Âm mưu đảo chính ở Đức: Kỳ quặc nhưng không vô hại

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE 29/12/2022 12:04 GMT+7

TTCT - Chẳng ai tin nổi ở nước Đức ngày nay lại có thể xảy ra một âm mưu đảo chính, vậy mà…

Âm mưu đảo chính ở Đức:  Kỳ quặc nhưng không vô hại - Ảnh 1.

Thân vương Heinrich XIII bị cảnh sát đặc nhiệm Đức dẫn đi. Ảnh: Stuttgarter Zeitung

Một ngày đông âm u đầu tháng 12, giữa cơn hối hả gấp gáp đi lùng quà cáp cho bạn bè và người thân dịp Giáng sinh - vốn là "bệnh dịch" thường niên của người Đức - chợt dư luận xứ này đối đầu với dòng tin ngắn về "một trong những chiến dịch lớn nhất của cảnh sát chống lại một tổ chức khủng bố trong những năm gần đây", theo lời Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Hessen, Peter Beuth - người đứng sau cuộc ra quân rầm rộ của 3.000 cảnh sát.

Trước đó, chẳng ai tin nước Đức đứng trước nguy cơ một cuộc đảo chính. Và thực ra có nên tin?

Công dân đế chế

Cái danh hiệu này chỉ mới với người ngoài cuộc. Reichsbürger, hay "công dân đế chế", là hiện tượng không hề hy hữu ở xã hội Đức hiện tại. Lực lượng bảo hiến ghi nhận chừng 23.000 cá nhân ít nhiều có cảm tình, ủng hộ thụ động hoặc tích cực tham gia phong trào này.

Thuật ngữ này khá chung chung, thậm chí thiếu chính xác, nhưng được hiểu là ám chỉ những cá nhân và tổ chức theo đuổi quan điểm cho rằng Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia bất hợp pháp, nên không và không thể tồn tại theo luật pháp quốc tế. 

Điều đó đồng nghĩa Đế chế Đức với đường biên giới cũ ở thời điểm năm 1871 mới là hợp pháp và tiếp tục tồn tại, dù chính thể ấy không có quyền lực nhà nước trên thực tế. Công dân đế chế mơ rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại và hiến pháp của nó còn giá trị, vì vậy họ cũng yêu cầu chắt của Đức Hoàng Wilhelm II, người đã thoái vị vào năm 1918, lên ngôi chí tôn. 

Có điều những người này không hề là một tổ chức thống nhất, họ thậm chí cạnh tranh dữ dội về chuyện ai mới là "chân mệnh thiên tử", nên rất khó nói đến một "phong trào Công dân Đế chế". Cho đến khi nổ ra vụ bố ráp vừa rồi.

Công dân đế chế phủ nhận Cộng hòa liên bang Đức, do đó bác bỏ tính chính danh của cả các đại diện chính trị, tòa án và lực lượng cảnh sát hiện hữu.

Không thể xác định chính xác ngày ra đời "phong trào Công dân Đế chế" này. Các mầm mống sơ khai được cho là xuất hiện trong môi trường hữu khuynh cực đoan ngay sau Thế chiến II, chẳng hạn như "Đảng Đế chế xã hội chủ nghĩa" (SRP), dù không tồn tại một cách chính thức. "Kommissarische Reichsregierung" (KRR), tức Chính phủ Đế chế lâm thời, được coi là tổ chức thường trực đầu tiên theo nghĩa này.

Nó ra đời vào năm 1985 với lãnh tụ là công nhân đường sắt Wolfgang G. G. Ebel - người tự xưng là "Thủ tướng Đế chế Đức". Nhưng không chỉ có Ebel xưng vậy. Cạnh tranh ông còn có nhiều tổ chức lỏng lẻo khác, dẫn đến rất nhiều "chính phủ đế chế" và một loạt "thủ tướng" và "bộ trưởng" kèm theo. 

Các nhóm tương tự đặc biệt bùng nổ lần nữa vào giữa những năm 2000, nhưng ít được dư luận để ý. Cộng hòa liên bang Đức là một nền dân chủ khai phóng, rất thoáng về tự do ngôn luận, ai muốn xưng gì thì xưng, miễn là đừng làm hại người khác. 

Người Đức vẫn tin rằng một nền dân chủ vững mạnh đủ sức "chấp" mấy đảng phái cực hữu, kể cả khi chúng mang màu sắc phát xít mới rõ rệt.

Heinrich XIII - tân vương cơ cấu

Quan trọng nhất và được chú ý nhất trong 25 người bị bắt ở nhà mình tại Frankfurt là nhân vật Heinrich XIII Prinz Reuss, năm nay 71 tuổi (vài nguồn nói 73 tuổi). Phải chăng ông là người có dòng dõi quý tộc thực sự và âm mưu trở thành tân nguyên thủ quốc gia Đức thay cho Tổng thống Liên bang dân cử hiện tại Frank-Walter Steinmeier? 

Nghe có vẻ điên rồ, hoặc giống chuyện cổ tích. Nhưng Văn phòng Công tố viên liên bang đã chính thức buộc tội họ lên kế hoạch một cuộc nổi dậy ở Đức, bao gồm cả tấn công vũ trang vào tòa nhà Quốc hội để lật đổ hệ thống dân chủ và thành lập chính phủ mới. 

Nói cách khác là bạo loạn có vũ trang ở một đất nước mà luật pháp hình sự có quy định, chẳng hạn, đạp vào người khác không bằng chân trần mà đi giày đã bị coi là tấn công có vũ khí!

Vì vậy thật khó giải thích cho người ở xa: mấy ngày vừa qua tôi tình cờ có việc ở Đức, cũng phải gặp một số người trong cơ quan chức trách, và không có lấy một người tỏ ra mặn mà với sự kiện trên. 

Tội vạ có vẻ do một mình vị quý tộc hoàng thân Heinrich XIII Prinz Reuss kia gánh: một nhân vật bị coi là ngớ ngẩn đến mức chẳng ai tin vào nguy cơ thực sự với chính quyền hiện tại. Dù trong đám người bị cảnh sát "thăm hỏi" vừa qua có cả một thẩm phán, một số trí giả, cựu sĩ quan và binh sĩ đã tỏ ra hào hứng với âm mưu đảo chính điên rồ ấy.

Nhân vật chính của chúng ta thuộc dòng họ Reuss được cho là có thể lần gia phả về tận thế kỷ XII, từng nắm vai trò quan trọng trong bộ máy cai trị ở bang Thüringen ngày nay, một trong 16 tiểu bang của Đức. 

Trên trang mạng của Heinrich XIII Prinz Reuss, người ta thấy gia huy nhà Reuss được trang điểm với khẩu hiệu "Tôi tin Chúa", dưới đó là dòng quảng cáo sơ sài về hoạt động kinh doanh bất động sản.

Một thành viên trong gia đình, được tờ Die Zeit trích dẫn ẩn danh, nghi ngờ rằng việc tấn công nhà nước nhằm lấy lại đất đai và của cải đã bị tịch thu sau Thế chiến II - điều từng khiến Heinrich XIII suy sụp và cay đắng. 

Hồi 2019, ông từng phát biểu với tư cách diễn giả ở diễn đàn Worldwebforum, Thụy Sĩ. Trong đó, ông nói kể từ Thế chiến II, Đức không còn là một nước có chủ quyền mà bị cai trị bởi các nước đồng minh Nga, Anh và Pháp. Ông đổ lỗi cho dòng họ Do Thái Rothschild đã tài trợ cho nhiều cuộc chiến tranh và phong trào cách mạng nhằm loại bỏ chế độ quân chủ. 

Gia đình riêng của ông đã quay lưng với ông từ lâu. Một phát ngôn viên dòng họ Reuss từng nhấn mạnh vào mùa hè 2022 rằng nhiều năm nay họ không liên hệ gì với ông già vừa bị bắt ở Frankfurt. Người này mô tả Heinrich XIII là "một ông già lẩm cẩm" bị lôi cuốn vào "những ý tưởng sai lầm sặc mùi thuyết âm mưu".

Lẩm cẩm nhưng không vô hại

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi coi nhẹ hiện tượng Heinrich XIII. Phong trào cực hữu nhiều năm qua cho thấy nó rất nguy hiểm, dù nhiều khi nghe có vẻ điên rồ. 

Tình hình dần nghiêm trọng nhất là từ 2015, khi Đức trở thành quốc gia nhập cư đúng nghĩa, thành điểm đến cho các luồng dân cư tị nạn chiến tranh ồ ạt đặc biệt từ Syria và Ukraine. Những vụ công kích do kỳ thị sắc tộc đe dọa xã hội Đức, vốn đang hướng tới tính đa văn hóa.

Và không chỉ ở Đức. Sau các vụ bố ráp ở Đức, láng giềng Áo cũng tổ chức mấy cuộc khám nhà tương tự, và nhiều người Áo đang tự hỏi điều gì đang xảy ra ở quê hương mình. Trào lưu "Công dân Đế chế" kiểu Đức cũng xuất hiện ở Áo. 

Nặng ký nhất có lẽ là "Liên minh các quốc gia Áo" (tự xưng), vốn đã thu hút sự chú ý của nhà chức trách từ lâu. Các năm 2018 và 2019, Áo đã mở nhiều phiên tòa ở Graz truy tố tội phản quốc và liên kết chống nhà nước. Năm 2017, chính quyền Áo ước tính có 1.200 người ủng hộ và ít nhất 20.000 người có cảm tình với giới cực hữu. 

Năm 2019, khi các bản án tù dài hạn cho đám thủ lĩnh "Liên minh các quốc gia Áo" kết thúc, con số này đã lên tới 2.700.

Các phiên tòa ở Graz đã phô ra một thế giới kỳ quái: công dân đế chế ra đường với biển số xe tự tạo, tự soạn ra cái gọi là "Luật hàng hải" dù cả nước không có lấy một mét đường biển, và bán sổ đỏ các bất động sản tưởng tượng. 

Họ phủ nhận luật pháp Áo hiện hữu, thay vào đó nói tới một dạng luật quốc tế được giải thích rất tự do theo thuyết âm mưu, thậm chí kêu gọi quân đội quốc gia bắt giữ các chính trị gia cầm quyền theo danh sách thảo sẵn.

Những hành động đơn lẻ đó không thể sánh với kế hoạch lật đổ của nhóm khủng bố Reichsbürger ở Đức, nhưng vẫn phải ghi nhận rằng kể từ cuộc khủng hoảng COVID, những kẻ từ chối nhà nước đã dám bước ra khỏi bóng tối và ngày càng được công chúng chú ý nhiều hơn. ■

Các tổ chức giống như Reichsbürger cũng hoạt động ở Thụy Sĩ. Họ nói chung chưa hình thành được các mạng lưới có mục tiêu đồng nhất, nhưng không vì thế mà bớt đi nguy hiểm. Đầu năm nay, một vụ tố tụng trước tòa án quận ở tỉnh Thurgau (Thụy Sĩ) xử một vi phạm đơn giản về yêu cầu đeo khẩu trang. Nhưng vụ việc bùng nổ dữ dội: một đám đông cổ vũ điên cuồng cho bị cáo, họ cũng từ chối đeo khẩu trang.

Bản thân bị cáo - người ủng hộ một tổ chức bí ẩn với tên gọi "Tòa án thông luật toàn cầu" (Global Court of the Common Law, GCCL), một kiểu tòa án giả tưởng kiêm giáo phái, từ chối công nhận cả luật pháp lẫn nhà nước Thụy Sĩ - đã chộp lấy micro và bắt đầu một bài công kích hung hãn, đòi cảnh sát có mặt ở tòa bắt giữ công tố viên và thẩm phán!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận