Âm nhạc xưa & nay: "Kém" từ giai điệu tới lời ca

XUÂN TÙNG 01/09/2024 06:48 GMT+7

TTCT - Nhưng chưa chắc nhạc nay không hay bằng nhạc xưa.

Âm nhạc xưa & nay: "Kém" từ giai điệu tới lời ca  - Ảnh 1.

Ảnh: earth.com

"Xách dép cho nhạc xưa". Khi nhìn vào âm nhạc thịnh hành của giới trẻ, lớp người đi trước gần như không tránh khỏi việc so sánh khắt khe với âm nhạc một thời vang bóng mà họ quen thuộc. Cảm nghĩ này không phải là không có cơ sở, nếu nhìn vào một vài nghiên cứu âm nhạc học về giai điệu và lời ca mới được công bố gần đây.

Khi nhắc đến "giai điệu" của bản nhạc đại chúng, ta thường hiểu đó là giai điệu của phần hát từ ca sĩ (hoặc trong một số trường hợp là một nhạc cụ chính). Một giai điệu hay sẽ khiến người nghe khó quên và đôi khi hát thầm theo trong vô thức - hai ví dụ điển hình là Giao hưởng số 5 của Beethoven và ca khúc Poker Face của Lady Gaga. Đây cũng là phần dễ nhận ra nhất và quyết định phần nhiều thành công của mỗi bản nhạc.

Dữ liệu cho thấy các ca khúc ngày càng có giai điệu kém phức tạp hơn, trong khi phần lời lại đơn giản hơn so với trước. "Lỗi", nếu có, sẽ thuộc về ai - bàn tay khối óc nhà sáng tác hay thị hiếu và tai nghe thính giả?

Từ giai điệu...

Trên tạp chí Scientific Reports đầu tháng 7 vừa qua, các nhà âm nhạc học thuộc Đại học Queen Mary (London) công bố kết quả nghiên cứu gây chú ý: giai điệu phần hát trong âm nhạc đại chúng đang giảm dần độ phức tạp qua từng năm.

Sử dụng dữ liệu là các bài hát lọt top 5 của bảng xếp hạng Billboard Mỹ, từ năm 1955 đến năm 2023, các tác giả phân tích 8 đặc điểm liên quan đến cao độ và cấu trúc nhịp điệu của các giai điệu. Kết quả cho thấy cả cao độ và tiết tấu của ca từ trong các bài hát đại chúng đều có xu hướng bớt phức tạp qua từng năm, với 3 mốc thay đổi đáng kể: năm 1975, 1996 và 2000.

Một cách lý giải các cuộc "cách mạng giai điệu" này, theo Madeline Hamilton - trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Queen Mary - là sự trỗi dậy của các dòng nhạc mới theo thời gian. 

Cụ thể, 1975 là năm cao trào của nhạc disco và stadium rock, vì thế độ phức tạp của giai điệu giảm mạnh, theo dữ liệu nghiên cứu. Tương tự, hai mốc 1996 và 2000 ứng với sự lên ngôi của hip-hop và nhạc điện tử cùng kênh MTV.

Hamilton và giáo sư hướng dẫn Marcus Pearce, trưởng phòng nghiên cứu nhận thức âm nhạc Đại học Queen Mary, cũng phát hiện các đặc tính khác của nhạc pop, chẳng hạn số nốt trên giây, lại tăng dần theo thời gian. 

Nhạc nhanh hơn nhưng đổi lại sẽ kém phức tạp hơn. Ngoài ra, giai điệu được lặp trong một bài hát ngày một nhiều, có lẽ là nhờ kỹ thuật sample và loop - vốn đi liền với văn hóa hip-hop, sau này được mở rộng và ưa dùng trong nhạc pop.

"Ngày nay, với độ phủ rộng của các phần mềm và kho tàng âm thanh cho sản xuất nhạc điện tử với hàng triệu sample và loop, bất cứ ai với một laptop nối mạng có thể tạo ra các âm thanh mà họ tưởng tượng ra" - nhóm của Hamilton viết.

Tuy nhiên, Hamilton và cộng sự thận trọng trong việc kết luận về sự "mất mát" của giai điệu, vì bất cứ kết luận nào trong đề tài này cũng dễ sa đà vào ngõ cụt "nhạc xưa và nhạc nay". Họ nhận định: "Không phải âm nhạc đang ngày một kém phức tạp đi, mà chỉ là giai điệu đang bớt phức tạp, nhưng có thể các hợp âm hoặc phần sản xuất đang ngày một tinh vi hơn".

...đến lời ca

Thế nhưng, nếu thực sự nhìn vào hai phe "nhạc xưa" và "nhạc nay" thì phe sau đang có phần yếu thế, bởi một nghiên cứu khác được công bố đầu năm nay cũng cho thấy nhạc nay đang ngày một đơn sơ hơn, cụ thể là về mặt ca từ.

Trong bài báo khoa học đăng trên trên Scientific Reports số tháng 3-2024, Eva Zangerle, nhà nghiên cứu khoa học máy tính tại Đại học Innsbruck (Áo), cùng các cộng sự đã chỉ ra rằng ca từ trong 50 năm qua ngày càng giảm độ phức tạp, lặp lại nhiều hơn, giận dữ hơn và vị kỷ hơn.

Zangerle và cộng sự đã tổng hợp lời của 353.320 ca khúc đại chúng từ năm 1970 đến 2020, sau đó để máy học nguồn dữ liệu này và đúc rút các đặc điểm ngôn ngữ chính từ khối ca từ. Các mô hình học máy khác cũng được sử dụng để quan sát sự thay đổi của cách hành văn của giới nhạc sĩ trong từng năm.

Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tỉ lệ ca từ bị lặp (so với ca từ không lặp) ngày càng tăng, ở mức gần gấp đôi cho nhạc pop và thậm chí còn tăng nhanh hơn trong dòng nhạc rap.

Bên cạnh đó, âm nhạc đương đại cũng chứa đựng nhiều ca từ tiêu cực và ít ca từ tích cực hơn, đồng thời lời ca cũng mang tính cá nhân nhiều hơn, khi các từ "I" và "me" (tôi) có tần suất sử dụng tăng đáng kể. Cấu trúc bài hát cũng có sự thay đổi, các đoạn điệp khúc được dùng ngày một nhiều.

Âm nhạc xưa & nay: "Kém" từ giai điệu tới lời ca  - Ảnh 2.

Ảnh: towardsdatascience.com

Không ai dám chắc 100% tại sao nhạc pop lại đang chuyển biến theo hướng này, nhưng theo Michael Varnum, nhà tâm lý học văn hóa tại Đại học Arizona State (Mỹ), một giả thuyết phổ biến có liên quan đến việc âm nhạc đang ra lò nhanh và nhiều chưa từng thấy. 

"Khi phải đối diện với vô vàn lựa chọn, con người thường có xu hướng chọn những thứ dễ tiêu thụ và dễ hiểu hơn" - Varnum nói với Scientific American. Bên cạnh đó, Varnum cũng chỉ ra xu hướng bật nhạc nền khi đang làm việc, vốn đang ngày một phổ biến trong xã hội đương đại. "Sẽ dễ hiểu nếu người ta chọn nhạc nền không quá khó nghe hoặc phức tạp khi đang làm việc" - ông nói thêm.

Một lý giải khác đến từ ngành công nghiệp âm nhạc, vốn đang chuyển mình mạnh mẽ vì thói quen thu nạp nội dung ở định dạng số và từ mạng xã hội. "Khi não bộ chúng ta quen với việc đọc và viết các câu ngắn theo giới hạn ký tự, não bộ chúng ta cũng dần bớt quen, bớt kỳ vọng hay mưu cầu một câu hoàn thiện - dù là câu văn hay câu ca" - nhà soạn nhạc Yuval Shrem viết trên tạp chí Keyboard từ năm 2014.

Khi "content" (nội dung) ngắn lên ngôi, các nghệ sĩ cũng có xu hướng thu ngắn các bài hát, đồng thời cài cắm nhiều điệp khúc nhất có thể để hy vọng tác phẩm được lan truyền mạnh (viral).

Không quá u ám

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu trên không có nghĩa là nhạc-nay-dở-hơn-nhạc-xưa: "Sự suy giảm trong độ phức tạp của giai điệu có thể đến từ nhiều yếu tố của nghịch cảnh thời hiện đại" - Hamilton và đồng nghiệp viết trong nghiên cứu của mình.

Nói cách khác, đây có thể là sự tiến hóa để phù hợp với hoàn cảnh âm nhạc hiện đại, nơi các bảng xếp hạng tưởng thưởng các bài hát nhanh hơn, có nhiều lớp lang nhạc cụ và giọng hát, đồng thời có hòa âm phối khí ngày một sắc bén. 

Nghiên cứu của Hamilton lấy ví dụ: các giai điệu có "biên độ cao độ nhỏ, số lượng cao độ nhỏ, và rất nhiều đoạn lặp", như có thể thấy rõ trong bài Bad Guy của Billie Eilish, lại giúp bài hát làm nên tên tuổi của ca sĩ Gen Z năm 2019.

Với các công nghệ thu âm ngày một tân tiến, mà sức tri nhận của não bộ con người chỉ có giới hạn, sự tinh vi phức tạp sẽ phải bị hy sinh ở một số khía cạnh như ca từ và giai điệu, theo Patrick Savage, nhà âm nhạc học tại Đại học Auckland (New Zealand).

Chúng ta không thể tận hưởng những thứ quá phức tạp hoặc quá khó nhớ - não bộ chúng ta có giới hạn. Savage cũng cho biết các nghiên cứu như của nhóm Hamilton chưa được thiết kế để tính đến sự tinh vi trong các thể loại như rap, vốn dựa vào các âm thanh vi tế và không được coi là ngôn từ, nhưng đôi khi "còn phức tạp hơn cả lời ca trong các bài hát thông thường".

Hamilton cũng đồng ý rằng giai điệu phức tạp không phải là chỉ dấu tuyệt đối của một bài hát chất lượng. "Sự đơn giản có cái đẹp riêng của nó" - cô cho biết. Suy cho cùng, nhạc pop của mỗi giai đoạn, chẳng phải là để hợp nhĩ người nghe của giai đoạn đó sao?

Madeline Hamilton đã nghiên cứu về mỹ học của giai điệu từ năm 2019, và nhanh chóng nhận ra rằng mọi dữ liệu hiện có về giai điệu đều là về nhạc cổ điển hoặc dân ca.

Cô nói với The New York Times: "Và như vậy thật kỳ lạ. Điều này không phản ánh những gì chúng ta vẫn đang nghe mỗi ngày", tức nhạc pop. Vì thế cô quyết định chọn giai điệu trong âm nhạc đại chúng làm đề tài cho luận án tiến sĩ.

Việc đầu tiên phải làm là xây dựng tập dữ liệu các sheet (tổng phổ) của từng bài hát, trong đó giai điệu được ghi thành chuỗi nốt nhạc để máy đọc được.

Việc này mất tương đối nhiều công, vì các nghiên cứu trước đây trong ngành khoa học máy tính có liên đới đến âm nhạc đều sử dụng dữ liệu đầu vào là các đoạn âm thanh trích trực tiếp từ bài hát.

Để có thể đạt được các mục tiêu nghiên cứu của mình, cô buộc phải chép nhạc bằng tay tại nhà trong suốt kỳ giãn cách COVID-19. Thành quả là kho dữ liệu gồm hơn 1.000 bản chép nhạc bằng file MIDI từ 366 ca khúc nổi tiếng trải dài 7 thập kỷ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận