Những ảo tưởng về hồi phục các nhà máy ở Mỹ

THANH TUẤN 14/07/2025 08:42 GMT+7

TTCT - Ảo tưởng về sản xuất khiến mục tiêu phục hồi, phát triển sản xuất nhiều nước chệch hướng.

c - Ảnh 1.

Công nhân tại nhà máy của Gambert Shirts, một nhà sản xuất áo sơ mi may đo chất lượng cao, ở Newark (New Jersey, Mỹ) tháng 3-2025. Ảnh: Reuters/Mike Segar

Chính trị gia trên thế giới đều mê mẩn các nhà máy. Ông Donald Trump muốn đưa tất cả về Mỹ từ sản xuất thép, dược phẩm và đang dựng hàng rào thuế để ép việc này. Chính phủ Anh cân nhắc hỗ trợ tiền điện cho các nhà máy. 

Chính phủ ở Đức và Indonesia thì tìm cách thu hút các nhà sản xuất chip và pin. Tuy nhiên, theo The Economist, tất cả các nỗ lực thúc đẩy sản xuất này sẽ không thể thành công và có thể còn gây tổn hại nhiều hơn.

Cuộc đua phục hồi sản xuất hiện nay có nhiều mục tiêu. Giới chính trị gia phương Tây muốn hồi sinh các công việc thu nhập tốt ở nhà máy, phục hồi các trái tim công nghiệp giờ đang lụi tàn. 

Các nước nghèo thì muốn thúc đẩy phát triển cùng việc làm. Các lãnh đạo hy vọng sức mạnh công nghiệp sẽ thể hiện sức mạnh quốc gia. Đằng sau câu chuyện này là sự chi phối áp đảo của Trung Quốc như công xưởng lớn của thế giới lúc này - nhiều nước vừa sợ vừa ghen tị.

Việc làm, tăng trưởng và sự kiên cường đều là các mục tiêu ý nghĩa. Tuy nhiên, ý tưởng thúc đẩy sản xuất để đạt các mục tiêu này thực tế lạc đường. Quan điểm này dựa trên một loạt hiểu lầm về nền tảng kinh tế hiện đại.

Những hiểu lầm về sản xuất hiện đại

Lo ngại đầu tiên là việc làm. Các lãnh đạo hy vọng thúc đẩy sản xuất sẽ tạo việc làm cho công nhân không có bằng đại học, hay ở các nước đang phát triển, là lao động nhập cư từ nông thôn. Nhưng các nhà máy hiện được tự động hóa rất cao. 

Trên toàn cầu, lượng lao động nhà máy đã giảm hơn 20 triệu (khoảng 6%) kể từ 2013 tới nay mặc dù sản lượng về giá trị đã tăng hơn 5%. Tăng việc làm cho tất cả các nước là điều không thể.

Rất nhiều việc trong dây chuyền sản xuất hiện nay là của nhân viên kỹ thuật hoặc kỹ sư, không còn là của các lao động giản đơn. Trong khi đó, 1/3 số việc làm ở nhà máy Mỹ hiện nay được thực hiện bởi các lao động không bằng cấp. 

Theo một tính toán, để các nhà máy có thể bù đắp thâm hụt thương mại ở Mỹ thực tế chỉ cần thêm 1% lao động. Công việc ở nhà máy không còn được trả mức lương tốt cho lao động phổ thông giống như các ngành khác, ví dụ như xây dựng. 

Trong khi năng suất lao động trong sản xuất tăng trưởng chậm hơn so với mảng dịch vụ thì việc tăng lương cũng sẽ không thể nhanh hơn các ngành khác.

Hiểu lầm nữa là sản xuất là cần cho tăng trưởng kinh tế. Sản lượng sản xuất của Ấn Độ hiện chiếm khoảng 15% - thấp hơn 10 điểm phần trăm so với mục tiêu của Thủ tướng Modi. Nhưng điều đó không cản trở kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở tốc độ đáng khâm phục.

c - Ảnh 2.

Trong một nhà máy của hãng Honda ở Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến ở Ukraine cùng căng thẳng với Trung Quốc khiến có lập luận nước giàu cần tái công nghiệp vì lý do an ninh. Dường như là nguy hiểm nếu chỉ dựa vào các nhà máy ở nước ngoài. 

Ngoài chuyện Trung Quốc gần như độc quyền trong công nghệ làm sạch đất hiếm khiến nước này có thể chặn đứng các ngành như sản xuất xe hơi, gây sức ép với Mỹ, phương Tây cũng cần chuẩn bị các nguồn dự trữ vũ khí và đạn dược, đảm bảo các hạ tầng quan trọng được lấy từ đồng minh và xây dựng những thứ cần thời gian dài như tàu chiến trước khi xung đột nổ ra. 

Nhưng trong thế giới ngày càng siêu chuyên biệt hóa hiện nay, việc trợ cấp để thúc đẩy tái công nghiệp sẽ không giúp tăng khả năng sẵn sàng cho chiến tranh. Sản xuất tên lửa Tomahawk rất khác so với sản xuất xe Tesla. Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy kinh tế thời chiến cũng có thể sáng tạo và tăng quy mô ở mức rất nhanh.

Điểm lầm tưởng nữa là cho rằng sức mạnh công nghiệp của đại lục là nhờ nền kinh tế dẫn dắt bởi nhà nước, nên sẽ cần đối trọng bằng mô hình tương tự. 

Trung Quốc chiếm 29% tỉ trọng giá trị tăng thêm của sản xuất toàn cầu là nhờ quy mô rất lớn của nền kinh tế hơn là vì tác động của chiến lược. Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, nước này giờ có thị trường nội địa khổng lồ cho các nhà sản xuất. 

Nhờ những sáng tạo mới, nền kinh tế tầng thấp của drone và taxi bay được dự đoán sẽ sớm hình thành, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã giảm một nửa trong tỉ trọng kinh tế đại lục.

Theo The Economist, cách để đối trọng với sức mạnh sản xuất của đại lục không thể bằng phân tách một cách đau đớn, mà cần xây dựng một khối đủ lớn để đối trọng với quy mô kinh tế.

Cách tốt nhất đạt được điều này là các đồng minh phối hợp với nhau và giao thương bằng kinh tế mở, ít các rào cản quy định; các nhà máy ở Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc cùng nhau sẽ đạt được giá trị lớn hơn là các nhà máy ở đại lục. Như giai đoạn Covid chứng minh, chuỗi cung ứng đa dạng sẽ kiên cường hơn nhiều các chuỗi cung ứng gói gọn ở tầm quốc gia.

Các chính quyền hiện nay đang đi theo hướng ngược lại. Ảo tưởng về sản xuất khiến nhiều nước rơi vào chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh giành những việc giờ không còn tồn tại. 

Điều này chỉ khiến thu nhập thấp đi, năng suất lao động kém và chặn động lực đổi mới trong khi Trung Quốc vẫn có sức mạnh vô song về công nghiệp. Cơn cuồng sản xuất không chỉ lạc lối mà còn là tự bắn vào chân.

c - Ảnh 3.

Một nhà máy dệt may ở Indonesia. Ảnh: DW

Rào cản để phục hồi nhà máy ở Mỹ

Theo The New York Times, các hứa hẹn của Tổng thống Trump về phục hồi nền sản xuất Mỹ đang đối mặt với thực tế rất khó khăn, đặc biệt là về dân số.

Lượng công nhân sẵn sàng và có khả năng làm việc ở nhà máy ở đây đang giảm mạnh. Khi những công nhân thế hệ 1940-1950 nghỉ hưu, ngày càng ít người trẻ thay thế họ. 

Theo Cơ quan Dữ liệu lao động, hiện có khoảng 400.000 việc làm nhà máy không kiếm được người. Con số này chắc chắn sẽ tăng nếu các công ty buộc phải xây thêm nhà máy ở Mỹ, theo các chuyên gia.

Theo Victoria Bloom, kinh tế trưởng Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, việc khó thu hút và giữ nhân sự chất lượng thường được coi là "thách thức hàng đầu" ở các nhà máy kể từ 2017. Chỉ gần đây thì vấn đề này mới tụt xuống, bị vượt lên bởi lo lắng về tính bất định liên quan thương mại và lo ngại về tăng giá nguyên liệu do thuế.

Việc thiếu lao động có trình độ vẫn là vấn đề dài hạn, theo Ron Hetrick, kinh tế gia của Lightcast, công ty chuyên cung cấp số liệu lao động cho các trường đại học và các ngành. "Đã ba thế hệ, chúng ta nói với mọi người rằng nếu không đi đại học thì sẽ là thất bại, giờ thì phải trả giá: chúng ta vẫn cần lao động chân tay" - ông nói.

Thách thức thuê người với các nhà máy ở Mỹ là đa chiều. Việc ông Trump trấn áp người nhập cư, như việc hủy các bảo vệ đối với người nhập cư từ các nước có vấn đề có thể dẫn tới loại bỏ các lao động có thể làm việc ở nhà máy. 

Nhiều người Mỹ hiện không thích việc ở nhà máy vì lương không hấp dẫn so với các công việc trong ngành dịch vụ vốn có thời gian linh động và môi trường làm việc dễ chịu hơn.

Với một số công ty, để cạnh tranh toàn cầu, họ cần sử dụng các thiết bị phức tạp đòi hỏi lao động đào tạo chuyên sâu và hiểu biết các phần mềm. Các ông chủ giờ không thể thuê lao động vừa tốt nghiệp cấp III mà không đào tạo thêm.

Việc thu hút người trẻ theo đuổi công việc ở nhà máy cũng thách thức khi hầu hết các hướng nghiệp giờ vẫn hướng vào việc học sinh nên vào đại học. Sinh viên tốt nghiệp đại học thì thường không có kỹ năng để có thể làm ở nhà máy. 

Theo Hetrick, Mỹ đang có quá nhiều người tốt nghiệp đại học không kiếm nổi việc làm thích hợp với ngành được học trong khi lại không đủ lao động phổ thông cho các nhà máy hiện tại chứ đừng nói là nếu có các nhà máy mở thêm.

Nhóm lobby Business Roundtable, gồm các thành viên là CEO nhiều công ty, đã khởi động dự án mà lãnh đạo các công ty phối hợp về chiến lược thu hút và đào tạo thế hệ công nhân mới. 

Tại một sự kiện hồi giữa tháng 6 ở Washington DC, họ thấy rõ kiếm được nhân sự phù hợp khó như thế nào. Ý tưởng của họ bao gồm rà lại miêu tả công việc của các công ty để ưu tiên tập trung vào kinh nghiệm hơn là bằng cấp đại học và sẵn sàng tuyển các học sinh trung học từ lớp 11 để tạo sự quan tâm của người trẻ với việc làm ở nhà máy.

Những ảo tưởng về hồi phục các nhà máy ở Mỹ - Ảnh 4.

Nhà máy Ariens chuyên các loại thiết bị ngoài trời ở tiểu bang Wisconsin, Mỹ. Ảnh: Reuters

"Cứ 20 thông tin tuyển dụng đăng, chúng tôi chỉ kiếm được 1 ứng viên đáp ứng" - theo David Gitlin, chủ tịch Carrier Global, công ty sản xuất điều hòa, lò đốt, các thiết bị sưởi và làm lạnh. 

Với sự nổi lên của AI, theo ông Gitlin, đang cần nhiều các kỹ thuật viên phục vụ các trung tâm dữ liệu, vốn thường có hệ thống làm lạnh gắn kèm. Ông tính toán mỗi trung tâm dữ liệu sẽ cần bốn kỹ thuật viên để duy trì một dàn lạnh. 

"Cả ngành về nhiệt hiện có 425.000 kỹ thuật viên - ông nói - Chúng ta cần tuyển thêm 400.000 - 500.000 kỹ thuật viên nữa trong 10 năm". Nhưng số người trẻ vào các trường nghề và cao đẳng cộng đồng thì đang ngày càng giảm.

Tại sự kiện của Business Roundtable, các lãnh đạo ca ngợi nỗ lực của ông Trump nhằm hồi sinh nền tảng công nghiệp của nước này. Nhưng một số lãnh đạo đánh giá chính sách nhập cư của ông Trump sẽ cản trở các nỗ lực kiếm lao động cho các nhà máy mà ông muốn hồi sinh.

Trong tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent bị rất nhiều nhân viên liên bang chỉ trích khi ông nói các nhà máy có thể tuyển lao động từ các viên chức bị cắt giảm trong bộ máy chính quyền.

Sara Armbruster, giám đốc điều hành công ty thiết kế đồ gỗ Steelcase, nói các doanh nghiệp cần tuyển học sinh từ cấp III để định hướng cho họ và phụ huynh biết rằng làm việc trong nhà máy có triển vọng thế nào, và khi đó, "nó sẽ thay đổi mọi thứ trong việc mở ra các tương lai về nghề nghiệp cho họ".■

Chính quyền Trump cắt mạnh các chương trình đào tạo cho công nhân đồng thời cũng tác động tới nhóm thế hệ mới các công nhân. Chính quyền đang cắt chương trình Job Corps, chương trình đã có 60 năm nay nhằm cung cấp cho trẻ không điều kiện từ 16-24 tuổi có thể có nghề nghiệp.

"Khoảng cách giữa kỹ năng hiện có và kỹ năng cần có ngày càng bị nới rộng. Công nghệ tiến lên nhanh trong khi giáo dục vào dạy nghề thì bị tụt lại" - Chris Kastner, chủ tịch tập đoàn đóng tàu Hungtington Ingalls, nói. Hãng này đã tuyển 68 học viên của Job Corps hồi tháng 12 nhằm củng cố lực lượng công nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận