Khi ông Trump thích "vờn giỡn" với thuế quan

QUÂN ANH 14/07/2025 08:44 GMT+7

TTCT - Những bức thư thuế quan của Tổng thống Trump, nếu so lại với thời điểm công bố mức thuế rất cao hồi tháng 4, cho thấy sở thích của ông về áp thuế đang đi ngược với hình ảnh của ông như một người muốn đạt các thỏa thuận lớn.

a - Ảnh 1.

Ảnh: export.org.uk

Ông Trump từng khoe sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận với hàng chục nước, nhưng tới trước thời hạn chót, chính quyền của ông mới đạt được thỏa thuận với ba nước - và các chi tiết còn rất hạn chế.

Các quan chức nước ngoài, chuyên gia thương mại, nghị sĩ và thậm chí các đồng minh Nhà Trắng thì thể hiện quan điểm bi quan, tự chất vấn rằng liệu thỏa thuận với chính quyền Trump có ý nghĩa gì không khi ông Trump thích dùng thuế để tạo lợi thế nhằm đạt một số lợi ích nhất định. 

"Trump biết phần thú vị nhất trong nhiệm kỳ này là chính sách về thuế - Politico trích một nhân vật thân cận ở Nhà Trắng - Tôi thấy rất khó để ông ấy xuống thang dễ dàng. Mọi thứ đều là giả. Sẽ không có hạn chót nào. Đó chỉ là những cái mốc tự đặt ra cho cái show diễn này, và chúng ta đang ở đó".

Washington dường như vẫn quyết tâm theo đuổi áp thuế, duy trì mức thuế căn bản 10% với mọi đối tác thương mại. Ông Trump đồng thời áp thuế cao hơn với một số ngành như xe hơi, linh kiện xe và một số ngành khác, nhằm gây sức ép chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia và có thêm thu ngân sách.

Kể từ khi công bố mức thuế trên trời tại Vườn Hồng hôm 2-4, mà Nhà Trắng gọi là "Ngày Giải phóng", ông Trump tìm cách có tất cả mọi thứ trong đàm phán. 

Trong khi đó, bộ ba đàm phán của ông - Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer - thì chạy đua hết tốc lực để đạt được thỏa thuận với một loạt nước khác nhau, mà cả ba đều không có quyền để hạ đáng kể mức thuế trong đàm phán.

Kết quả là quá trình đàm phán rất rối, với ít tiến triển và khó đạt được thỏa thuận. Các nước đã gửi một loạt đại diện tới Mỹ để đàm phán, nhưng nhiều đoàn tới Washington DC mà không xin được lịch hẹn. 

Một số gặp được các quan chức Nhà Trắng nhưng sau đó lại thấy rối vì không rõ Mỹ thật sự muốn gì, hoặc sau đó lại thấy ông Trump lên mạng xã hội chỉ trích nước mình kịch liệt.

Khi hạn chót hôm 9-7 tới gần, Nhà Trắng và các thành viên nội các của ông Trump đưa ra các thông điệp khác nhau. 

Cả ông Bessent và giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Kevin Hassett đều gửi thông điệp tới đồi Capitol và trên truyền hình là ông Trump sẽ gia hạn thời gian, trong khi ông Trump thì bác bỏ khả năng này (thực tế cuối cùng ông áp thuế và lùi thời gian áp xuống 1-8). 

"Có thể nghĩ ông ấy nghĩ đây giống như trò chơi - ông ấy là tổng thống của Mỹ. Ông ta hiểu tác động là thế nào. Ông không cố tạo ra hỗn loạn kinh tế chỉ vì để tăng view trên tivi. Ông ta hiểu mình đang làm gì và có những mục tiêu rất rõ được vạch ra" - một quan chức Nhà Trắng đánh giá.

Mấy tuần gần đây ông Trump nói về việc gửi thư cho các nước. Giới quan sát cho rằng ông đã chán các quá trình đàm phán và chỉ muốn áp thuế cho nhanh với các nước, thông báo với họ rằng là họ được "vinh dự" giao thương với nước Mỹ. 

Nói với báo giới trước khi gửi thông báo đi cho các nước, ông nói các nước cần biết "họ phải trả tiền để làm ăn với nước Mỹ". Cách làm này thực ra không khác nhiều so với cách ông thông báo thuế đầu tháng 4, nhưng sau đó thì ông hoãn lại khi nhà đầu tư và các công ty hoảng loạn vì các biểu thuế này khiến thị trường chứng khoán sụp, còn lãi suất tăng cao.

Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện chính sách của Asia Society và từng là nhà đàm phán của Đại diện Thương mại Mỹ thời Obama, cảnh báo: "Cần nhìn kỹ các thỏa thuận, vì các thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc sẽ tránh bạn khỏi các mức áp thuế mới. Bạn có thể làm gì đó khiến Trump khó chịu và ông ta sẽ lại dọa đợt thuế nữa".

Nhà Trắng nói họ đang sắp có thỏa thuận với Ấn Độ. Một loạt quan chức thương mại đã tới Washington để đàm phán thỏa thuận trong mấy tuần gần đây. EU, khối từng bị Trump chỉ trích vì không thiện chí đàm phán, giờ đã chịu một số nhượng bộ. 

Mark DiPlacido, người từng làm ở văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nói ông Trump sẽ dùng các đe dọa thuế cho tới hạn chót. Mục đích cuối cùng của ông ta vẫn là các thỏa thuận

Nhưng các thỏa thuận được công bố tới giờ chưa phải hiệp định thương mại đầy đủ, vốn cần sự phê chuẩn của quốc hội. Thay vào đó, dường như các thỏa thuận theo mô hình thỏa thuận khung với Anh. 

Thay vì các chi tiết, hai bên đồng ý một số điều khoản nhất định về mua sắm hàng hóa và mức thuế, và đồng ý tiếp tục đàm phán về các vấn đề khó hơn - như với Anh là thuế dịch vụ số cùng các rào cản về nông nghiệp.

Everrett Eissenstat, cố vấn thương mại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Trump, phân tích: "Kể cả khi thỏa thuận đã xong, các đàm phán vẫn tiếp tục… Bức tranh lớn hơn là ông ấy đang đẩy mọi thứ theo hướng mình muốn, là có đi có lại cùng nhắm tới mức thuế nền cao hơn. Nó sẽ gập ghềnh, nhưng cuối cùng ông ấy đạt được các tiến triển".

"Nếu thắng được gì thì nhận thôi - một người thân Nhà Trắng nói về lời khuyên dành cho tổng thống - Bạn chỉ có thể phỏng đoán là nếu ông ta không muốn ký thỏa thuận thì chỉ là vì ông thích trò chơi (vờn giỡn) này quá nhiều". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận