành ở đất nước trải dài từ ven bờ Thái Bình Dương đến Ba Lan từng chiến đấu trên cả hai mặt trận trong Thế chiến 2 (trừ một nhiệm kỳ của “người đóng thế” Dmitry Medvedev 2008 - 2012).

Ông Trump cũng thế, không có các tiền nhiệm quây quần như ông Macron, ông cùng vợ ra trước đài kỷ niệm Thế chiến 2, một bức tường khắc dòng chữ “Nơi đây chúng ta ghi dấu nhịp điệu tự do”. Ở London, ông Boris Johnson lặng lẽ mặc niệm trong hai phút và đọc bài diễn văn mừng chiến thắng trong văn phòng ở số 10 phố Downing.

Tất cả đều giản dị, không diễu binh rầm rộ, không mittinh hoành tráng, không cả lễ lạt tưng bừng như mọi năm, bất quá chỉ cho vài phi đội thả khói màu quốc kỳ, như ở Paris hay Matxcơva!

Tất cả đều cùng tuân thủ quy định sống còn “giãn cách xã hội”. Cũng may là tất cả các nguyên thủ kể trên đều không đeo khẩu trang, một phần nhờ giãn cách, bằng không việc đeo khẩu trang trong lễ kỷ niệm chiến thắng sẽ lại là biểu tượng đầu hàng vô điều kiện con virus. Họ đã thua trận đánh mùa xuân với COVID-19, nhưng vẫn đang chiến đấu ngoan cường, mỗi người mỗi cách.

Đăm chiêu chống dịch

Muốn hay không muốn, nước Nga cũng đang thấm đòn đại dịch. Từ hai ca dương tính đầu tiên, các du khách người Trung Quốc, hôm 31-1, tính đến 11-5, Nga đã ghi nhận 221.344 trường hợp nhiễm virus (thứ ba thế giới) và 2.009 ca tử vong, bất chấp việc Nga theo trường phái “chủ động tích cực xét nghiệm”, với hơn 5,6 triệu xét nghiệm được tiến hành từ 24-1 tới nay.

Trong suốt tháng 2 an toàn trước virus và tháng 3 thiệt hại còn chưa nặng, Nga đã tỏ ra tự tin, thậm chí mở lòng chi viện châu Âu và Hoa Kỳ. Hôm 22-3, Nga loan báo gửi 100 quân y sĩ và chuyên gia sang Ý cùng 9 máy bay chở thiết bị.

Đến 31-3, một máy bay vận tải quân sự chở máy thở, mặt nạ cùng thiết bị y tế đã rời phi trường Chkalovsky (gần Matxcơva) vào buổi tối và tới sân bay John F. Kennedy, Mỹ chiều 1-4. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov hồ hởi loan báo: “Ông (Tổng thống Mỹ Donald) Trump đã chấp thuận chuyến bay viện trợ nhân đạo này”, còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus giải thích rằng Mỹ thật ra mua số thiết bị này, và vì “nước Mỹ không thể đối phó với đại dịch toàn cầu một mình”. Một bên khoe là “viện trợ”, một bên quả quyết là “mua”!

Đài RFI Pháp ngữ bình luận: “Viện trợ của Nga (và Trung Quốc) cho Ý không phải là vô tư phi vụ lợi: Nga giúp đỡ châu Âu và Điện Kremlin muốn điều này được biết đến... Đối mặt với một châu Âu trong tình trạng khẩn cấp và một Donald Trump đang vật vã kiểm soát tình hình, Matxcơva chơi một lá bài vừa mang tính ngoại giao vừa mang tính nhân đạo”.

Có thể bàn thêm: chính trong đại dịch, Nga có cơ hội ngàn năm một thuở để “cứu nhân độ thế” hai đối thủ vẫn đang trừng phạt họ từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.

Nhưng mấy ai học được chữ ngờ. Dù đã mau mắn xét nghiệm một cách hệ thống, song không hiểu sao sau hai tháng tương đối bình yên (đến ngày 31-3, mới có 2.337 ca dương tính), sang tháng 4, dịch bệnh lại tấn công nước Nga ồ ạt.

Nước Nga đang hăng hái với vai “cứu trợ” EU và cả Mỹ bỗng dưng khựng lại. Sang đến tháng 5 thì tình hình đã là nguy ngập: Nga giờ có tổng số ca nhiễm thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Bối cảnh đó khá u ám, và như nhiều nước, Nga cũng phải đối mặt bài toán lựa chọn phòng dịch và kinh tế. Mới đây, ông Putin đã đưa ra một quyết định được coi là táo bạo: giãn phong tỏa xã hội để có làm ăn trở lại phần nào, khi mà nền kinh tế và cả ngân sách Nga đang chịu sức ép lớn vì giá dầu giảm thấp chưa từng thấy (39% ngân sách 2019 là từ thuế bán dầu khí).

“Các tính toán chỉ ra rằng suy thoái kinh tế ở Nga lần này có thể tồi tệ hơn so với cả hai cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 và 2014 - 2015. Một ước tính cơ sở cho thấy GDP có thể giảm hơn 8% chỉ vì giá dầu giảm. Tính toán trên rõ ràng không bao gồm tác động của tình hình dịch bệnh lên các doanh nghiệp và hộ gia đình, cũng như khả năng của chính phủ để giảm thiểu hậu quả tiêu cực.

Nếu tính cả các vấn đề phát sinh trực tiếp do dịch bệnh, GDP thực tế của Nga có thể giảm hơn 10% trong năm 2020”, theo báo cáo Cập nhật kinh tế Nga ngày 15-4-2020 của Free Policy Briefs, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên về Trung và Đông Âu.

Do nhiều yếu tố, bao gồm nguồn lực hạn hẹp, chính quyền Liên bang Nga chỉ xoay xở hỗ trợ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở quy mô rất hạn chế: khoảng 10 tỉ đôla đã được giải ngân cho khu vực này, theo Time ngày 26-4, dù các SME chiếm đến 42% nền kinh tế.

Chính quyền cũng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động với hai điều kiện: tính đến ngày 1-4 phải giữ lại 90% số nhân viên; và trợ giúp trong hai tháng cho những người mất việc, mỗi tháng 160 đôla/người.

Nhưng trên thực tế, không mấy công ty đủ tài chính để giữ đến 90% nhân viên, còn mức 160 đôla/tháng chẳng bõ bèn gì. Thành ra, một kháng nguyện trên change.org xin chính phủ hạ thuế còn 0% trong 6 tháng đã thu được gần 360.000 chữ ký tính đến sáng 12-5.

Giống nhau mà khác nhau

Áp lực phục hồi hoạt động kinh tế với giới lãnh đạo chính trị, dù là Âu, Mỹ, Á, lớn không kém áp lực an ninh y tế, an toàn xã hội. Nếu như nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã bước đầu làm chủ được tình hình dịch tễ và kiểm soát được an ninh y tế, thì ở phương Tây không như thế.

Dịch chưa khống chế được, từ Mỹ tới Nga nay là hai nước trong nhóm đầu bảng, cho tới Pháp, Anh, Ý... cũng đều trong top 10. Uy tín chính trị của giới lãnh đạo ở đây đã tổn thương không nhỏ trong mùa dịch, nhưng họ đang tính toán nếu cứ tiếp tục “đóng cửa”, thì sự bất mãn của quần chúng sẽ còn lớn hơn.

So với ông Trump, ông Putin tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Thậm chí có thể cho rằng ông đã nhìn vào gương tày liếp của người đồng cấp Mỹ để xử lý truyền thông mùa dịch. Tổng thống Nga đã nói rõ ông sẽ ủy thác cho các chính quyền địa phương tự đánh giá có hủy phong tỏa được hay không, và căn cứ trên ý kiến các bác sĩ và các chuyên gia, điều hoàn toàn khác, thậm chí là đối lập, với ông Trump.

Ông Putin cũng chỉ hiệu triệu dân chúng qua bốn diễn văn trong mùa dịch, còn thì để Thủ tướng Mikhail Mishustin (đang cách ly) và thủ tướng tạm quyền Andrei Belousov đứng mũi chịu sào, nhưng ông Trump vơ hết cuộc chiến về mình. Lúc đầu ngỡ “ngon ăn”, ông hô đến ngày 30-4 sẽ hết phong tỏa.

“Tôi sẽ trao đổi nhanh với tất cả 50 thống đốc tiểu bang sớm thôi. Sau đó tôi sẽ cho phép các thống đốc thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại tại bang của họ vào một thời điểm và theo cách phù hợp nhất. Ngày đó sẽ rất gần... Thậm chí có thể trước ngày 1-5” - ông Trump viết trên Twitter ngày 15-4.

Ông cũng tuyên bố “nếu là tôi, tôi sẽ uống Choloroquine”, “thử đưa tia cực tím vô người”, hay “tìm cách đưa chất chống khuẩn vô người!”. Thậm chí đến ngày 13-4, tức sau khi đã ban bố tình trạng thảm họa toàn quốc, ông vẫn hô: “Chúng ta đang chiến thắng”, để rồi đến ngày 6-5 phải đối diện các con số lây nhiễm và tử vong kinh khủng: “Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất chúng ta từng hứng chịu. Còn tệ hơn Trân Châu Cảng. Còn tệ hơn vụ World Trade Center!”.

Thật là một sự đối lập quá chừng!■

Thứ tư tuần trước, ngày 6-5, nói chuyện “làm văn hóa” trong mùa dịch, Tổng thống Pháp Macron gợi ý sáng tạo văn hóa, hình dung xem nhân vật bị chìm tàu nổi tiếng nhất thế giới sẽ làm gì trước khi rời tàu: “Khi Robinson Crusoe rời tàu lên đảo, ông ấy đâu có mang theo các tư tưởng lớn, thi ca hay truyện ký.

Ông ấy xuống hầm tàu tìm coi cái gì giúp được ông ấy sống sót. Phô mai, dăm bông, những thứ phải thật cụ thể mới được”. Đó cũng là tình hình chung của nhiều nước sau đại dịch, khi những dân chúng “đắm tàu” vì COVID-19 muốn sớm được thấy những hỗ trợ càng thiết thực càng tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận