TTCT - Ngày chủ nhật 15-8-2021 sẽ ghi vào lịch sử là ngày thủ đô Kabul của Afghanistan tự rơi vào tay phe Taliban - diễn biến cuối của một quá trình tự tan rã đã được chính thức ấn định từ ngày 29-2-2020 bởi hiệp định hòa bình Taliban - Mỹ. Mẩu tin của Bloomberg phát lúc 2h36 (giờ GMT) thứ bảy tuần rồi vang lên như hồi chuông báo tử: “Nhân viên sứ quán Mỹ tại Kabul sáng sớm thứ sáu 13-8 được lệnh hủy bớt tài liệu và các đồ vật nhạy cảm như cờ, logo Mỹ hoặc những thứ khác có thể bị sử dụng để phe Taliban tuyên truyền”.Cũng cảm giác hối hả thật déjà vu mà hai tờ tuần báo Newsweek và Time số phát hành trước ngày 30-4-1975 loan báo việc cơ quan DAO (tùy viên quân sự Hoa Kỳ) di tản các kiều dân Mỹ ở Sài Gòn. Cảnh hỗn loạn tranh giành leo lên máy bay đang lăn bánh (chớ không phải vào trong máy bay) tại phi trường Hamid Karzai ở Kabul hôm thứ hai 16-8 một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ đã không học gì từ lịch sử! Các tay súng Taliban trong dinh tổng thống ở Kabul. Ảnh: time.com Biện bạch của Biden Trong lúc Kabul rơi vào cảnh tan tác, “ngài tổng thống Afghanistan” leo lên trực thăng đào thoát, thì ông Joe Biden nghỉ cuối tuần tại trại David. Báo chí sốt ruột đợi ông giải thích tình hình. Mãi đến sau 3h chiều thứ hai 16-8, về lại Nhà Trắng, ông mới xuất đầu lộ diện và tự biện hộ ông không phải là nguyên nhân của thảm họa hiện nay: “Tôi muốn nhắc mọi người chúng ta đã đến đó thế nào và lợi ích của nước Mỹ ở Afghanistan là gì”.Theo đó, “chúng ta đến Afghanistan gần 20 năm trước với mục tiêu rõ ràng: tóm những kẻ đã tấn công chúng ta ngày 11-9-2001 và đảm bảo rằng Al Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công chúng ta một lần nữa". "Chúng ta đã làm được điều đó, đã khiến Al Qaeda suy sút nghiêm trọng... Chúng ta chưa bao giờ từ bỏ việc săn lùng Osama bin Laden và đã bắt được hắn cách đây chục năm”.Đến đây, ông kể rằng khi là phó tổng thống, ông từng phản đối những người tiền nhiệm đã lạc bước, để lại cho ông cái di sản hôm nay: “Nhiệm vụ của chúng ta ở Afghanistan không bao giờ được phép là lập quốc hay tạo ra một nền dân chủ..." "Lợi ích quốc gia quan trọng duy nhất của chúng ta ở Afghanistan cho đến ngày nay vẫn luôn là ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố vào quê hương Hoa Kỳ”. Rằng ông đã kiên trì chỉ nên tập trung vào chống khủng bố, chớ không chống nổi dậy hay lập quốc cho Afghanistan. Đó là lý do để giờ đây, trong tư cách tổng thống, ông kiên quyết tập trung vào các mối đe dọa mà nước Mỹ năm 2021 phải đối mặt, chớ không phải các mối đe dọa của ngày hôm qua.Ông Biden đi đến tận cùng sự biện minh bằng cách nhắc lại rằng khi lên cầm quyền, ông “thừa hưởng thỏa hiệp mà Tổng thống [Donald] Trump đã đàm phán với Taliban”. Theo đó, lực lượng Hoa Kỳ sẽ rời Afghanistan trước ngày 1-5-2021, chỉ hơn ba tháng sau khi ông nhậm chức. Trên thực tế thời Trump, lực lượng Hoa Kỳ đã giảm từ khoảng 15.500 xuống còn 2.500 quân, còn Taliban đang ở thời kỳ mạnh nhất về mặt quân sự kể từ năm 2001.Đến đây, ông nêu ra thách thức của mình: “Lựa chọn của tôi với tư cách tổng thống là tuân theo thỏa thuận đó và rút quân ra hoặc quay trở lại chiến đấu, đưa vào thêm hàng nghìn lính Mỹ, và bước vào thập niên thứ ba của cuộc xung đột với Taliban”. Ông sử dụng những lời lẽ lấy nước mắt: “Sẽ còn phải đưa bao nhiêu thế hệ thanh niên nam nữ Hoa Kỳ đến chiến đấu trong cuộc nội chiến của Afghanistan nữa khi mà quân đội Afghanistan vẫn không chiến đấu? Sẽ còn bao nhiêu sinh mạng người Mỹ, bao nhiêu hàng bia vô tận trên đầu các ngôi mộ tại nghĩa trang quốc gia Arlington?”.Có gì đó lấn cấn ở lập luận này. Ông Biden đổ lỗi cho thỏa thuận của ông Trump với Taliban. Song, nếu như ông nay phải bỏ Afghanistan mà đi vì quân đội Afghanistan không chịu đánh đấm, thì đó cũng là lý do khiến ông Trump quyết định bỏ của chạy lấy người!Déjà vuNhững người Mỹ có trí nhớ tốt một chút, như Annie Linskey của tờ The Washington Post (15-8) đều thấy sống lại một quá khứ chưa xa: “Hồi đó cũng như bây giờ, Biden không bị lay chuyển bởi các lập luận của quân đội là nếu dành thêm thời giờ và tiền bạc, sẽ có thể thay đổi các động lực trên thực địa hoặc ít nhất là trì hoãn được kết cuộc". "Hồi đó cũng như bây giờ, Biden đặt câu hỏi về lợi ích của việc tiếp tục một cuộc xung đột mà với ông là đã thua mất rồi. Hồi đó cũng như bây giờ, ông sẵn sàng tăng viện trợ của Hoa Kỳ chỉ để đảm bảo an ninh cho việc triệt thoái mà thôi”.Linskey thuật lại trong một cuộc trò chuyện riêng với Richard Holbrooke, người từng là đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama tại Afghanistan và Pakistan, ông Biden đã lập luận rằng Hoa Kỳ không có nghĩa vụ với những người Afghanistan từng tin cậy họ: “Chúng ta không phải lo chuyện đó... Chúng ta từng làm vậy ở Việt Nam. Nixon và Kissinger có đếm xỉa gì [đến người Việt Nam] đâu”.Ông cũng được cho rằng đã bác bỏ ý kiến nói Mỹ có nghĩa vụ đạo đức ở Afghanistan: “Tôi không đưa con trai tôi trở lại đó để liều mạng vì nữ quyền”. Chưa hết, Linskey nhắc chuyện nghị sĩ trẻ Joe Biden đầu năm 1975 từng lên tiếng bác viện trợ cho Campuchia thời Lon Nol: “Tôi đã phát bệnh vì nghe chuyện nghĩa vụ đạo đức này. Đã đến lúc ta không thể đáp ứng các nghĩa vụ đạo đức của mình trên thế giới nữa”. Cũng thế là chuyện viện trợ tiếp cho Sài Gòn. Nghị sĩ Joe Biden lúc đó chỉ đồng ý xuất ra vài chục triệu đôla nhằm lo di tản người Mỹ.Chiều thứ hai 16-8 cũng thế: “Tôi đã được yêu cầu, và đã cho phép triển khai 6.000 binh sĩ Hoa Kỳ đến Afghanistan với mục đích hỗ trợ các nhân viên dân sự Hoa Kỳ và đồng minh rời khỏi Afghanistan, đồng thời sơ tán các đồng minh và người Afghanistan dễ bị tổn thương đến nơi an toàn”.Thua do tham nhũng?Bên cạnh điều mà ông Biden quở trách là quân đội và an ninh Afghanistan bất lực, chính phủ nước này còn phạm một “tội nguyên thủy” nữa là tham nhũng. Ông Biden thuật lại rằng khi tiếp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Nhà Trắng hồi tháng 6, ông có nói ông Ghani lo mà chống tham nhũng. Sang tháng 7 rồi, qua điện thoại ông lại nhắc “dọn sạch chính phủ để phục vụ người dân Afghanistan”.Song, sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng tham nhũng là do người Afghanistan, chớ không dính líu gì tới hệ thống mà quân lực Mỹ đã tạo ra ở đấy (hay những nơi khác). Báo chí vẫn thường đăng tin về các “nhà thầu” (contractor) người Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Đó thường là những binh sĩ giải ngũ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng chiến đấu bên cạnh lực lượng đang tại ngũ chính thức, không phải để “chết thay” hay do họ giỏi hơn, mà là để không phải công bố số tử sĩ ngày càng nhiều.Trong bối cảnh chính phủ các nước trong liên minh với Mỹ đều ngại sa vào những tranh luận chính trị ồn ào về số lượng binh lính được triển khai ở Afghanistan và tổn thất họ phải gánh chịu, để giảm thiểu con số thương vong chính thức, quân đội Mỹ đã thuê ngoài rất nhiều người cho mọi loại công việc như bảo trì, nấu ăn, giặt là, hậu cần, và kể cả an ninh. Từ năm 2007, thường xuyên có nhiều nhân viên hợp đồng hơn binh lính trong lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan. Năm 2016 tỉ lệ này 3-1, theo The New Yorker 7-3-2016.Tờ báo này khui ra lỗi hệ thống của quân đội Mỹ: “Một hậu quả là các hình thức tham nhũng cực đoan đến mức quân đội, trong một số trường hợp, đã chi tiền cho chính kẻ thù của mình”. Một tiểu ban Hạ viện Mỹ đã điều tra hệ thống vận tải đường bộ cung cấp cho lực lượng Mỹ. Họ phát hiện hệ thống này, được điều hành bởi một mạng lưới mờ ám gồm các lãnh chúa, những nhân vật có máu mặt địa phương, giới chỉ huy và quan chức Afghanistan tham nhũng, đã chi thẳng tiền “mãi lộ” cho phe Taliban để họ đừng đánh phá các tuyến đường cần bảo đảm an ninh!Báo cáo nêu rõ: “Hệ thống có nguy cơ phá hoại chiến lược của Hoa Kỳ trong việc đạt được các mục tiêu ở Afghanistan”. Báo cáo cũng nói hệ thống đã giúp một số ít cá nhân trở nên rất giàu có, tỉ như Hikmatullah Shadman, chủ sở hữu công ty vận tải đường bộ người Afghanistan, vốn đã kiếm được hơn 160 triệu đôla khi làm việc cho quân đội Hoa Kỳ. Shadman phải ra tòa trong một vụ xét xử ồn ào ở Mỹ nhưng rồi được tuyên vô tội.Kép mới trên sân khấu KabulTrong bài phát biểu biện minh, ông Biden chỉ một lần nói tới Nga và Trung Quốc, mà theo ông, là “hai đại kình địch chiến lược không muốn gì khác hơn là Hoa Kỳ tiếp tục bỏ hàng tỉ đôla nguồn lực và sự chú ý vô thời hạn vào việc ổn định Afghanistan”.Từ một góc nhìn nào đó, việc tổng thống Afghanistan đào thoát bằng máy bay và các cựu nhân viên chính quyền hay cộng tác viên của Mỹ chen lấn nhau trong tuyệt vọng ở sân bay Kabul có thể làm dịu bớt những ký ức buồn của người Nga về cuộc chiến tranh 10 năm của Liên Xô ở Afghanistan 1979 - 1989.Trong diễn văn đọc ngày 15-2-2004 nhân tưởng niệm quân Liên Xô hy sinh tại Afghanistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích: “Chiến tranh ở Afghanistan phản ánh toàn bộ mâu thuẫn và sự phức tạp của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đó là phần “nóng” thực sự của cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài...”. Theo ông Putin, các siêu cường và đồng minh của họ dính líu vào cuộc đối đầu toàn cầu suốt nhiều thập niên, và họ hành động theo logic đối đầu về các lợi ích địa chính trị thời đó.Trở lại với lập luận của ông Biden, vốn cho rằng cuộc chiến 20 năm của Mỹ ở Afghansitan chỉ là để chống khủng bố. Liệu đó có phải là một lời giải thích trung thực? Còn lý do nào khác để quân đội Mỹ lưu lại đây sau khi đã đập tan Al Qaeda và bắt được Osama bin Laden? Phải chăng đó là vì lợi ích địa chính trị? Hoàn Cầu Thời Báo 16-8 có sẵn câu trả lời: “Khi Mỹ xâm lược Afghanistan, mục tiêu của họ không chỉ là loại bỏ chủ nghĩa khủng bố, mà còn là kiểm soát Trung và Tây Á, thậm chí toàn bộ Âu - Á thông qua Afghanistan và Iraq, như một nỗ lực nhằm kềm chế Trung Quốc và Nga”.Nay cả Mỹ và Nga đều là “cựu trào” “ôm đầu máu, chạy mất dép” ở Afghanistan. Nếu so với giải thích của ông Biden chiều 16-8 với giải thích của ông Putin 17 năm trước, có thể thấy sự khác biệt: Ông Putin đủ can đảm để nhìn nhận rằng “dù các quyết định đó sai hay đúng, kết quả là rõ ràng. Liên Xô đã dính vào cuộc chiến vô ích kéo dài gần 10 năm”. Còn ông Biden vẫn khăng khăng cho rằng Mỹ chống khủng bố xong rồi đi.Dẫu thế nào, giờ là lúc “kép độc” mới sắp bước lên sân khấu. Ngay từ năm 2013, nhà nghiên cứu Zhao Hong đã viết rằng cho dù trong quá khứ Afghanistan chưa hề là một ưu tiên đối ngoại của Trung Quốc, những năm gần đây, khi nhận thấy Mỹ sẽ phải rút quân và lợi ích của Trung Quốc ở đây đang gia tăng nhanh chóng, Bắc Kinh đã điều chỉnh lập trường. Dự báo 8 năm trước đó nay đã trở thành thực tế, phản ánh điều mà theo tác giả, là một kênh lý tưởng để Trung Quốc thực hiện chiến lược “Tây du” (March West), mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược sang Trung Á, Trung Đông và xa hơn nữa.Vũ khí cho Taliban từ đâu?Times of India 14-8 quả quyết rằng từ những ngày hình thành chế độ Taliban ở Kabul thời Liên Xô còn hiện diện cho đến năm 2001, rồi đến tận ngày nay, quốc gia cho thấy những động thái ủng hộ Taliban rõ ràng nhất là Pakistan. Theo các nhà phân tích và các nhóm nhân quyền của Pakistan và quốc tế, trong hàng ngàn trường Hồi giáo khắp Pakistan, học sinh được truyền bá để tham gia “thánh chiến” ở Afghanistan. Trong nhà thờ Hồi giáo và trên đường phố ở tỉnh Khyber Pukhtunkhwa giáp Afghanistan, các chiến binh công khai rao giảng thánh chiến. Các giáo sĩ ở nhiều vùng khác nhau của đất nước cũng kêu gọi sự ủng hộ cho Taliban ở Afghanistan, thậm chí còn kêu gọi dân chúng quyên góp. Có rất nhiều câu chuyện về những tân binh Taliban vượt qua biên giới sang Pakistan để được huấn luyện và trang bị vũ khí, khí tài. Ở đây, có một con số cần nhắc: Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2016 - 2020, có 38% lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc là cho Pakistan. Tags: MỹAfghanistanJoe BidenMỹ rút khỏi AfghanistanTaliban
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.